Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2015
Việt Nam : Phản đối thi hành án một tử tù bị giam từ 11 năm
Việt Nam : Phản đối thi hành án một tử tù bị giam từ 11 năm
Đăng bởi Trung Lập on Thứ Bảy, ngày 24 tháng 10 năm 2015 | 24.10.15
Nhà tù. Ảnh minh họa.
Thêm một án tử hình bị phản đối tại Việt Nam. Theo thông tin từ trong nước, ngày 23/10/2015, tại Hà Nội, đã diễn ra một cuộc biểu tình trước Tòa án Tối cao để đề nghị đình chỉ việc thi hành án đối với ông Lê Văn Mạnh, bị giam giữ từ 11 năm, vì bị cáo buộc tội giết người. Nhiều luật sư đã kiến nghị khẩn cấp chính quyền ngưng thi hành án và điều tra lại về vụ án nhiều uẩn khúc này.
Theo quyết định của tòa án tỉnh Thanh Hóa, ông Lê Văn Mạnh sẽ bị hành quyết vào ngày 26/10/2015. Vụ án ông Lê Văn Mạnh, sinh năm 1982, được tòa giám đốc thẩm năm 2007 yêu cầu xét xử lại. Theo bà Nguyễn Thị Việt, mẹ của tử tù Lê Văn Mạnh, ngày 17/10/2015, gia đình nhận được quyết định thi hành án và thông báo nhận xác và kể từ quyết định giám đốc thẩm yêu cầu xét xử lại đến nay, gia đình không được thông tin gì từ tòa án.
Bà Nguyễn Thị Việt cho biết : « Đối với gia đình tôi, sáu lần tòa xử thì đều có mặt cả. Lần giám đốc thẩm là bảy lần. Gia đình tôi thấy không có gì để kết tội cả.
Trong sáu lần xử đó, vẫn có một bản án giống nhau hết, không có chi tiết nào khác cả, không có chi tiết gì để lý cớ là con tôi phạm tội cả. Chỉ dựa vào lời khai bị bức cung của con tôi. Nó phải nhận tội, không nhận tội, nó đánh chết. Với lời khai của con gái tôi, lúc đó mới 9 tuổi. Nó đi học, công an vào trường lấy lời khai, gia đình không được biết, không được giám hộ. Tòa kết luôn án tử hình.
Đến khi tòa xử, thì đọc ra gia đình tôi mới biết là nó lấy lời khai của con bé. Hỏi nó thì nó bảo không biết gì cả : các chú bảo con ký thì con ký ».
Bà Nguyễn Thị Việt cho biết thêm, bà vừa được công an thả sau khi bị công an câu lưu cùng nhiều người khác, do tham gia vào cuộc biểu tình yêu cầu đình chỉ hành quyết ông Lê Văn Mạnh.
Luật sư Trần Thu Nam, người vừa cùng một nhóm các luật sư có đơn khẩn cấp yêu cầu đình chỉ việc thi hành án cho biết : « Chúng tôi chưa nghiên cứu toàn bộ hồ sơ, mà chỉ nghiên cứu một số tài liệu do gia đình cung cấp, cũng như các bản án của tòa sơ thẩm và phúc thẩm. Chúng tôi nhận thấy một số dấu hiệu có thể dẫn đến oan sai. Trong vụ án này, có một uẩn khúc là : người bào chữa sau đó đã không bào chữa nữa. Và tòa án lại chỉ định một luật sư khác, và bị cáo đã từ chối luật sư đó. Nhận thấy các dấu hiệu như vậy, nên chúng tôi đề nghị hoãn thi hành án ».
Trọng Thành
(RFI)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét