Thứ Hai, 19 tháng 10, 2015
Tôi cũng có bảy điều gửi gắm cho Sài Gòn
Nguyễn Khắc Mai - Tôi cũng có bảy điều gửi gắm cho Sài Gòn
Đăng bởi Ha Tran on Thứ Ba, ngày 20 tháng 10 năm 2015 | 20.10.15
Nhân đọc báo thấy anh Trọng TBT đảng, đọc diễn văn chào mừng đại hội đảng bộ tp HCM, có nêu bảy vấn đề gửi gắm. Là một người có sự gắn bó với thành phố này từ hồi “Chín năm”, tôi cũng có bảy điều gởi gắm cho Sài gòn.
Nhưng trước hết phải bàn đôi điều về bảy vấn đề của anh Trọng. Bảy vấn đề ấy là tóm tắt những gì đã được nêu trong báo cáo. Những người học vấn trung bình đọc báo cáo cũng có thể chắt lọc ra những vấn đề như vậy. Điều bây giờ tôi có thể kết luận mà không sợ sai rằng đã trở thành một thói quen, lâu ngày đã thành tật xấu. Đó là lối phát biểu kiểu “kangaroo”, như nhà báo Tô văn Trường đặt tên. Kiểu kangaroo là lối phát biểu không có ý tứ gì, vô thưởng vô phạt.
Tôi còn nhớ hồi ông Mạnh hai khóa liền làm TBT, ông đã để lại một giai thoại, nói giai thoại là nói chữ, chứ thật ra là cười ra nước mắt. Ai đời, một nhà lãnh đạo mà đi tỉnh nào cũng mấy câu hỏi, “tỉnh nhà nên trồng cây gì, nuôi con gì cho sinh lợi”? Thét rồi bà con ngao ngán liền cho một câu trả lời, cứ trồng cây thuốc phiện, nuôi con va ve là có lời nhất!
Nhiều vị xuống địa phương phán: Tỉnh, thành ta phải phát huy thế mạnh, vươn lên để có công nông nghiệp phát triển, giải quyết công ăn việc làm, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, lao động .v.v… Phát biểu của anh Trọng không có gì sai, nhưng chỉ dừng lại như “một đại cử tri” vẫn thường họp với các anh trước một kỳ họp Quốc hội.
Người ta chờ đợi ở một người lãnh đạo tầm quốc gia có suy nghĩ gì, hứa hẹn gì, chỉ ra cho được để làm bảy vấn đề ấy thì Sài gòn cần những điều kiện thể chế, pháp lý nào, phương thức đầu tư nào, những khó khăn nào phải vượt qua, và phải chỉ ra thành phố làm được đến đâu, TƯ làm đến đâu, những gì. Khiến tôi cứ nghĩ rằng các anh ở TƯ rất hời hợt và lười biếng, rất ngại khó, không dám đương đầu suy nghĩ về cái “sự thật” mà cấp dưới và chính mình đang đương đầu. Nội một quy chế đặc thù cho Sài gòn bàn mãi vẫn chưa có kết luận.
Tôi không xui Sài gòn phá rào nữa, bởi qua đại hội vừa kết thúc, tôi thấy dường như điều ấy ngoài cái tầm và cái tâm của các anh, chị. Tôi xin nêu bảy điều gởi gắm của tôi.
Một là: Về cái mục tiêu: “TP văn minh hiện đại, nghĩa tình, giữ vai trò đầu tàu và kinh tế – xã hội, sớm trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học – công nghệ của khu vực Đông Nam Á”. Có thể đây là một mục tiêu đã được un đúc trăn trở, muốn tìm lại vầng hào quang xưa của “Hòn ngọc Viễn Đông”, mà chính mình đã cố tình đánh mất. Tôi nghĩ đây là hoài bảo đẹp, đáng bỏ công bỏ sức bỏ tâm huyết để thực hiện. Gian nan, chắc thế. Phải lột xác, phải chuyển kiếp, phải vươn lên một nhân cách mới, thay đổi bản chất con người, bản chất xã hội, cả cái bản chất của chế độ, thì may ra mới làm được.
Tôi thấy Sài gòn trong 40 chục năm qua có đổi thay nhiều. Nhưng nói như câu thành ngữ la tinh mà Mác hay dùng là “cacatum non es pictum” (cái bôi bác không phải bức tranh). Sài gòn chưa là bức tranh! Chỉ riêng cái mơ ước rất nhân văn, rất Việt là xây dựng một thành phố “nghĩa tình”. Có hai ví dụ về vấn đề này. Một là chuyện cô sinh viên Phương Uyên bị đuổi học chủ yếu chỉ vì cô ấy yêu nước không theo sự lãnh đạo, Phương Uyên đã đi trước nhiều ủy viên thành ủy khi sớm cảnh tỉnh và lên án hoạ xâm lược của Trung hoa. Thành phố đã nghiến răng đuổi học một người trẻ yêu nước đáng kính phục, vì chính kiến và tư duy của họ vượt lên cao hơn chúng ta. Chúng ta đuổi học vì em yêu nước không như chúng ta suy nghĩ. Đây là việc có nghĩa hay có tình. Ví dụ thứ hai để thấy chúng ta thật chưa có nghĩa có tình. Ở Sài gòn vẫn còn nhiều thân nhân của những chiến binh hải quân của VNCH. Chồng, cha và ông của họ là những chiến sĩ đã chiến đấu, hy sinh để bảo vệ Hoàng Sa thân yêu của chúng ta. Chúng ta đang đối xử với họ rất kém nghĩa tình. Xây dựng Thành phố Nghĩa tình, đó là minh triết của Dân tộc trong thời đại mới. Sài gòn đã bao giờ nghe nói tới chỉ số hạnh phúc quốc gia của Bhutan chưa? Chúng ta phải hình thành chỉ số nghĩa tình của mình.
Hai là: Hơn ở đâu trên nước ta, Sài gòn là nơi tiếp biến sớm nhất, lâu dài nhất với văn hóa và văn minh Tây phương. Sài gòn đã từng sống với những mô hình xã hội với những hình thức chính trị, kinh tế, văn hóa tiến bộ hợp lý. Chính Nhật bản, Hàn quốc, Singapore… nhờ biết tiếp biến những giá trị thời đại như thế mà họ ngày càng đi càng phát triển. Còn Việt Nam ta do một u mê ám chướng của số phận khiến đã vứt cái thật nhảy vồ lấy cái ảo ảnh, y hệt câu chuyện ngụ ngôn mà thế hệ Quốc văn giáo khoa thư đã học được. Vì sao Sài gòn có thể phá rào, vì Sài gòn đã được sống trong cái tâm thức và chút ít kinh nghiệm từ các mô hình hợp lý đó. Hãy biết nâng niu, giữ gìn và làm cho những giá trị của mô hình chính trị xã hội hợp lý ấy được tiếp biến thành bài học nhuần nhuyễn một cách khôn ngoan, thông minh, thành một giá trị chân lý, thành bản thể của xã hội mới của Sài gòn.
Điều rất trớ trêu, là từ năm 1937 Tố Hữu làm bài thơ có hình tượng ông lão nhà quê miệt vườn Nam bộ ngồi vót nan và mơ tưởng nước Nga, thì sau 1975 Sài gòn và cả nước đã đem úp cái mô hình Nga xô viết vào Việt Nam, tôi nghĩ rằng chúng ta thật như con chó trong chuyện ngụ ngôn “thả mồi bắt bóng”. Cũng năm 1937, khi Einstein và Andre Gide trở về từ Liên xô, họ đã viết bài phê phán và tiên đoán cái mô hình xã hôi Xô viết không hợp lý kia chắc là không “thọ” được. Thế mà nhiều trí thức của Sại gòn nay vẫn thờ cái mô hình xã hội đã phá sản!
Sài gòn hãy làm lại, hãy đi tìm lại và ứng dụng (cố nhiên là trong chừng mực cho phép, vì cái HP2013 vẫn còn đó) những giá trị của dân chủ dân quyền của kinh tế thị trường đích thực (thậm chí dẫu có phải thò cái đuôi XHCN thì trong hành động cũng phải vứt bỏ nó). Đó là nói về các nhà cầm quyền hiện tại. Còn như xã hội thì hãy giành lấy tự do để suy tư, để kiếm tìm và thực hành ngay những giá trị phổ quát của nhân loại hiện đại.
Ba là: Sài gòn là nơi sớm nhất tiếp nhận, tranh luận, thực hành những tư tưởng dân chủ, tự do, những giá trị văn hóa phương Tây, mà ngày nay đã trở thành giá trị phổ quát nhân loại. Hãy quay về đầu thế kỹ trước, tìm hiểu tư tưởng và hành trạng chỉ của năm vị họ Phan thôi, chúng ta sẽ thấy những giá trị thật vẫn còn “kim nhật, kim thì”. Năm vị họ Phan là Phan Châu Trinh, Phan văn Trường, Phan Văn Hùm, Phan Khôi, Phan Thanh, họ đều là những chiến sĩ dân chủ tiên phong ở nước ta. Chỉ riêng hai cụ Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường là người đã sáng tạo ra tên Nguyễn Ái Quốc (Nguyễn Le Patriote), rồi dạy dỗ và gởi gắm cái tên ấy cho Nguyễn Tất Thành, mà về sau tất thành người nổi tiếng.
Không lấy làm lạ là Vũ Ngọc Hoàng Ủy viên TƯ và cả anh Chín Đào, nguyên ủy viên TƯ, từng là Phó bí thư thành ủy Sài gòn đã nói khá đậm đà, nào là “Tự do dân chủ phải là linh hồn của Đổi mới” hôm nay, hoặc phải dân chủ hóa, càng rộng rãi càng tốt, khi bàn về ĐHXII này.
Do chưa có luật lập hội, nhất là một đạo luật tổ chức và hoạt động của các đảng chính trị dân chủ dân tộc trong thời kỳ mới ở nước ta, nên Sài gòn chưa thể tự mình công nhận (tôi dùng chữ công nhận chứ không dùng chữ cho phép. Một nhà nước dân quyền mà “cho phép” dân hoạt động là không có đạo lý mà cũng không có tinh thần pháp quyền) những tổ chức chính trị đa nguyên hoạt động. Nhưng Sài gòn phải biết tôn trọng các nhóm dân sự, các tổ chức phi chính phủ. Hãy thúc đẩy các nhóm “think tank” – những vựa tư tưởng trong xã hội hành động, không nên gây rối ngăn cản họ hoạt động.
Tôn trọng hoạt động và tiếng nói dẫu là của thiểu số đối lập, là dấu hiệu của một nhà nước, một xã hội có dân chủ thật. Ngay như Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đang hoạt động không có đạo luật nào điều tiết cả. Đảng Cộng sản cũng đang hoạt động, nếu không nói là phi pháp, thì cũng là thiếu vắng luật! Hiện nay chỉ có chủ trương của đảng là cấm những đảng khác tổ chức và hoạt động, chứ chưa hề có một luật nào cấm tổ chức và hoạt động của các đảng dân tộc, dân chủ cả.
Sài gòn, cả phía Dân và xã hội, cả đảng và chính quyền cần tìm sự đồng thuận, tìm những hình thức hoạt động để chủ động dần xây dựng một xã hội dân chủ dân quyền làm gương, thật sự là đầu tàu của nền dân chủ mới ở nước ta. Hãy thả hết những tù nhân lương tâm, trả lại tự do, đối xử có “nghĩa tình”, có đạo lý, có pháp quyền với những “ngoan dân”, những nhóm người bị gán cho là đối lập. Không có nhà nước dân chủ nào, xã hội tự do dân chủ nào mà không có nhóm đối lập. Đây là một thử thách của chế độ, một rào cản của phát triển lành mạnh, mà Việt Nam nhất định phải vượt qua. Sài gòn hãy đi đầu trong cả nước.
Bốn là: Xin giải quyết những vấn dề của công nhân, của nông dân cho tử tế. Giải quyết những vấn đề của dân oan đòi quyền lợi đất đai hợp tình, hợp lý, chính đáng, trả lại quyền lợi hợp pháp của họ đã bị xâm phạm cưỡng đoạt. Với công nhân xin lắng nghe lời của K. Marx phản tỉnh về số phận giai cấp công nhân. Điều ổng nói khiến tôi nghĩ tới thân phận của công nhân là từ kẻ làm phu đào huyệt, theo nghĩa Mác nói vào đầu đời, đến thân phận của tên nô lệ. Vào cuối đời khi trao đổi với Bakounine về tình cảnh giai cấp công nhân, Mác nói: “Một khi g/c công nhân giành được chính quyền, họ sẽ thúc đẩy một chế độ ủy trị, để cho một số người tự ứng cử và bầu cử nhằm cai trị họ (g/c công nhân). Ngay lập tức họ (g/c công nhân) sẽ rơi tỏm ngay vào sự dối trá và lệ thuộc. Sau một hồi hưng phấn cách mạng trong một nhà nước mới, họ sẽ bừng tĩnh thấy mình là nô lệ, là con rối, con mồi của những tham vọng mới!” (Dẫn theo Marx sa vie et son oeuvre. J Eleinstein.nxb Fayard)
Tình cảnh của g/c công nhân ở Việt Nam cũng như ở tất cả các nước XHCN đều y chang dự báo cay đắng của K.Marx từ hơn một thế kỹ trước.
Vì thế Sài gòn hãy thôi thúc, giúp đỡ, mời gọi những nhà hoạt động nghiệp đoàn giúp công nhân đi đầu thành lập những nghiệp đoàn độc lập để tham gia như một bên bảo vệ quyền lợi của công nhân khi ta bước vào thực thi hiệp định TPP. G/C công nhân thật sự chỉ còn lại mỗi một công cụ hợp lý và hữu hiệu là các nghiệp đoàn của chính mình, điều mà công đoàn quốc doanh đã không làm tròn nghĩa vụ.
Năm là: Anh Trọng có đề cập vấn đề giáo dục, xây dựng con người, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực bậc cao. Sài gòn từng có kinh nghiệm phát triển giáo dục tư nhân, đặc biết là sự tham gia giáo dục của các giáo hội tôn giáo. Sài gòn nên tạo điều kiện cho giáo hội tôn giáo tổ chức nhà trường và nhà thương, hai việc mà từ truyền thống lâu đời của nước ta đã từng có. Trên thế giới hệ thống trường học và nhà thương do các giáo hội tổ chức rất có hiệu quả về giáo dục thì cả ở cấp học phổ thông cả cao đẳng và Đại học. Nên nghiên cứu trả lại những cơ sở giáo dục và bệnh viện vốn của Thiên Chúa giáo và Phật giáo, hoặc tạo điều kiện cho họ mở trường và mở bệnh viện. Tôi khi còn làm việc đã có tờ trình vấn đề này với Ban khoa giáo và ban Bí thư, tôi tin rằng chủ trương này chỉ có lợi và có tình, có nghĩa.
Sáu là: Chưa bao giờ chúng ta thấy da diết cần có một khối đoàn kết, thống nhất đất nước như hôm nay. Vì chúng ta đang đứng trước hai điều. Một là phải nhanh chóng gia tăng sức mạnh nội lực của Dân tộc để phục hưng, để phát triển, để có thể sớm ngăn ngừa sự suy đồi nhân cách, suy đồi văn hóa của Dân, Nước, để có cơ may rút ngắn khoảng cách đối với thiên hạ. Hai là để vừa đối phó với những nguy cơ thách thức về độc lập và chủ quyền trong quan hệ với Trung hoa đang theo xu hướng bành trướng đế quốc; đồng thời là để có năng lực toàn diện mới trong cuộc chơi toàn cầu hóa, trong quan hệ với các cường quốc Mỹ, Âu, Nhật, Ấn…
Thật tâm đoàn kết, hóa giải, hòa giải với Nhóm Việt VNCH, thật thà mời gọi họ trở về, đầu tư hoạt động, sinh sống. Nhanh chóng tháo gỡ những khúc mắc, khiến cho một bộ phận người dân Việt ở nước ngoài vẫn còn hoài nghi không muốn hợp tác.
Cần tôn trọng thái độ đối lập hiện nay của bà con. Thật ra người Việt VNCH chỉ có một điều chẳng phải tội lỗi gì cả. Đó là họ không muốn đi theo khuynh hướng và thể chế “Cộng sản”. Nay đã rõ chính khuynh hướng lựa chọn đường lối xây dựng và phát triển Đất Nước của Họ là căn bản hợp lý. Đảng bộ Sài gòn nên đi đầu nghiên cứu và tích cực tham gia giải quyết bi kịch này của dân tộc.
Hãy tổ chức nghiên cứu lịch sử chế độ VNCH từng tồn tại như một nhà nước hợp pháp, một thiết chế xã hội, một giai đoạn lịch sử của Dân tộc. Bỏ qua vấn đề này là vô đạo và tội lỗi.
Phải tôn trọng nhà nước VNCH, một thể chế chính trị hợp pháp của dân tộc. Từ đó xác lập tính kế thừa nhà nước, vận dụng điều ấy cho một lợi ích thiết thân hiện nay trong cuộc đấu tranh đòi chủ quyền Biển Đảo của chúng ta.
Bảy là: Sài gòn có nhiều lợi thế và cũng có ít nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng hình thành một nguồn nhân lực tối quan trọng của Dân của Nước hôm nay. Tôi từng bày tỏ ý kiến này trong vài bài viết gần đây, khi đề xuất việc hình thành một “Tam Bảo Mới” của Dân Tộc. Đó là:
– Lớp trí thức hiền tài.
– Lớp doanh nhân cấp tiến, và
– Lớp chính khách nhân văn. (có người đề xuất là chính khách hiện đại)
Thế nào là trí thức hiền tài? Họ phải là những người được cha ông ta gọi là nguyên khí của quốc gia. Chắc chắn họ không thể chỉ là nhà chuyên môn đơn thuần. Họ phải trở thành những nhà văn hóa, những bậc sĩ phu mới của Dân, Nước. Họ đóng vai trò làm người sáng tạo giá trị tinh thần và đạo đức xã hội, họ có vai trò định hướng xã hội, phản biện xã hội. Họ độc lập với tư cách là những “vựa tư tưởng” (think tank) của xã hội và Nhà nước.
Năm 1946, nhà văn hóa Nguyễn Hữu Cầu, một nhân vật chủ chốt của Đông kinh Nghĩa thục nói với các môn sinh của mình đang là cán bộ cao cấp của chế độ mới: “Nền Độc lập này mà quốc dân vừa giành lại được, chúng ta phải có trách nhiệm bảo vệ nó bằng những hoạt động tinh thần. Các Dân tộc chỉ trường tồn nhờ khoa học và nghệ thuật”. Cái ý niệm tinh thần và khoa học nghệ thuật, giờ đây được diễn đạt là sức mạnh mềm, sức mạnh thông minh của đất nước. Lớp trí thức hiền tài chính là một cột trụ, một của báu của tòa lâu đài dân tộc. Họ trước hết hình thành bằng tự thân, kết hợp với sự vun xới bồi đắp của xã hội và của một chính sách nhà nước văn minh tiến bộ.
Có lần trong một cuộc điều trần về chính sách trí thức của đảng, có các anh Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Văn An dự, tôi thưa: việc hàng đầu trong chính sách phải là “bái trí vi sư” – lạy trí thức tôn họ làm thầy, cớ gì những người chỉ lớp ba, lớp bốn mà đi đâu cũng dạy dỗ thiên hạ? Tuy nhiên giáo sư Nguyễn Đình Tứ, cố trưởng ban Khoa giáo đã nói với tôi, anh nói đúng nhưng họ không làm được đâu. Thật là một nghịch lý. Cho nên tôi mong Sài gòn có ứng xử thật tốt và đúng vấn đề này.
Thế nào là doanh nhân cấp tiến? Tôi không dùng khái niệm thành đạt, vì có nhiều kẻ thành đạt nhờ đã đi đêm, đã nuôi dưỡng tham nhũng, đám người này không thể là rường cột của nền kinh tế của nước nhà. Đất nước muốn phát triển lành mạnh, phải có đội ngũ những doanh nhân cấp tiến. Đã thấy bóng dáng những doanh nhân trí thức, biết kinh doanh, phát triển vốn (tức tài sản của dân tộc), biết kiếm tìm bạn hàng, đối tác, biết tạo ra mối quan hệ xã hội, quan hệ chủ thợ tốt đẹp, văn minh; biết đấu tranh và hợp tác để xây dựng nền quản trị quốc gia tiến bộ, lành mạnh. Đặc biệt là họ phải biết tạo ra những quả đấm, những tập đoàn mũi nhọn làm đầu tàu của nền kinh tế nước nhà. Các doanh nhân cấp tiến phải vươn lên thành một tầng lớp, một nhân tố cho sự phát triển mới của đất nước. Các hiệp hội nghề nghiệp, các câu lạc bộ doanh nhân, không chỉ bàn chuyện làm ăn mà rất nên bàn đến việc thành công và thành nhân của lớp người quan trọng này trong thế kỷ mới.
Thế nào là chính khách nhân văn? Có anh bạn trẻ bàn với tôi nên gọi là chính khách hiện đại. Chính khách nhân văn rất thiếu vắng ở nước ta hiện nay. Không phải vì nước ta thiếu người tài. Tôi cho là chủ yếu vì thể chế chính trị của ta không tương thích cho sự nảy nở nhóm người có tài, có trí, lại có tâm để tham gia thay đổi phương thức và chất lượng quản trị quốc gia, một đòi hỏi ngày càng trở nên cấp bách. Tại sao nền hành chính của chúng ta trì trệ lạc hậu kéo dài, tại sao nền quản trị quốc gia của chúng ta lạc hậu đến vậy, tại sao nền tư pháp của chúng ta từ luật cho đến tổ chức, đến nhân thân của ngành rất yếu kém, tại sao thể chế chính trị của ta lạc hậu kéo dài, đã không tương thích cho những yêu cầu phát triển mới của dân tộc? Cần có những chính khách nhân văn để điều tiết, để chấn chỉnh.
Tôi không muốn nói đến đội ngũ công chức dẫu họ cũng có vai trò rất lớn. Đất nước đang cần lớn lên một lớp chim đầu đàn. Họ phải biết thảo cương lĩnh ra cương lĩnh, thảo chính sách ra chính sách, dự thảo luật ra luật, tam quyền phân lập thật rõ là phân lập. Trung thực, cấp tiến, dám dấn thân, dám đổi mới, dám đương đầu và tránh nhiệm với dân, với nước. Xin hãy trưởng thành một lớp chính khách nhân văn, một lớp người chính trị dám bước lên trên vũng bùn của “dốt, tham và cậy quyền”, làm người chèo lái cho một hành trình mới của dân tộc.
Tôi cầu khấn cho sự hình thành một bộ Tam Bảo Mới và gởi gắm cho Sài gòn nơi có thể là cái nôi ươm mầm cho một nhân cách mới của đất nước.
Tôi nghĩ con số 7 là số thiêng. Con người có bảy vía, con người ta cứ bảy ngày là thay một lớp tế bào mới (có một con người mởi xuất hiện), Phật ra đời đi bảy bước để khẳng định cái bản ngã cao quý, Chúa cũng làm việc liên tục sáu ngày và cũng dành một ngày để nghỉ ngơi. Trên bầu trời Việt định hình bảy ngôi sao cầm trịch cho sự vần xoay của trời của đất của người!
Tôi gởi bảy nguyện ước thiêng liêng cho Sài gòn, một vùng chứa đầy khí thiêng sông núi hôm nay.
Nguyễn Khắc Mai
(Ba sàm)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét