Thứ Bảy, 10 tháng 10, 2015

Văn hóa nhược tiểu?


Paulus Lê Sơn - Văn hóa nhược tiểu?

Đăng bởi Ha Tran on Chủ Nhật, ngày 11 tháng 10 năm 2015 | 11.10.15

Phải chăng văn hóa của người Việt chúng ta đang bị lép vế so với thế giới? Tại sao con người Việt Nam lại không tôn trọng nhau, không đếm xỉa gì đến nhau?

Mở đầu bài viết này tôi xin đề cập đến chuyện trong tù mà tôi đã từng mắt thấy tai nghe.



Số là vào tháng 7 năm 2012, tôi bị chuyển từ trại giam B14 lên trại giam số 1 Hà Nội, còn gọi là trại Hỏa Lò khét tiếng đất Bắc trong hệ thống nhà tù. Tôi bị biệt giam trong khu Nước Ngoài, có hai mặt, mặt trước và mặt sau, mặt trước thì được nhìn ra khuôn viên, thoáng đãng dành cho người nước ngoài, mặt sau gọi là “thâm sơn cùng cốc” dành cho người Việt, trong đó có tôi, dãy này có bốn phòng thì đến ba phòng bỏ trống. Cách bố trí giam tù thấy khác biệt hết sức, tù nước ngoài thì được ở rộng rãi thoải mái, sạch sẽ, thường chỉ có ba đến bốn người trong một buồng. Nhưng tù người Việt thì hết sức kinh ngạc, cùng diện tích nhưng số lượng gấp đôi, còn buồng chung giam tù hình sự thì vô đối, phòng vài chục mét vuông nhưng có tới bảy hoặc tám chục người, nằm úp thì mà ngủ nghỉ, không được đi lại trong buồng giam.

Còn về ăn uống, tiêu chuẩn thì tù nước ngoài hôm nào cũng có ít nhất bốn miếng thịt, hoặc có cá và rau ngon, cơm mền và trắng để vào một bát ăn màu đỏ rất tử tế đem đến tận buồng cho họ.

Tù Việt thì cả tuần được một hoặc hai bữa ăn có thịt, mỗi bữa một miếng như nấm đấm không phải cắt nhỏ, cơm cứng như đá, hoặc nhão như cháo, rau già ăn ra xơ, ra bả, đen và bẩn, uống nước hai xôi ba lạnh. Tôi hỏi mấy tay đưa cơm tù thì họ nói phải tử tế với mấy anh nước ngoài còn giữ hình ảnh cho Việt Nam nữa chứ. Còn tù Việt Nam thì sao chả được! ???

Ngoài xã hội thì sao?

Mới đây có một người bạn của tôi sống tại Việt Nam, mang quốc tịch Việt Nam đi du lịch trên…nước Việt Nam mà nhiều người dân lại không cho bạn này là dân Việt.

Bạn tôi có chuyến du lịch vào đúng đợt nghỉ Quốc khánh của Trung Quốc nên rất đông du khách từ Trung Quốc đến Việt Nam và chứng kiến những cung cách hành xử của chính người Việt mang tính chất nhược tiểu khiến cho chúng ta phải lo lắng.

Bạn tôi nói, “tới đâu, người ta cứ tưởng mình là người Hàn Quốc hay Trung Quốc, họ nói bằng tiếng anh, mình trả lời bằng tiếng Việt thì dân ở đó mới nói tưởng là người Hàn Quốc hay Trung Quốc nên họ sợ’’.

Bạn tôi hỏi họ “Trung Quốc hay Hàn Quốc mắc mớ gì mà phải sợ?’’- không người dân nào trả lời cả.

Lúc tôi còn làm du lịch, những chuyện đại khái như thế này thường xuyên xảy ra mà như bạn tôi chia sẻ, ví dụ; khi chúng ta và người nước ngoài vào shop mua đồ thì sao? thì người Tây được ưu tiên, được phục vụ và thậm chí được tán tỉnh, còn chúng ta thì bị quang sang một bên. Vì cái gì mà dân Việt không tôn trọng lẫn nhau trong từng hoàn cảnh như vậy? vì tiền ư, tiền tây to hơn tiền Việt?. Nhưng chúng ta quên rằng, hành động của những người Việt bán hàng đó sẽ ảnh hưởng rất xấu tới suy nghĩ của khách nước ngoài, họ sẽ nghĩ chúng ta thế nào, cùng một tộc tính còn không tôn trọng nhau nói gì tôn trọng người khác tộc tính với mình.

Nếu đi ngoài đường xảy ra tai nạn thì thế nào? Một người bạn trẻ khác ở khu chung cư cao cấp tại Sài Gòn nói rằng “người nước ngoài ở khu vực của tôi rất nhiều, bọn trẻ con mới lớn người nước ngoài đi ra đường phóng nhanh vượt ẩu có thấy công an thổi còi đâu? Tụ tập thuốc lá phì phèo, nhậu nhẹt , quậy phá tá lả mà bảo vệ đâu dám nhắc nhở, người dân thì làm ngơ”.

Người bạn trẻ này nói về sự ngộ nhận của nhiều người dân “cái điều quái gở là nhiều người dân cứ mặc định cho rằng con Trung, con Nhật, con Hàn thì đẹp đẽ , thông minh hơn trẻ em Việt Nam, mặc dù thực tế họ không đẹp như chúng ta tung hô họ”.

“Cứ người nước ngoài là được nâng lên một bậc” nghe câu nói này của người bạn trẻ mà nhói cả tim.

Tôi hỏi thế bạn nghĩ gì về dân tộc tính qua những gì bạn thấy?

Bạn trẻ trả lời “nếu cứ cái đà này thì tính dân tộc sẽ bị mất dần, niềm tự hào là người Việt Nam cũng mất luôn”.

Những vấn đề, hiện tượng trong văn hóa ứng xử mà một bộ phận người dân đang vướng phải đối với cái nhìn “sính ngoại’’có đáng để chúng ta quan tâm, có khiến chúng ta phải suy nghĩ và lo lắng không? Nếu cứ đà này thì văn hóa so với thế giới của Việt Nam sẽ đi về đâu, người ngoại quốc sẽ có cái nhìn như thế nào đối với dân tộc Việt Nam?

Xin lấy câu nói của một người bạn để thay lời kết cho bài viết này “Ngay cả người Việt Nam còn không tôn trọng người Việt Nam, thì người ngoại quốc họ khinh thường chúng ta cũng phải”.

Thanh Hóa 10/10/2015

Paulus Lê Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét