Thứ Hai, 5 tháng 10, 2015

Tp Đà Nẵng có nên đưa người tài ra tòa?


Hiệu Minh - Tp Đà Nẵng có nên đưa người tài ra tòa?

Đăng bởi Trung Lập on Thứ Ba, ngày 06 tháng 10 năm 2015 | 6.10.15



Mô hình quản lý: Tuyển dụng, Quản lý, Phát triển và Hỗ trợ. Ảnh: Internet


Quản lý nhân tài luôn là bài toán khó đối với mọi quốc gia kể cả Hoa Kỳ. Nếu có môi trường tốt, lương bổng khá, nhân tài tự kéo về. Chỉ cần dịch cái ảnh minh họa trên để trước mặt của người quản lý, nhân tài sẽ tự ở lại.

TPO cho hay, TP Đà Nẵng vừa khởi kiện 7 “nhân tài”, buộc trả lại 10 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước do vi phạm hợp đồng khi tham gia đề án 922. Có nên ép các người tài như thế?


Tình hình là rất tình hình


Đề án được triển khai từ năm 2004 nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và là một trong 5 mũi nhọn tạo sự đột phá của thành phố này. Nhiều năm qua, trong điều kiện kinh phí hạn hẹp nhưng thành phố vẫn dành hàng trăm tỷ đồng đầu tư cho học sinh, sinh viên có kết quả học tập xuất sắc đi đào tạo ở trong nước và nước ngoài với hy vọng tạo dựng một đội ngũ cán bộ, công chức trẻ chất lượng cao.


Trong số 630 lượt học viên được cử đi học đã có 394 lượt tốt nghiệp, 359 người đã về nhận công tác tại các cơ quan, sở, ban ngành của thành phố.


Một số không trở về đúng hạn nghe đồn là do…có tài và tìm cách kéo dài vô thời hạn. Được trường giữ lại làm MA rồi PhD, giỏi nữa được làm trợ giảng, lên giáo sư, rồi lấy vợ đẻ con, quên luôn thành phố thơ mộng bên sông Hàn.


Rồi chẳng nhớ hợp đồng ngày xưa đã ký với ông Nguyễn Bá Thanh. Giờ ông mất rồi, ai đòi, đời luôn là thế.


Tuy thế, Cua Times xin hiến kế như sau


1. Hạ sách: Đưa ra tòa và nã tiền


Có giấy trắng mực đen, đưa ra tòa thì người “tài” kiểu trên sẽ thua. Bằng cách này hay cách khác sẽ lấy lại được tiền hoặc trừng phạt theo kiểu nhà nước pháp trị.


Hoặc bố mẹ phải trả nợ thay nếu không muốn mất mặt. Các cụ không ký vào hợp đồng, không chịu trả nợ thay, con đã định cư ở nước ngoài, Tp. Đà Nẵng có thể kiện sang tây, sợ gì “bố con thằng nào”. Nếu muốn, Interpol có thể biết được ông kễnh nào có bao nhiêu nhà bên California, mấy cu cậu trốn nợ tránh sao được.


Muốn sống chui lủi cũng ok, nhưng thành phố gửi thư đi các SQ VN không gia hạn hay cấp hộ chiếu cho những công dân “tài” này. Hoặc báo cho bên biên phòng cho nhập cảnh nhưng không cho xuất cảnh cho tới khi trả xong nợ. Việc này Tp làm thừa sức. A piece of cake – dễ như ăn miếng bánh.


Nhưng kiểu đưa ra tòa chỉ đánh được mấy cô mấy cậu tưởng là…tài.


2. Trung sách: Đánh vào lương tâm


Trí thức dễ lay động nhất chính là lương tâm, nhất là lương tâm…thời đại.


Dùng tiền ngân sách để đi học nhưng vì điều kiện “cho phép” không về, nên khuyên nhủ người ta hoàn lại số tiền Tp đã bỏ ra. Khuyến mãi là không tính lãi là may lắm rồi. Cuộc đời của người tài thường dài lắm, nên trả nợ để sống cho an toàn. Đó là người tài đàng hoàng.


Hoặc quay về vài năm làm việc trả nợ. Trong hai thứ quỵt đáng xấu hổ là quỵt tiền và thất hứa thì người tài không nên mắc. Thuyết phục được họ sẽ có cán bộ đạt hai tố chất mà Đà Nẵng cần: tài và đức.


3. Thượng sách: Hãy để người tài đi khắp thế giới


Thời TQ mới mở cửa những năm 1980, Đặng Tiểu Bình từng cho hàng trăm ngàn sinh viên đại lục du học. Có người can ngăn sợ bọn trẻ một đi không ngày trở lại. Ông bảo, sinh viên TQ đi đâu trên thế giới này vẫn là người TQ.


Trong số 100 ngàn đi, có khoảng một nửa trở về. Một nửa kia ở lại và sau này thành những nòng cốt TQ ở nước ngoài. Quốc gia này đại nhảy vọt vì có một phần đóng góp của lực lượng đó.


Khá nhiều hàng ngũ giám đốc, quản lý bậc cao người Trung Quốc tại các tổ chức quốc tế như WB, UN, IMF. Họ giúp TQ nhiều hơn là về Bắc Kinh ngồi nghe Mao Trạch Đông tụng kinh.


Người quản lý có tầm nhìn xa nên tư duy toàn cầu như Đặng Tiểu Bình. Các người tài thành đạt sẽ quay về cố hương bằng cách này hay cách khác. Thế giới phẳng đâu cần phải ngồi bên sông Hàn mới giúp được Đà Nẵng.


Hãy để những người tài này trả món nợ bằng cách của những người thông minh mà không cần thiết phải lôi họ ra tòa.


Vĩ thanh


Trong câu chuyện với luật sư trẻ hiện làm việc cho IMF, anh tâm sự, với cơ chế làm việc như hiện nay tại VN, người tài dễ thành kẻ xấu vì phải tham nhũng, hối lộ, mánh khóe đủ kiểu để tiến thân.




Quản lý nhân tài. Ảnh; internet


Anh bảo nếu về VN làm việc dễ thành tội đồ. Nếu người tài dùng trí tuệ cho việc tốt sẽ tốt 10 lần, nhưng dùng trí tuệ cho việc xấu sẽ xấu hàng trăm lần, sức phá hoại gấp hàng nghìn lần so với kẻ xấu ít hiểu biết. Đi đó đây, biết thế giới bên ngoài, nắm luật vững, kiến thức đầy người, mà lập kế hoạch ăn cắp thì một quốc gia cũng bằng cái nhón ví của kẻ cắp chợ Đồng Xuân.


Tâm địa xấu có thể thay đổi cả hiến pháp để có lợi cho mình, kéo dài tuổi để giữ ghế, đôi khi phải chống gậy đến VP. Hãy xem Putin của nước Nga, tham quyền cố vị nên chuyển từ Tổng thống sang Thủ tướng rồi lại về Tổng thống. Hiện nước Nga đi về đâu có lẽ chẳng cần nói nhiều.


Tp. Đà Nẵng hãy nghĩ kỹ trước khi lôi người tài ra tòa.


HM. 5-10-2015


(Blog Hiệu Minh)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét