Thứ Sáu, 9 tháng 10, 2015

Nghĩ từ một phiên tòa liên quan đến nhục hình *


Nghĩ từ một phiên tòa liên quan đến nhục hình *
Reply
bức cung, luật sư, nhục hình, Phạm Văn Núi, Sóc Trăng, Xã hội
8.10.15

Phiên tòa ở Sóc Trăng được dư luận quan tâm vì liên quan đến nhục hình, một thực trạng nhức nhối hiện nay. Đã từng có nhiều bị cáo ra trước vành móng ngựa, khai với hội đồng xét xử vì bị bức cung nhục hình nên phải nhận tội. Nhưng ít có trường hợp nào được xem xét, vì không có bằng chứng. Cũng như tại phiên tòa trên, bị hại Khâu Sóc nói trước tòa: Khi đánh tôi trong nhà giam thì chỉ có tôi và các anh ấy, lấy đâu ra người làm chứng. Khi đó tôi đau quá, tôi kêu lên nhưng không có ai hết”.


Lời nói của Khâu Sóc làm nhức nhối lòng người, và rồi công lý cũng bước đến những nơi tưởng chừng như “không có ai thấy” đó, để lôi hai điều tra viên phòng PC45 Công an tỉnh Sóc Trăng ra trước tòa án vì có hành vi dùng nhục hình. Vụ án được đưa ra xét xử đã củng cố thêm lòng tin của người dân vào pháp luật, đặc biệt là có hiệu quả răn đe để hạn chế tình trạng bức cung nhục hình. Hạn chế nhục hình sẽ hạn chế án oan sai.



Một trong những nạn nhân là anh Khâu Sóc trong lần nhận tiền bồi thường oan sai nửa năm trước. Ảnh: Zing

Phiên tòa còn có một điểm thú vị khác, xin hãy nghe lời của bị cáo Phạm Văn Núi - nguyên kiểm sát viên Phòng 1A, Viện KSND tỉnh Sóc Trăng - bị truy tố tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng: “Đến khi làm bị cáo, tôi mới thực sự hiểu rõ vai trò quan trọng của luật sư trong xã hội. Các ông đã chia sẻ, động viên, giúp tôi rất lớn về pháp lý. Hồi trước, khi vẫn thường ngồi ở vị trí công tố, tôi đối đầu và không thực sự nhận ra hết vai trò của các vị”.


Chỉ khi là bị cáo, nguyên kiểm sát viên Phạm Văn Núi mới thú nhận trước đây khi ngồi ở vị trí công tố, chỉ thấy luật sư như kẻ đối đầu. Hóa ra, cán bộ của cơ quan tố tụng mà nhận thức rất lệch lạc về vai trò của luật sư và vai trò của chính mình. Luật sư và công tố viên không bao giờ đối đầu, cho dù một bên buộc tội và một bên gỡ tội, nhưng mục đích của tranh luận là để tìm ra sự thật khách quan của vụ án, bảo vệ quyền và nhân phẩm của con người, bảo vệ công lý.


Luật sư không phải người đối đầu với công tố viên và càng không phải là cái giá treo áo veston trang trí cho một phiên tòa, mà thực hiện chức năng bào chữa, cung cấp chứng cứ, lập luận có căn cứ pháp luật để chứng minh bị cáo không phạm tội hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo. Sự hiện diện của luật sư bình đẳng với công tố và cũng là sự hiện diện của một giá trị dân chủ.


Đáng tiếc là một nguyên kiểm sát viên vẫn không hiểu được điều đó, và đáng lo là còn nhiều người không hiểu như bị cáo Phạm Văn Núi.


Theo Lao Động

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét