Thứ Tư, 7 tháng 10, 2015

Còn xa!


Nguyễn Đình Bổn - Còn xa!

Đăng bởi Trung Lập on Thứ Tư, ngày 07 tháng 10 năm 2015 | 7.10.15






Hoàn tất đàm phán TPP, nghe nói VN phải ràng buộc cho công dân được tự do lập hội. Là người viết văn tự do, ước mong của tôi là có tự do báo chí, xuất bản, nhưng hình như đường còn... xa lắm!


Nhiều người thường hỏi vì sao văn chương VN càng ngày càng dở, sau thời ca ngợi chế độ thì quẩn quanh với ái tình lăng nhăng, triết lý vụn vặn, sex siếc lõa lồ mà dơ bẩn. Nguyên nhân quá dễ nhận ra: không có tự do xuất bản, chế độ mở cửa nào thì thiên hạ viết theo kiểu đó. Cho sex nhưng cấm hiện thực xã hội, cấm đề cập chính trị, thì văn chương nó cũng dơ dơ chừng đó mà thôi.


Có nhà văn chỉ cho tôi một "chiêu" rằng, khi anh muốn in một cuốn sách "có vấn đề", hãy "làm bộ" hô hoán lên rằng sách của mình chỉ toàn tình yêu, đượm chút mùi tình dục, vậy là biên tập viên và nhà xuất bản họ... yên tâm, dễ được cấp giấp phép xuất bản.


Có người hỏi rằng sao phải cần xuất bản trong nước, làm nhà văn thì cứ viết tự do, cho nó lên internet hay in ở các NXB nước ngoài cũng được. Thật ra không đơn giản là như vậy. Tôi cũng công bố qua blog, in ở NXB của bạn bè tại Mỹ vài cuốn, phát hành qua amazon, nhưng giá quá cao so với trong nước, sách lại không thể về VN. Mà với một người viết, không thể bỏ qua yếu tố bạn đọc. Một cuốn sách được đón nhận, ngoài tiền nhuận bút, tác giả còn cảm thấy hạnh phúc, vì nó được chia sẻ. Niềm vui càng nhân càng lớn mà. Vì vậy tôi đã chọn in Mút Mùa Lệ Thủy trong nước, dù cũng có chút trục trặc. Đó là chưa kể đến, có những "lằn ranh đỏ" không được vượt qua, nếu anh chưa muốn ngồi tù!


Ngoài ra muốn nền văn học chung phát triển, cần có một KHÔNG KHÍ VĂN NGHỆ, lịch sử văn học hiện đại VN có 3 thời kỳ như vậy, thứ nhất là thời kỳ "thi nhân tiền chiến", thứ 2 và thứ 3 xảy ra cùng lúc, một ở miền Bắc (và các văn nghệ sĩ trong khu) là không khí văn nghệ thời chiến, xây dựng xã hội chủ nghĩa, chống "Mỹ ngụy" và một ở miền Nam thời 1954-1975 là không khí văn nghệ tự do sáng tác,chịu ảnh hưởng từ các trào lưu văn học thế giới. Cả 3 thời kỳ này đều tạo ra nhiều tác phẩm, nhưng do các tác phẩm văn nghệ phía Bắc phần lớn là dạng minh họa, nên ngày nay nó chỉ còn dạy trong nhà trường một cách ép buộc, với xã hội, nó trở thành vô giá trị. Văn học trước 1945 vẫn được đọc, văn học Việt Nam Cộng Hòa dù phần lớn cấm tái bản, vẫn được tìm đọc.


Hiện tại VN không có cái không khí cần thiết đó!


Theo tôi, văn học nghệ thuật VN sẽ được phục hồi chỉ sau khi có tự do xuất bản bởi khi đó nó sẽ tạo ra một "không khí văn nghệ" mới. Còn nếu tiếp tục như bây giờ, với các loại hội ăn bám vào tiền thuế nhân dân, văn nghệ sĩ được báo chí nhắc tên chỉ là bồi bút (tùy cấp độ, nhưng một khi đã nhận tiền ngân sách thì đã là bồi bút), các tác phẩm được viết vội vã, nhàm chán sau khi dự các "trại" (chữ này thật chính xác, nó giống như trại chăn nuôi), các tác phẩm được dịch cũng nằm trong khuôn khổ đó thì văn học VN sẽ còn trì trệ dài dài.


Nhưng khi nào có tự do xuất bản? Hình như cũng còn xa lắm!


Nguyễn Đình Bổn


(Blog Nguyễn Đình Bổn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét