Thứ Hai, 4 tháng 5, 2015

Việt Nam: Ai thức? Ai dấn thân? Ai dẫn đường?


Việt Nam: Ai thức? Ai dấn thân? Ai dẫn đường?

Nga Voi
Theo FB Ngà Thi Bich Nguyen



Đất nước Việt Nam ngày càng tụt hậu so với các nước trên thế giới và cả trong khu vực về kinh tế, đối ngoại đối nội và môi trường sinh sống. Xã hội Việt Nam ngày càng xuống cấp về mọi mặt. Nguyên nhân vì đâu? Đảng cộng sản Việt Nam hiện tại là lãnh đạo duy nhất và toàn diện do đó trách nhiệm này trước hết là thuộc về đảng. Ai cũng biết vậy nhưng mấy ai thừa nhận và mấy ai hiểu rõ bởi truyền thống của đảng là cái gì xuất sắc thì nhận về mình, cái gì xấu xa thì đổ thừa cho ngoại cảnh, cho cá thể và cả cho “thế lực thù địch.”
Các thành phần trong xã hội có biết sự thật hay không?
- Với thành phần đảng viên: Chia ra làm 3 loại: Loại có chức quyền thì biết rất rõ sự thật nhưng vì lợi ích nhóm, lợi ích bản thân nên nhất quyết bảo vệ chế độ cho bằng được bằng cách che giấu, không minh bạch thông tin. Loại cán bộ đảng viên lâu năm không còn tại chức, làm việc thì có người nhận thức được có người không tùy thuộc vào việc người đó sinh sống ở khu vực nào và có cập nhật tin tức, có đọc lề trái thường xuyên hay không. Ở các thành phố lớn, đảng viên lâu năm nhận thức được rất rõ nhưng họ sợ. Nhiều người bảo họ bảo vệ sổ lương hưu nhưng không hẳn đúng như thế. Họ sợ mất niềm tin thì đúng hơn. Cái lý tưởng mà bao nhiêu năm họ chiến đấu, gìn giữ đang ngày càng thối nát, họ biết nhưng họ đổ thừa cho nó là "cái sai của cá nhân" chứ không phải là hệ thống, chủ thuyết. Bởi nếu họ thừa nhận nó là cái sai hệ thống, chủ thuyết thì khác nào họ tự thừa nhận cả một đời mình lầm lạc? Họ không thể chấp nhận sự thật đó nên họ biết sai nhưng vẫn cố công bảo vệ. Với đảng viên khu vực nông thôn, đa số vẫn tin tưởng và bảo vệ đảng bởi họ không có thông tin.
- Với thành phần dân thường: Cũng phải phụ thuộc vào nông thôn, thành thị và vùng miền. Ở thành thị, khu vực miền Bắc, người dân từ bà bán cá tới anh xe ôm, người làm ăn đều bàn luận chính trị khi có dịp chè chén, ngồi với nhau. Họ đều nhận ra cả và họ chửi, họ chửi rất ác nhưng cũng vẫn là "cái sai cá nhân." Khi mình tranh luận và làm cho hiểu rõ đó là cái sai hệ thống, họ ừ, nhưng họ sợ biến động, họ sợ bạo loạn và cái tâm tính thụ động, tính ỳ cố hữu trong người khiến họ bảo, "Thôi, mình thấp cổ bé họng, đấu tranh chẳng được gì. Lo mà làm ăn thì hơn." "Sợ chiến tranh, bạo loạn lắm. Như thế này là cũng được rồi" và họ so sánh thời này với thời bao cấp thì... họ sướng hơn xưa nhiều rồi. An phận. Loại này cực nhiều. Ở nông thôn thì hầu như người ta chỉ lo làm ăn, lo cắm mặt kiếm cơm, cái nghèo làm họ không có cơ hội nghĩ tới gì khác ngoài chén cơm manh áo. Và khổ thay, họ lại là lực lượng đông đảo nhất. Người hiểu rõ, có tư duy và dám lên tiếng, dám tranh đấu thì quá ít so với mặt bằng chung dân số.
- Với lực lượng công an, quân đội: Họ hiểu, họ biết hết và biết rất rõ nhưng vì quyền lợi bản thân, gia đình mà họ nhắm mắt, bịt tai và câm điếc. Công an vào ngành toàn con ông cháu cha, anh em trong ngành với nhau và phải chạy khá nhiều tiền. Họ ra sức vơ vét và bóp hầu nhân dân mọi lúc mọi nơi là vì thế. Giới sĩ quan quân đội cũng đều có quyền lợi cả. Đảng cộng sản làm cho hai ngành này tha hóa để cột chặt họ bằng quyền lợi tự thân. Với lính thì cấp trên biểu sao đánh vậy. Họ có sẳn sàng cầm súng chỉa vào người dân không? Voi cho là có. Bởi đầu óc của họ được nhồi nhét ngay từ khi mới lọt lòng và tư duy không có chỗ cho phản biện.
- Với những người có nhận thức và chuyển biến thì thường rơi vào trạng thái cực đoan. Họ loay hoay. Họ tranh đấu nhưng cô đơn. Không tập trung được lực lượng. Không có sức mạnh đoàn kết. Không có leader đủ tầm, đủ tâm. Không có một lộ trình nào và thậm chí đến ngay cái cương lĩnh hoạt động cũng không có bởi chẳng có một nền triết lý, học thuyết nào để "làm của riêng", toàn đi vay mượn cả mà kiến thức thì hổng nên tất yếu cùng một vấn đề mỗi người hiểu một ý và chẳng có cái gì có thể thống nhất được với nhau. Họ bị đánh phá, chia rẻ, đàn áp... và tự bản thân họ cũng đã chia rẽ từ trong nội tại.
- Với lực lượng thanh niên sinh viên: Tư duy rất kém. Có rất ít thanh niên sinh viên có nhận thức và thoát được bộ máy nhồi sọ, tuyên truyền. Và khi họ thoát được thì đa số cũng lại rơi vào cực đoan và bị dẫn dắt bởi những người cực đoan. Có rất ít bạn có tư duy và nhận thức đầy đủ.
Những phân tích nhận xét trên là từ quan sát của Voi, chưa có một thống kê nào.
Giải pháp: Như Voi đã có lần nói, VN cần một lực lượng trí thức dám dấn thân để làm công việc khai sáng. Làm sao để có một lực lượng đủ mạnh để làm đối trọng với độc tài toàn trị. Muốn cho người ta phục và theo thì bản thân những người trí thức phải kiên nhẫn và đủ uy tín, đủ tầm và tâm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét