Thứ Hai, 18 tháng 5, 2015

Những cáo buộc “đen” trong vụ án “Người cao tuổi”


VNTB- Những cáo buộc “đen” trong vụ án “Người cao tuổi”

Thảo Vy

(VNTB) - Câu hỏi đặt ra: Nếu sai sự thật, thì tại sao ngay lúc ấy không xử lý bằng Luật Báo chí? Việc để đến cả năm sau, mới lên tiếng rằng đó là sai phạm, dễ dẫn đến việc cho rằng đây chỉ là cách nói khác của việc… đánh nguội.


Những tố cáo tham nhũng đe dọa ghế tổng thanh tra
Nghi vấn này xuất phát từ việc hai ông Ngô Văn Khánh và Huỳnh Phong Tranh sau đó đều đăng đàn cho rằng Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã “không sai so với quy định của pháp luật”. Như vậy, người sai ở đây, tất yếu phải là nhà báo Kim Quốc Hoa, người đã ký duyệt đăng bài báo “tiết lộ bí mật nhà nước”…
Loạt bài về sai phạm ở Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đăng trên báo Người cao tuổi không sai sự thật. Đáng chú ý, tờ báo này còn dấn thêm bước nữa, là đưa ra những chứng cứ về các cá nhân “chống lưng” cho EVN.
Như vậy, liệu với việc khởi tố bị can Kim Quốc Hoa, trong đó chứng cứ dùng để buộc tội “tiết lộ bí mật” là một số tình tiết trong một bài ở loạt bài phanh phui tiêu cực ở EVN, khi được điều tra làm rõ bởi các cơ quan tố tụng, thì liệu có xảy ra một vụ Trần Văn Truyền kế tiếp?


Hơn 7.000 tỷ đồng, sau 11 tháng, chỉ còn trên 1.000 tỷ đồng?
Tại văn bản số 2835/TTCP-VI, ngày 31/10/2012 do Phó Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Nguyễn Văn Sản ký (kèm theo dự thảo kết luận thanh tra công tác quản lý sử dụng vốn và tài sản tại EVN) báo cáo Thủ tướng Chính phủ, thì số tiền kiến nghị xử lý sai phạm hơn 7.000 tỉ đồng và được Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản số 2024/VPCP-V1 ngày 30/11/2012 thông báo ý kiến đồng ý của Thủ tướng Chính phủ.
Văn bản số 2835/TTCP-VI, có nêu về vụ việc Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại cho EVN vay 2.350 tỉ đồng theo mức lãi suất của các ngân hàng thương mại, là không đúng với giấy phép đăng ký kinh doanh số 0403000380 ngày 25/1/2008 do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương cấp.
Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại đã ký các hợp đồng số 03/2010/EVN-PPC ngày 20/11/2010 cho EVN vay 350 tỉ đồng; hợp đồng số 01/2011/EVN-PPC ngày 20/8/2011 cho EVN vay 1.000 tỉ đồng và hợp đồng số 02/2011/EVN-PPC ngày 25/10/2011 cho EVN vay 1.000 tỉ đồng.
Theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán tại thời điểm 31/12/2011, Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại còn nợ EVN trên 7.000 tỉ đồng (nguồn gốc của số tiền này nằm trong khoản tiền 300 triệu USD do Chính phủ VN vay vốn ODA Nhật Bản với lãi suất từ 1,8 – 2%/năm sau đó cho EVN vay lại). Trong khi đó mức lãi suất bình quân mà Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại cho EVN vay lên tới khoảng 17%/năm.
Chỉ tính riêng năm 2011, Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại đã được hưởng khoản lãi từ việc cho vay lòng vòng này nhiều trăm tỉ đồng. Lưu ý, EVN có tiền cho Công ty Phả Lại vay mà lại phải trả một khoản chênh lệch lãi vay lớn này (15%/năm trên tổng số tiền vay là 2.350 tỉ đồng).
Việc cho vay lòng vòng nói trên đã đưa đến nghi vấn mà đến nay vẫn chưa được làm sáng tỏ, là Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại được cổ phần hóa từ năm 2005, vốn Nhà nước tại đơn vị này chỉ chiếm trên 60% mà lại được hưởng khoản ưu đãi về vốn vay ODA, để rồi dùng số tiền ưu đãi này cho vay lại như một tổ chức tín dụng. Có hay không một phần số tiền thu từ khoản lãi vay này, sẽ vào túi một số cổ đông là cá nhân có chức có quyền tại Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại và EVN?.
Tuy nhiên sau đó 11 tháng, phó Tổng TTCP Ngô Văn Khánh ký Văn bản kết luận thanh tra số 2181/KL-TTCP ngày 30/9/2013, đã “làm lơ” những con số nợ nần ở Công ty CP nhiệt điện Phả Lại.


Ông Ngô Văn Khánh bỏ đi 6.500 tỉ đồng như thế nào?
Sau 11 tháng, phó Tổng TTCP Ngô Văn Khánh ký Văn bản kết luận thanh tra số 2181/KL-TTCP ngày 30/9/2013, thì số tiền vi phạm kiến nghị xử lý chỉ còn trên 1.000 tỉ đồng, số tiền bị “cắt giảm” hơn 6.000 tỉ đồng. Trong đó, cắt đi khoản 2.350 tỉ đồng mà Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại cho EVN vay lãi suất 15%.
Ngoài ra, còn có các khoản cũng được cắt bỏ so với con số ở văn bản số 2835/TTCP-VI: 3.366.041.000.000 đồng chênh lệch giá bán buôn điện nội bộ bình quân do EVN đặt ra bán cho 5 Tổng Công ty (TCT) Điện lực và 165.455.702.412 đồng là chênh lệch giá truyền tải điện do EVN đặt ra thanh toán với TCT truyền tải điện quốc gia.
Bảng “Tổng hợp một số khuyết điểm vi phạm và kiến nghị xử lýí” (kèm theo kết luận thanh tra số 2181/KL-TTCP ngày 30/9/2013 do ông Ngô Văn Khánh ký) thì EVN chỉ còn 7/12 khoản cần xử lý, với tổng số tiền 992.733.620.506 đồng, các đơn vị thành viên chỉ còn 106.371.176.245 đồng,…
Nhiệt điện Phả Lại cho EVN vay là không sai (!?)
Tối ngày 26-1-2014 (Chủ nhật), Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đăng đàn trên VTV1 chuyên mục “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời” đã cho rằng, việc Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại cho EVN vay số tiền 2.350 tỉ đồng bằng với lãi suất ngân hàng (bình quân gần 17%/năm), là không sai so với quy định của pháp luật.
Câu trả lời này gây bất ngờ vì việc cho vay của Nhiệt điện Phả Lại là vi phạm vào Điều 8, Luật Các tổ chức tín dụng, “chỉ các tổ chức có đủ điều kiện theo quy định của luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép thì được thực hiện một hoặc một số hoạt động ngân hàng tại Việt Nam… nghiêm cấm các cá nhân, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động ngân hàng”.
Ngoài ra ông Huỳnh Phong Tranh cũng không giải thích vì sao đến thời điểm 31-12-2011, EVN đứng ra bảo lãnh cho Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại vay số tiền trên 7.000 tỉ đồng với mức lãi suất chưa đến 2%/năm, mà sau đó lại phải vay lại của chính công ty này 2.350 tỉ đồng, với mức lãi suất bình quân gần 17%/năm?
Đây là sai phạm điển hình Luật Các tổ chức tín dụng, vậy mà ông Huỳnh Phong Tranh khẳng định: “Nội dung về cho vay 2.350 tỉ đồng của Nhiệt điện Phả Lại thì đây là vốn tạm nhàn rỗi của Công ty Nhiệt điện Phả Lại, do vậy, hoạt động này khẳng định không phải là hoạt động tín dụng, mà huy động nội lực trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Chúng tôi đã xem xét và thấy rằng không vi phạm pháp luật”.
Báo Người cao tuổi khi ấy đã nhận xét: “Rõ ràng là ông Tổng Thanh tra Chính phủ bao biện, nói lấy được, cả vú lấp miệng em. Bên A cho bên B vay lãi suất 17% mà bảo không phải là hoạt động tín dụng thì thua rồi?”.
Tuy nhiên, qua loạt bài phanh phui tiêu cực ở EVN và sau đó là bắt đầu có những “khởi động” về “hậu trường thanh tra” nhằm đưa ra chứng cứ tố giác về hành vi “bao che tham nhũng” của ông tổng Huỳnh Phong Tranh và cấp phó Ngô Văn Khánh, đã không nhận được bất kỳ ủng hộ nào từ cơ quan phòng chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Để rồi cuối năm 2014, báo Người cao tuổi bắt đầu bị thanh tra, điều tra và nhanh chóng khởi tố vụ án, khởi tố bị can…
Báo Người cao tuổi là tờ báo đầu tiên đã phanh phui các tài sản “có dấu hiệu tham nhũng” của cựu tổng TTCP Trần Văn Truyền. Tuy nhiên, ông Truyền đã “hạ cánh an toàn”.

Trong một tuyên bố đăng tải trên trang web Chính phủ hồi trung tuần tháng 4-2015, Tổng thanh tra Huỳnh Phong Tranh, khẳng định: “Không để khiếu nại, tố cáo ảnh hưởng đến Đại hội Đảng”. Liệu còn tiếp những nhà báo nào sẽ bị đe dọa bịt miệng bằng Điều 258, Bộ luật hình sự?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét