Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2015

Nợ xấu và nợ công tăng: Đáp số cho 'GDP tăng trưởng!'


Phạm Chí Dũng - Nợ xấu và nợ công tăng: Đáp số cho 'GDP tăng trưởng!'

Đăng bởi Trung Lập on Thứ Hai, ngày 01 tháng 6 năm 2015 | 1.6.15

“Về tổng thể, kinh tế vĩ mô rất tích cực,” ông Trần Du Lịch, trưởng đoàn đại biểu Quốc Hội ở Sài Gòn, người có tiếng là cận thần về phát thanh kinh tế của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, một lần nữa truyền thanh ra công luận khi kỳ họp thứ 9 Quốc Hội khóa VIII mới bắt đầu.


Ông Lịch cũng là một trong những nhân vật tỏ ra trung thành nhất với phía chính phủ khi từ năm 2011 đến nay, và liên tiếp lặp đi lặp lại ca khúc “nợ xấu vẫn chưa xấu,” “nợ công vẫn an toàn,” hoặc cho đến gần đây còn bày tỏ thiện cảm một cách đáng nghi ngờ dành cho dự án sân bay Long Thành của nhóm lợi ích ODA Việt Nam.



Nhưng cùng với “tiếng hót cuối cùng trong bụi mận gai” của giới chuyên gia “phản biện trung thành,” như ví von của một văn sĩ không xao lãng thời cuộc, toàn bộ các ẩn ngữ về nợ xấu, nợ công, bầu sữa ngân sách cùng nhiều hệ quả xã hội khác vẫn tuyệt đối chưa được cải thiện.


Thậm chí, lần đầu tiên trong lịch sử tồn tại của mình, chính phủ phải nêu ra đề xuất vay mượn từ quỹ dự trữ ngoại hối để tiêu xài cho đầu tư công. Chi tiết cần đặc tả đầy cảm hứng là đề xuất này hiện ra trong bối cảnh bức tranh kinh tế được Thủ Tướng Dũng và các bộ ngành của ông chen lấn từng nhát cọ về “kinh tế đang trên đà phục hồi” và “GDP tăng trưởng vượt bậc.”


Nhưng ngay lập tức, nhiều chuyên gia phản biện kinh tế độc lập đã phản ứng mạnh mẽ trên báo chí Việt Nam. Hàng loạt lý lẽ và dẫn chứng đủ thuyết phục được nêu ra luôn dẫn đến hậu quả trầm kha của hành vi “xẻo” quỹ dự trữ ngoại hối: Bất ổn tiền tệ và do đó sẽ bất ổn hiện trạng tài chính. Ngay cả một ngân hàng quốc tế như HSBC cũng phải lên tiếng cảnh báo rằng Ngân Hàng Nhà Nước không thể dùng $34 tỉ cho chính phủ vay vì sẽ gây ra những bất ổn tương tự.


Nếu trước đây nhiều người đã công khai chỉ trích cách điều hành quá bất ổn của giới quan chức chính phủ, thì đến giờ, chỉ riêng ý định vay mượn quỹ dự trữ ngoại hối đã làm lộ ra cái đáy gần trơ khấc của ngân sách nhà nước.


Mọi quả đều có nhân. Một ngân sách được báo cáo là “ổn định” không thể có chuyện trần bội chi ngân sách ấy cần được nâng từ 4.7% lên 5.3% như yêu cầu của Thủ Tướng Dũng trước Quốc Hội vào đầu năm 2014, cho dù 5% là ngưỡng nguy hiểm, và những quốc gia ổn định chi tiêu trên thế giới chỉ chấp nhận tình trạng bội chi từ 3-3.5%.


Còn thực tế lại tồi tệ hơn rất nhiều so với những con số mà các cơ quan tham mưu đã tống đạt cho ông Dũng để báo cáo trước Quốc Hội. Chỉ mới “kết toán” năm 2013, bội chi ngân sách Việt Nam đã lên đến 6.6%, vượt xa “trần 5.3%” của Thủ Tướng Dũng. Chạy dọc theo chiều dài chính sách “thắt lưng buộc bụng” của chính phủ đề ra từ đầu năm 2011, hàng chục công trình xây trụ sở ngàn tỉ đồng vẫn đều đặn mọc lên ở các địa phương có truyền thống năm nào cũng phải xin gạo cứu đói cho dân, những công trình ODA đội vốn cao gấp hàng chục lần đơn giá trên thế giới, chưa kể đến ngân sách vài ngàn tỉ đồng dành cho khối đảng mỗi năm, trong đó giới tuyên giáo “còn đảng còn mình” chiếm tỉ lệ lớn nhất.


Thực trạng co thắt đến nghẹt thở ngân sách lại bắt nguồn từ một nguyên nhân nghẽn mạch không kém: Cho tới nay và trên thực tế, Ngân Hàng Nhà Nước vẫn chưa “xử lý” được một đồng nợ xấu nào, nếu không muốn nói là lãi mẹ đẻ lãi con của nợ xấu vẫn tiếp tục tăng lên từng ngày.


Vẫn thói dối trá bệnh hoạn


Từ năm 2011 khi bắt đầu xuất hiện khái niệm nợ xấu cho đến tận gần đây, có ít nhất một tá lần Thống Đốc Nguyễn Văn Bình và cấp phó của ông “múa” số liệu tỉ lệ nợ xấu. Nợ xấu liên tục bị “điều chỉnh” chóng mặt. Chẳng hạn vào Tháng Tám, 2011 khi ông Nguyễn Văn Bình tiếp nhận ghế thống đốc, nợ xấu ngân hàng được công bố chỉ mới 3%, nhưng đến Tháng Sáu, 2012, tại một kỳ họp Quốc Hội, tỉ lệ này đã vọt lên 10%, để sau đó lại “chìm” về 4-5%.


Chi tiết đáng lưu ý là hai tháng trước khi ông Bình trở thành thống đốc mới vào năm 2011, cơ quan xếp hạng tín dụng có uy tín trên thế giới là Fitch Ratings đã kịp nêu ra tỉ lệ nợ xấu của Việt Nam là 13%, gấp bốn lần số báo cáo của “người Việt xấu xí.”


Cho đến đầu năm 2014, một tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế khác là Moody's đột ngột công bố tỉ lệ nợ xấu của Việt Nam lên đến 15%. Công bố này được phổ biến rộng rãi trên truyền thông thế giới và càng làm cho chính phủ Việt Nam khổ tâm trên con đường minh bạch hóa chưa bỏ được thói bưng bít và bất nhất thông tin.


Tất nhiên, trong bối cảnh nợ xấu còn lâu mới được xử lý và vẫn đang tăng lên từng ngày, câu chuyện “nhảy múa nợ xấu” của thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước còn lâu mới chấm dứt vũ điệu động kinh của nó.


Căn bệnh động kinh ấy đã bị chỉ mặt điểm tên, “Thói dối trá bệnh hoạn của giới quan chức ngân hàng.”


Vào cuối năm 2014, dường như tình thế “cháy nhà ra mặt chuột” bắt đầu hành sự, lần đầu tiên ông Nguyễn Văn Bình phải thú nhận trước Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội về tỉ lệ nợ xấu lên đến 17%, tương đương khoảng 500,000 tỉ đồng được “phát hiện” từ năm 2013. Cũng cho đến cuối năm 2014, một tiết lộ cho biết hầu hết 500 hồ sơ chào bán nợ xấu của Công Ty Quản Lý Tài Sản Quốc Gia (VAMC) gửi cho các tổ chức và doanh nghiệp tài chính quốc tế đã chưa nhận được bất kỳ hồi âm nào. Tình trạng còn hơn cả thê thiết như thế kéo dài cho đến tận giờ đây, bất chấp việc Thủ Tướng Dũng phải lần đầu tiên mở lời gạ bán nợ xấu Việt Nam trong chuyến công du Úc vào Tháng Ba mà không hề nhận lời phản hồi nào từ người đồng cấp Tony Abbott, không những thế còn bị nước này cắt bớt viện trợ.


Chỉ ít lâu sau, kết quả tài chính Quý 1 năm 2015 đã minh chứng rõ hơn nhiều về bức tranh nhà cháy và đàn chuột nháo nhào tuồn ra ngoài: Tình trạng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng vẫn tăng đều đặn và đang có dấu hiệu tăng mạnh vào thời điểm sắp kết thúc báo cáo nửa đầu năm 2015. Chỉ riêng tại Ngân Hàng Nhà Nước, chi nhánh ở Sài Gòn, đến cuối Tháng Ba, nợ xấu trên địa bàn là hơn 60,800 tỉ đồng, chiếm 5.53% tổng dư nợ cho vay. Con số này cao hơn nhiều so với mức 3.49% của cả nước (thống kê cuối Tháng Giêng).


Tình hình này cho thấy các phương án “xử lý nợ xấu” của Ngân Hàng Nhà Nước vẫn hoàn toàn bế tắc. Toàn bộ mục tiêu “giảm nợ xấu về 3% vào cuối năm 2015” vẫn chỉ nằm trên giấy tờ mà không có một chút gì thực chất, theo các chuyên gia.


Hiển nhiên, việc các ngân hàng thương mại không thể giải quyết được nợ xấu đã khiến Ngân Hàng Nhà Nước không thu được nợ và dĩ nhiên không thể bù đắp cho bầu sữa ngân sách đã bị các nhóm lợi ích xâu xé gần như cạn kiệt.


Bóng ma phá sản hiện hình


Rất đồng nhịp với nợ xấu, nợ công quốc gia tiếp tục phi mã. Nếu chỉ cập nhật theo đồng hồ nợ công quốc tế trên tạp chí The Economist ngày 4 Tháng Năm, tổng nợ công của Việt Nam đang ở mức $89.08 tỉ, chiếm tỉ lệ 46.6% GDP và tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại thời điểm này vào năm 2014, nợ công của Việt Nam là $81 tỉ, chiếm tỉ lệ 47.9% GDP.


Nhưng cần lưu ý, con số và tỉ lệ nợ công trên chỉ được căn cứ vào báo cáo chính thức của chính phủ và Bộ Tài Chính.


Còn tỉ lệ thực về nợ công/GDP mà những chuyên gia phân tích độc lập đưa ra lại khác xa số liệu công bố của chính phủ. Từ cuối năm 2013, nợ công/GDP đã được một chuyên gia nhà nước thừa nhận là tăng đến 98%, tức làm ra 100 đồng thì phải dành đến 98 đồng để trả nợ.


Một số chuyên gia độc lập khác còn nêu ra tỷ lệ nợ công/GDP lớn hơn: 106%, nếu tính đầy đủ đến nợ của các tập đoàn kinh tế nhà nước theo tiêu chí hướng dẫn cách tính nợ công của Liên Hiệp Quốc.


Trong một thái độ khuất tất lâu ngày, ngành thống kê và Bộ Tài Chính Việt Nam vẫn khăng khăng không chịu đưa tiêu chí trên vào áp dụng, dẫn đến kết quả “nợ công luôn nằm trong mức an toàn.”


Tình hình nợ xấu và nợ công tiếp tục dấn sâu vào vùng nguy hiểm đang là hiện tượng tiếp biến mà rất có thể sẽ làm cho nền kinh tế Việt Nam lao vào vùng phá sản trong ít năm tới - không khác mấy trường hợp của Argentina năm 2001.


Không thể khác hơn, bóng ma phá sản đang hiện hình từng ngày là đáp số đích đáng nhất cho báo cáo “GDP Việt Nam tăng hơn 6% trong Quý 1 năm 2015” của giới lãnh đạo trơn tuột trong nội các gần hết khóa của chính phủ.


Phạm Chí Dũng


(Người Việt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét