Thứ Năm, 14 tháng 5, 2015

Kết quả chung cho nhà báo chống tham nhũng


Kết quả chung cho nhà báo chống tham nhũng


Mặc Lâm, biên tập viên RFA, Bangkok
2015-05-14






Báo Công An đưa tin khởi tố ông Kim Quốc Hoa nguyên tổng biên tập (TBT) báo Người Cao Tuổi




Sáng ngày 12 tháng 5 Cơ quan An ninh điều tra thuộc Bộ Công an đã tống đạt Quyết định khởi tố bị can với ông Kim Quốc Hoa, cựu tổng biên tập báo Người cao tuổi để điều tra theo điều 258 Bộ luật Hình sự. Dư luận từ bấy lâu vẫn xem ông Kim Quốc Hoa bị tước quyền TBT tờ báo vì đã dũng cảm tố cáo tham nhũng trong tất cả các ban ngành của Việt Nam, kể cả công an qua bài phóng sự “Bàn về thị trường sao và vạch”. Mặc Lâm phỏng vấn nhà báo Trần Quang Thành là người từng làm việc chung với ông Kim Quốc Hoa và cũng là nhà báo vì chống tham nhũng đã bị tạt acit đến mang thương tật trầm trọng.
Mặc Lâm: Xin cám ơn nhà báo Trần Quang Thành. Thưa ông chúng tôi được biết ông từng làm việc và chia sẻ rất nhiểu kinh nghiệm chống tham nhũng với nhà báo Kim Quốc Hoa, ông nghĩ sao khi nghe tin ông Hoa bị quy kết vào điều 258?
Nhà báo Trần Quang Thành: Tôi khẳng định rằng anh Kim Quốc Hoa là người rất cương trực đấu tranh chống tham nhũng. Tôi và anh đã làm việc với nhau rất nhiều năm cho nên chúng tôi biết rất rõ nhau. Tôi biết anh là người cương trực thẳng thắn. Từ ngày anh còn là TBT ở các tờ báo khác cho tới tờ cuối cùng là Người Cao tuổi lúc nào anh ấy cũng cổ vũ những bài vở chống tham nhũng. Chính hồi đó anh cũng cổ vũ tôi rất nhiều khi nêu vụ của tôi trên báo Xây dựng lúc đó. Rất nhiều lần anh đấu tranh phanh phui vụ việc bao che tham nhũng để hại tôi và các đường giây công an nhưng cuối cùng cũng thất bại.
Mặc Lâm: Ông vừa cho biết là ông Kim Quốc Hoa đã liên tục bênh vực ông trong các ông vụ chống tham nhũng, ông có thể cho biết thêm chi tiết những vụ này như thế nào không?
Nhà báo Trần Quang Thành: Khởi đầu vụ chống tham nhũng của tôi tại ngay cơ quan phát thanh truyền hình là nó tham nhũng tiền lấy của dân để mua các thiết bị làm truyền hình. Khi phát hiện ra vụ này công an họ đã bao che cho nên tuy kết luận vụ việc là nghiêm trọng nhưng họ bao che họ không xét xử.
Vụ thứ hai là vụ các quan chức đã lợi dụng đường hàng không và bưu điện để buôn thuốc là lậu. Một số thương nhân buôn thuốc là lậu trong đó có cả công an. Khi tôi phát hiện ra đường giây này tôi có viết một bài đăng trên đài Tiếng nói Việt Nam nói về đường giây buôn bán thuốc lá qua biên giới qua đường hàng không, bưu điện. Khi bài báo này phát lên thì công an họ đến họ xin tài liệu. Lúc đầu tôi không cho vì tôi rất không tin họ. Sau đó có ý kiến của những người lãnh đạo cấp cao thì tôi dã phải đưa tài liệu cho họ. Chỉ mấy ngày thì họ phá được vụ án trong đó dính líu đến các nhân vật trong ngành công an.
Nguyễn Đức Nhanh lúc đó là Đại tá Trưởng phòng CSĐT của CA Hà nội và Vũ Đình Hoành là phó giám đốc CA Hà nội thì chính là những người liên quan vụ án này, liên quan tới đường giây này cho nên bao che cho nhau, cho đối tượng này biết tôi là người phát hiện cho nên nó đã dùng acit nó hại tôi
Nhà báo Trần Quang Thành
Khi phát hiện vụ án này thì tôi biết là đã nguy hiểm rồi. Tôi bị đe dọa sẽ bị hãm hại. Tên đầu sỏ vụ án lại được chính công an bao che cho nó trốn thoát. Nguyễn Đức Nhanh lúc đó là Đại tá Trưởng phòng cảnh sát điều tra của Công an Hà nội và Vũ Đình Hoành là phó giám đốc công an Hà nội thì chính là những người liên quan vụ án này, liên quan tới đường giây này cho nên bao che cho nhau, cho đối tượng này biết tôi là người phát hiện cho nên nó đã dùng acit nó hại tôi.


Nhà báo Trần Quang Thành là người từng làm việc chung với ông Kim Quốc Hoa và cũng là nhà báo vì chống tham nhũng đã bị tạt acit đến mang thương tật trầm trọng

Sau đó chính nó lại bao che cho tội phạm. Nó không điều tra gì cả nhưng nó lại nói là điều tra. Trong gần một năm nằm điều trị khi ra viện tôi hỏi Giám đốc công an Hà nội lúc đó là Phạm Chuyên và ông Nguyễn Văn Tình đều xác nhận với tôi vào ngày múng 4 tháng 7 năm 1991là không có báo cáo nào về vụ án nhà báo Trần Quang Thành bị tạt acit cả. Tôi hỏi ông Phạm Kim Long lúc đó là Thứ trưởng bộ công an, là Bộ nội vụ cũ, thì ông cũng nói là ông không biết gì cả trong khi đó họ báo với tôi chính ông Long là người chỉ đạo trực tiếp với Bộ công an làm cái vụ này.
Tôi nghĩ rằng các vụ án về tham nhũng, buôn lậu nó dính tới ngành công an rất nhiều, rất nghiêm trọng. Nó bao che cho nhau cho nên nó làm đủ mọi cái ám hại các nhà báo
Nhà báo Trần Quang Thành
Tôi nghĩ rằng các vụ án về tham nhũng, buôn lậu nó dính tới ngành công an rất nhiều, rất nghiêm trọng. Nó bao che cho nhau cho nên nó làm đủ mọi cái ám hại các nhà báo. Đối với tôi, tôi nghĩ rằng làm nhà báo mà chống tham nhũng thì không bị đi tù như vụ PMU 18 thì cũng bị ám hại như tôi là bị tạt acit. Chống tham nhũng trong xã hội Việt Nam rất khó và rất nguy hiểm vì ngành công an là nơi bao che cho tội phạm rất nhiều. Trong nhiều vụ án thì chính công an đứng sau lưng cho nên rất khó mà an toàn cho các nhà báo.
Mặc Lâm: Ông vừa cho rằng công an Hà Nội đã trực tiếp dính vào việc của ông, còn những vụ khác thì sao ạ? Là nhà báo theo dõi và viết phóng sự điều tra nhiều vụ tham nhũng ông có kinh nghiệm gì về việc này?
Nhà báo Trần Quang Thành: Bây giờ ờ trong các ngành kinh tế công an là một siêu bộ. Mỗi một bộ đều có một Cục để mà theo dõi cho nên bây giờ số cổ phần cổ phiếu trong các doanh nghiệp trong các tập đoàn họ không phải là không có. Ông to có cổ phiếu lớn còn ông nhỏ có cổ phiều nhỏ cho nên nó giây mơ rễ má quyền lợi kinh tế nó dính liền rất nhiều với nhau.
Tôi lấy vì dụ như vụ của tôi khi phát hiện vụ tham nhũng của đài phát thanh truyền hình, Bộ công an bắt anh giám đốc công ty vật tư của đài phát thanh truyển hình Vĩnh Long đã đinh di lý anh ta vể Sài Gòn thì chính công an tỉnh Vĩnh Long lại làm đơn ra Hà Nội xin hoãn án cho anh ta vì anh ta dính vào một vụ trọng án khác giúp cho công an điều tra vụ Khmer thế là anh ta được tại ngoại và cuối cùng số tiền trong vụ án ấy là 20 ngàn đô la biến đi đâu cũng không ai biết còn anh ta trắng án không ai xử cả.
Cho nên tôi nghĩ rằng những người tố cáo tham nhũng ở Việt Nam không bao giờ được bảo vệ cả tại vì tất cả cơ quan từ cao nhất trở xuống họ đều bao che cho tham nhũng thì làm sao bảo vệ được?
Nhà báo Trần Quang Thành
Mặc Lâm: Chúng tôi cũng được biết có hai vụ tham nhũng một vụ là nhà báo Hoàng Linh phanh phui tham nhũng của Tổng cục Hải quan và vụ kia là ông Nguyễn Tăng Thắng ở UBND tỉnh Bình Thuận. Ông có chi tiết gì về hai vụ này không thưa ông?
Nhà báo Trần Quang Thành: Ông Hoàng Linh là Tổng biên tập của báo Diễn đàn Doanh nghiệp, phát hiện ra vụ đường giây mua bán tàu cao tốc tuần tra trên biển là một vụ buôn lậu. Tàu này nó mua của Ba Lan, do Tổng cục Hải quan đi mua nhưng mà họ đã ăn chênh lệch giá rất nhiều tới mấy chục ngàn đô la. Khi bài báo đăng lên thì áp lực của Hải quan là bắt phải hạ bài xuống vì lộ bí mật quốc gia. Ông không chịu hạ và tiếp tục tố giác. Cuối cùng vụ án khui ra đúng sự thật, có sự tham nhũng ăn trên chênh lệch giá của bên hải quan để tham nhũng. Ông Hoàng Linh bị Bộ công an khởi tố về tội làm lộ bí mật quốc gia. Khi ra tòa người ta giam ông ấy bao nhiêu tháng bao nhiêu ngày thì họ xét xử và kết án đúng số ngày ông ấy đã bị giam giữ. Nó lợi dụng chức quyền đến như vậy.
Còn ông Nguyễn Tăng Thắng ở tỉnh Bình Thuận là người có công lớn vì đã phát hiện ra các lãnh đạo của tỉnh Bình Thuận đã chiếm rừng Tánh Linh, chia sẻ cho nhau để phá rừng đầu nguồn. Cuối cùng ông bị khai trừ khỏi đảng. Ông kiên quyết bán hết nhà cửa để mua máy quay phim máy chụp ảnh để ông làm tài liệu và cuối cùng thì ông đã thắng. Bí thư, Chủ tịch bị kỷ luật có người đã đi tù, lúc đó ông Nguyễn Tăng Thắng người ta đề nghị phải được anh hùng, thế nhưng có được đâu? bây giờ ông sống và trốn chui trốn nhủi ở đâu không ai biết. Sau vụ đó ông mất tích luôn bây giờ không ai biết ông ở đâu cả.
Cho nên tôi nghĩ rằng những người tố cáo tham nhũng ở Việt Nam không bao giờ được bảo vệ cả tại vì tất cả cơ quan từ cao nhất trở xuống họ đều bao che cho tham nhũng thì làm sao bảo vệ được?
Mặc Lâm: Xin cám ơn nhà báo Trần Quang Thành.

Nguồn : RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét