Chủ Nhật, 24 tháng 5, 2015

Bài ca tôi đã hát (Phần 3)


Bài ca tôi đã hát (Phần 3)

NGUYỄN THƯỢNG LONG.





BÀI CA TÔI ĐÃ HÁT(Phần 3)
“ĐẾ QUỐC VIỆT NAM & CHXHCN VIỆT NAM AI PHỤ THUỘC VÀO NGOẠI BANG HƠN AI?”

Có thể nói, trong lịch sử Việt Nam cận đại, năm 1945 là năm hội tụ những biến cố xã hội trọng đại nhất liên quan đến số phận của cả giống nòi. Từ thời điểm đó trở đi, đất nước và dân tộc đi vào trào lưu chính trị khai phóng văn minh hay là tự lạc vào mê lộ của thứ chính trị chỉ đem đến những đọa đầy mà xuất phát điểm của nó là các yếu tố hoàn toàn ngọai lai, xa lạ với phẩm chất và truyền thống dân tộc ? Câu hỏi đó đến nay đã quá đủ dữ liệu để trả lời. Tôi nghĩ rằng ai ai cũng nghĩ như những gì tôi sẽ viết dưới đây thôi, chỉ có điều nói ra làm gì và nói ra để được cái gì? Thì đó lại là một câu chuyện hoàn toàn khác, một quyết định chọn lựa có thể dẫn đến những hệ lụy chết người, vậy mà nhiều người vẫn tự dấn thân vào. Phải chăng điều đó là số phận hay là tất yếu? Tôi nghĩ là cả hai.


BẢN TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP ĐẦU TIÊN & ĐẾ QUỐC VIỆT NAM.


Có quá nhiều người Việt Nam hôm nay không biết rằng 5 tháng trước ngày ông Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tại quảng trường Ba Đình 2 – 9 - 1945, thì đã có bản Tuyên Ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam với thế giới, đó là bản Tuyên Ngôn ngày 11 – 3 - 1945 của Hoàng Đế Bảo Đại. Sau khi triều đình nhà Nguyễn tuyên hủy Hiệp Ước Patenotre và sau khi Hoàng Đế Bảo Đại chuẩn y để toàn thể các Thượng Thư lục bộ của triều đình Huế đồng loạt xin từ chức, Bảo Đại tuyên bố Việt Nam độc lập và Đế Quốc Việt Nam đã ra đời. Tư duy của người đời nay dễ dị ứng là sao quốc hiệu lại có vẻ phản cảm như thế? Ngược dòng lịch sử ta thấy khi kho tàng tiếng Việt chưa xuất hiện cụm từ “Quân Chủ Lập Hiến” thì “Đế Quốc Việt Nam” chỉ thuần túy là cách gọi tên của một quốc gia lập hiến có sự hiện diện của ngôi vua, tương tự như Thái Lan, Ấn Độ, Anh Quốc, Hà Lan, Úc…. hoàn toàn không có nghĩa xấu như tên gọi Đế Quốc Mĩ sau này. Đế Quốc Việt Nam là quốc hiệu đầu tiên của Việt Nam độc lập với ngày quốc khánh là ngày 11 – 3 – 1945. Chính phủ đầu tiên của Đế Quốc Việt Nam do học giả Trần Trọng Kim đứng ra tạo dựng. Chính phủ này quy tụ 100% là trí thức Việt Nam ở bậc thượng thặng lúc đó, họ đã chọn Thủ đô là Phú Xuân,





Quốc kỳ



Quốc kỳ là lá cờ Quẻ Ly, Quốc ca là bài Đăng Đàn Cung với lời lẽ nhân ái, bình dị, không có mùi máu người, thây người cùng sự thôi thúc khói lửa binh đao như bài Tiến Quân Ca của Văn Cao mà những người cộng sản Việt Nam trong kỳ họp quốc hội khóa I - 1946 đã chọn. Đây là lời ca của Đăng Đàn Cung:


“Kìa núi vàng bể bạc
Có sách trời …sách trời định phần!
Một dòng ta – gầy non sông vững chắc.
Đã ba ngàn mấy trăm năm!
Bắc Nam cùng một nhà con Hồng cháu Lạc.
Văn minh đào tạo
Mầu gấm hoa càng đượm
Rạng vẻ dòng giống Tiên Long.
Ấy công gầy dựng
Từ xưa đà khó nhọc
Nhớ ơn dày nặng
Lòng trung quân đã sẵn
Cố thương nhau …thương nhau một niềm.
Nguyện nhà Việt Nam muôn đời thạnh trị.”










Nội các Trần Trọng Kim ngày ra mắt quốc dân.


Ngôn ngữ chính thống của Đế Quốc Việt Nam là tiếng Việt, Hoàng Đế là Bảo Đại, Tổng Lý (Thủ Tướng) là Trần Trọng Kim (1883 – 1953)…


Vì nhiều lý do tế nhị, trong đó có lý do để tránh cho dân tộc khỏi bị cuốn vào cơn lốc của thế chiến II đang ở giai đoạn tàn lụi mà nội các Trần Trọng Kim không thành lập Bộ Quốc Phòng, mọi lo toan bảo vệ chủ quyền lãnh thổ vẫn phải nhờ quân đội Nhật. Về vấn đề này, giáo sư Lê Xuân Khoa viết:


“ Chính phủ Trần Trọng Kim mang tiếng là thân Nhật, nhưng thật ra chỉ là lợi dụng cơ hội Nhật đảo chính Pháp để nắm lấy quyền cai trị, nhằm dần dần phục hồi độc lập hoàn toàn cho dân tộc. Đó là phương cách thực tế và khôn ngoan nhất mà bất cứ một chính trị gia sáng suốt nào, kể cả Hồ Chí Minh cũng sẽ chọn lựa vào lúc đó”.


Đế Quốc Việt Nam ra đời và chỉ tồn tại được trong 5 tháng, từ tháng 3 – 1945 đến 8 – 1945. Tháng 8 – 1945 trong biến cố cướp chính quyền do Việt Minh phát động, nội các của Thủ tướng Trần Trọng Kim không chủ trương bạo động, không hề muốn có việc chém giết người Việt, ông Kim đã thẳng thừng từ chối lời gợi ý của tư lệnh quân đội Nhật ở Đông Dương rằng, nếu ông Kim muốn, quân đội Thiên Hoàng lúc đó tuy đã thất thế trước đồng minh, họ vẫn dư sức giúp tiêu diệt sạch lực lượng Việt Minh lúc đó còn rất yếu. Quá tin những người cộng sản núp bóng Việt Minh sẽ đặt tổ quốc lên trên hết, dân tộc lên trên hết, Thủ Tướng Trần Trọng Kim cùng các thành viên chính phủ chủ động trao chính quyền cho Việt Minh trong ngày 23 – 8 – 1945 mà không hề có bất cứ một hành động quân sự chống đối nào.


Rất tiếc vị Thủ Tướng đầu tiên của chính phủ quân chủ lập hiến đầu tiên của Việt Nam không hề biết thế giới quan của người cộng sản lại là cộng sản Việt Nam là “Mục Hạ Vô Nhân”, tức là chỉ có ĐCS là đỉnh cao trí tuệ, là trên hết …nên kể cả khi chưa cướp được chính quyền họ đã hoàn toàn phủ nhận sự hiện diện của Đế Quốc Việt Nam. Trong con mắt của Việt Minh thì chính phủ Trần Trọng Kim là một chính phủ chẳng ra gì. Theo họ vua Bảo Đại chỉ là kẻ đàng điếm, ăn chơi vô tích sự, chính thể do ông ta tạo ra vẫn phải dựa vào Nhật Bản để tồn tại …thì đó chỉ là một chính phủ bù nhìn không thể công nhận và theo cương lĩnh chính trị của họ, chính quyền Việt Nam phải dựa trên liên minh công - nông sau này được gắn thêm cái đuôi kệch cỡm “Của Dân – Do Dân – Vì Dân” đầy huyễn hoặc. Nền học vấn của thế hệ chúng tôi vẫn đinh ninh điều đó là đúng, rằng Tuyên Ngôn độc lập ngày 2 – 9 – 1945 của ông Hồ Chí Minh tại quảng trường Ba Đình mới là number one. Thứ chính trị áp đặt vô lối đó có tôn trọng sự thật lịch sử không? Câu trả lời là không. Khi thế giới là thế giới phẳng, nhờ sự bùng nổ thông tin Internet mà nhiều giá trị tưởng rằng bất biến đã thi nhau lung lay và đổ vỡ. Người đời đã biết đến một thứ gọi là “Chính chọe”xác lập trên những trí trá, lèo lái, áp đặt, tô vẽ hết sức chủ quan của kẻ cầm quyền. Kiểu như hôm nay lãnh đạo Hà Nội nói: “Thay thế cây xanh là để môi trường sống Hà Nội ngày một tốt lên!”, nhưng thực chất đây lại là một cuộc làm ăn của đám lâm tặc thuộc đủ cấp bậc được bảo kê, ngang nhiên diễn ra giữa lòng thủ đô.


Nhiều thập kỷ đã trôi qua, giờ đây nói nội các Trần Trọng Kim là nội các thân Nhật thì vẫn đúng, còn nói nội các Trần Trọng Kim chỉ là bù nhìn của Nhật Bản thì có quá chủ quan không, khi chỉ trong 126 ngày tồn tại (Từ 17 – 4 – 1945 đến 23 – 8 – 1945) họ đã làm được cả một núi công việc có lợi cho quốc kế dân sinh như:


- Thả tù chính trị.
- Thành lập tổ chức Thanh Niên Tiền Tuyến.
- Thu hồi Nam Kỳ.
- Cải cách hành chính
- Sơ thảo hiến pháp
- Thay thế các ảnh hưởng của Pháp
- Đưa quốc ngữ vào vị trí ngôn ngữ chính
- Cứu đói


Vậy mà ông Kim vẫn sòng phẳng và ngang ngửa trước Tổng Tư Lệnh quân đội Nhật ở Đông Dương Tsuchihashi đến như thế này…:


“Quân đội nhật đã đánh quân đội Pháp và công nhiên hứa hẹn trả quyền tự chủ cho nước Việt Nam. Bởi vậy tôi không quản tuổi già và sự khó khăn của hoàn cảnh mà đứng ra lập chính phủ. Tôi làm việc một lòng giúp nước tôi, cũng như các ông lo việc giúp nước Nhật…Nếu các ông cho tôi là người làm việc cho nước Nhật, việc đó không phải là phận sự của tôi. Tôi sẵn sàng xin lui” (Lệ Thần Trần Trọng Kim).


Tôi nghĩ rằng nếu như chính trường Việt Nam ngay từ những ngày tháng 8 – 1945 trở đi được vận hành bởi những những tập thể có những dự án chính trị trong sáng, những chính khách lương thiện đủ tâm đức và tài năng lèo lái dân tộc tránh được 2 cuộc đổ máu 1945 – 1954 và 1955 - 1975 khủng khiếp nhất trong lịch sử 4000 năm mà vẫn đi đến được độc lập như hơn 40 nước cùng cảnh ngộ thuộc địa thì đến nay, nếu Việt Nam không ngang phân với Nhật Bản thì cũng không phải tủi phận ở vị trí đội sổ Asean đang bị Lào và Campuchia qua mặt và bị kẻ cuồng bạo phương Bắc không ngừng cưỡng bức như hiện nay. Rất tiếc nền chính trị của Việt Nam sau những ngày 8 – 1945 đã không đi vào những chính đạo dẫn đến những rạng rỡ, lại lạc bước trên những mê lộ vòng vèo chỉ dẫn đến những trớ trêu, chia rẽ, những bế tắc nhuốm mầu đọa đầy vẫn do ngoại bang chi phối. Có thể nói, Chính khách Việt Nam từ 8 – 1945 trở đi…họ thực sự chỉ làm nhiệm vụ của những quân cờ trên bàn cờ của các siêu cường.




ĐẾ QUỐC VIỆT NAM NĂM XƯA VÀ CHXHCN VIỆT NAM
HÔM NAY… AI PHỤ THUỘC NGOẠI BANG HƠN AI?


Thật là một trớ trêu, 70 năm sau ngày người cộng sản Việt Nam giải thể nội các Trần Trọng Kim và coi Đế Quốc Việt Nam chỉ là bù nhìn phụ thuộc Nhật Bản…thì lúc này quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc có khác gì đâu cái tư thế ngày nào của chính phủ Trần Trọng Kim trước Nhật Bản. Tự nguyện núp dưới “Lá Bùa 16 chữ vàng và 4 tốt” đầy ma mị của Trung Quốc, mỗi lần đứng trước các ông lớn Bắc Triều, ban lãnh đạo Việt Nam hôm nay…không một ai có được, chỉ 1/3 cái khí phách của ông Trần Trọng Kim trước các võ quan Nhật Bản ngày nào qua trích đoạn trên.


Trong con mắt của những người cộng sản, chính thể VNCH cũng chẳng tốt đẹp hơn gì nội các bù nhìn Trần Trọng Kim. Nhưng… hãy cùng một lần nhìn lại ánh mắt của phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ khi ông đứng trước người đồng minh Hoa Kỳ của VNCH, cũng là những kẻ đã khai tử cho chế độ này…





Người mang kính gọng đen đứng bên tay mặt ông Kỳ
là Tiến sĩ H. Kissinger kiến trúc sư số 1 cho cái chết của VNCH





Một cú cúi chào không bình thường của ông
Trương Tấn Sang, làm rầu lòng người dân Việt


Và hãy cùng đọc lại một vài xuất ngôn đình đám nhất của cuộc đua để được lòng Trung Quốc của một số ứng cử viên cho chiếc ghế TBT trong nhiệm kỳ tới, sẽ thấy tư chất bù nhìn, phụ thuộc đâu chỉ có ở nội các Trần Trọng kim và VNCH. Nếu ông Phùng Quang Thanh bầy tỏ nỗi lòng mình với Trung Quốc bằng sự xót xa hết sức vong bản, giả dối, trơ trẽn và sống sượng:


“Tôi thấy lo lắng lắm, không biết tuyên truyền thế nào, chứ từ trẻ con đến người già có xu thế ghét Trung Quốc. Ai nói tích cức cho Trung Quốc là ngại. Tôi cho rằng, cái đó là nguy hiểm cho dân tộc”…





Ông Dũng đang mạt sát Mỹ và “Diễn Biến” với Tầu.


thì ông Nguyễn Tấn Dũng một người đã từng nổi tiếng là người cấp tiến, ưa Mỹ, thích phương Tây và ghét Tầu nhất, vậy mà giữa lúc Liên xô với hồ sơ Crime, Trung Quốc với hồ sơ Biển Đông… đang bắt tay nhau, cảm thông và ủng hộ nhau rất bất lợi cho Việt Nam, giữa lúc quan hệ Việt – Mỹ và vấn đề vào TPP của Việt Nam đang rất tế nhị và Mĩ đang có vai trò đối trọng đủ sức làm phá sản những tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông thì diễn văn đọc trong lễ kỷ niệm 30 – 4 vừa qua tại Sài gòn, ông Dũng đã làm nhiều người ngơ ngác khi ông thể hiện ông là một Nguyễn Tấn Dũng vẫn tiếp tục đánh Mỹ đến cùng và quỵ lụy Tầu cũng không kém đối thủ chính trị nào… Ông Dũng đánh đi tín hiệu này cho ai đây và người đời sẽ có cảm nghĩ gì về tư thế của Việt Nam trước các siêu cường khi nghe lời miệt thị người này và lời cám ơn người khác đặt ra rất không đúng lúc của ông Dũng: "Đế quốc Mỹ đã ngang nhiên áp đặt chế độ thực dân kiểu mới, biến miền Nam Việt Nam thành căn cứ quân sự của Mỹ, đàn áp tàn bạo cách mạng miền Nam và tiến hành chiến tranh phá hoại khốc liệt ở miền Bắc. Chúng đã gây ra biết bao tội ác dã man, biết bao đau thương, mất mát đối với đồng bào ta, đất nước ta"…và "Tại buổi lễ trọng thể này, một lần nữa chúng ta chân thành cảm ơn các nước XHCN, nhất là Liên Xô, Trung Quốc".


Với người quan tâm tới thế sự, ai mà chẳng bâng khuâng và tâm tư…khi một chính khách lọc lõi như ông Dũng, người đã từng nhiều lần thoát hiểm một cách ngoạn mục trước các “Hố Đen” chính trị do các đồng chí của ông tạo ra…lại có thể có những phát ngôn hớ hênh thiếu thận trọng đến thế sao?


Chê nội các Trần Trọng Kim là bù nhìn của Nhật, miệt thị VNCH là chư hầu của Mỹ…vậy thử hỏi Việt Nam hôm nay Tự Do – Độc Lập – Tự Chủ cái gì mà ông Nguyễn Phú Trọng muốn đi Mỹ đã phải đi Trung Quốc để quán triệt định hướng của Thiên Triều đã (!?).


Và có một hiện tượng ít người để ý là… tuy bị mang tiếng là bù nhìn của Nhật Bản, nội các Trần Trọng Kim và hậu duệ sau này của họ là Việt Nam Cộng Hòa đã không hề chủ động làm hư hao một ly, một lai đất đai biển đảo nào của tổ tiên vào tay ngoại bang, đâu có tệ hại như những thua thiệt về lãnh thổ, biển đảo luôn chỉ thuộc về phía Việt Nam trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc qua nhiều thập kỷ.


Đến đây câu hỏi “Đế quốc Việt Nam và CHXHCN Việt Nam ai phụ thuộc vào ngoại bang hơn ai?” đã có câu trả lời thuyết phục rồi. Không biết giờ đây dưới những tầng đất sâu trên cao nguyên Đà Lạt, ông Trần Trọng Kim có khi nào cựa mình mà rơi lệ trước cảnh “Quốc Thổ trầm luân!”, có chút hối hận nào cho việc đã quá dễ dàng trao quyền cho Việt Minh 70 năm về trước? Và ông có biết thất bại của ông cũng là thất bại của một chính phủ 100% là trí thức ở bậc thượng thặng. Đây cũng là một lần trí thức Việt Nam mất điểm nghiêm trọng nhất trên chính trường nước nhà… (Còn nữa)
Sài gòn một chiều tháng 4 – 2015
NGUYỄN THƯỢNG LONG
- Nơi ở : Ngách 102/12 Đường Văn La – Phú La – Hà Đông – Hà nội.
- Điện thoại : 0433521066 & 01652323836.
- Email: nguyenthuonglong571@gmail.com


Đón đọc: BAÌ CA TÔI ĐÃ HÁT (Phần IV)

“CHÍNH TRỊ THỚ LỢ & TRÍ THỨC XU THỜI”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét