Phạm Thị Hoài: BẠN MUỐN GÌ Ở HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM?
FB Phạm Thị Hoài
11-05-2015
Muốn nó đứng ra trao giải thưởng Ngòi bút Dũng cảm cho Nguyễn Quang Lập? Muốn nó mời Dương Thu Hương về giới thiệu Đỉnh cao chói lọi cho độc giả Việt Nam? Muốn nó tổ chức hội thảo về Đĩ thúi của Nguyễn Viện? Muốn nó lập quỹ khuyến khích tự do xuất bản mang tên Nhân văn-Giai phẩm? Muốn nó xin chính phủ ngân sách cho dự án khổng lồ phục hồi văn học miền Nam trước 75? Muốn nó cho in một triệu cuốn Quần đảo ngục tù, hai triệu cuốn Quyền lực của kẻ không quyền lực và ba triệu bản Linh Bát Hiến chương? Muốn nó lập PEN Việt Nam, gia nhập Văn bút Quốc tế?
Bạn muốn gì ở ông Hữu Thỉnh?
Muốn ông ấy đọc thơ Lý Đợi một lần nữa, lần này không chỉ hùng hồn như lần trước mà còn thành kính thiết tha? Muốn ông ấy cứu luận văn của Nhã Thuyên như từng bênh vực Cánh đồng bất tận? Muốn ông ấy đập bàn mắng cử nhân văn chương Nguyễn Phú Trọng, này, ông văn, tôi cũng văn, nhà văn chứ có phải con vịt đâu mà lúc thì “cởi”, lúc thì “trói”, cứ “gỡ ra rồi lại buộc vào như chơi” thế hử? Muốn ông ấy thôi viết về những đám mây mùa hạ đang chần chừ sang thu để trầm ngâm về những văn hào quốc doanh thành đạt đang chùng chình trước buổi hoàng hôn của Đi tìm cái Tôi đã mất? Hay muốn ông ấy theo gương Trần Nhân Tông, nhường ngai vàng mười lăm năm bất tận cho ứng viên Nobel văn chương Hoàng Quang Thuận, để lên núi viết Thi Vân Yên Tử Reloaded?
Tóm lại là bạn muốn Hội Hữu Thỉnh tự xóa hệ điều hành cài sẵn, tự nạp những chức năng hoàn toàn không có trong lập trình?
Đó là chuyện hư cấu viễn tưởng, bạn bảo thế, bạn không muốn cường điệu. Thế bạn muốn gì trong phạm vi hiện thực vừa phải?
Với tất cả sự nhạt nhẽo thiếu chính kiến và trốn chính kiến của nó, cái Hội ấy không thể không tỏ thái độ trước một Văn đoàn Độc lập. Với tất cả khả năng múa miệng, ông Hữu Thỉnh không thể đem nước bọt chiêu đãi ông Nguyên Ngọc, người đứng đầu Ban Vận động Văn đoàn Độc lập. Hơn một năm Hội Nhà văn đã công khai im lặng trước sự kiện Ban Vận động ra đời [1], trong đó quá nửa thành viên sống trong nước đồng thời là hội viên Hội Nhà văn. Đằng sau sự im lặng đó hẳn là những vận động, khiến hai nhà văn hội viên xin rút khỏi Ban Vận động và một nhà văn khác xin rút khỏi danh sách hưởng ứng, song muốn thế nào, đó vẫn là một kiềm chế nên ghi nhận. Như thể nó cũng kiên nhẫn thủ thế chờ thời cơ như đối phương. Cuối cùng, cử chỉ mạnh nhất của Hội cho đến nay là gạch tên những hội viên đang tham gia Ban Vận động khỏi danh sách bầu đi dự Đại hội Đại biểu Nhà văn Toàn quốc sắp tới.
Những năm ba mươi thế kỷ trước, Tự lực Văn đoàn không hề là một tổ chức văn học độc quyền ở Việt Nam, song nếu Khái Hưng bỗng đứng ra lập riêng một văn đoàn khác, tôi tin rằng hoặc trước đó ông đã tự rời khỏi nhà số 80 phố Quán Thánh, hoặc Nhất Linh sẽ lịch sự mời ông ra khỏi nơi này. Các văn đoàn không phải là những gia đình mafia. Không có luật bố già nào cấm một người viết là thành viên của nhiều hội, nhóm văn học khác nhau. Nếu các tổ chức đó cùng chí hướng và tôn chỉ hoạt động, lại có thể bổ sung, hỗ trợ nhau thì chẳng có gì phải bàn. Nhưng vừa có chân ở một hội này, vừa có mặt ở một hội cạnh tranh hoặc thậm chí đối lập, khiêu vũ cùng một lúc ở những bữa tiệc đối nghịch, thì đó hoặc là điều bình thường của một sự tồn tại đa nhân cách, hoặc là một sáng tạo độc đáo nữa của đường lối biến hóa khôn lường về tinh thần và đạo đức, một phát minh đặc sắc nữa của chủ nghĩa cải lương đề huề.
Câu hỏi đặt ra là: Văn đoàn Độc lập đang được vận động thành lập sẽ nằm ở tọa độ nào?
Theo lời trần tình nhận được nhiều tràng vỗ tay ủng hộ tại Đại hội Nhà văn khu vực miền Trung và Tây Nguyên của ông Trần Kỳ Trung, một trong các thành viên tham gia Ban Vận động Văn đoàn Độc lập, thì tổ chức này muốn “cùng Hội Nhà văn Việt Nam tạo ra bước chuyển biến mới cho nền văn học Việt Nam, tiến kịp dòng chảy thời đại” và thành viên của nó có “quan hệ rất thân thiết, không hề có sự đối nghịch hay mâu thuẫn” nào với các hội viên Hội Nhà văn. Dù khó tin rằng đó là một sự ngây thơ thành thực, song người trong cuộc đã phát biểu chính thức như thế và được đăng trên Văn Việt, trang mạng chính thức của Ban Vận động Văn đoàn Độc lập, tôi chỉ có thể chia buồn với bạn là nếu như vậy thì Văn đoàn Độc lập chưa ra đời đã thừa. Hội Nhà văn có hẳn một đế chế rầm rộ sống bằng ngân sách nhà nước, từ hơn một ngàn hội viên đến danh sách xếp hàng chờ vào Hội cho đến cuối thế kỷ này không hết, từ hệ thống trụ sở trung ương và các địa phương đến báo in, báo mạng, tạp chí, nhà xuất bản, từ Bảo tàng Văn học, hãng phim, trường viết văn, trại sáng tác, Ngày Thơ và Liên hoan Thơ đến Trung tâm Bảo hộ Quyền Tác giả và Trung tâm Quảng bá Tác giả… Nó phối hợp với Bộ Giao thông-Vận tải để vận động sáng tác về muôn nẻo đường đất nước, với Bộ Công an để đạt thành tựu văn học vì an ninh xã hội, với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để xây dựng hình ảnh người nông dân trồng rau sạch vì một nền văn hóa thơm tho, và với Ban Tuyên giáo để sự thật được mãi mãi lấp lánh trong từng trang tiểu thuyết. Nó đã có rất nhiều bạn bè và đồng chí. Chẳng lẽ Văn đoàn Độc lập phải sinh ra, với bao rắc rối và hoài bão lớn lao, chỉ để cung cấp thêm một người bạn nữa, bé nhỏ nhưng mà thiện tâm, cho Hội Nhà văn? Nó mong được Hội coi trọng hay coi thường?
Lý do duy nhất cho sự ra đời của một văn đoàn độc lập nằm ở hai chữ “độc lập”. Trong hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, đó ít nhất phải là sự ly khai – đàng hoàng, đĩnh đạc – đối với sự quản thúc về tư tưởng, giám sát về tinh thần, đỡ đầu về tổ chức, bao cấp về vật chất của một chính quyền vẫn giữ phần cốt lõi của bản chất độc tài. Điều đó khiến nó tất yếu phải đối lập với Hội Nhà văn, dù của ông Hữu Thỉnh hay của ông Nguyễn Quang Thiều, như kết quả dự đoán sau Đại hội sắp tới. Song nếu như vậy thì những hội viên Hội Nhà văn chủ trương thành lập văn đoàn ấy nên chủ động và minh bạch rời khỏi Hội. Chỉ lặng lẽ thôi sinh hoạt Hội hoặc tuyên bố mừng muộn khi bị Hội gạch tên, theo tôi, là không đủ trong bối cảnh cụ thể của sự kiện này. Phần lớn trong số họ là những tác giả đã ngoài sáu mươi, đã thành đạt về cả phương diện nghề nghiệp lẫn vị thế xã hội và hoàn toàn có thể độc lập tồn tại ngoài guồng máy văn nghệ chính thống. Nếu những người như thế còn nấn ná trong vòng trói buộc thì họ sẽ vận động được ai tham gia?
Khi tôi viết những dòng này, các tác giả Võ Thị Hảo, Dư Thị Hoàn, Trịnh Hoài Giang, Dạ Ngân, Nguyễn Duy, Bùi Minh Quốc cả ông Trần Kỳ Trung nói trên đã công khai tuyên bố từ bỏ Hội Nhà văn, song người đã kêu gọi Hội Nhà văn đừng đem “chuyện bé xé ra to” này cũng đồng thời từ bỏ Văn đoàn Độc lập, như Nguyễn Quang Lập, Dạ Ngân và Nguyễn Duy. Tôi tin rằng số hội viên Hội Nhà văn còn lại trong Ban Vận động Văn đoàn Độc lập sẽ phải chuyển động, muốn hay không muốn, trước cú huých thẳng thừng từ phía Hội Nhà văn. Chuyển động về hướng nào cũng hơn là cố thủ trong một trạng thái mơ hồ. Vậy bạn phẫn nộ vì cái gì nhỉ? Vì Hội thay mặt quan thầy tuyên bố Văn đoàn Độc lập “là một tổ chức không được thừa nhận và có dấu hiệu phạm pháp”? Vì ông Hữu Thỉnh lại cụng ly anh em ngọt ngào với một thành viên của Ban Vận động văn đoàn ấy, như chính người trong cuộc cảm động kể lại? Thế bạn muốn gì ở ông Hữu Thỉnh? Bạn muốn gì ở Hội Nhà văn Việt Nam?
10/5/2015
________
(Bài đăng trên báo Trẻ, http://baotreonline.com/Chuyen-muc-tre/Le-Cheo/bn-mun-gi-hi-nha-vn-vit-nam.html)
[1] Nửa năm sau khi BVĐVĐĐL ra đời, Bauxite Việt Nam có đăng một bài thuật lại một cuộc nói chuyện nội bộ của ông Hữu Thỉnh tại Câu Lạc bộ Hàm Rồng ở Thanh Hóa, trong đó có nhắc đến Văn đoàn Độc lập như một “dấu hiệu rất bất thường của xu hướng chống đối“. Tuy nhiên, việc tác giả bài viết xuất hiện với danh tính không được nêu rõ ràng cũng như tư cách một người “nghe lỏm” cuộc nói chuyện đó khiến thông tin này thiếu giá trị kiểm chứng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét