Thứ Hai, 4 tháng 5, 2015

Lỗi… “đúng quy trình định hướng XHCN”?!


VNTB - Lỗi… “đúng quy trình định hướng XHCN”?!


Minh Trí - Ngọc Thịnh





(VNTB) - Lỗi ấy cũng “đúng quy trình” từ hệ lụy của nền giáo dục “định hướng XHCN”.


Mục đích cuối cùng của câu chuyện ‘đúng quy trình’ đó là gì? Xin thưa, nó cũng tương đương với định nghĩa ‘không chịu trách nhiệm’. Vì đúng quy trình, cho nên không người nào phải chịu trách nhiệm cho những hậu quả đã xảy ra.
Đó cũng là cách lý giải cho việc có không ít giới trẻ đang có xu thế “lãnh cảm” với xã hội…
Nhóm phóng viên của Việt Nam Thời Báo tiếp xúc và nói chuyện với một vài bạn trẻ về những vấn đề của xã hội, thì đa số nhận được những câu trả lời, như “không biết”, hoặc “thôi, có liên quan gì tới mình đâu, dính vào làm gì?”… “Tui không quan tâm xã hội đang diễn ra cái gì! Tui là sinh viên mới ra trường, giờ tui chỉ cần một công việc lương mỗi tháng ít nhất 4 triệu trở lên là ok rồi. Chuyện của thiên hạ thì mình quan tâm làm chi cho rối?”…
Trường hợp của một facebooker trẻ thì lại khác. Khi trực tuyến trên trang mạng xã hội facebook, bạn này rất tích cực đăng những tin làm cho người đọc bức xúc về cuộc sống, về xã hội, thậm chí bạn ấy cũng thể hiện rõ là mình chấp nhận “dấn thân”. Nhóm phóng viên chúng tôi lân la tiếp xúc, làm quen. Trong một lần làm phóng sự về dân oan, chúng tôi liền rủ bạn này cùng đi thì… bạn ấy từ chối.
“Thôi tui không đi đâu” – “Sao thế, đi làm việc tốt mà, liên quan tới cuộc sống con người đó, thôi nếu bạn ngại thì gạt chuyện xã hội qua một bên, cứu một mạng người hơn xây bảy tháp phù đồ mà” - “Thôi, không đi là không đi, mắc công bị gì, chuyện người ta thì kệ người ta đi, tui chỉ muốn ra trường rồi đi kiếm gì làm thôi… ”.
Phải chăng, những điều bạn ấy viết trên mạng chỉ là để cho… sướng tay?
Tuy nhiên, nếu nhìn bạn ấy ở một khía cạnh khác, dám nói cũng là một dũng cảm. Có những bạn trẻ không dám nói. Nặng hơn nữa, có người khi thấy bạn bè mình nói những sự thật, những điều bất công trong xã hội, thì ngại ngần không dám nhận người đó là… bạn mình (!?)
Chia sẻ về vấn đề này, một bạn trẻ lên tiếng: “Tui đọc bài trên Việt Nam Thời Báo, mảng xã hội, pháp luật thấy hấp dẫn, học được nhiều điều. Tui chia sẻ bài về trang cá nhân để lâu lâu đọc lại. Đứa bạn tui nó gọi điện, nó hỏi mày cộng tác với Việt Tân hả? Tui nói nó mày coi lại đi, Việt Nam Thời Báo với Việt Tân là hai cái hoàn toàn khác nhau à nha. Cái nó mới ngộ ra, kêu à, tao nhầm. Rồi nó nhắc tui, nhiều bài chia sẻ hay, nhưng nên khéo léo tí. Coi chừng “đụng chạm”….”
Hoặc như một bạn trẻ khác: “Tui đăng mấy cái tin về lịch sử rồi viết mấy câu trạng thái trên bài đó. Tin không, thời gian đầu còn bạn bè like (thích). Sau đó, không ai dám thích. Cuối cùng, đến bây giờ, tui bình luận mấy trang của mấy bạn ngày trước thân, vui vẻ, đi chơi chung. Tụi nó không dám trả lời luôn. Đi hỏi vòng vo mấy đứa khác thì mới biết tụi nó sợ vì tui viết mấy câu status (trạng thái) mạnh mẽ và cứng rắn quá…”.
Không thể phủ nhận là một bộ phận đông giới trẻ dấn thân, không chấp nhận những cái bất công tồn tại trong xã hội. Tuy nhiên, song song đó, cũng có không ít những người trẻ tuổi thờ ơ, không quan tâm đến cuộc sống xung quanh, chỉ biết đến bản thân.
Lỗi ở đâu? Lỗi do ai? Phải chăng, do giáo dục?

Có lẽ lỗi ấy cũng “đúng quy trình” từ hệ lụy của nền giáo dục “định hướng XHCN”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét