Thứ Tư, 26 tháng 4, 2017

TP.HCM bắt công chức ký cam kết không “tự diễn biến” là vi phạm Hiến pháp 2013


VNTB- TP.HCM bắt công chức ký cam kết không “tự diễn biến” là vi phạm Hiến pháp 2013
Reply
news, opposite, TP.HCM bắt công chức ký cam kết không “tự diễn biến” là vi phạm Hiến pháp 2013, Trúc Giang - Trần Thành, VNTB
27.4.17
Trúc Giang - Trần Thành


(VNTB) - Công chức ở thành phố HCM sẽ ký cam kết không “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là nội dung được đăng tải trên trang báo điện tử Infonet. Xét về hệ thống văn bản pháp quy, thì chuyện cam kết này là phù hợp với Luật Cán bộ, công chức. Tuy nhiên lại vi phạm vào Điều 14, Hiến pháp 2013, theo đó công dân có quyền tự do về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội.







9 điều cấm công chức


Nghị quyết số 04-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành, nói rằng có 9 biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”:


“1) Phản bác, phủ nhận chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các nguyên tắc tổ chức của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ; đòi thực hiện “đa nguyên, đa đảng”.


2) Phản bác, phủ nhận nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; đòi thực hiện thể chế “tam quyền phân lập”, phát triển “xã hội dân sự”. Phủ nhận nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chế độ sở hữu toàn dân về đất đai.


3) Nói, viết, làm trái quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hạ thấp, phủ nhận những thành quả cách mạng; thổi phồng khuyết điểm của Đảng, Nhà nước. Xuyên tạc lịch sử, bịa đặt, vu cáo các lãnh tụ tiền bối và lãnh đạo Đảng, Nhà nước.


4) Kích động tư tưởng bất mãn, bất đồng chính kiến, chống đối trong nội bộ. Lợi dụng và sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội để nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, gây chia rẽ nội bộ, nghi ngờ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.


5) Phủ nhận vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với lực lượng vũ trang; đòi “phi chính trị hoá” quân đội và công an; xuyên tạc đường lối quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân; chia rẽ quân đội với công an; chia rẽ nhân dân với quân đội và công an.


6) Móc nối, cấu kết với các thế lực thù địch, phản động và các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị để truyền bá tư tưởng, quan điểm đối lập; vận động, tổ chức, tập hợp lực lượng để chống phá Đảng và Nhà nước.


7) Đưa thông tin sai lệch, xuyên tạc đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước; thông tin phiến diện, một chiều về tình hình quốc tế, gây bất lợi trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước.


8) Phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với báo chí, văn học-nghệ thuật. Tác động, lôi kéo, lái dư luận xã hội không theo đường lối của Đảng; cổ suý cho quan điểm, tư tưởng dân chủ cực đoan; thổi phồng mặt trái của xã hội. Sáng tác, quảng bá những tác phẩm văn hoá, nghệ thuật lệch lạc, bóp méo lịch sử, hạ thấp uy tín của Đảng.


9) Có tư tưởng dân tộc hẹp hòi, tôn giáo cực đoan. Lợi dụng vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, dân tộc, tôn giáo để gây chia rẽ nội bộ, gây chia rẽ giữa các dân tộc, giữa các tôn giáo, giữa dân tộc và tôn giáo, giữa các dân tộc, tôn giáo với Đảng và Nhà nước”.


Theo Luật Cán bộ, công chức thì công chức bắt buộc phải “trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ danh dự Tổ quốc và lợi ích quốc gia. (…) Chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước”. Như vậy, là hoàn toàn thừa thãi khi Thành ủy TP.HCM lại buộc các công chức phải thực hiện thêm phần thủ tục hành chính là ký cam kết không “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.


Khi trống đánh xuôi, kèn thổi ngược


Như vậy, nếu bắt buộc công chức phải ký cam kết không vi phạm 9 nội dung như nói trên thì công chức lại không thể thực hiện các yêu cầu của mục 2, phần III Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII: “Nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật. Kết hợp giữa xây và chống; xây là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài; chống là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách”.


Hiểu theo nghĩa rộng hơn, những tuyên ngôn kiểu “ném chuột sợ vỡ bình” cũng là một hình thức của “tự diễn biến – tự chuyển hóa”, khi đã đi ngược lại với tư tưởng Hồ Chí Minh: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính” (Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 261.)


Nếu ông bí thư Thành ủy TP.HCM bịt miệng công chức bằng tờ cam kết không “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thì cũng đồng nghĩa hành vi vi phạm pháp luật hình sự về tội không tố giác tội phạm, bao che hành vi có dấu hiệu tội phạm.


Điều 14 của Hiến pháp cho biết các quyền về chính trị, về dân sự của công dân được bảo hộ. Công dân có quyền tự do biểu đạt về quan điểm chính trị. Dĩ nhiên theo Điều 4, Hiến pháp thì ở Việt Nam tổ chức bộ máy nhà nước theo nguyên tắc tập quyền, mọi quyền lực đều do Đảng lãnh đạo, nên các quyền chính trị bao giờ cũng kèm theo những giới hạn nhất định, như: vì lý do an ninh quốc gia, trật tự công cộng, đạo đức chung, quyền và tự do của người khác,...


Hiện nay, do sự phát triển của dân chủ, nội hàm khái niệm quyền chính trị ngày càng được mở rộng, bao gồm cả việc tham gia với Nhà nước quyết định các vấn đề chính trị, trọng đại của đất nước, như ban hành các chính sách có liên quan tới quyền của người dân; quyết định về thể chế chính trị, hình thức Chính phủ, sửa đổi Hiến pháp,… Ngoài ra, quyền chính trị còn có thể được mở rộng và có liên quan tới một loạt các quyền về tự do dân chủ của cá nhân, công dân; vì các quyền này, liên quan tới bản chất, chính sách và mức độ dân chủ của nhà nước. Đó là quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội, hội họp, tự do biểu tình, tự do tín ngưỡng và tôn giáo,...


Từ những góc nhìn đó, dễ nhận ra rằng việc công chức ở thành phố HCM buộc phải ký cam kết không “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” theo 9 điều nêu ở Nghị quyết số 04-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành, sẽ tất yếu đưa đến hệ lụy Đảng cầm quyền tiếp tục tha hóa, độc tài.


Luật Trưng cầu ý dân đã có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2016. Nếu tự tin vào khả năng quản trị quốc gia, thay vì tìm mọi cách cấm đoán, Đảng cộng sản Việt Nam nên mạnh dạn cho một cuộc trưng cầu ý dân về “đa nguyên – đa đảng”.


Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam cần thừa nhận sự “khác biệt” nhau giữa những con người; và xã hội Việt Nam nên chăng cũng cần hướng tới việc chấp nhận sự khác biệt về quan điểm chính trị, và mọi người được cùng chung sống trong ngôi nhà Tổ Quốc – như hàng trăm quốc gia hùng cường khác?.


Dẫu gì thì hậu chiến cũng bước sang năm thứ 43.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét