Thứ Hai, 12 tháng 1, 2015

Long an đi vào lich sử nhờ án oan Hồ Duy Hải.



Long an đi vào lich sử nhờ án oan Hồ Duy Hải.
 Có đúng Hồ Duy Hải là hung thủ?
 Lao Động - 07/08/2009


 Hồ Duy Hải - 24 tuổi, trú tại Q.5, TPHCM, lãnh án tử hình về tội giết người, cướp tài sản, mà nạn nhân là 2 nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi (Long An) gây xôn xao dư luận hồi đầu năm 2008 - đã đến Báo Lao Động kêu cứu việc Hải bị xét xử oan sai.

 Qua xác minh lại vụ án, chúng tôi phát hiện việc kết tội Hải đã thiếu những chứng cứ "khách quan, toàn diện, đầy đủ"!

 Án mạng được mô tả: Sáng 14.1.2008, người giao báo mang báo đến Bưu điện Cầu Voi (ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, Long An), phát hiện 2 nữ nhân viên bưu điện là Nguyễn Thị Ánh Hồng (24 tuổi) và Nguyễn Thị Thu Vân (22 tuổi) chết do bị bóp cổ, đánh đập dã man bằng thớt gỗ, bằng ghế xếp inox, rồi bị cắt cổ bằng dao. Hung thủ cướp đi một số tiền, vàng và khoảng 50 sim card điện thoại.


 Sau đó, Cảnh sát điều tra CA tỉnh Long An (viết tắt là CSĐT) vào cuộc, lấy lời khai nhiều nghi can và nhân chứng... Gần 3 tháng sau, CSĐT bắt Hồ Duy Hải. Sau khi VKS truy tố, cả TAND tỉnh Long An và TANDTC tại TPHCM đều kết luận Hải giết người, cướp tài sản và tuyên phạt tử hình.

 Qua đối chiếu kết luận điều tra, cáo trạng, 2 bản án, với các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, chúng tôi thấy nghi vấn: Có đúng Hồ Duy Hải là hung thủ? Nguyên nhân nghi vấn là do các cơ quan tố tụng đã không có những chứng cứ "khách quan, toàn diện, đầy đủ" để kết tội Hải.

 Đơn cử: Thứ nhất, theo CSĐT thì Hải có mặt tại Bưu điện Cầu Voi từ 20 giờ đến 21 giờ tối 13.1.2008. Tuy nhiên, không có bất cứ kết quả giám định nào kết luận 2 nạn nhân bị giết trong khoảng thời gian này, trong khi mãi sáng hôm sau (14.1.2008) mới phát hiện xác các nạn nhân. Vậy, các nạn nhân liệu có bị giết về đêm hoặc gần sáng?

 Thứ hai, CSĐT đã thu các vết vân tay trên người nạn nhân, trên vật dụng và nhiều vị trí, nhưng kết quả giám định của Phòng kỹ thuật hình sự Long An thì "...không phát hiện trùng với điểm chỉ 10 ngón in trên chỉ bản của Hồ Duy Hải". Vậy, ai đã để lại những dấu vân tay đó, trong khi Hải thì bị xác định là đã lôi kéo, bóp cổ, cầm thớt và ghế đập vào mặt, vào đầu các nạn nhân, cầm dao cắt cổ họ, rồi vào lavabo mở vòi nước rửa tay? Việc đối chiếu những dấu vân tay tại tàng thư căn cước để tìm ra hung thủ không khó, nhưng CSĐT đã không làm!

 Thứ ba, CSĐT xác định nạn nhân Hồng bị đẩy ngã xuống nền gạch, rồi Hải hai tay cầm tấm thớt gỗ đập xuống đầu Hồng 2 cái. Biên bản khám nghiệm tử thi và bản giám định pháp y thì xác định nạn nhân vừa giập da đầu vùng đỉnh, lại tụ máu thái dương trái, gây ra các vết rách da sắc ngọt ở mắt, ở đầu lông mày, giập môi trên và cằm. Có nghĩa với 2 cái đập bằng thớt không thể gây thương tích nhiều nơi đến vậy. Câu hỏi ở đây là, vì sao mũi là điểm cao nhất trên mặt Hồng không bị tổn thương? Đáng nói, tấm thớt gỗ được xem là một hung khí gây án thì CSĐT không thu giữ để giám định!

 Thứ tư, con dao mà CSĐT xác định Hải dùng cắt cổ 2 nạn nhân cũng vậy, đã không được thu giữ! CSĐT chỉ nghe nhân chứng khai là có thấy con dao (mô tả cả hình dáng kích thước), nên cho người mua một con dao về, đo vẽ lại, rồi sửa chữa kích thước trong biên bản lời khai nhân chứng trước đó cho phù hợp với con dao để kết luận Hải dùng dao cắt cổ 2 nạn nhân. Vậy, hung thủ có thể dùng một vật sắc bén khác có được không?

 Điều 10 Bộ luật Tố tụng hình sự không cho phép các cơ quan tố tụng dựa vào lời khai bị can (bị cáo) để kết tội, mà phải căn cứ những chứng cứ "khách quan, toàn diện, đầy đủ" để chứng minh bị can (bị cáo) có hoặc vô tội, nhằm tránh tình trạng dùng nhục hình, mớm cung, ép cung, bức cung dẫn đến oan sai. Tuy nhiên, chỉ với 4 sai sót cơ bản nêu trên, việc kết luận Hồ Duy Hải giết người cần phải được xem xét lại.
 Được đăng bởi XUANVN  vào lúc 09:51  Gửi email bài đăng này

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét