Thứ Ba, 27 tháng 1, 2015

Án tử và án oan


Ảnh: Gia đình tử tù Hồ Duy Hải trao đổi với đại diện Sứ quán Úc tại TP.HCM.

Án tử và án oan
 Thảo Vy

(VNTB) - Ngày 26-01-2015, tọa đàm “Xoá bỏ hình phạt tử hình - Tiến tới xã hội văn minh” đã diễn ra tại TP.HCM.

Buổi tọa đàm do Diễn đàn Xã hội dân sự, Nhóm vận động UPR Việt Nam và Văn phòng Công lý Hòa bình thuộc Dòng Chúa Cứu Thế tổ chức. Tọa đàm còn có đại diện ngoại giao đoàn của Liên minh Âu Châu, Mỹ, Úc, Đức…

Đại diện Tổng lãnh sự Úc nói rằng mục tiêu ngoại giao lâu nay là kêu gọi Việt Nam nhanh chóng xóa bỏ mức án tử hình. Vị đại diện đến từ Bỉ cho biết vấn đề tiên quyết trong các đàm phán của Liên minh Âu Châu với Bộ Ngoại giao Việt Nam là Việt Nam cần chấm dứt khung hình phạt tử hình, như là một cam kết thực hiện về nhân quyền.

Đại diện Sứ quán Mỹ xác nhận: “Chúng tôi đang hợp tác với chính phủ Việt Nam về các dự án luật liên quan nhân quyền, trong đó có xem xét về án tử hình”. Cho đến nay tại Mỹ có nhiều tiểu bang đã bỏ án tử hình, nhưng cũng còn một số bang duy trì án tử hình.


Oan án khắp nơi

Hiện tượng kêu oan cho phạm nhân bị tuyên phạt với mức án nặng nhất có dấu hiệu gia tăng trong thời gian gần đây khiến người ta phải đặt câu hỏi: Liệu có gì trục trặc trong cơ chế xử lý tội phạm đang vận hành khiến tính chính xác của quyết định buộc tội một con người bị nghi ngờ?

Đặt trong thực tế án oan sai hiện có quá nhiều nên việc xem xét lại khung án tử hình là điều cần thiết. Điều này còn nằm trong nội dung của chuyên đề “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật” được yêu cầu trong Nghị quyết 74/2014/QH13 về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2015.

Vừa qua, theo ghi nhận của VNTB, Đoàn giám sát oan, sai của Quốc hội đã làm việc với các cơ quan tố tụng của tỉnh Bình Phước. Bước đầu cho thấy là có hàng chục người bị oan, nhưng một nửa trong số họ lại không làm đơn yêu cầu bồi thường… Công an tỉnh Bình Phước có báo cáo cho biết ba năm qua, trong hoạt động điều tra đã làm oan tổng cộng 9 vụ/15 người. Trong số đó chỉ có hai đơn yêu cầu bồi thường oan.

Báo cáo của Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước cho thấy những vụ án có dấu hiệu oan sai hoặc áp dụng pháp luật chưa đúng, bị kéo dài... Vụ án Lê Bá Mai – còn gọi là “kỳ án vườn mít” là ví dụ.

Tại Sóc Trăng, Đoàn giám sát oan, sai của Quốc hội ghi nhận báo cáo của Công an tỉnh Sóc Trăng, từ năm 2012 đến hết tháng 9-2014, có 40 vụ án với 52 bị can được đình chỉ điều tra. Theo đó, năm 2012 có 16 vụ án với 18 bị can; năm 2013 có 12 vụ án với 13 bị can; năm 2014 có 12 vụ án với 21 bị can. Nguyên nhân: Không có sự việc phạm tội, hành vi không cấu thành tội phạm, hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm, miễn trách nhiệm hình sự.

Riêng trong năm 2014 đã xảy ra trường hợp làm oan 7 thanh niên trong vụ án giết tài xế xe ôm Lý Văn Dũng ở huyện Trần Đề. Báo cáo vụ này, Công an tỉnh Sóc Trăng cho biết nguyên nhân oan sai là do lực lượng điều tra sơ suất, chủ quan, nóng vội, áp lực điều tra án… Ngoài ra, cơ quan này cũng viện lý do là trình độ, năng lực của các điều tra viên không đồng đều, một số điều tra viên mới được bổ nhiệm chưa có kinh nghiệm, năng lực hạn chế; lực lượng điều tra viên còn thiếu, nhất là đối với cấp huyện.

Báo cáo với đoàn giám sát của Quốc hội về vụ oan sai ở Trần Đề, Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) tỉnh Sóc Trăng cho rằng do kiểm sát viên (KSV) thụ lý vụ việc không thực hiện đúng quy chế kiểm sát điều tra đã dẫn đến bắt oan 7 thanh niên. Cơ quan này cũng viện lý do trình độ, năng lực của một số KSV còn hạn chế, chưa thể hiện hết vai trò trách nhiệm.

Luật sư cũng bị vu oan

Tại tỉnh Phú Yên, Đoàn giám sát oan, sai của Quốc hội ghi nhận nhiều nội dung có số liệu chênh nhau rất lớn. Về tin báo tố giác tội phạm, số liệu của công an là 3.084, trong khi số liệu của VKSND tỉnh lại là 2.919, chênh lệch 165 tin. Về số bị can chết trong nhà tạm giam, tạm giữ, viện kiểm sát báo là 2 trong khi công an bảo 3 trường hợp. Số liệu vụ án tạm đình chỉ, báo cáo cũng có sự chênh nhau giữa công an và viện kiểm sát. Việc chênh nhau là không thể có vì theo quy định, 3 ngành cùng ký các văn bản này…

Về các trường hợp chết trong nhà tạm giam, tạm giữ mà theo Công an Phú Yên có 1 trường hợp do treo cổ tự tử, 2 trường hợp do bệnh lý. Báo cáo không cho biết thời gian tạm giam, tạm giữ của các đối tượng và kết luận các đối tượng này có tội hay không.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Phú Yên, trong 3 năm, Phú Yên không có vụ án oan. Tuy nhiên, đã có 438 vụ án với 61 bị can bị tạm đình chỉ điều tra và 53 vụ với 58 bị can bị đình chỉ điều tra. Trong đó, có 3 vụ án với 3 bị can bị đình chỉ điều tra do hành vi không cấu thành tội phạm.

Phú Yên là địa phương vừa qua xảy ra vụ việc liên ngành công an, VKSND, TAND TP Tuy Hòa có văn bản gửi đến Đoàn Luật sư và Sở Tư pháp tỉnh đề nghị thu hồi chứng chỉ hành nghề của LS Võ An Đôn. Văn bản của liên ngành cho rằng khi tham gia tố tụng tại phiên tòa sơ thẩm vụ Nguyễn Thân Thảo Thành cùng các đồng phạm dùng nhục hình, LS Võ An Đôn (bảo vệ quyền lợi cho gia đình nạn nhân Ngô Thanh Kiều) đã có lời lẽ thiếu văn hóa, xúc phạm đến người tham gia tố tụng vụ án và nhiều lãnh đạo đương nhiệm trong các ngành nội chính.

Theo LS Đôn, văn bản trên không đúng sự thật, mang tính quy chụp với mục đích nhằm loại ông khỏi tham gia bào chữa cho gia đình bị hại tại phiên tòa sơ thẩm lần hai sắp tới. Tại phiên tòa sơ thẩm lần 1, ông có yêu cầu giám đốc Công an tỉnh Phú Yên nên từ chức vì đã để cấp dưới dùng nhục hình dẫn đến chết người. Đó là yêu cầu chính đáng.

Tuy nhiên trong tất cả các buổi giám sát, báo chí không được theo dõi diễn biến các buổi làm việc của Đoàn giám sát oan, sai của Quốc hội, mà chỉ được đưa thông tin khai mạc và thông tin kết luận buổi làm việc, không được đưa tin chi tiết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét