Thứ Sáu, 16 tháng 6, 2017

Đừng xấc láo với dân


Đừng xấc láo với dân
1
democracy, news
16.6.17
Nguyễn Tiến Trung


VOA



Võ Văn Thưởng tuyên bố đảng cộng sản “không sợ đối thoại, không sợ tranh luận.”


Ngay sau khi ông Võ Văn Thưởng tuyên bố đảng cộng sản “không sợ đối thoại, không sợ tranh luận” thì tác giả Bắc Hà đã chứng minh điều ngược lại là giới lãnh đạo cộng sản rất sợ đối thoại qua bài “Không được lợi dụng vấn đề đối thoại để chống phá” đăng trên báo Quân đội Nhân dân, trong chùm bài “Làm thất bại chiến lược Diễn biến Hòa bình”.
Ở đây tôi muốn chỉ ra một số điểm mà tác giả Bắc Hà đã nhầm lẫn, hay ngụy biện.

Đảng cầm quyền tự phong
Khi Bắc Hà công kích bình luận của “những “nhà khoa học”, "nhà báo”, “nhà dân chủ”, “nhân quyền” tự phong”, không biết Bắc Hà có biết chuyện “tự phong” nguy hại nhất cho dân tộc là một đảng “tự phong” cho mình ở vị trí lãnh đạo quốc gia mà không cần thông qua lá phiếu trung thực của người dân hay không?
Bắc Hà có thể chỉ ra được người dân Việt Nam đã phúc quyết bản hiến pháp nào chưa? Hay tất cả chỉ là do quốc hội được các lãnh đạo đảng cộng sản “cơ cấu, quy hoạch” tự ý thông qua? Dân không phúc quyết thì bản hiến pháp không có giá trị gì, và tất nhiên là quyền lãnh đạo quốc gia của đảng cộng sản chỉ là áp đặt một cách bất hợp pháp chứ dân chưa hề đồng ý.
Bắc Hà cũng đòi “lấy vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với xã hội và Nhà nước làm tiền đề. Nói cách khác, các cuộc đối thoại không thể vượt qua “lằn ranh đỏ” chính trị nói trên, vì đấy chính là lợi ích của quốc gia, dân tộc”.
Ở đây Bắc Hà lại ngụy biện khi cho rằng lợi ích độc quyền chính trị của một đảng trùng với lợi ích của quốc gia, dân tộc. Nếu nói như vậy thì các tập đoàn phong kiến thống trị đất nước trước đây cũng tuyên bố giai cấp thống trị trung thành với quốc gia, dân tộc thì người dân sẽ tin và đồng ý quay lại thời phong kiến?
Nếu thật sự đảng cầm quyền vì nước vì dân thì đảng đó phải chấp nhận cầm quyền do dân bầu ra trong một cuộc bầu cử tự do và công bằng, trung thực, có nhiệm kỳ, có nhiều đảng phái tham gia. Cá nhân Bắc Hà hoặc một đảng không thể nói thay cho tiếng nói của hơn 90 triệu dân Việt Nam được.
Đảng cầm quyền đứng trên luật pháp
Tương tự, khi Bắc Hà cho rằng quyền lãnh đạo của đảng cộng sản là “lằn ranh đỏ” không thể vượt qua thì đây là biểu hiện độc tài, lạm quyền, phạm pháp rất rõ. “Lằn ranh đỏ” không thể vượt qua là quyền làm chủ của nhân dân, và quyền làm chủ quan trọng nhất là lãnh đạo quốc gia phải do dân bầu ra.
Liệu Bắc Hà có thể giải thích được tại sao các lãnh đạo cộng sản luôn hô hào “dân là chủ” nhưng lại không cho dân quyền bầu lãnh đạo quốc gia, thể hiện ở chỗ đảng cộng sản đã tự cho mình vào vị trí lãnh đạo qua điều 4 Hiến pháp?
Các lãnh đạo cộng sản sợ dân lập đảng nhưng lại không thể ra một điều luật nào cấm dân lập đảng. Họ cũng sợ dân bàn về tính chính danh của đảng cộng sản nhưng cũng không có điều luật nào cấm dân bàn về chuyện đó. Bắc Hà tự động thay Quốc hội “làm luật” luôn khi cấm dân không được bàn về quyền lãnh đạo của đảng cộng sản. Đó có phải là quá xấc láo với dân không?
Rõ ràng đây là chế độ đảng trị chứ không phải là pháp trị, là chế độ “của đảng cộng sản, do đảng cộng sản, vì đảng cộng sản” chứ không phải “của dân, do dân, vì dân”.
Như thế, đảng cầm quyền đang vi phạm ngay điều 4 Hiến pháp là “Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.
Đảng cầm quyền không phải là “duy nhất”
Bắc Hà cũng công kích những người đòi "bãi bỏ Điều 4 trong Hiến pháp quy định Đảng Cộng sản là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Thực ra, điều 4 Hiến pháp 2013 không hề quy định đảng cộng sản là lực lượng lãnh đạo “duy nhất”. Chữ “duy nhất” đã bị bỏ, chứng tỏ Bắc Hà không hề đọc kỹ Hiến pháp.
Như thế cũng có nghĩa là trong Quốc hội hoàn toàn có thể có nhiều đảng phái khác nhau, cùng soạn thảo luật, cùng lãnh đạo quốc gia với đảng cộng sản, hoàn toàn không có trở ngại gì. Điều 4 Hiến pháp không thể là cái cớ để lực lượng an ninh đi đàn áp các đảng phái không cộng sản.
Tôi cũng nói cho Bắc Hà rõ là tôi không đòi bỏ điều 4 Hiến pháp hiện hành, tôi yêu cầu bỏ cả bản Hiến pháp vì bản Hiến pháp hiện hành không có giá trị do người dân chưa phúc quyết thông qua. Bản Hiến pháp chuẩn mực mới phải do Quốc hội lập hiến dân cử soạn thảo và được toàn dân phúc quyết.
Đảng cầm quyền không phải là cứu tinh của dân tộc
Từ trước tới giờ, hễ ai bàn tới chuyện “quốc gia đại sự” hoặc thể hiện chính kiến qua việc biểu tình là các anh chị em an ninh liền nói: “Để đảng [cộng sản] và nhà nước lo”.
Thế thì ai để nợ công, nợ xấu cao ngất ngưởng và ai lo? Có phải là do đảng cầm quyền chi tiêu kém hiệu quả để nợ cao, điển hình như Vinashin, Vinalines, bô-xít, tượng đài… Và người dân phải tăng nộp tiền thuế, phí để lo cho ngân sách quốc gia không?
Mới đây, tiến sỹ Lê Trường Tùng kêu gọi mỗi học sinh đóng 100 nghìn đồng một tháng để “giải cứu giáo viên”. Tại sao tiến sỹ Tùng không kêu gọi đảng cộng sản, nhà nước lo?
Thật ra cuối cùng thì mọi chuyện đều phải do dân tự “giải cứu” nhau, cũng như các đợt giải cứu dưa hấu, chuối ba hương, sầu riêng, heo,… Đảng cộng sản, nhà nước không thể lo được cho dân bất kì chuyện gì mà dân còn phải đóng thuế nuôi bộ máy của đảng.
Đảng cầm quyền không đại diện cho dân
Đã thế, mới đây, đảng cầm quyền còn cho diễn tập quân sự, bắn đạn khói để ngăn cản bà con biểu tình phản đối Formosa ngay trước nhà thờ giáo họ Văn Thai, giáo xứ Song Ngọc, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, rồi còn đánh kẻng để huy động lương dân bao vây linh mục Nguyễn Đình Thục khi ngài đi dâng lễ ngay đêm 30/5 vừa qua.
Đây là cách xử sự rất xuẩn động, kích động chia rẽ dân tộc trong thời điểm rất nhạy cảm là lòng dân bất mãn với Formosa và chuyện đền bù không thỏa đáng. Việc này rất dễ leo thang thành nội chiến. Cách xử sự của nhà cầm quyền đã biến mâu thuẫn giữa người dân và Formosa thành mâu thuẫn giữa người dân với nhà cầm quyền, giữa lương dân và giáo dân.
Trung Cộng đã lợi dụng nội chiến Việt Nam để chiếm đóng Hoàng Sa năm 1974. Đảng cầm quyền nên nhớ điều đó. Một quốc gia bị chia rẽ, suy yếu thì không bao giờ có thể phát triển được, chưa nói là có thể bị thâu tóm bởi ngoại bang.
Nếu đây là một nhà nước dân chủ, pháp quyền thì nhà cầm quyền đã để dân thực hiện quyền khiếu kiện với Formosa đúng luật tố tụng hình sự, xử Formosa tội gây ô nhiễm theo đúng luật hình sự, chứ không phải bao che, dung túng cho Formosa tiếp tục hoạt động và lại gây nổ vào lúc 21h ngày 30/5 vừa qua.
Giữa lúc đất nước đang ngổn ngang bao công việc cấp bách phải giải quyết như tăng thuế, phí, ô nhiễm môi trường, thực phẩm bẩn, biến đổi khí hậu, Trung Cộng quân sự hóa biển Đông… thì các đại biểu quốc hội lại lo lắng lãnh đạo bị bôi nhọ, và bắt luật sư phải tố cáo những thân chủ vi phạm “an ninh quốc gia” - một hành động nhằm thẳng vào những người vì bất đồng chính kiến với đảng cộng sản mà bị bắt bớ. Các đại biểu đó đại diện cho dân hay cho đảng cầm quyền? Và đảng cộng sản có thực tâm muốn “đối thoại” hay không?
Chừng đó đã đủ để đảng cầm quyền, để tác giả Bắc Hà suy nghĩ về cái “lằn ranh đỏ” mà họ ngạo mạn đặt ra cho dân.
Hãy mạnh dạn bước ra ánh sáng
Tác giả Bắc Hà nên công khai tên tuổi, danh tính, công việc để toàn dân biết. Và Bắc Hà cũng nên trả lời câu hỏi trong bài viết này của tôi một cách công khai. Nếu như Bắc Hà tự tin vào chính nghĩa của đảng cầm quyền thì nên mạnh dạn bước ra ánh sáng. Hãy chứng minh lời của ông Võ Văn Thưởng là đảng cộng sản “không sợ đối thoại, không sợ tranh luận”!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét