Chủ Nhật, 18 tháng 6, 2017

Không chống độc quyền, thân hữu thì không có Chính phủ kiến tạo


Ts Nguyễn Sĩ Dũng: Không chống độc quyền, thân hữu thì không có Chính phủ kiến tạo

Đăng bởi Elvis Ất on Sunday, June 18, 2017 | 18.6.17



“Phải chống cho được chủ nghĩa tư bản thân hữu. Nếu không quen quan chức chả làm ăn gì được thì cạnh tranh cái gì. Rõ ràng chủ nghĩa tư bản thân hữu là vấn đề rất lớn của thể chế. Và ở khung khái niệm bảo đảm môi trường cạnh tranh ở đây, không chống chủ nghĩa tư bản thân hữu không thể làm được”, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói.



Ts Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Môi trường kinh doanh quan trọng nhất là tự do tài sản, tự do kinh doanh


Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, Việt Nam từ khi đổi mới có mô hình gần giống với các nước Đông Bắc Á – nhà nước đề ra đường lối phát triển công nghiệp, can thiệp vào thị trường. Tuy nhiên, trong khi các nước Đông Bắc Á thành công thì Việt Nam lại thất bại. “Nguyên nhân là vì chúng ta không có một bộ máy hành chính công vụ chuyên nghiệp, thuộc giới tinh hoa và độc lập như các nước đó”, TS Dũng nói.


Bình luận về việc xây dựng Chính phủ kiến tạo, TS Dũng cho rằng, dù trong thời gian qua cụm từ này được nói đến nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa hình hành một khung khái niệm rõ rệt.


Nhìn vào các hoạt động của Chính phủ, của Thủ tướng, TS Dũng cho rằng có 4 bộ phận hợp thành Chính phủ kiến tạo – theo quan điểm của Việt Nam, gồm: cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí, đảm bảo cạnh tranh và cung cấp dịch vụ công chất lượng, giá rẻ.



Chính phủ đang nỗ lực kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân

Về cải thiện môi trường kinh doanh, TS Dũng nhận định, đó không chỉ là cải cách hành chính, cắt giảm thủ tục mà quan trọng nhất phải là tự do tài sản, tự do kinh doanh, tự do khế ước, đảm bảo hợp đồng được thực thi và khi có tranh chấp thì xử lý được nhanh, hiệu quả.


Tuy nhiên, hiện nay, việc đảm bảo quyền tự do tài sản vẫn còn nhiều khiếm khuyết, đặc biệt là quyền tự do tài sản đối với đất đai.


Bên cạnh đó, TS Dũng cũng cho rằng, một môi trường kinh doanh tốt thì phải tránh được cho doanh nghiệp, người dân những rủi ro về chính sách. “Mua miếng đất xây nhà thì hôm sau quy hoạch ở đó, thế là phá sản luôn. Một nguyên tắc của pháp quyền để đảm bảo môi trường kinh doanh là chính sách pháp luật phải đoán định được. Nếu rủi ro chính sách quá lớn thì không ai có thể nói môi trường kinh doanh đó tốt được”, ông nói.


Không có người dân nước nào nuôi bộ máy quản trị lớn như dân ta


Bộ phận cấu thành thứ 2 của khái niệm Chính phủ kiến tạo là cắt giảm chi phí. Theo TS Dũng, việc cắt giảm chi phí phải được hiểu rất rộng, bởi chi phí nền quản trị quốc gia của chúng ta quá lớn. Không có dân nào nuôi một bộ máy quản trị lớn như dân ta. Nếu dân Mỹ nuôi 10 người công chức thì chúng ta phải nuôi trên 100 người. “Rõ ràng, việc cắt giảm chi phí không chỉ thực hiện với doanh nghiệp mà còn thực hiện cho cả người dân”.


Muốn cắt giảm chi phí, TS Dũng cho rằng phải có một bộ máy khác so với hiện tại. Cái khác đó là không nên có 2 bộ máy cũng làm chính sách.


“Làm chính sách bên Đảng rồi lại làm chính sách bên Nhà nước, trùng lặp như vậy thì dân nào trả nổi mà nuôi? Tôi nghĩ phải nhất thể hóa giữa Đảng và Nhà nước để quy trình chính sách xảy ra ở một nơi thôi. Khi đó có thể cắt giảm chi phí ở chỗ, những tổ chức bán nhà nước thì trả về cho xã hội dân sự; những cái gì xã hội và doanh nghiệp làm được thì Nhà nước đừng ôm đồm”, TS Dũng phân tích.



Số lượng người ăn lương nhà nước quá lớn đang là gánh nặng cho ngân sách và xã hội

Một việc quan trọng khác là cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho người dân. Chi phí này hiện nay là khổng lồ. Ví dụ như ban hành quy định xe ô tô phải có bình chữa cháy. Ban đầu một bình xịt chỉ có giá 50.000 đồng, khi có lệnh ấy lập tức lên 150.000 – 200.000 đồng. Nhân lên sẽ thấy chi phí tuân thủ pháp luật của xã hội cho một quy định nho nhỏ như vậy là rất lớn.


“Tôi ví dụ Luật Đầu tư công, Luật này với chi phí như vậy thì nó khủng khiếp luôn. Bây giờ Quốc hội đang chất vấn vì sao không giải ngân (vốn đầu tư công – PV) được. Không giải ngân được là vì tuân thủ cái luật đó. Chả có cách gì để giải cả! Đấy là chi phí tuân thủ pháp luật quá lớn. Và đây nên là đòi hỏi bắt buộc của chương trình lập pháp, phải tính xem chi phí này là bao nhiêu”, TS Dũng nói.


Thể chế chống độc quyền còn rất yếu


Chính phủ hiện nay đang thúc đẩy việc đảm bảo cạnh tranh và thúc đẩy cạnh tranh. Nhưng việc thúc đẩy cạnh tranh đang vướng phải vấn đề độc quyền. Độc quyền hiện nay vẫn còn, gồm độc quyền tự nhiên, độc quyền nhà nước, độc quyền bán nhà nước. Nhưng điều đáng lo ngại hơn nữa là thể chế chống độc quyền hiện nay rất yếu.


Vấn đề đáng lo nữa là chủ nghĩa tư bản thân hữu. TS Dũng cho rằng phải chống cho được chủ nghĩa tư bản thân hữu. “Nếu không có quen quan chức chả làm ăn gì được thì cạnh tranh cái gì. Rõ ràng chủ nghĩa tư bản thân hữu là vấn đề rất lớn của thể chế. Và ở khung khái niệm bảo đảm môi trường cạnh tranh ở đây, không chống chủ nghĩa tư bản thân hữu thì không thể làm được”.



Độc quyền, chủ nghĩa tư bản thân hữu đang là những chướng ngại lớn của Chính phủ kiến tạo

Ngoài ra, TS Dũng cũng nêu lên, để thực sự là Chính phủ kiến tạo, cần phải cung cấp các dịch vụ công chất lượng và giá rẻ.


“Vấn đề không chỉ là cải cách thủ tục mà quan trọng là thu hút được người tài vào lĩnh vực công. Bởi nếu anh cũng nói nghị quyết như quan chức chính trị thì đâu có giải quyết được gì. Người dân muốn xin cái giấy phép, anh chả biết cấp thế nào. Hay như dịch vụ về công lý, 10 năm không có, 10 năm xét xử vẫn cứ vòng vo thế thôi. Công lý bị trì hoãn là công lý bị chối từ. Và có thể nhiều người Việt chúng ta bị chối từ công lý đấy.


“Một dịch vụ công để đảm bảo công lý là quan trọng nhất. Đây là cấu thành không thể thiếu của nhà nước kiến tạo”, TS Dũng kết luận.


Thụy Khanh


(Vietnamfinance)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét