Thứ Sáu, 16 tháng 6, 2017

Đây là những tác phẩm đoạt giải báo chí quốc gia ư?


Đây là những tác phẩm đoạt giải báo chí quốc gia ư?
2
news, society
16.6.17

Thinh Babel


Tôi cố gắng lựa chọn một từ để diễn đạt cảm giác khi đọc danh sách 7 tác phẩm đoạt giải A Giải báo chí Quốc gia 2017: Shock? Xấu hổ? Kỳ quái? Khôi hài? … nhưng có vẻ như đều không đúng, phải có một từ nào đó bao hàm ý của tất cả các từ trên, nhưng chưa tìm ra.
*
Nếu gặp phải cái tít: “Phòng chống nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng – vấn đề sống còn của Đảng và chế độ ta” (Liên Chi hội Nhà báo Báo Quân đội Nhân dân); “Y tế Quảng Ninh – Đột phá trong đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế” (Hội nhà báo tỉnh Quảng Ninh)… Xin hỏi thật, các bạn có muốn đọc tiếp không?

Tôi đi học nhiều lớp, ta có, Tây có, cũng có đi dạy (mà tôi gọi là truyền nghề) ở 5 trường đại học, ấy là chưa kể các lớp tập huấn, lần nào, tôi cũng nói với sinh viên/học viên: Người làm báo sạch nước cản là làm sao để bạn đọc đọc hết bài báo của mình. Nếu không đọc hết thì dù anh có nói đằng trời, rằng tư tưởng tôi cao siêu lắm, đề tài tôi độc đáo lắm, định hướng tôi rõ ràng lắm, đúng đường lối lắm… tất cả đều vô ích.
Tôi đã cố gắng đọc 4 trong số 7 tác phẩm nói trên và không thể đọc hết từ đầu đến cuối một tác phẩm nào. Các bạn không tin thì cứ tìm đọc đi, các bạn đọc hết được tôi gọi bằng sư tổ.
Tôi cam đoan, chỉ có người viết và người duyệt bài may ra mới đọc hết mà thôi!
*
Xét về cách đặt tít, 3 trong số 7 tác phẩm đã không đạt, nếu đây là bài tập của sinh viên tôi đều cho điểm dưới trung bình.
*
Xét về cách thể hiện: Cách viết rất cũ, vô cùng cũ. Cách viết của những năm 60-70 của thế kỷ 20.
*
Một tác phẩm tiêu biểu đoạt giải báo chí Quốc gia nó phải hội đủ nhiều yếu tố (vì dài quá không bàn) nhưng có một yếu tố quan trọng là nó có hơi thở thời đại, hơi thở đó không chỉ nằm ở đề tài mà trước hết là ở hình thức thể hiện nó. Cách viết của các tác phẩm đã dẫn là cách viết… tuyên giáo. Vì thế, nó không hề đại diện cho một nền báo chí đang phát triển, tiếp cận với xu hướng báo chí quốc tế mà nhiều tờ báo của nước ta đã làm, đang làm và làm được. Oái oăm thay, họ không có giải.
Vì những điều trên, tôi thấy cần xem lại các thành viên trong Hội đồng chấm Giải Báo chí Quốc gia. Vì sao? Vì chấm giải như thế, tôi thấy, họ hoàn toàn không có chuyên môn về báo chí. Không thể để một bài báo ngay cả cách đặt tít cũng không đúng lại trúng giải báo chí.
*
Trong làng báo, tôi không phải là người tài ba gì, có rất nhiều người tài đáng bậc thầy tôi. Tôi chỉ là người đi học khá nhiều về báo chí hiện đại (và cũng đã từng đoạt 3 giải Báo chí Quốc gia, nhưng đọc lại cái tít cũng không phải xấu hổ, ví dụ “Kỳ nhân đất Hương Khê”, “Một lão nông tài ngang… tiến sĩ”…), nhưng trước hết tôi là bạn đọc, một bạn đọc bỏ tiền ra mua báo, vì thế tôi có quyền đọc những gì xứng với đồng tiền bát gạo chứ đừng nói là giải Quốc gia.
Có thể ai đó, cả đồng nghiệp có thể chửi, bảo tôi là thế này thế nọ, cứ việc ném đá vô tư, nhưng mà, những tác phẩm này mà đoạt giả Quốc gia thì tôi, à, tìm ra một từ rồi: Nhục!
*
Còn chút may mắn là trong số tác giả nói trên không có ai là bạn tôi, em tôi, người quen tôi, học viên, sinh viên của tôi, nếu có tôi bẻ bút, đập bàn phím, bỏ dạy!
**
THAM KHẢO 7 TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI:
1.Tác phẩm Chuyện như đùa ở Hải Dương – Liên Chi hội Nhà báo Báo Nhân Dân
2. Tác phẩm Phòng chống nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng – vấn đề sống còn của Đảng và chế độ ta – Liên Chi hội Nhà báo Báo Quân đội Nhân dân;
3. Tác phẩm Những con nợ của nền kinh tế – Liên Chi hội Nhà báo Báo Nhân Dân;
4. Tác phẩm Nghị quyết Trung ương IV- Cách làm sáng tạo ở tỉnh Quảng Ngãi – Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ngãi;
5.Tác phẩm Y tế Quảng Ninh – Đột phá trong đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế – Hội nhà báo tỉnh Quảng Ninh;
6. Tác phẩm Hai đứa trẻ – Liên Chi hội Nhà báo Đài Truyền hình Việt Nam;
7. Tác phẩm Quản lý giá biệt dược: Làm gì để thị trường thuốc không “nhảy múa”? – Liên Chi hội Nhà báo Thông tấn xã Việt Nam.


---------------------------


Danh sách giải A báo chí bị châm biếm
VOA
Nhiều nhà báo bày tỏ ý kiến trên mạng xã hội, châm biếm danh sách 7 tác phẩm nhận giải A của Hội nhà báo Việt Nam.
Báo chí trong nước hôm 14/6 nói Hội đồng Giải Báo chí quốc gia năm 2016 “đã chọn được những tác phẩm xuất sắc để trao giải”. Trong 7 tác phẩm nhận giải cao nhất, có hai bài của Liên Chi hội Nhà báo Báo Nhân Dân là “Chuyện như đùa ở Hải Dương” và “Những con nợ của nền kinh tế”.

Bên cạnh đó là 3 tác phẩm mang nặng tính tuyên truyền liên quan đến đảng cộng sản, gồm “Phòng chống nguy cơ ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hóa’ trong Đảng - vấn đề sống còn của Đảng và chế độ ta” của Liên Chi hội Nhà báo Báo Quân đội Nhân dân; “Nghị quyết Trung ương IV - Cách làm sáng tạo ở tỉnh Quảng Ngãi” của Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ngãi; và “Y tế Quảng Ninh - Đột phá trong đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế” của Hội nhà báo tỉnh Quảng Ninh.


Cuối danh sách là tác phẩm “Hai đứa trẻ” của Liên Chi hội Nhà báo Đài Truyền hình Việt Nam và “Quản lý giá biệt dược: Làm gì để thị trường thuốc không ‘nhảy múa’?” của Liên Chi hội Nhà báo Thông tấn xã Việt Nam.

Theo báo chí Việt Nam, hơn 1.600 tác phẩm được gửi đến tham gia Giải Báo chí quốc gia 2016.
Đánh giá về chất lượng các tác phẩm dự thi, ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, cho rằng “chưa có nhiều tác phẩm thật xuất sắc”, theo trích dẫn trên báo chí trong nước.
Ông Lợi cũng nhận xét rằng các tác phẩm đã “bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước năm 2016”.

nhiều nhà báo Việt Nam cho rằng sự kiểm soát của nhà nước làm báo chí bị "cụt đường phát triển"
Sau khi danh sách các giải cao nhất được công bố, đã có hàng trăm lời bình luận của các nhà báo và bạn bè trong các trang cá nhân của họ trên mạng xã hội, với những mức độ châm biếm khác nhau về danh sách này.
Họ nói bản thân là nhà báo nhưng chưa bao giờ nghe đến hay đọc 5 tác phẩm đầu trong số 7 tác phẩm đoạt giải, và tin rằng hầu hết công chúng cũng vậy. Nhiều người nói họ “nản” khi biết tin về danh sách giải.
Trong một lời bình luận, một người có tên Vỹ Đặng viết một cách cảm thán: “Những bài viết về cuộc sống, dân sinh năm nay dở quá hay sao ấy nhỉ. Chuyện về Đảng quá đáng lo nên nhiều bài đoạt giải!”
Nhiều người khác thắc mắc vì sao có nhiều phóng sự gây tiếng vang hơn về các vấn đề kinh tế, xã hội, môi trường khác lại không được giải A. Một người có tên Tran Nguyen Nghi trên Facebook bày tỏ: “bao nhiêu bài phóng sự điều tra hay mà ko thấy giải gì, toàn bài tuyên truyền nhàm chán”.
Chung suy nghĩ với những ý kiến kể trên, từ tỉnh Khánh Hòa, nhà báo kỳ cựu Võ Văn Tạo nói với VOA:
“Báo Quân Đội Nhân Dân, báo Nhân Dân viết về những đề tài tôi cho rằng rất cổ hủ, chỉ phù hợp với lỗ tai, con mắt của các vị chức sắc cao cấp trong đảng, nhà nước thôi chứ còn xã hội chả ai quan tâm đâu. Đảng Cộng sản Việt Nam thiết kế những bộ máy chặt chẽ để quản lý báo chí làm theo hướng của họ. Chúng tôi nhiều năm làm báo thì thấy có những đề tài rất là hay, hấp dẫn, xã hội quan tâm, thì lại không dám đề cập hoặc đề cập rất là dè dặt. Chính vì thế mà báo chí Việt Nam không hấp dẫn”.
Không ít người tỏ ý nghi ngờ về quy trình chọn lọc, chấm giải. Người có tên Thanh Huong Le viết trong một thảo luận trên Facebook: “Bất cứ giải gì cũng cơ cấu nhé”, với hàm ý là ban giám khảo trao giải căn cứ vào vị thế của từng tòa báo, thay vì dựa vào chất lượng bài báo.
Một người khác có tên Trần Thị Sánh đưa ra nhận xét là “Toàn báo bố, báo mẹ, báo Đảng được giải” và cho rằng “làm gì còn chỗ” cho các báo nhỏ hơn.
Với kinh nghiệm làm báo, từng theo dõi cuộc thi các tác phẩm truyền hình, nhà báo Võ Văn Tạo cho biết thêm về hậu trường chấm thi:
“Ngồi với ban lãnh đạo, ban tổ chức, mình mới hiểu ra vấn đề là phát giải thực tế là luân phiên. Ví dụ, năm ngoái đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh được rồi, bây giờ phải nhường cho ông Khánh Hòa, sang năm phải nhường cho ông Đà Nẵng, v.v… để cho nó vui vậy thôi chứ thực chất nó cũng chả có giá trị gì, cái nào cũng giống cái nào, nhợt nhạt, mờ mờ vậy thôi”.
Nhà chức trách Việt Nam hồi giữa năm 2016 nói cả nước có hơn 850 cơ quan báo chí khác nhau. Mặc dù đông đảo như vậy, song nhiều nhà báo và các nhà quan sát cho rằng các biện pháp kiểm soát gắt gao của chính quyền làm cho báo chí Việt Nam không phát triển xứng tầm.
Báo chí trong nước ở những thời điểm khác nhau từng nhận lệnh chính thức hoặc không chính thức phải gỡ bỏ các bài báo về các vấn đề lớn, được xã hội quan tâm, nhưng bị coi là “nhạy cảm về chính trị” dưới con mắt của nhà chức trách.
Nhà báo kỳ cựu Võ Văn Tạo nói cách hành xử này “làm cụt đường phát triển” của báo chí, dẫn đến tình trạng có nhiều cơ quan báo chí “èo uột” như hiện nay.
Ông cũng cho biết nhiều nhà báo “có năng lực” đã bỏ nghề. Họ chuyển sang nghề khác hoặc thậm chí chấp nhận thất nghiệp, vì theo lời ông Tạo, họ cho rằng làm báo theo kiểu tuyên truyền cho chính quyền làm họ “áy náy lương tâm”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét