Thứ Năm, 12 tháng 1, 2017
60 người liên quan đến tham nhũng, 20 người 'bị xử lý'
60 người liên quan đến tham nhũng, 20 người 'bị xử lý'
Đăng bởi Ha Tran on Friday, January 13, 2017 | 13.1.17
Báo chí Việt Nam đưa tin cho hay tại một hội nghị hôm 11/1, Thanh Tra Chính phủ thông báo trong năm 2016 cơ quan thanh tra các cấp phát hiện 60 người “có hành vi liên quan đến tham nhũng”, và có 20 người đứng đầu “bị xử lý” vì “thiếu trách nhiệm, để xảy ra hành vi tham nhũng”.
Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình tại Hội nghị tổng kết của ngành thanh tra ngày 11/1/2017. (Ảnh: Đại Đoàn Kết)
Không có thông tin cụ thể về danh tính và chức vụ của những “người đứng đầu” đó. Tin cho hay trong số 20 người, có 1 người đứng đầu đã bị xử lý hình sự, nhưng không rõ mức độ hình phạt; 10 người khác bị xử lý “kỷ luật hành chính” bằng các hình thức như cảnh cáo, khiển trách.
Các quan chức đã “bị xử lý” là những người làm việc ở Bạc Liêu, Hậu Giang, Hòa Bình, Kiên Giang, Tây Ninh, Thanh Hóa, Thừa Thiên-Huế, Vĩnh Long, Bình Thuận và Cần Thơ. Riêng 3 tỉnh cuối có từ 3 tới 4 quan chức “bị xử lý”.
Tường thuật của báo chí cho biết thêm rằng riêng Thanh tra Chính phủ đã tiến hành 55 cuộc thanh tra, tập trung vào sự vận hành của các bộ, vấn đề đất đai ở các địa phương, hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng như phòng, chống tham nhũng.
Trong số đó, 21 cuộc thanh tra đã có kết luận xác định rằng có những vi phạm với tổng số tiền là gần 11,1 nghìn tỉ đồng, cơ quan thanh tra kiến nghị thu hồi hơn 5 nghìn tỉ đồng.
Từ thành phố Hồ Chí Minh, Luật sư Trần Quốc Thuận, cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nói với VOA rằng các nỗ lực chống tham nhũng của Việt Nam không mang lại những tín hiệu tích cực:
“Cụ thể những vụ chống tham nhũng như vụ Trần Xuân Thanh, vụ Vũ Huy Hoàng, người ta cho rằng cuộc đấu tranh chống tham nhũng này lập cập không đi tới đâu. Chỉ có vụ đó mà làm chưa ra ngô ra khoai. Còn bao nhiêu vụ, vụ Núi Pháo, vụ AVG, rồi người ta nhắc lại vụ Vinashin, Vinalines nữa. Còn bao nhiêu doanh nghiệp thế này thế kia. Rõ ràng cách làm việc nặng về lượng, nhưng mà hiệu quả công việc rất thấp. Cho nên lòng dân người ta rất buồn, người ta mong muốn rằng cái nhà nước này phải hứa với người dân, phải tin người dân”.
Đầu năm 2016, Tổ chức Minh bạch Quốc tế công bố Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng, xếp hạng 168 quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên cảm nhận của các doanh nhân và chuyên gia trong nước về tham nhũng trong khu vực công.
Điểm số của Việt Nam là 31/100 điểm, đứng thứ 112/168 trên bảng xếp hạng toàn cầu, tức là thuộc nhóm các nước có nhiều tham nhũng.
Khi đó, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng thuộc Thanh tra Chính phủ, nói với báo chí các tiêu chí của Tổ chức Minh bạch Quốc tế rất khác với cách đánh giá của Việt Nam. Ông nói cách đánh giá đó “không phản ánh một cách toàn diện được tình hình tham nhũng tại Việt Nam”.
Ông Đạt cho rằng trong vài năm trở lại đây công tác phòng, chống tham nhũng của Việt Nam đã “có những bước tiến mới, có nhiều giải pháp đột phá mang lại nhiều hiệu quả, song các tổ chức nước ngoài không ghi nhận”.
An Tôn
(VOA)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét