Thứ Tư, 25 tháng 1, 2017
Luật pháp ở Việt Nam: ‘Đã nghèo thì phải có tội!’
Luật pháp ở Việt Nam: ‘Đã nghèo thì phải có tội!’
Đăng bởi Lê Sơn on Wednesday, January 25, 2017 | 25.1.17
Cô Thạch Thị Bé Trúc bị áp giải đến tòa trong một lần xử sơ thẩm bất thành. (Hình: VnExpress)
Cô Thạch Thị Bé Trúc, 23 tuổi vừa được phóng thích sau mười tháng bị tạm giam với cáo buộc “vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.”
Cho đến nay, chuyện cô Trúc vào tù sau khi là nạn nhân của một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng vẫn làm công chúng Việt Nam hoang mang và phẫn nộ.
Cô Trúc ngụ ở Trà Vinh, lên Sài Gòn làm công nhân cho một nhà máy tọa lạc ở xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi. Vào tối ngày 27 Tháng Ba, 2015, cô Trúc chở đồng nghiệp là cô Nguyễn Thị Ngọc về nhà. Đến một ngã tư gần nhà, xe hai bánh gắn máy do cô Trúc điều khiển va chạm với một chiếc xe hơi, cả hai ngã ra đường và cùng bị trọng thương. Sau đó cô Ngọc tắt thở tại bệnh viện vì chấn thương não.
Vài tháng sau, cô Trúc bị khởi tố. Theo công an và Viện Kiểm Sát huyện Củ Chi thì lý do cô Trúc bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì điều khiển xe hai bánh gắn máy trên 50cc không có giấy phép lái xe, khi từ đường nhánh ra đường chính không nhường quyền ưu tiên cho xe hơi. Người lái xe hơi cũng được xem là có lỗi khi điều khiển xe đến ngã tư mà không làm chủ tay lái nhưng lỗi này không cần truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đúng một năm sau ngày xảy ra tai nạn, hồi Tháng Ba, 2016, sau khi hoàn tất cáo trạng, Viện Kiểm Sát huyện Củ Chi ra lệnh tạm giam cô Trúc, bất kể Luật Tố Tụng Hình sự hiện hành của Việt Nam không cho phép tạm giam nếu tội mà bị cáo phạm phải không thuộc loại nghiêm trọng, bị cáo không bỏ trốn và đang phải nuôi con dưới ba tuổi (cô Trúc đang nuôi hai đứa con còn nhỏ, một đứa dưới 36 tháng tuổi).
Từ Tháng Ba, 2016, cho đến cuối năm ngoái, tòa án huyện Củ Chi đã đưa cô Trúc ra xử ba lần. Lần nào tòa cũng trả hồ sơ yêu cầu công an phải trưng cầu giám định tốc độ xe hơi vào thời điểm xảy ra tai nạn và phải thu thập lời khai nhân chứng. Cần lưu ý thêm là tại tòa, cô Trúc liên tục lặp đi lặp lại là xe hơi liên quan đến vụ tai nạn đã chạy với tốc độ rất cao, không mở đèn và kẻ gây ra tai nạn không phải nhân vật mà công an cũng như Viện Kiểm Sát huyện Củ Chi xác định là “người lái.”
Một điểm khác cũng đáng lưu ý là công an không đáp ứng yêu cầu nào của tòa. Sau thời gian “điều tra lại,” “điều tra thêm,” hồ sơ được chuyển qua tòa vẫn thiếu các yếu tố để có thể xử cô Trúc. Đó cũng là lý do tòa án huyện Củ Chi ra lệnh phóng thích cô Trúc.
Cô Trúc không phải là trường hợp duy nhất khiến dân chúng Việt Nam hoang mang và phẫn nộ khi “đã nghèo thì phải có tội” trở thành tiêu chí của hệ thống tư pháp Việt Nam.
Tháng trước, vào ngày 16 Tháng Mười Hai, 2016, bà Phan Thúy Hằng, 49 tuổi, ngụ tại Bến Lức, Long An, kiếm sống bằng giúp việc nhà cho một gia đình ở Gò Vấp, Sài Gòn đã bị tòa án huyện Bến Lức phạt 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo với cùng một tội danh như cô Trúc.
Vào ngày 12 Tháng Tư, bà Hằng chở một người bạn về thăm mẹ của bà ở Bến Lức. Đến nơi, bà Hằng băng qua đường (tỉnh lộ 832) rồi tấp vào lề. Trong lúc bà Hằng và bà Thúy chuẩn bị xuống xe để dắt vào nhà thì ông Hà Tấn Phong, 40 tuổi, điều khiển một xe hai bánh gắn máy khác đâm thẳng vào họ…
Nhiều nhân chứng khẳng định, họ tận mắt chứng kiến ông Phong chạy với tốc độ rất cao, đâm thẳng vào xe của bà Hằng, khi đó đã dừng sát lề. Cú va chạm mạnh đến mức bà Thúy bị hất văng ra giữa đường, bà Hằng gục xuống tại chỗ và bị chiếc xe hai bánh gắn máy đè lên người. Riêng ông Phong thì quờ quạng nhưng không phải do tác động của tai nạn mà vì quá say!
Sau tai nạn, cả bà Hằng và bà Thúy cùng bất tỉnh. Năm ngày sau bà Thúy tắt thở, bà Hằng hôn mê hai ngày và nằm liệt một chỗ trong 21 ngày.
Luật pháp Việt Nam cấm người có nồng độ cồn trong máu quá 0.25mg/1 lít khí thở điều khiển phương tiện giao thông. Những biên bản được lập sau khi xảy ra tai nạn ghi nhận nồng độ cồn trong máu của ông Phong là 0.679mg/1 lít khí thở, gấp gần bốn lần mức cho phép.
Đó có thể là lý do ông Phong tự tìm đến gia đình bà Hằng và bà Thúy xin bãi nại. Ông Phong đã đưa cho thân nhân bà Thúy 50 triệu đồng để lo ma chay, đưa cho bà Hằng 15 triệu đồng để trả tiền điều trị. Bà Hằng kể rằng cả bà lẫn gia đình bà Thúy đều tin rằng, tai nạn là vận mạng, chưa kể họ không muốn đẩy một người cũng có gia đình vào tù nên cùng ký giấy bãi nại.
Thế nhưng chuyện không ngừng ở đó. Ba tháng sau ngày xảy ra tai nạn, công an huyện Bến Lức giao cho bà Hằng quyết định khởi tố vụ án trong đó bà Hằng là… bị can. Bất kể lời khai của các nhân chứng, cả công an lẫn Viện Kiểm Sát huyện Bến Lức cùng lập luận, tai nạn xảy ra là do bà Hằng băng qua đường không an toàn
Ông Phong được hệ thống tư pháp xem là vô can. Chuyện ông Phong say rượu lái xe, tông vào bà Hằng và bà Thúy được xác định là chỉ cần xử phạt hành chính!
(Người Việt)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét