Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2017
Nhà hoạt động Trần Thị Nga bị bắt
Nhà hoạt động Trần Thị Nga bị bắt
Dân Làm Bao
Sau nhiều ngày khủng bố, đe dọa và giam lỏng tại nhà riêng, bà Trần Thị Nga đã bị Cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Hà Nam khám xét nơi ở và đọc lệnh bắt tạm giam vào ngày 21/1/2017.
Bạn bè cho hay, bà Nga bị khởi tố theo điều 88 BLHS “tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam”, một trong những điều luật cho phép nhà cầm quyền bắt bớ tùy tiện và trả thù các nhân vật bất đồng chính kiến.
Hình ảnh từ clip của truyền thông lề đảng ghi lại cảnh hàng chục công an khám nhà, đọc lệnh bắt và còng tay đưa bà Nga đi. Bị bao vây bởi lực lượng công an đông đảo cả sắc phục lẫn thường phục, cả nam lẫn nữ nhưng bà Trần Thị Nga vẫn giữ được vẻ bình thản, hiên ngang, điềm tĩnh và rất tự tin, khác hẳn với những gương mặt bặm trợn nhưng lo lắng và căng thẳng của bọn bắt người.
Không nghe rõ những tên công an nói gì vì tiếng quá nhỏ, nhưng bà Nga đã trả lời rất đĩnh đạc, giọng hơi giễu cợt “Ok, thế à?”. Khi bị giải lên xe tù, có lẽ một công an nào đó đã đe dọa bà. Không ngần ngại, bà Nga tuyên bố một câu rất đĩnh đạc “…lúc đấy có khi xã hội đã bị thay đổi rồi”.
Bà Trần Thị Nga năm nay 40 tuổi và có bốn người con trai. Con thứ 3 mới vào lớp một và con trai út được 4 tuổi. Bà là một trong những gương mặt nữ tiêu biểu trong phong trào đấu tranh đòi nhân quyền, dân chủ tại Việt Nam.
Năm 2014, bà bị công an dùng gậy đánh gẫy chân khi đang đi cùng hai con nhỏ. Nhà riêng của bà liên tục bị ném bom bẩn, bị công an côn đồ đến gây sự. Ba mẹ con bà Nga cũng liên tục bị bắt cóc, bị chặn đánh giữa đường bởi công an mặt thường phục. Bà đã nhiều lần bị tạm giữ, câu lưu trái phép chỉ vì tham gia các phong trào biểu tình chống Tàu xâm lược, chống Formosa và các hoạt động đường phố ôn hòa khác.
Năm 2015, một cuốn sách e-book về những phụ nữ đấu tranh cho quyền con người ở châu Á được tái bản. Cuốn sách bao gồm 17 chân dung của những phụ nữ quả cảm trong những quốc gia và vùng lãnh thổ mà nhân quyền bị đàn áp dữ dội. Bà Trần Thị Nga là một trong hai phụ nữ Việt Nam vinh dự có tên trong cuốn sách này.
Giống như trường hợp của Blogger Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, việc bắt một bà mẹ đang nuôi con nhỏ như bà Trần Thị Nga là một hành động trả thù hèn hạ của nhà cầm quyền đối với những hoạt động ôn hòa của hai người phụ nữ này nói riêng, và đối với những người dân Việt Nam muốn đóng góp cho sự đổi thay đất nước nói chung.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét