Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2017
Giáo dục tạo nên sự trưởng thành về tư duy của thanh thiếu niên
Giáo dục tạo nên sự trưởng thành về tư duy của thanh thiếu niên
Nhà giáo Phạm Toàn
Nhà giáo Phạm Toàn, ảnh do tác giả cung cấp.
(GDVN) - Giáo dục cũng không tạo ra nổi những tài năng. Nhưng có thể có những tài năng, nhiều tài năng nảy sinh nhờ một nền Giáo dục tử tế.
LTS – Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng gửi tới quý bạn đọc bài mới của Nhà giáo Phạm Toàn và nhóm Cánh Buồm bàn về việc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục.
Bài đầu tiên Cải cách nhà cải cách đăng ngày 1 tháng 1 năm 2017 nhằm giới thiệu nhóm Cánh Buồm cùng đông đảo bạn đọc. Tiếp theo là bài Định nghĩa lại khái niệm giáo dục mở đầu loạt bài do chính nhà giáo Phạm Toàn viết.
Các bài tiếp theo sẽ dựa trên định nghĩa gốc đã thay đổi đó. Mỗi bài sẽ mang một ý, cả chuỗi bài sẽ mang những ý tiếp nối nhau. Tất cả các bài sẽ cùng tập trung vào chủ đề: làm gì và làm theo cách nào để xây dựng cho dân tộc ta một nền Giáo dục hiện đại hóa.
Bài trước bạn đọc đã làm quen với định nghĩa lại khái niệm giáo dục, mà mệnh đề cơ bản cần ghi lại là “Giáo dục là tổ chức sự trưởng thành của thanh thiếu niên cả dân tộc”.
Trong bài này Nhà giáo Phạm Toàn sẽ giới thiệu về khái niệm “trưởng thành”, ý tưởng chính của bài này, tiếp nối ý tưởng của bài trước, trong ý tưởng chung của cả loạt bài.
Vài lời nói đầu
Như tác giả đã kể (để báo cáo trước xã hội) trong cuộc “trò chuyện” với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam (Giaoduc.net.vn), ngay từ khi ra đời, nhóm Cánh Buồm đã phải “tự cải cách” mình trước khi bắt tay vào cuộc tìm hướng đi và hệ thống kỹ thuật xây dựng công cuộc Giáo dục đầy khó khăn.
Công cuộc tự tìm tòi đã dẫn đến khái niệm gốc đầu tiên, như một tiên đề trong Toán học: “Giáo dục là tổ chức sự trưởng thành của thanh thiếu niên cả dân tộc”.
Công việc của Giáo dục theo Cánh Buồm, không nhằm đào tạo những bậc tài năng: nó nhằm vào những con người bình thường, tồn tại phổ biến trong cuộc sống thực, nó giúp tất cả thanh thiếu niên được trưởng thành để vào đời.
Vào đời, cũng theo định nghĩa lại của Cánh Buồm, là đủ sức lựa chọn đi theo một trong ba con đường sau đây.
Con đường thứ nhất là lao động mà sống.
Con nhà nghèo thì học xong lớp 9 nên đi lao động mà sống cái đã.
Không nên cổ cũ những người bỏ mặc bố mẹ lam lũ bới rác, làm phu hồ, ngủ gầm cầu, bòn mót chắt bóp, cho con nghiễm nhiên học, học nữa, học muốn chết… để có mảnh bằng. Có khi nhiều hơn một mảnh bằng!
Con đường thứ hai là đi học nghề để rồi cũng lao động mà sống, nhưng lao động đỡ vất vả hơn, có năng suất cao hơn lao động phổ thông thiếu tay nghề, và có đóng góp nhiều hơn cho đất nước.
Con đường thứ ba là đi học lên bậc trên để rồi cũng lao động, nhưng lao động ở bậc cao hơn – con đường chưa chắc đã đỡ vất vả hơn, nhưng chắc chắn sẽ tạo ra năng suất cao hơn, và nhất định phải đóng góp được nhiều hơn cho đất nước.
Trưởng thành trong “trường đời”
Việc xác định ba con đường vào đời này đòi hỏi công việc tổ chức sự trưởng thành của thanh thiếu niên theo cách của nhà giáo dục.
Thực ra, không có bàn tay của nhà giáo dục, hoặc có bàn tay nhưng không đủ tầm của nhà giáo dục, thì thanh thiếu niên vẫn buộc phải tự tổ chức sự trưởng thành của chính mình.
Ở Thụy Điển có nhà văn Eyvind Johnson, sinh năm 1934, được giải Nobel 1974, mất năm 1976. Ông có nhiều tác phẩm, nhưng tiểu thuyết Năm 1914 của ông tạo được ấn tượng mạnh hơn cả. [1]
Tiểu thuyết Năm 1914 kể câu chuyện ngay từ đầu không khí đã buồn ơi là buồn…! Một cậu bé và một bà không biết là ai, hai người lầm lì không nói gì với nhau suốt dọc con đường sắt dẫn vào ga xép.
Mãi rồi cũng rõ cậu bé này từ biệt mẹ nuôi để về với gia đình mình… Cậu về nhà và bứt rứt như không quen mái nhà cũ nữa, không sao sống nổi… và cậu lại ra đi…
Eyvind Johnson gần như kể chuyện chính mình! Gia đình thợ nề nghèo ấy có sáu người con, cha Johnson bị bệnh rồi mất, ông ở với chị rồi đi ở với bố mẹ nuôi.
Năm 13 tuổi ông phải bỏ học, làm rất nhiều nghề khác nhau để kiếm sống: thợ xẻ gỗ, thợ làm gạch, bán vé rạp chiếu phim, phụ thợ điện, thợ máy nước... Ở nhà máy chế biến gỗ, ông tổ chức bãi công và bị đuổi việc…
Nhưng rồi ông thành một nhà văn có tên tuổi.
Kiểu người như thế ta gọi tên là người được đời dạy dỗ. Họ bị buộc phải trưởng thành trong cuộc đời. Nhà trường của họ là cuộc sống thực, mà ta quen gọi làtrường đời.
Nhà văn Tô Hoài nước ta cũng là người được đời dạy dỗ và bị buộc phải trưởng thành trong trường đời. Ông đã làm phu đồn điền, đã làm thợ, đã làm đủ nghề kiếm sống.
Nhà văn Nguyễn Đình Thi khoe tài của Tô Hoài, thường kể cho mọi người rằng Tô Hoài biết đến năm trăm loại khóa!
Truyện Dế mèn phiêu lưu ký cũng là trải nghiệm đời mà Tô Hoài chia sẻ khéo với các bạn nhỏ. Truyện phiêu lưu của ông được dịch ra hàng chục thứ tiếng trên thế giới.
Tô Hoài qua Liên Xô cũ, đến thăm nhà văn Boris Polevoi, thấy con của nhà văn Nga ngồi dưới gầm cầu thang ngốn ngấu đọc sách. Lại gần coi, thì ra là Dế mèn phiêu lưu ký bằng tiếng Nga!
Tình tiết về hai nhà văn cho thấy họ được đời sống thực tôi luyện, quăng quật, và những con người ấy vẫn có cách để trưởng thành. Có điều là những con người trưởng thành theo lối đó không nhiều!
Một người thành công, thì có hàng trăm hàng nghìn người cùng trang lứa bị thất bại, bị ném ra lề đường, bị đau khổ đôi khi như sống trong tuyệt vọng.
Nhà văn Ba Lan Jerzy Kosinski năm 1965 xuất bản cuốn tiểu thuyết “Con chim bị bôi màu” trong đó có câu chuyện một anh chàng chán đời bắt một con chim, bôi màu lên thân nó, rồi thả nó về với đàn.
Con chim bị bôi màu về với đàn, nhưng bầy đàn không nhận biết nổi, đã nhao vào mổ xỉa “kẻ xa lạ”. Và anh chàng chán đời tìm xác con chim, đếm xem bao nhiêu vết thương thì đủ làm chết một con chim.
Nghĩ rằng mấy thí dụ và ẩn dụ đó đủ để gợi ý cho chúng ta về công việc tổ chức sự trưởng thành của thanh thiếu niên cả dân tộc để hạn chế đến mức thấp nhất những ai bị buộc phải trưởng thành trong đau đớn. [1]
Tức là chúng ta cần đến một công cuộc Giáo dục có ý thức, có tổ chức, có phương pháp.
Khái niệm trưởng thành
Việc trước nhất của nhà giáo dục là có ý thức rõ về khái niệm trưởng thành.
Ta hãy trở lại với trường hợp người đỗ đạt cao nhờ công sức của những bậc mẹ cha bới đất nhặt rác. Cam chịu sống như thế để “thành đạt” như thế là thiếu suy nghĩ.
Bộ sách của nhóm Cánh Buồm, ảnh do nhà giáo Phạm Toàn cung cấp.
Mà đã thiếu suy nghĩ với chính cha mẹ mình, thì hy vọng gì có suy nghĩ để có lòng nhân ái với xã hội, với cộng đồng?
Các cụ ngày xưa hay mắng những ai học giỏi mà sống kém cỏi như thế, là có học mà chẳng có khôn.
Vậy khôn là gì? Khôn có đồng nghĩa với trưởng thành không?
Nhà triết học Emmanuel Kant có bài tiểu luận “Thế nào là khai sáng?” [2]
Thực ra nên dịch là “được” khai sáng – vì “khai sáng” là một ngoại động từ. Nghĩ vậy nên tôi đã thử dịch lại khái niệm đó bằng chữ giác ngộ, mặc dù bị bè bạn chê là đã “dùng nhầm” khái niệm của nhà Phật.
E. Kant định nghĩa thế này:
“Giác ngộ là trạng thái ta thoát khỏi cảnh mình khư khư tự buộc mình trong tư thế kẻ không trưởng thành. Không trưởng thành là không có khả năng dùng hiểu biết của mình mà cứ phải có người đỡ đầu.
Nguyên nhân của tình trạng đó không phải vì thiếu trí năng mà do thiếu quyết đoán cũng như thiếu dũng cảm đem trí năng của mình ra dùng, bất cần đến kẻ khác phải chỉ bảo cho.
Tiếng latin nói Sapere Aude! Có nghĩa là “Hãy dũng cảm đem trí năng mình ra dùng! Thì đó cũng là phương châm của “giác ngộ””.
Luận điểm của E. Kant ít nhất gợi cho chúng ta ba điều sau liên quan đến khái niệm trưởng thành:
Một là, dường như Kant đồng nhất khái niệm (được) khai sáng (hoặc (đã) “giác ngộ”) với khái niệm trưởng thành;
Hai là, khái niệm trưởng thành bao hàm trong nó cả trí năng (năng lực trí tuệ, hoặc sự “hiểu biết”), cả tinh thần tự lập (“không cần ai bảo hộ”);
Ba là, bao hàm cả một thái độ sống, “dũng cảm đem trí năng của mình ra dùng”.
Trong ý thức tổ chức công cuộc Giáo dục của mình, có lẽ nhóm Cánh Buồm nghiêng về những gợi ý từ Emmanuel Kant.
Khi nói đến tổ chức sự trưởng thành của thanh thiếu niên, lý tưởng Giáo dục của Cánh Buồm hướng đến việc làm hình thành những thanh niên biết tự học – tự giáo dục (tên cuộc Hội thảo cuối năm 2011);
Những con người từ nhỏ đã nắm vững phương pháp học (“Em biết cách học” như tên cuộc Hội thảo cuối năm 2012), và càng ngày càng phát triển (“Cao hơn, xa hơn, và dễ tự học” như tên cuộc Hội thảo cuối năm 2014).
Từ năm 2011 cho đến năm 2016, mỗi cuộc Hội thảo hằng năm lại đánh dấu một cái mốc trên con đường nhóm Cánh Buồm tìm cách kỹ thuật hóa tư tưởng Giáo dục của mình.
Và cuộc Hội thảo ngày 10 tháng 11 năm 2016 mang tên “Hành trình trí tuệ - từ Mầm non đến lớp 9” đã cố gắng trình ra trước xã hội hệ thống kỹ thuật gửi trong 18 cuốn sách.
8 cuốn trong đó hiện đã nằm trong mục Sách mở của trang Canhbuom.edu.vn nhằm công khai trước sự duyệt xét của toàn xã hội. [3]
Toàn bộ “hành trình” đó có thể gói gọn lại thành một tên gọi khác: hành trình tổ chức tạo ra và củng cố năng lực tự học cho thanh thiếu niên.
Chỉ cần một năng lực sống như vậy thôi là đủ. Không cần vẽ vời ra bao nhiêu năng lực, đếm sao cho xuể!
Năng lực tự học đó không chỉ đem lại kiến thức – con đường tự tìm đến kiến thức đó cũng là con đường hình thành và củng cố tư duy của người trưởng thành.
Tư duy của người trưởng thành không phải là một kết quả cuối cùng. Nó hình thành dần theo phương thức nhà trường, thông qua các môn học chắt lọc, và thông qua phương cách tư duy gửi trong từng môn học.
Toàn bộ “nội dung” tư duy cũng chỉ gói trong ba phương thức.
Tư duy khoa học lấy thao tác phân tích làm cốt lõi và hình thành qua những môn học có bản chất khoa học.
Sẽ dễ hiểu, chẳng hạn, khi nội dung sách Tiếng Việt lớp 3 tuy dạy cú pháp nhưng đã phải hình thành tư duy lô gích khi học cách tạo ra và dùng các nhóm 3 câu nói (và viết) theo mẫu chủ đề - phản đề - hợp đề.
Sẽ dễ hiểu khi Cánh Buồm tiếp tục trong Tiếng Việt lớp 4 cho học sinh dùng tư duy lô gích 3 câu đó để viết đoạn văn 5 câu và nối tiếp sang bài văn 5 đoạn.
Tư duy nghệ thuật lấy lòng đồng cảm và các thao tác sáng tạo nghệ thuật làm cốt lõi, và các văn bản nghệ thuật cụ thể (những bộ “văn tuyển” chẳng hạn) chỉ là những kích thích mang tính ẩn dụ, qua đó học sinh tự trau dồi tình cảm nhân văn và cảm xúc nghệ thuật.
Tư duy xã hội lấy lòng đồng thuận và tổ chức cuộc sống thực làm cốt lõi. Đạo lý trong cuộc sống xã hội là cuộc sống thực chứ không phải những câu châm ngôn đạo lý viết đẹp để lấy điểm 10.
Cuộc sống thực được tổ chức theo nguyên lý sống đồng thuận gồm có ba yếu tố: cùng lao động, cùng tôn trọng giá trị tinh thần của nhau, và – đây là yếu tố vô cùng quan trọng – cùng học cách phát hiện và tháo ngòi xung đột.
Tập sống đồng thuận từ bé, thì khi trưởng thành, khi làm người lớn, sẽ biết cách sống và biết cách hòa cái Tôi độc lập trong cái Ta nhân bản và phát triển.
Toàn bộ những điều nói trên đều được tạo ra trong tư duy của con người đi trên con đường trưởng thành chứ không phải là một sản phẩm được tạo ra đột ngột. Và như vậy, trình độ trưởng thành không nhất thành bất biến.
Năng lực tư duy của con người trưởng thành – với bộ ba khoa học, cảm xúc, đồng thuận – sẽ mãi mãi đi theo con người, sẽ dắt dẫn con người biết cách sống với năng lực người – con người tư duy – con người yếu đuối nhưng mạnh mẽ được nhờ tư duy – tư duy như một năng lực cốt lõi của nó.
Qua những sản phẩm của nhóm Cánh Buồm (cụ thể là bộ sách Văn và Tiếng Việt từ lớp 1 đến lớp 9), tư duy nằm ngay trong cách học từng tiết học, chứ không ê a khề khà suốt chín mười năm trời, sau đó mới vội vàng học “mười sáu thói quen tư duy của các vĩ nhân”.
Không thể chờ cho cái cây chết từ khi nảy mầm, sau đó gắn hoa lá bằng nhựa vào, và tuyên bố ầm ĩ là cây đang sống… tràn đầy tư duy!
Bạn sẽ hỏi: con người trưởng thành, đơn giản vậy thôi sao?
Cánh Buồm trả lời: vâng, đơn giản có vậy thôi - Giáo dục phổ thông có nhiệm vụ tổ chức con người trưởng thành và con người đó là con người tư duy.
Nền Giáo dục làm được chừng nấy đã quá vất vả rồi.
Giáo dục không tạo ra được thiên tài. Thiên tài là do “ông Giời” ông ấy sinh ra. Trước khi có Albert Einstein, không ai biết là sẽ có một tác giả Thuyết tương đối chào đời.
Ngay cả khi Albert Einstein nằm dài trên bãi cỏ ngắm nhìn mây bay và tơ tưởng hão huyền nếu bây giờ ta ở trong đám mây đang bay kia, ta sẽ đạt được tốc độ bằng không với một người ở đám mây bay song song bên cạnh, ngay cả khi đó chưa chắc Albert Einstein đã biết mình sẽ là nhà vật lý học lỗi lạc.
Giáo dục cũng không tạo ra nổi những tài năng. Nhưng có thể có những tài năng, nhiều tài năng nảy sinh nhờ một nền Giáo dục tử tế.
Một nền Giáo dục không bắt con em học thuộc lòng, không phải làm bài văn mẫu một triệu em có cùng một “cây bàng trường em” ngay cả khi trường em không có bóng cây.
Thay cho lời kết
Xin mời bạn đọc theo dõi đoạn mở đầu phần Tự đánh giá và đánh giá ở cuối sách Tiếng Việt lớp 9 Cánh Buồm, và sẽ nhận ra tư duy Giáo dục hiện đại của nhóm Cánh Buồm khi đòi hỏi sản phẩm cuối lớp 9 của mình:
Các bạn hãy hình dung cảnh chuẩn bị ra trường kết thúc chín năm giáo dục phổ thông của mình như sau:
Sẽ có một Hội đồng Giáo dục gồm đại diện giáo viên, đại diện phụ huỵnh (buổi đó có phụ huynh của bạn) và đại diện giới trí thức ở địa phương (giáo viên, kỹ sư, cán bộ…).
Bạn sẽ trình bày một tiểu luận do bạn viết với đề tài tự chọn, khi viết được tra cứu tài liệu đàng hoàng. Bài tiểu luận đó sẽ đánh giá năng lực tư duy của bạn hơn là đánh giá những kiến thức thuộc lòng về tiếng Việt của bạn.
Kèm theo bài tiểu luận đó, bạn cần trình ra những công trình đã tự tay làm ra:
(a) cuốn Từ điển chính tả theo nghĩa ở Lớp 1 kéo dài lên các lớp trên, cho thấy công phu của bạn tự rèn luyện cách viết đúng từ Hán Việt dựa trên nghĩa của chúng;
(b) cuốn Từ điển học sinh ở Lớp 2 và cũng kéo dài qua nhiều năm tháng, cho thấy công phu của bạn tự rèn luyện cách tìm nghĩa của từ ngữ và cách dùng từ ngữ;
(c) những sưu tập các đoạn văn và bài tiểu luận của bạn từ Lớp 4 cho đến mãi mãi về sau.
Hội đồng Giáo dục sẽ chất vấn và bỏ phiếu kín công nhận bạn hoàn thành chín năm học loại HOÀN THÀNH, loại GIỎI và loại XUẤT SẮC.
Những bạn chưa đạt loại hoàn thành cũng vẫn sẽ dự lễ kết thúc năm học với mọi người. Các bạn đó sẽ rút kinh nghiệm riêng để tiếp tục cuộc đời mình – và ta đừng vội nghĩ họ sẽ là phế phẩm.
Trong ngày lễ kết thúc năm học, mỗi bạn sẽ được nhận một THƯ CÁM ƠN của Hội đồng Giáo dục cấp cao, cám ơn bạn đã đồng hành với công cuộc tổ chức sự trưởng thành của các bạn với những lời chúc khiến bạn phải vui lòng.
Vì sao? Vì lời chúc đó chắc chắn sẽ ca ngợi công lao của bạn trong chín năm ròng đã học cho mình – học cho cộng đồng – học cho tương lai đất nước.
Vừa rồi là những gợi ý của nhóm Cánh Buồm, và nó chưa thành quy định mang tính pháp quy. Có nghĩa là có thể các bạn vẫn còn phải qua một kỳ thi tổ chức theo cách nào đó.
Nhưng các bạn hãy tin rằng kỳ thi đó cũng chỉ khác ở một chi tiết về những vật liệu ngôn ngữ đưa ra để thử thách tư duy và năng lực ngôn ngữ thực sự của bạn. Thế thì, hãy coi đó là một thử thách nhỏ đầu đời.
Khi bước vào cuộc sống thực, các bạn còn gặp nhiều “cuộc thi” không phòng thi, không giám thị, không chấm điểm,… vâng, còn biết bao “cuộc thi” khác....
Cánh Buồm, qua cách mời các bạn trẻ tham gia tự đánh giá trước khi vào đời, tức là tự đánh giá tư duy của người học thay cho đánh giá kiến thức.
Đó là kết quả của sau chín năm của một nền Giáo dục với những học sinh hết mực tự do và trách nhiệm – hoàn toàn là sản phẩm của những lớp học nuôi dưỡng vun bón tư duy người học để tạo ra những con người trưởng thành về tư duy – đó là lý tưởng Giáo dục của Cánh Buồm.
Tài liệu tham khảo:
[1] Bản tiếng Anh “The painted bird” - Bạn có thể tìm tác phẩm này trên mạng.
[2] Tham khảo ba bản dịch tiểu luận này của Thái Kim Lan, Châu Diên, Phạm Minh Ngọc, tại địa chỉ:
http://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/tra_loi_cau_hoi_khai_sang_la_gi.html
[3]http://canhbuom.edu.vn/sachmo/
Nhà giáo Phạm Toàn
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét