Thứ Tư, 18 tháng 1, 2017
Chiếc áo của nền tư pháp
Chiếc áo của nền tư pháp
Đăng bởi Tiểu Nhi on Wednesday, January 18, 2017 | 18.1.17
Khi ông Chánh án tối cao Nguyễn Hoà Bình nói sẽ mời giáo viên về dạy chính tả, ngữ pháp cho các thẩm phán thì điều đó khẳng định rằng trình độ của thẩm phán của chúng ta thực sự là một vấn nạn đáng báo động cho một nền tư pháp và công lý.
Chánh án tối cao Nguyễn Hoà Bình
Chữ nghĩa không chuẩn, mà luật pháp là vận dụng câu chữ để giải quyết các vấn đề của xã hội, và lẽ phải tồn tại hay không tồn tại chính là phụ thuộc vào trình độ vận dụng và "giải thích" luật pháp khi xét xử của các thẩm phán.
Khi thừa nhận thực trạng ấy đã là điều đáng mừng. Nhưng nó lại chỉ là một phần nhỏ bề nổi của vấn đề đối với đất nước chúng ta. Bởi nền giáo dục của chúng ta cũng đang rơi vào suy thoái và lạc hậu một cách trầm trọng, vậy thì chất lượng giáo viên có đủ để đảm bảo rằng sẽ chỉ dẫn được các "thẩm phán" trong vấn đề chữ nghĩa hay không? Chính các giáo viên còn mải mê và lo làm nhiệm vụ chính trị, bệnh thành tích, chữ nghĩa và câu cú lủng củng, thì có đủ trình độ lẫn nhân cách để mà hướng dẫn những người cầm cân nảy mực?
Tôi đoán chắc là không.
Vấn đề của nền tư pháp chúng ta ngoài trình độ non yếu của thẩm phán, thì còn một vấn đề đặc biệt quan trọng nữa là sự phụ thuộc vào đảng, bởi các thẩm phán đều là đảng viên, mà đảng lại lãnh đạo toàn diện nhà nước và xã hội, nên mới có việc "không khởi tố được vì người phạm tội đang là đảng viên" là như vậy.
Rồi xuất hiện việc họp liên ngành giữa ba cơ quan tố tụng mà đáng ra phải độc lập, đó là cơ quan điều tra, viện kiểm sát và toà án, cộng thêm sự xuất hiện của nhân vật quyền lực thứ tư chính là "đảng uỷ" của đảng.
Ở Mỹ, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ có 09 thẩm phán được bổ nhiệm suốt đời bởi Tổng thống. Nhưng điều đặc biệt ở đây chính là chín vị thẩm phán này hoàn toàn không khoác áo đảng viên của bất kỳ đảng phái nào. Bởi công lý không dành chỗ cho chính trị chen chân vào. Toà án có thể xét xử tổng thống và xét xử các đạo luật của nghị viện khi nó xâm hại vào Hiến pháp. Và vì vậy đó là lý do xuất hiện của Toà án bảo hiến như một thiết chế tối cao canh giữ cẩn mật và nghiêm ngặt Hiến pháp Mỹ trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Việc cho các thẩm phán mặc áo thụng đen khi xét xử, việc cho thẩm phán đi học lại chính tả và ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ, tuy đã là một nỗi đau xót và kể cả là đáng hổ thẹn của một nền tư pháp, thì đó chỉ là giải quyết vấn đề của bộ mặt sơn phết bên ngoài của một ngôi nhà mà không giải quyết vấn đề cốt lõi của việc đòi hỏi trong một nền tư pháp văn minh chính là việc dựng nên những chiếc cột vững chắc để đảm bảo ngôi nhà công lý không bị nghiêng vẹo trong mọi tác động nào khác.
Họ có thể viết đúng chữ nghĩa, họ có thể không sai về câu cú, nhưng chỉ cần một cú điện thoại hay cái đập bàn của một vị nào đó cũng đủ để những chữ nghĩa tròn vành vạnh kia trở nên thiếu sinh khí và mất đi bóng dáng của công lý hàm chứa trong luật pháp trước mắt họ.
Chiếc áo chữ nghĩa của thẩm phán không làm nên sự lành lặn của luật pháp và lẽ phải.
Nên việc cần thiết của việc gìn giữ trật tự xã hội và làm cho đất nước văn minh chính là tạo ra một nền tư pháp độc lập, hoàn toàn độc lập với bất kỳ đảng phái chính trị hay tổ chức quyền lực nào khác trong cùng một bộ máy chính quyền. Lúc đó, luật pháp và mạng người mới được tôn trọng và đảm bảo trên thực tế.
LS. Luân Lê
(FB Luân Lê)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét