Thứ Năm, 8 tháng 9, 2016

Vì sao Tổng BT Trọng khó có thể xử lý được ông Trịnh Xuân Thanh?


Kami - Vì sao Tổng BT Trọng khó có thể xử lý được ông Trịnh Xuân Thanh?

Đăng bởi Hai Hoang Van on Thứ Sáu, ngày 09 tháng 9 năm 2016 | 9.9.16


Mục đích cao nhất của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hiện nay, là muốn dùng vụ việc Trịnh Xuân Thanh để tạo ngòi nổ trong việc thanh trừng các thành phần thân Mỹ trong ban lãnh đạo Đảng CSVN còn lại sau Đại Hội Đảng 12. Mà trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. HCM Đinh La Thăng. Song điều này đang khó trở thành hiện thực, khi có những thế lực trong Đảng có uy lực hơn trong đảng và có đủ sức mạnh để ngăn chặn những toan tính nguy hiểm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.





Ngày 7/9/2016 truyền thông nhà nước đưa tin nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, ông Trịnh Xuân Thanh đã xin ra khỏi Đảng CSVN. Theo đó, ông Trịnh Xuân Thanh nói ông xin ra khỏi Đảng vì lý do "không tin vào sự chỉ đạo của đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng". Cùng thời điểm đó trên mạng internet cũng xuất hiện tài liệu ba trang, được cho là báo cáo của ông Trịnh Xuân Thanh gửi Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Theo báo Thanh Niên cho biết, ngày 4/9/2016 ông Trịnh Xuân Thanh đã bất ngờ gọi điện thoại cho một phóng viên của tòa báo này ở Cần Thơ. Sau khi trình bày nhiều nội dung nhằm giải trình và kêu oan sai trong những vấn đề liên quan đến bản thân mình như báo chí thông tin, thì ông Thanh cho biết đã làm đơn xin ra khỏi Đảng và đã gửi đến các cơ quan chức năng ở Trung ương cũng như Tỉnh ủy Hậu Giang.

Vụ việc ông Trịnh Xuân Thanh là mối quan tâm lớn của Đảng CSVN và dư luận, nên thông tin của báo Thanh Niên đưa ra cho thấy là có cơ sở. Tôi cho rằng ông Trịnh Xuân Thanh còn tự do để viết ba lá đơn như dư luận đã đọc, vì chỉ có ông Thanh mới biết rõ các chi tiết về những quan hệ của cha của ông, Trịnh Xuân Giới với đảng và với cá nhân Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng

Câu hỏi "Bây giờ ông Trịnh Xuân Thanh ở đâu?" cũng không khó để trả lời, vì ông Thanh đang là đối tượng điều tra của Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương và Tổng Cục An Ninh 2 của Bộ Công An, nên khó có thể đi khỏi Việt Nam, dù có muốn.

Nhưng lá đơn có nội dung chỉ trích ông Trọng lọt ra ngoài cho ta thấy những cán bộ đảng và an ninh đang quản lý ông Thanh là không thuộc phe của ông Trọng. Sở dĩ không nói là ông Trịnh Xuân Thanh vẫn ngoài vòng cương tỏa của chính quyền cũng vì, thực sự ông Trịnh Xuân Thanh chỉ là nạn nhân bị các phe phái trong nội bộ lãnh đạo Đảng CSVN mượn làm cái cớ để thanh trừng lẫn nhau.

Nhìn chung, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng muốn dùng vụ việc Trịnh Xuân Thanh để tạo ngòi nổ trong việc thanh trừng các thành phần thân Mỹ trong ban lãnh đạo Đảng CSVN còn lại sau Đại Hội Đảng 12. Mà trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. HCM Đinh La Thăng, một cái gai trong mắt ông Nguyễn Phú Trọng lâu nay. Hẳn chúng ta còn nhớ vụ báo Tuổi Trẻ gỡ bài trả lời của Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng về tranh cãi quanh việc bổ nhiệm ông Bob Kerrey vào chức vụ quan trọng của Đại học Fulbright Việt Nam.

Cần nhớ là Tổng cục dầu khí là thành trì và cái nôi đưa ông Thăng đi lên đến vị trí hôm nay. Những sai phạm của ông Thanh ở ngành dầu khí thì ông Thăng phải biết, nhưng ông Thanh vẫn lọt qua và leo cao hơn cho thấy sự quan hệ nâng đỡ, thậm chí là bao che giữa ông Thăng và ông Thanh là có.

Nếu biết khi ông Trịnh Xuân Thanh lúc nắm chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), thì ông Vũ Quang Thuận là Tổng giám đốc PVC và hai người cùng phải chịu trách nhiệm trong việc Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) lỗ 3.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay ông Vũ Quang Thuận Tổng giám đốc, người trực tiếp điều hành doanh nghiệp thì lại “hạ cánh an toàn”. Người chịu toàn bộ trách nhiệm chỉ là ông Trịnh Xuân Thanh.

Dư luận thì khẳng định rằng, ông Vũ Quang Thuận là cánh tay phải của ông Đinh La Thăng thời ở Tổng công ty Sông Đà. Đến tháng10/2005, khi ông Thăng giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) và sau đảm nhiệm chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (12/2008) thì đã kéo ông Vũ Quang Thuận đi theo.

Đáng chú ý, sau khi PVC thua lỗ, ông Thuận bị miễn nhiệm chức vụ Tổng giám đốc PVC, thì ngay sau đó tháng 10/2013, ông Vũ Đức Thuận lại được bổ nhiệm làm Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Thái Bình. Ngày 27/2/2015, Bộ GTVT đã có quyết định điều động, bổ nhiệm ông Vũ Đức Thuận - Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Thái Bình làm Chánh Văn phòng Bộ Giao Thông Vận tải kể từ ngày 1/3/2015. Đó cũng là thời kỳ, ông Đinh La Thăng giữ chức Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (8/2011). Việc này cho thấy, bản thân ông Đinh La Thăng phải chịu một phần trách nhiệm.

Nói như vậy để thấy, để tấn công ông Đinh La Thăng, thì trước hết phải xử lý được ông Trịnh Xuân Thanh để lấy cớ "thịt" tiếp ông Vũ Quang Thuận để tạo đà xốc tới.

Về lâu dài, ít ai biết được rằng, mục tiêu diệt trừ hết các cách thành phần thân Mỹ trong nội bộ ban lãnh đạo Đảng CSVN là âm mưu của Bắc Kinh, họ muốn dùng bàn tay Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đang có thanh thế sau vụ "lật ngược" thế cờ hạ ông Nguyễn Tấn Dũng tại Đại hội 12.

Dù rằng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Chính phủ tiếp tục làm rõ các sai phạm với quan điểm là xử lý nghiêm, điều tra làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể sai phạm theo quy định, không bao che bất kỳ ai. Điều đó đã được ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng khẳng định “Tổng Bí thư đã chỉ đạo, hiện các cơ quan của Đảng, Chính phủ đang khẩn trương làm rõ để kết luận, xử lý đến cùng và công bố cho nhân dân biết. Đây là quyết tâm của Đảng, Chính phủ, bất kỳ cán bộ nào có sai phạm sẽ bị xử lý nghiêm để tránh các sai phạm tương tự”.

Tuy nhiên, những dự định của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đang khó trở thành hiện thực, khi có những thế lực trong Đảng đang tìm mọi cách để ngăn chặn tiến trình này. Việc ông Trịnh Xuân Thanh tuyên bố ra khỏi Đảng đồng thời gửi đơn tới Ủy ban Kiểm tra Trung ương, thông qua báo báo Thanh Niên và các kênh khác đề nghị công bố lá đơn là bằng chứng cho thấy ông Thanh không đơn độc

Cứ xem "lý luận" của lá đơn nói trên không phải việc thành khẩn nhận khuyết điểm như thông lệ, mà lý do không còn tin tưởng vào sự lãnh đạo của TBT Nguyễn Phú Trọng. Cụ thể là vì "Không tin vào sự chỉ đạo của đ/c Tổng Bí Thư". Điều đó cho thấy, một mình ông Trịnh Xuân thanh và "sư phụ" Vũ Huy Hoàng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương không đủ tầm làm việc của "Thần Trụ Trời" như thế. Mà phải có một nhân vật tay to hơn, có uy lực hơn trong đảng và có đủ sức mạnh để ngăn chặn những toan tính nguy hiểm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Vậy ai đã chống lưng cho ông Trịnh Xuân Thanh ?

Ngược dòng thời gian trước đây ít ngày, Ban Bí thư đã bất ngờ ra Thông báo số 13-TB/TW ngày 17/8/2016 lưu ý các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kể từ ngày 18/8/2016, không xem xét điều chỉnh tuổi của đảng viên mà thống nhất xác định tuổi của đảng viên theo tuổi khai trong hồ sơ Lý lịch đảng viên (hồ sơ gốc) khi được kết nạp vào Đảng.

Đó chính là cái đích mà phe của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắm đến. Nói rõ luôn cho khỏi phải đoán, đó là Chủ tịch Nước Trần Đại Quang, người từ nhiều năm nay đã mang tai tiếng nhờ tỉnh lãnh đạo Ninh Bình quê hương ông sửa năm sinh từ 1950 thành 1956. Tức là sau chỉ một đêm, nhờ một giấy xác nhận, ông Trần Đại Quang, khi đó là Bộ trưởng Bộ Công An trẻ lại tới 6 tuổi. Ít tuổi hơn cả em ruột mình.


Chủ tịch Nước Trần Đại Quang gần đây đã có nhiều hoạt động để chống sức ép từ phía Trung Quốc. Còn nhớ là trong 1 tháng ở Mỹ vào đầu năm 2015, ông Trần Đại Quang đã có nhiều tiếp xúc với các cơ quan tình báo, phản gián và hội đồng an ninh quốc gia Mỹ .

Các động thái mới đây nhất của Chủ tịch Nước Trần Đại Quang trong việc Việt Nam đưa tên lửa ra bảo vệ Trường Sa, là điều mà báo chí quốc tế đánh giá rằng "Việt Nam đã âm thầm phòng vệ nhiều đảo của mình tại khu vực có tranh chấp tại Biển Đông bằng các giàn pháo di động mới có khả năng tấn công đường băng và căn cứ quân sự của Trung Quốc".

Hay mới nhất, phát biểu tại Đối thoại Singapore lần thứ 38 do Viện Yusof Ishak - Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) tổ chức hôm 30/8/2016, Chủ tịch Nước Trần Đại Quang đã cảnh báo rằng những diễn biến gần đây trong khu vực và trên Biển Đông đã “tác động tiêu cực đến môi trường an ninh khu vực, nhất là tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không”. Đây là những điều điều khiến Trung Quốc hết sức căm tức.

Các quan hệ đối ngoại theo chính sách “viễn giao cận công” mà ông Quang đang thực thi như mua tên lửa Brahmos của Ấn Độ ( 500 triệu USD) bằng tín dụng của Ấn Độ cấp, liên kết với Pháp-Anh cùng lên tiếng về an ninh hàng hải..chính là kế thừa con đường ngoại giao quốc phòng của ông Nguyễn Tấn Dũng. Điều này được nhiều người trong đảng gọi là “thực thi đường lối của Nguyễn Tấn Dũng mà không có Nguyễn Tấn Dũng”. Chính sách này đang được một bộ phận trong đảng thúc đẩy, nó phù hợp nhu cầu “chống Tàu nhưng không vỡ đảng” của họ.

Từ khi Đại hội Đảng CSVN lần thứ 12 kết thúc, với việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục giữ chức vụ cao nhất trong đảng thêm một thời gian theo tỏa thuận giữa các phe là 2 năm trước khi nghỉ hưu và nhường lại vị trí này cho người khác (có lẽ là Chủ tịch Nước Trần Đại Quang) kiêm luôn 2 chức vụ Tổng bí thư kiêm Chủ tịch Nước.

Tuy nhiên theo các nhà quan sát cho rằng, ông Nguyễn Phú Trọng ỷ vào sự ủng hộ của Bắc Kinh nên đang định lật kèo để ở lại tiếp tục giữ chức Tổng Bí thư đến hết nhiệm kỳ, thông qua việc tiêu diệt vây cánh của cựu Thủ tướng Nguyễn tấn Dũng. Điều đó sẽ xâm hai trực tiếp đến quyền lợi của ông Trần Đại Quang. Nên buộc ông Quang phải ra tay chặn đứng âm mưu này.

Nếu nói như Tiến sỹ Nhị Lê, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản thì, tình trang của Đảng CSVN hiện nay: “Các tổ chức của đảng là tập hợp những củ khoai tây trong cái bao tải. Cắt cái dây một cái là nó bung ra mỗi củ khoai tây lăn một góc... Lợi ích phường hội, bè cánh trong Đảng là những u bướu ác tính, hay nói cách khác, là những cục nghẽn mạch, nếu không kịp thời chữa trị thì Đảng sẽ bị đột quỵ”. Đây là một điều hết sức nguy hiểm đối với sự tồn vong của Đảng CSVN.

Do vậy, ngoài mặt, thì việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xử lý các sai phạm của ông Trịnh Xuân Thanh nhằm giúp lấy lại lòng tin trong dân chúng đối với Đảng CSVN, khi đã ở mức tồi tệ chưa từng thấy và điều đó được đáng giá là “Đây cũng là giọt nước cuối cùng để Đảng khôi phục niềm tin của người dân.”.

Tuy nhiên phía sau là mục đích nhằm tranh giành quyền lực của một kẻ tham quyền cố vị. Và vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh trong thời gian gần đây đã cho thấy việc đấu đá tranh giành quyền lực vẫn chưa hề chấm dứt, và có lẽ đây là việc muôn thủa sẽ không có hồi kết.

Không chỉ Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Việt Nam Mai Tiến Dũng đã chính thức bác bỏ tin đồn cho rằng, đã xảy ra việc bắt giữ ông Trịnh Xuân Thanh. Thật ra việc bắt ông Trịnh Xuân Thanh đâu có dễ như ông Trọng và mọi người nghĩ? Nếu dễ bắt ông Thanh thì họ (phe ông Trọng) đã từ lâu bắt rồi.

Song ông Trịnh Xuân Thanh bây giờ đang ở đâu?

Nhiều ý kiến cho rằng ông Trịnh Xuân Thanh đã bỏ trốn, đó là những người không biết gì về những điều vừa kể trên. Chả có ai trốn chui chốn lủi lại gọi điện cho báo Thanh Niên (vì họ sẽ truy ra ở đâu gọi đến), là tờ báo xung kích đầu tiên khui vụ của ông Trịnh Xuân Thanh ra trước công luận.

Hơn thế nữa, ông Trịnh Xuân Thanh còn cả gan vuốt râu hùm, khi dùng vụ việc này để mượn đơn từ để tố cáo và chỉ trích Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một cách công khai; kể cả việc ông Trọng ép bên công an xử lý nhanh vụ việc này. Điều đó cho thấy ông Trịnh Xuân Thanh chả phải trốn đi đâu hết cả. Muốn biết thì cứ hỏi Chủ tịch Nước Trần Đại Quang là rõ.

Bộ trưởng công an Tô Lâm, người đang đứng giữa cầm chịch cho trận đấu võ đài này của hai bên, dường như có vẻ nghiên về ủng hộ ông Trần Đại Quang. Ít ra ông Tô Lâm cũng là một trong những người hiếm hoi được Mỹ đánh giá cao. Phải chăng vì thế nên ông Trịnh Xuân Thanh mới đủ tự do mà công bố lá đơn ra dư luận?

Vì thế, có lẽ còn lâu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mới xử lý được ông Trịnh Xuân Thanh.

Ngày 08/09/2016

© Kami

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét