Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2016
Mạn đàm về cái gọi là Văn hóa khinh bỉ của ông Huynh
Mạn đàm về cái gọi là Văn hóa khinh bỉ của ông Huynh
Đăng bởi Ha Tran on Thứ Bảy, ngày 24 tháng 9 năm 2016 | 24.9.16
Ông Đinh Thế Huynh và câu nói “Phải xây dựng văn hóa khinh bỉ”. Ảnh: RFA
Chúng tôi muốn bổ sung vào nhận xét mở đầu của FB Chau Doan trong bài viết “Tại sao câu nói của ông Huynh khiến công dân mạng được trận cười như vậy?” ngày 13.09.2016 là: Câu nói không sai nhưng nó ngô ngê và hoàn toàn thừa của một kẻ quan liêu. Câu nói này diễn ra trong buổi làm việc với thành ủy Hà nội về công tác phòng chống tham nhũng (PCTN), lãng phí. Như vậy bài huấn thị của ông Huynh phải được chuẩn bị kỹ càng.
Không rõ bài huấn thị này được thư ký của ông chấp bút hay tự tay ông, một vị tiến sĩ ngành báo chí và Cao cấp Lý luận chính trị, đã từng đảm đương chức Tổng Biên tập báo Nhân dân và Chủ tịch hội Nhà báo Việt nam, chuẩn bị. Nhưng dù sao thì lời nói khuôn vàng thước ngọc đó cũng thuộc về ông và hy vọng rằng nó sẽ được đi vào lịch sử như giọt nước mắt của ông Trọng.
Bài huấn thị của ông vô hình chung đã vạch áo cho “dân đen” xem lưng của đảng, rằng công tác PCTN của đảng đã bất lực, và đảng đang chuẩn bị cho một chiến dịch mới mạnh mẽ hơn.
Vậy tham nhũng là gì và thế lực nào gây ra mà đảng phải vất vả đối phó như vậy? Theo Tổ chức Minh bạch quốc tế, tham nhũng là lợi dụng quyền hành để gây phiền hà, gây khó khăn và lấy của dân. Tham ô là lợi dụng quyền hành để lấy cắp của công. Tham những và tham ô là một hệ quả tất yếu của nền kinh tế kém phát triển, quản lý kinh tế – xã hội lỏng lẻo, yếu kém tạo ra nhiều sơ hở cho hành vi tiêu cực, hiện tượng tham nhũng và các tệ nạn có điều kiện phát triển và tại đó một phần quyền lực chính trị biến thành quyền lực kinh tế. Tham nhũng và tham ô làm chậm sự phát triển kinh tế – xã hội, làm giảm lòng tin của công dân vào nhà nước, đến chừng mực nào đó nó gây mất ôn định chính trị, kinh tế – xã hội.
Như vậy đã rõ, những kẻ tham nhũng là quan chức trong bộ máy nhà nước, mà muốn nắm giữ được các cương vị này trước tiên họ phải là đảng viên cốt cán của đảng cầm quyền, những người đã được ban Tổ chức đảng từ địa phương đến trung ương tuyển chọn. Vì quan liêu nên ông Huynh quên mất lời nhận xét của ông Lê Khả Phiêu: “Tham nhũng ở nước ta là do cả cơ chế lẫn con người” và của ông Trọng: “ Có quyền lực trong tay thì có tham nhũng”. Như vậy cơ chế tồi sinh ra tham nhũng và làm hỏng những người nắm chức quyền.
Nhưng cơ chế này được ai sinh ra và nếu nó thực sự tốt đẹp như đảng vẫn đề cao thì tại sao đảng phải vật lộn với cuộc chống tham nhũng từ năm 1994 cho đến nay? Điều đó ông Huynh nắm rõ hơn ai hết. Nguyên nhân đã được chỉ rõ, nhưng tại sao không thể xóa bỏ, phải chăng nó chính là cái bình quí mà ông Trọng đã đề cập? Trong bài huấn thị của mình ông Huynh có vẻ đang rất sốt ruột, bởi từ thời điểm ông Trọng chú ý giữ bình quí hơn diệt chuột đến nay cũng đã khá lâu, hầu như chẳng có con chuột nào chết mà đặc điểm sinh lý của loài chuột là sinh sản rất nhanh, và rất tinh khôn, chúng nhanh chóng trở thành những đàn chuột lớn vì tranh ăn có thể gây nguy hại cho cái bình.
Có thể do sốt ruột nên ông Huynh đã đánh mất phương châm “Phải bình tĩnh tỉnh táo, rất khôn ngoan, có con mắt chiến lược” của ông Trọng trong vấn đề này, do đó đã phạm sai lầm gắn kết một cách khiên cưỡng từ văn hóa với từ khinh bỉ và với bản năng ngạo mạn của những kẻ quen ngồi chiếu trên nên ông tự cho đấy là một ý tưởng mới. Mục đích của ý tưởng mà ông Huynh đề ra không khác những việc đã được đảng thực thi từ lâu, khi ông đang còn để mũi thò lò, nhưng đảng chưa đặt tên và đăng ký sở hữu trí tuệ mà thôi, có lẽ bởi tự nhận thấy đó là sự cư xử thiếu đàng hoàng của kẻ mạnh đối với kẻ yếu.
Sau Cải cách Ruộng đất và Cải tạo công thương nghiệp ở miền Bắc, xã hội Việt nam không còn giai cấp nhưng được phân chia thành nhiều thành phần khác nhau. Cũng giống như số phận thân nhân gia đình của những người làm việc cho chính quyền cũ, thường được gọi là ngụy quân, ngụy quyền, những người con trong gia đình thành phần địa chủ, phú nông, trung nông lớp trên và tư sản bị cộng đồng xã hội khinh miệt.
Ở thành phố sự khinh miệt này biểu lộ không rõ rệt, nhưng ở nông thôn miền Bắc cho đến tận năm 1975 thì “cái áp lực xã hội” này ghê gớm lắm. Ra khỏi nhà đến chỗ đông người là họ được nghe những lời thóa mạ của làng xóm vì thành phần xuất thân. Những người con của gia đình có thành phần đặc biệt này mặc dù rất cố gắng học tập vươn lên, nhưng chính quyền xã luôn gây khó khăn trong việc họ muốn đi thoát ly khỏi địa phương, để phải chấp nhận cái số phận mà đảng quang minh muốn tiếp tục quàng lên đầu họ.
Cho đến sau năm 1975 hiện tượng này cũng không phải là hiếm ở trong quân đội. Đã nhập ngũ năm 1971 và đã từng tham gia chiến đấu, hẳn ông Huynh không lạ gì những chiến hữu của ông bị vướng thành phần. Mặc dù họ tích cực rèn luyện phấn đấu và có trình độ văn hóa cao không thua kém ai, nhưng đảng chỉ coi họ là công cụ chiến đấu và là những viên gạch lát đường cho đảng đi đến vinh quang.
Lý lịch quân nhân của họ luôn nằm chết dí trong tủ hồ sơ của bộ phận quân lực suốt những năm dài chiến tranh trong quân ngũ. Ngược lại những quân nhân dễ bảo có thành phần bần cố nông dù chỉ tốt nghiệp lớp 7/10 cũng dễ lọt mắt xanh của đảng, được bồi dưỡng, kết nạp và được bộ phận cán bộ đơn vị tuyển chọn đi học các trường sĩ quan để xây dựng quân đội chính quy hiện đại. Trong chiến tranh những quân nhân đào ngũ được thu gom biên chế vào một đơn vị riêng có tên gọi là Bộ đội Thu dung. Hàng ngày những người này phải đi quanh khu vực đóng quân trước ngực đeo một cái biển và hô khẩu hiệu cùng nội dung “Ai cũng như tôi thì mất nước!” trước toàn dân thiên hạ.
Cái gọi là VĂN HÓA KHINH BỈ của ông Huynh không phải là biện pháp ngăn chặn tham nhũng mà là thụ động giải quyết những việc đã rồi, bởi chẳng ai tự nhận chiến tích tham nhũng để khỏi bị ô danh, trừ khi bị phanh phui với những bằng chứng không thể chối cãi. Cái nhiệm vụ “Phải tạo được áp lực xã hội mà những kẻ tham nhũng không chịu nổi” thuộc về phạm vi văn hóa cư xử. Vậy những anh Pha của thế kỷ 21 này khi vào công đường sẽ phải tỏ cái văn hóa như ông Huynh chỉ đạo ra sao khi người công bộc niềm nở tiếp đón với câu: “Chúng tôi sẽ giải quyết công việc này trong trường hợp “ đầu tiên.”…
Những người dân đen làm sao có thể tiếp xúc để tỏ thái độ khinh bỉ với các ông quan tuổi Sửu về làm người tử tế, khi họ sống khép kín với giới của họ trong các biệt thự người khác đứng tên. Con cháu họ thì ra nước ngoài du học. Họa hoằn lắm gặp được họ nơi chùa chiền, giống như gặp ông ba X, khi họ bắt buộc phải phơi mặt ra để cầu tài lộc cho gia đình và bản thân. Mà nơi cửa Phật lòng người bao dung chẳng ai có thể bày tỏ cái văn hóa khinh bỉ đối với họ.
Vậy liệu văn hóa khinh bỉ kẻ tham nhũng của ông Huynh có tính khả thi? Dù sao cũng chúc ông thành công trong việc triển khai ý tưởng này để ngân sách nhà nước đỡ thâm hụt, có tiền cải thiện đời sống của dân nghèo, bản thân người dân giảm được nhiều khoản bất thường chi và tăng thêm lòng tin vào đảng.
Lê Quí Trọng và Lê Quang Ngọ
(Ba sàm)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét