Thứ Ba, 20 tháng 9, 2016
Chủ tịch tỉnh ‘thiệt thòi vì không có tượng đài’ lên tiếng
Chủ tịch tỉnh ‘thiệt thòi vì không có tượng đài’ lên tiếng
Đăng bởi Ha Tran on Thứ Tư, ngày 21 tháng 9 năm 2016 | 21.9.16
Tượng đài Hồ Chí Minh với đồng bào các dân tộc Tây Bắc sẽ được xây dựng tại Sơn La với mức kinh phí dự kiến 1400 tỷ đồng
Chủ tịch tỉnh Sơn La cho biết đã “chỉ đạo” ngành y tế Sơn La không để tái diễn tình trạng người nghèo phải vận chuyển thi thể thân nhân từ bệnh viện về nhà bằng xe hai bánh gắn máy.
Tuần vừa qua, dân chúng Việt Nam chuyển cho nhau xem một tấm ảnh chụp tại tỉnh Sơn La, cho thấy một người đàn ông chở một thi thể được bọc chiếu, rồi vắt ngang trên yên sau xe hai bánh gắn máy, hai chân rũ xuống dưới đường.
Cả người chụp tấm ảnh vừa kể, lẫn nhiều người sử dụng Internet tại Việt Nam tin rằng, người đàn ông điều khiển chiếc xe hai bánh gắn máy nếu không phải hung thủ thì cũng là đồng phạm trong một vụ giết người và đang chở xác nạn nhân đi phi tang.
Sau khi “xác minh,” công an tỉnh Sơn La tuyên bố, hình ảnh làm mọi người sửng sốt không liên quan đến bất kỳ vụ án mạng nào. Thi thể được bọc chiếu là bà Lò Thị Phanh, ngụ tại xã Mường Dại, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La. Người đàn ông điều khiển xe hai bánh gắn máy là anh ruột của bà.
Trước đó, bà Phanh được thân nhân đưa đến bệnh viện Lao Sơn La điều trị nhưng vì bệnh quá nặng, sức lực suy kiệt nên thân nhân xin đưa bà về nhà. Bởi không có tiền thuê xe hơi, thân nhân của bà đành mướn xe ôm. Di chuyển khoảng nửa quãng đường chừng 100 cây số thì bà Phanh tắt thở. Do người lái xe ôm không chịu chở tiếp, anh của bà Phanh đặt thi thể của em xuống vệ đường, xin một tấm chiếu bó bà lại rồi gọi một người anh khác mượn xe hai bánh gắn máy đến chở thi thể của bà đi thêm 60 cây số nữa về nhà…
Anh bà Lò Thị Phanh chở em gái về nhà. Không có viên chức chính quyền nào nhận trách nhiệm hay xin lỗi vì đã để thảm cảnh như thế này xảy ra. (Hình: Facebook)
Bà Phanh không phải là trường hợp duy nhất. Sau sự kiện vừa kể, người dùng Internet tại Việt Nam đưa lên facebook một tấm ảnh khác chụp cảnh các con ông Lù Văn Sương, ngụ tại xã Mường Giôn, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La, bó xác cha bằng chăn, cũng cột vào sau xe hai bánh gắn máy để chở về nhà sau khi ông qua đời vào ngày 8 tháng 9.
Nhiều người khẳng định, chuyện người nghèo phải chở xác thân nhân vừa qua đời tại bệnh viện về nhà bằng xe hai bánh gắn máy không hiếm, đặc biệt là tại những tỉnh vùng núi, đặc biệt nghèo khó như Sơn La. Thậm chí có cả những trường hợp phải cõng thi thể thân nhân về nhà.
Trước sự căm phẫn của công chúng khi chính sách an sinh xã hội quá tồi, người nghèo phải tự bơi trong những tình huống thắt ngặt, kể cả lúc mệnh một, Bộ Y Tế Việt Nam đã chỉ đạo điều tra bởi scandal vừa kể không chỉ khiến người ta cảm thấy bất nhẫn mà còn nguy hại cho môi trường vì các loại vi khuẩn gây bệnh truyền nhiễm có thể phát tán trên diễn rộng. Giám đốc bệnh viện Lao Sơn La bảo rằng, do cả tài lực lẫn nhân lực đều có hạn nên bệnh viện này không thể làm gì khác.
Nay, một tuần sau scandal vừa kể, ông Cầm Ngọc Minh, chủ tịch tỉnh Sơn La hoan hỉ thông báo rằng ông ta đã triệu tập một cuộc họp và chính thức yêu cầu không để tái diễn tình trạng người nghèo phải vận chuyển thi thể thân nhân từ bệnh viện về nhà bằng xe hai bánh gắn máy. Giống như Bộ Y Tế Việt Nam, viên chủ tịch tỉnh Sơn La cũng yêu cầu “kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của bệnh viện Lao Sơn La và những cá nhân có liên quan theo đúng quy định.” Nói cách khác, thảm cảnh chỉ được quy trách cho bệnh viện và viên giám đốc bệnh viện.
Cần chú ý là cũng tới lúc này, viên chủ tịch tỉnh Sơn La mới yêu cầu Sở Y Tế “tham mưu cho tỉnh bổ sung chế độ, chính sách hỗ trợ gia đình nghèo.” Tháng 10 năm ngoái, viên chủ tịch tỉnh Sơn La chưa nghĩ gì đến việc “bổ sung chế độ, chính sách hỗ trợ gia đình nghèo,” ông ta chỉ khẳng định, Sơn La quyết tâm xây cho bằng được công trình quảng trường-tượng đài Hồ Chí Minh vì “không có quảng trường và tượng đài là một thiệt thòi.”
Bất kể các khuyến cáo từ nhiều giới, chính quyền tỉnh Sơn La vẫn thực hiện dự án “xây dựng một cụm công trình quanh tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào các dân tộc Tây Bắc,” trị giá 1,400 tỉ đồng. Dẫu ông Cầm Ngọc Minh nhấn mạnh, dự án vừa kể “nhằm đáp ứng nguyện vọng và tình cảm của đồng bào” nhưng ngay vào lúc đó, nhiều người dân Sơn La khẳng định với báo giới rằng, chẳng ai trong số họ có nguyện vọng dựng một tượng đài trị giá hàng ngàn tỉ và họ cũng chẳng hiểu chính quyền “moi từ đâu ra cái nguyện vọng đấy?”
Ông Ngô Bảo Châu, một giáo sư toán, người từng đoạt giải thưởng Fields, làm việc tại cả Hoa Kỳ lẫn Việt Nam, vốn được xem là rất điềm đạm trong các góp ý với chính quyền Việt Nam, bình luận trên trang facebook của ông: “Trẻ con ăn không đủ no, áo không đủ ấm, sinh hoạt như lũ thú hoang mà bỏ ra 1,400 tỷ để xây tượng đài thì hoặc là khốn nạn, hoặc là thần kinh”!
Bất kể bội chi, nợ nần chồng chất, số phận của người nghèo càng ngày càng thê thảm, chính quyền các tỉnh, thành phố tại Việt Nam vẫn đua nhau xây dựng tượng đài Hồ Chí Minh. Năm ngoái, Bộ Văn Hóa-Thể Thao-Du Lịch của Việt Nam tổ chức một hội thảo về “Tiêu chí nội dung, địa điểm xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đến năm 2030” và qua hội thảo, người ta ghi nhận, chính quyền địa phương nào cũng muốn xây dựng… tượng đài Hồ Chí Minh. Theo “quy hoạch” thì từ nay đến năm 2030, Việt Nam sẽ xuất ngân sách để xây dựng… 58 tượng đài Hồ Chí Minh và công trình nào cũng ngốn một vài ngàn tỉ đồng.
Trong quá khứ, đã từng có những thống kê mà theo đó, từ 30% đến 45% chi phí cho việc thực hiện các dự án vào túi các viên chức. Trong bối cảnh công khố cạn tiền, nhiều dự án bị dẹp bỏ thì những dự án xây dựng tượng đài Hồ Chí Minh là chắc ăn nhất.
(Người Việt)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét