Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2016

- Bạo lực không thể là biện pháp “nghiệp vụ” của công an


Mẹ Nấm - Bạo lực không thể là biện pháp “nghiệp vụ” của công an

Đăng bởi Ha Tran on Chủ Nhật, ngày 25 tháng 9 năm 2016 | 25.9.16


Liên tiếp trong những ngày cuối tuần qua, tình trạng hai phóng viên bị công an đánh là bản tin xuất hiện trên nhiều mặt báo. Ngày 21/9/2016, phóng viên Đỗ Thanh Hải (báo VTC News) bị một nhóm công an viên của xã Cư Pô (huyện Krông Puk) tấn công thô bạo đến mức nhập viện. Hai ngày sau, sáng 23/9/2016, phóng viên Trần Quang Thế (báo Tuổi Trẻ) bị một nhóm người, trong đó có cán bộ của Đội cảnh sát hình sự CA huyện Đông Anh (Hà Nội), lao vào hành hung. Sử dụng bạo lực liệu đã thành nghiệp vụ của công an trong các tình huống muốn ngăn cấm chụp ảnh quay phim?



Ảnh báo Tuổi Trẻ


Tôi thấy nhiều nhà báo phẫn nộ, tôi thấy Hội nhà báo lên tiếng và mọi người phản ứng gần như lần đầu mới thấy chuyện đó. Rồi tất cả sẽ lại chìm xuồng và im lặng, bởi lời xin lỗi và có lẽ là cả chỉ đạo từ trên nữa.


Chuyện công an đánh nhà báo không còn lạ, bởi năm 2012, trong một cuộc hội thảo với nhiều nhà báo và blogger ở Thái Lan khi nhắc đến tình hình an toàn tác nghiệp ở Việt Nam, đoạn clip được ban tổ chức trình chiếu chính là cảnh quay công an tấn công hai nhà báo Nguyễn Ngọc Năm và Hán Phi Long (Báo VOV) rất thô bạo tại vụ cưỡng chế ở Văn Giang (tỉnh Hưng Yên).


Tôi còn nhớ cả khán phòng im bặt. Anh bạn nhà báo người Myanmar ngồi bên cạnh tôi hỏi thầm thì: nhà báo còn bị như vậy thì các bạn (những bloggers) sẽ như thế nào?

Chúng tôi im lặng xiết tay nhau, mỗi đứa theo đuổi một nỗi lo sợ cho sự an toàn của bạn bè bởi lúc ấy Myanmar còn chưa có tự do báo chí.


Tháng 1/2014, tôi nhìn thấy anh bạn mình xuất hiện trong một cuộc biểu tình cùng hàng chục nhà báo khác để đòi tự do cho một đồng nghiệp bị bắt giam khi đang tham gia điều tra tham nhũng. Vài tháng sau, trong một email ngắn ngủi hỏi thăm tôi, bạn nhắc lại những ngày chúng tôi ngồi bên nhau trong lớp học, nói về những giấc mơ văn minh, về tự do báo chí, về quyền con người, về những giá trị chúng tôi đang theo đuổi và kết thúc: “Quin ơi, tôi luôn nhớ tới bạn, nhớ tới thứ tự do mà chúng ta đang theo đuổi không chỉ dành riêng cho các nhà báo. Mọi thứ chỉ có thể thay đổi khi chấm dứt được tình trạng sử dụng bạo lực tuỳ tiện với những người đưa tin. Bạn tôi cẩn trọng nhé”.


Tôi luôn nhớ tới lời anh bạn này mỗi khi đọc tin ai đó bị công an đánh vì tác nghiệp, không chỉ là nhà báo, bloggers, mà bất kỳ người dân nào cũng vậy.


Khi sử dụng bạo lực để tấn công người đưa tin trong khu vực không hạn chế quay phim chụp ảnh nhằm ghi nhận thông tin là tội ác.


Mọi thứ có lẽ sẽ đã khác nếu năm 2012 Hội nhà báo đừng im lặng.


Mọi thứ có lẽ sẽ đã khác nếu khi đồng nghiệp bị đánh các nhà báo đừng ngồi vạch lá tìm sâu, bỉ bôi chê bai hay tìm lý do để cho rằng đồng nghiệp bị đánh là đáng.


Mọi thứ có lẽ sẽ đã khác nếu tất cả chọn cách lên tiếng vì thấy người khác bị tấn công bằng bạo lực chứ không phải phân loại chia phe vì tấm thẻ.


Có rất nhiều lời giải thích cho việc công an sử dụng bạo lực với nhà báo và những người dân khác. Trong đó, lý do nghiệp vụ luôn được viện dẫn bằng nhiều mỹ từ khác nhau.


Là một người hoạt động đã từng đối diện với nhiều tình huống bạo lực do công an gây ra, tôi tin rằng họ đã được huấn luyện để đánh đập bất kỳ ai có khả năng ghi hình, lưu giữ những khoảnh khắc sai phạm của họ.


Tôi không thể nào quên những ánh mắt vằn đỏ đầy hung tợn của hàng chục thanh niên bịt mặt đi kèm lực lượng công vụ kèm cặp tôi hay canh gác trước nhà tôi.


Tôi không thể nào quên những cú đánh dằn mặt của họ nhằm cản bước tôi.


Bạo lực luôn được công an sử dụng triệt để nếu hôm nay bạn im lặng khi chứng kiến người khác bị đánh, hãy nhớ điều đó.


Chỉ khi nào có biện pháp chấm dứt việc sử dụng bạo lực như là nghiệp vụ của ngành công an thì khi đó mới không có một ai bị đánh đập khi đang tác nghiệp nữa.


Mẹ Nấm


(FB Nguyễn Ngọc Như Quỳnh)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét