Thứ Tư, 21 tháng 9, 2016
10 ĐIỂM ĐÁNG LƯU Ý TRONG VỤ ÁN ANH BA SÀM
10 ĐIỂM ĐÁNG LƯU Ý TRONG VỤ ÁN ANH BA SÀM
10 ĐIỂM ĐÁNG LƯU Ý TRONG VỤ ÁN ANH BA SÀM
FB Trịnh Anh Tuấn
20-9-2016
1. Công an khống chế và tự tiện sử dụng máy tính cá nhân lúc bắt giữ
Ngày 5/5/2014, Cơ quan An ninh điều tra BCA bắt khẩn cấp Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy tại nhà riêng. Tuy nhiên lúc bắt giữ, điều tra viên Nguyễn Tuấn Hưng- A92 đã làm một việc sai nguyên tắc khi tự tiện dùng máy tính cá nhân của ông Vinh trong suốt 8 giờ đồng hồ. Việc này trái với quy định của pháp luật một cách khá ngớ ngẩn trong lúc khám xét, Công an đã có hành vi tác động vào những tài liệu, dữ liệu, hồ sơ có thể trở thành chứng cứ.
2. Thời gian tạm giam và thời gian phúc thẩm quá hạn
Ông Vinh và bà Thúy bị bắt vào 5/2014. Gần 2 năm sau khi bị bắt, ngày 23/3/2016, phiên xử sơ thẩm mới diễn ra. Theo thông báo của Tòa án nhân dân cấp cao, ngày 22/09/2016, phiên xử phúc thẩm mới diễn ra. Như vậy, thời gian tạm giam đã quá mọi quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự.
3. Trả hồ sơ yêu cầu điều tra lại đến 5 lần, lần cuối cùng với lý do “xác minh đảng tịch”
Theo luật, Viện kiểm sát và Tòa án chỉ được trả hồ sơ không quá 2 lần, tổng cộng là 4 lần. Tuy nhiên, Tòa án đã trả hồ sơ lần thứ 3 với lý do “xác minh đề đảng tịch”. Lý do này cũng trái với quy định về pháp luật khi “tòa án xét xử theo nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt nam, nữ, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần xã hội, địa vị xã hội; cá nhân, cơ quan, tổ chức, đơn vị vũ trang nhân dân và các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng trước pháp luật “.
4. Cơ quan điều tra trả lời yêu cầu điều tra bổ sung của VKS là “do bị cáo không khai, nên không xác minh được”
Đây là một câu trả lời hết sức ngớ ngẩn của Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, thể hiện sự thiếu trách nhiệm và thiếu nghiêm túc trong việc điều tra vụ án.
5. FPT và VDC đã bí mật theo dõi, sao chép và làm lộ thông tin của khách hàng
FPT và VDC đã gửi văn bản cung cấp thông tin cho công an về 2 blog Chép sử Việt và Dân quyền như email đăng nhập, số điện thoại xác nhận hay việc đăng tải các bài viết lên blog. Đặc biệt, những thông tin này không phải do FPT quản lý mà thuộc về Công ty Automattic, chủ sở hữu của WordPress. Như vậy, 2 công ty cung cấp mạng này đã tự tiện theo dõi, cung cấp thông tin khách hàng cho Công an. Hơn nữa, những thông tin này do họ dùng các kĩ thuật theo dõi bí mật và không được phép.
6. Tòa xử theo điều 258 Bộ luật Hình sự mà không có bị hại nào xuất hiện
Theo nguyên tắc của pháp luật hình sự, Điều 258 phải cấu thành vi phạm về vật chất, tức là phải tồn tại một bị hại cụ thể nào đó. Tuy nhiên, trong cả quá trình điều tra cũng như xét xử, không thấy tồn tại một bị hại cụ thể nào.
7. Kiểm sát viên không tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm
Tại tòa, các luật sư đã rất nhiều lần yêu cầu kiểm sát viên tranh luận những luận điểm, luận cứ trong vụ án. Trái lại, kiểm sát viên gần như không tranh luận gì với luật sư và suốt phiên tranh tụng chỉ trả lời “giữ quan điểm”.
8. Ngăn chặn nhận chứng vào tòa dù đã gửi đơn
Trong 24 bài viết được sử dụng để kết tội ông Vinh và bà Thúy, có một bài viết của đại tá nhà văn Phạm Đình Trọng và một bài viết nhà báo Phạm Đoan Trang. Cả hai người đều đã gửi đơn lên tòa án đề nghị tham dự phiên tòa với tư cách nhân chứng. Họ đều không nhận được phản hồi từ tòa. Không những vậy, vào ngày xử sơ thẩm, nhà báo Phạm Đoan Trang còn bị câu lưu trái phép trong đồn công an cho đến khi phiên tòa kết thúc.
9. Tăng mức án đề nghị vì lý do nhân đạo:
Nguyễn Thị Minh Thúy bị Viện kiểm sát đề nghị 24-30 tháng tù. Tuy nhiên, tòa sơ thẩm xử 36 tháng tù giam. Trong bản án, tòa lại đưa ra các lý do nhân đạo của bà Thúy như “có hoàn cảnh gia đình khó khăn, đã ly hôn và hiện nay phải một mình nuôi hai con nhỏ; đây là tình tiết giảm nhẹ theo Khoản 2 điều 46 Bộ luật Hình sự”.
Luật sư Trần Quốc Thuận đã hết sức bức xúc về việc này. Ông gọi hành động này là “trơ trẽn” và “vô nhân đạo”. Trong phiên phúc thẩm tới, ngoài bào chữa cho ông Vinh, Luật sư Thuận còn bào chữa cho bà Thúy.
10. Bản án sơ thẩm khi tòa đưa ra có những nội dung không có trong cáo trạng cũng như trong quá trình tranh tụng
Khi đọc bản án, hai bị cáo, các luật sư và nhiều người tham gia đã hết sức bất ngờ khi trong bản án xuất hiện những tình tiết, chứng cứ không có trong kết luận điều tra cũng như cáo trạng hay bất cứ luận cứ tranh tụng nào của luật sư. Luật quy định tòa chỉ xử theo những gì nêu trong cáo trạng. Tuy vậy, tòa lại tự động đưa vào bản án những chứng cứ, luận cứ chưa được xem xét tại phiên tòa là điều không đúng và rất bất thường.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét