Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2016

Tỉnh ủy Hải Dương xin thêm 310 triệu để trả tiền 'tiếp khách' nợ nhà hàng


Tỉnh ủy Hải Dương xin thêm 310 triệu để trả tiền 'tiếp khách' nợ nhà hàng

Đăng bởi Hai Hoang Van on Thứ Sáu, ngày 16 tháng 9 năm 2016 | 16.9.16


Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy Hải Dương vừa có Tờ trình gửi Thường trực tỉnh ủy, UBND tỉnh Hải Dương xin hỗ trợ bổ sung 310 triệu đồng để chi trả cho việc tiếp khách, do đột xuất tiếp nhiều tỉnh đến trao đổi học tập kinh nghiệm, không có nguồn trả nên nợ nhà hàng. Dùng tiền ngân sách một cách lãng phí là dấu hiệu của tham nhũng, biết đâu thực chi 1 nhưng lại ghi sổ nợ 10, tất cả đều có thể xảy ra.






Quy tắc cấp dưới phải mời cấp trên


Vừa qua, Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy Hải Dương vừa có Tờ trình gửi Thường trực tỉnh ủy, UBND tỉnh Hải Dương xin hỗ trợ bổ sung 310 triệu đồng để chi trả cho việc tiếp khách, do đột xuất tiếp nhiều tỉnh đến trao đổi học tập kinh nghiệm, không có nguồn trả nên nợ nhà hàng.


Đặc biệt, chuyện nợ nần, nhất là nợ tiền tiếp khách không còn là chuyện hiếm ở các địa phương. Năm ngoái, ở Cà Mau, một chủ quán nhậu đòi đốt trụ sở UBND xã, cũng vì cán bộ nợ tiền tiếp khách đến gần 50 triệu đồng.


Hay cách đây 2 năm, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Hồng Dân (Bạc Liêu) đã gửi văn bản đến lãnh đạo cấp trên đề nghị làm rõ bội chi ngân sách trong thời gian chính ông làm Chủ tịch UBND huyện. Số tiền bội chi ngân sách lên đến trên 8 tỷ đồng, trong đó có khoản như chi tiếp khách lên đến 1,2 tỷ đồng.


Trước những sự việc trên, trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Võ Kim Sơn, nguyên Trưởng khoa Quản lý nhà nước và nhân sự, Học viện Hành chính Quốc gia cho biết: "Đây là những sai lầm rất đang xảy ra ở các địa phương, vì trong hạng mục ngân sách nhà nước, chưa có quy định nào được vay tiền ăn nhậu, tiếp khách.


Hơn nữa, số tiền dành cho việc tiếp khách, trong văn bản quy phạm pháp luật, Luật Ngân sách cũng có quy định rõ được bao nhiêu tiền để tiếp khách, chỉ được dùng trong mức, trong giới hạn mà ngân sách địa phương có thể chi trả.


Ví dụ, nếu như được quy định tiếp bằng khoản tiền cụ thể, 1 triệu đồng/lần, thì không được ăn thịt bò Úc, thịt bò Nhật, phải ăn thịt gà nhà; thay vì uống rượu Tây thì uống quốc lủi, còn nếu không có thì uống nước, bắt tay nói chuyện rồi về.


Tôi cho rằng đây là một dấu hiệu tham ô, tham nhũng, biết đâu thực chi 1 nhưng lại ghi sổ nợ 10, tất cả đều có thể xảy ra".


Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này, TS Ngô Thành Can, Phó khoa Tổ chức và Quản lý nhân sự, Học viện Hành chính cho rằng, ở đây chúng ta phải khẳng định một điều, trong hoạt động chi tiêu của các đơn vị hành chính, đều có quy hoạch.


Trong quy hoạch thì phải làm đúng hướng dẫn về việc chi tiêu của các cơ quan có thẩm quyền, Bộ liên ngành. Thế nhưng, lại xuất hiện một hiện tượng lạ, từ các cơ quan của tỉnh, của huyện và bây giờ đến xã, đều thiếu tiền, tập trung vào việc tiếp khách.


Từ đó, gây ra một hiện tượng dị ứng khi người dân nghe thấy rất bức xúc, bởi đáng lẽ ra các cán bộ phải "liệu cơm gắp mắm", được thế nào thì chi như thế, nhưng đây lại vung tay quá trán, rồi ghi sổ nợ, là khó chấp nhận.


Chúng ta chỉ nên thông cảm cho những địa phương ở đầu mối, cơ quan du lịch, địa phương có nhiều danh lam thắng cảnh. Cùng với đó là các địa phương điển hình, đây là những nơi được nhiều đơn vị đến học hỏi.


Vì thế, nên có quy định về vấn đề này, địa phương nào cũng phải tiếp khách, nếu lãng phí quá nhiều là không hay, ảnh hưởng đến nguồn chi chung.


"Nếu xét về tài chính nguyên tắc, chế độ chính sách của người đến thì chỉ tham quan, uống nước thông thường. Nhưng thường thì cơ quan trên xuống thăm bao giờ cơ quan dưới cũng phải thể hiện sự nhiệt tình tiếp khách.


Bộ về thì tỉnh chiêu đãi, chỗ ăn, chỗ ở, tỉnh xuống huyện thì huyện tiếp đón, chỉ có huyện xuống xã thì không mời.


Ngày xưa hay có câu thơ: Bộ về thì tỉnh mổ bò/Tỉnh lên Bộ hỏi lò dò đi đâu/Tỉnh về thì huyện mổ trâu/Huyện lên tỉnh hỏi đi đâu thế này/Huyện về thì xã mổ gà/Xã lên huyện bảo về nhà ăn cơm.


Việt Nam hay có quy tắc là cấp dưới phải mời cấp trên, nếu tính đúng nguyên tắc thì thiệt đơn thiệt kép vì người đi có chế độ công tác phí, lại thêm chi phí tiếp đón.


Tôi được biết, công tác phí có nhưng không đáng kể, nghỉ thì theo chế độ nghỉ thông thường, còn ở khách sạn 3 sao thì không được, phải ngủ ghép phòng, vì thế cứ xuống địa phương là phải tiếp đãi cán bộ cẩn thận, sợ phiền lòng. Như vậy, chúng ta tiêu tốn mất 2 loại phí cho cùng 1 đoàn công tác, bội chi ngân sách cũng bắt nguồn từ đây", ông Can nói rõ.


Khoán chi cho các cán bộ đi công tác


Nhìn nhận ở góc độ khác, PGS.TS Võ Kim Sơn kiến nghị: "Bây giờ ngân sách nên quy định trong một buổi tiếp khách, bình quân 1 người được 50 nghìn/ngày, tiếp 100 người là 5 triệu đồng. Tất cả phải rõ ràng, chứ không thể là thích chi bao nhiêu cũng được, rồi ghi nợ, thiếu thì xin thêm ngân sách.


Nhất là, trong khi thực trạng hiện nay, theo thống kê quan chức Việt Nam rất thích nhậu nhẹt.


Thậm chí, một doanh nhân người Nhật kể rằng không ít lần được mời tham dự tiệc tùng của đối tác hoặc quan chức Việt Nam, ông cảm thấy rất choáng trước cảnh người nhậu vung vẩy những chai rượu rất đắt tiền mà ngay cả người giàu có ở Nhật cũng chẳng mấy khi dám mua để uống.


Một lãnh đạo cơ quan ở một địa phương tại miền Tây tâm sự rằng ông không hề thích nhậu, tuy nhiên ông cần phải tham dự những cuộc nhậu để thu thập thông tin cần thiết cho cuộc sống, công việc của mình.


Với trường hợp này, ai chỉ đạo tiêu tiền không đúng trong danh mục thì tự bỏ tiền túi ra để bù vào số tiền đã chi tiêu. Theo tôi, đây là một hình thức tham nhũng, dùng tiền công là tham nhũng, tham nhũng lấy của công làm của tư".


TS Ngô Thành Can thì lại đề xuất, nên tiến tới việc khoán chi cho các cán bộ đi công tác. Nên chấm dứt việc xin thêm tiền ngân sách cho việc ăn uống, không nên tạo thành một trào lưu tại các địa phương.


Lãng phí tiền của dân một cách có kế hoạch


Mặt khác, cả hai vị chuyên gia trên, đều chung nhận định, đây chính là biểu hiện của việc lãng phí tiền dân, trong khi, lạm phát đang ngày càng tăng cao, nợ công ở mức đỉnh điểm.


TS Ngô Thành Can thông tin thêm: "Việc này chúng ta đã từng bàn trong nhiều Hội thảo, nó thể hiện cho việc cán bộ đang lãng phí một cách có kế hoạch.


Bởi nếu xét về mặt công việc, thì đúng là họ đi học hỏi kinh nghiệm, thực hiện đúng trách nhiệm với dân, với nước. Thế nhưng xét về tổng thể, về chi phí, thì quả thật có phần du di, ảnh hưởng đến dân, khi tiêu xài lãng phí


Và chắc chắn đây không phải hình ảnh đẹp, rất phản cảm, không những cơ quan nhà nước mà còn nhân dân, đặc biệt một số đơn vị ký kết hợp đồng không chính thức với các cơ quan, các nhà hàng là không hay. Do đó, phải cố gắng khắc phục được lúc nào hay lúc đó".


Đồng tình quan điểm, PGS.TS Võ Kim Sơn cho rằng, phải thắt chặt mức quy định về chi tiêu, đáng lẽ các cán bộ này phải chất phác, nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước.


Vì thế đã sai thì phải xử lý, sai thì bỏ tiền túi ra bù vào, chứ không được xin thêm ngân sách.


"Tôi cũng hay được mời đi ăn uống nhiều, nhưng chưa thấy ai chui ra đằng sau ký sổ nợ, tôi có cảm giác người mời mình toàn bỏ tiền túi ra mời, chưa có đoàn nào đi theo nghĩa quan chức. Mời ăn uống nhưng bỏ tiền túi, không thì bản thân tôi cũng trả, nghĩa là rút ví ra trả luôn", ông Sơn tiết lộ.


(Đất Việt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét