Thứ Tư, 7 tháng 9, 2016

Thư khiếu nại (lần 2) của nhà báo Phạm Chí Dũng gửi Bộ Công an


VNTB- Thư khiếu nại (lần 2) của nhà báo Phạm Chí Dũng gửi Bộ Công an
1
democracy, Thư khiếu nại (lần 2) của nhà báo Phạm Chí Dũng gửi Bộ Công an, VNTB
8.9.16




THƯ KHIẾU NẠI (Lần 2)
Về việc Công an TP.HCM tái diễn theo dõi và sách nhiễu nhà báo Phạm Chí Dũng


Kính gửi: Ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng bí thư
Ông Trần Đại Quang – Chủ tịch nước
Ông Tô Lâm – Bộ trưởng công an
Thanh tra Bộ Công an


Tôi là Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, cư trú tại số 298/4 Nguyễn Trọng Tuyển, Phường 1, Quận Tân Bình, TP.HCM.
“Tết độc lập 2/9” năm 2016 đã đến với tôi bằng vòng vây theo dõi và sách nhiễu công khai của nhiều nhân viên an ninh thuộc Công an TP.HCM, để cũng như nhiều người dân khác, tôi có cơ hội thấm thía hơn về tiêu ngữ “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” của chế độ độc đảng ở Việt Nam.
Thư khiếu nại này được làm lần thứ hai, đặc biệt gửi đến ngài Trần Đại Quang là người đã từng phụ trách ngành công an và hiện thời đang thống lĩnh các lực lượng vũ trang, và ngài Tô Lâm là người đương nhiệm bộ trưởng công an.
Sau Thư khiếu nại lần 1 của tôi vào tháng 5/2016, Thanh tra Bộ Công an đã có văn bản chuyển thư về Công an TP.HCM. Sau đó, hiện tượng theo dõi, sách nhiễu của nhân viên an ninh thuộc Công an TP.HCM chấm dứt. Tuy nhiên từ ngày 2/9/2016, hiện tượng này lại tái diễn và buộc tôi phải nêu ra vài con số buốt lòng dưới đây.
Tôi được nghe rằng mỗi nhân viên công an cấp thành phố có chế độ bồi dưỡng đến 500 ngàn đồng/ngày để làm nhiệm vụ “canh theo đối tượng”, trong trường hợp đặc biệt có thể gấp đôi như thế (không kể lương). Mà tôi lại thường xuyên bị từ 8-12 nhân viên an ninh theo dõi hàng ngày, tức ngân sách phải bỏ ra từ 4- 6 triệu đồng/ngày. Trong gần 3 năm qua, tôi đã bị công an tổ chức canh theo thường xuyên. Như vậy và nếu đúng “định mức” 500 ngàn đồng/người/ngày mà tôi được biết, mỗi công an viên sẽ có ‘thu nhập” đến 15 triệu đồng/tháng (chưa kể lương) - gấp 3 lần thu nhập bình thường của một công nhân.
Còn số tiền hàng tháng mà ngân sách có thể phải chi cho khối công an canh theo tôi là từ 120 - 180 triệu đồng, tương đương khoảng 1,4-2,1 tỷ đồng/năm (số tiền này mới chỉ tính cho hoạt động theo dõi công khai, chưa tính hoạt động theo dõi bí mật).
Tôi cũng được nghe là ngành công an có thói quen coi những người bất đồng chính kiến ở Việt Nam là các “dự án”. Mỗi người là một “dự án”, mỗi tổ chức xã hội dân sự là “dự án lớn”, thậm chí mỗi hoạt động của Xã hội dân sự cũng là một “dự án”, và mỗi “dự án” lại kéo theo phần chi ngân sách hàng tỷ đồng. Cộng chung, phần chi ngân sách cho ngành công an về việc này là rất nhiều tỷ đồng mỗi năm, mà trường hợp của tôi có thể là một ví dụ.
Con số mà ngân sách phải chi như trên là quá lớn và quá tàn nhẫn trong hoàn cảnh đất nước tràn ngập cảnh đói nghèo, cảnh những em bé vùng cao phải bắt chuột để ăn, những nhà tình thương chỉ chi 600 đồng/em cho một bữa ăn, cảnh ngư dân miền Trung chỉ được “hỗ trợ” 15 kg gạo/người/tháng mà lại còn bị gạo mốc…, trong khi các nhân viên an ninh theo dõi tôi đa phần giải khuây bằng dán mắt vào điện thoại di động, ngáp vặt và ngủ gà ngủ gật.
Ngân sách nhà nước lại sinh ra từ tiền đóng thuế của dân vào cái thời mà hơn 400 loại phí và lệ phí đổ lên đầu dân, đến nỗi ở một số địa phương nông dân đã phải oán thán ngút trời về hình ảnh “Chị Dậu” ập về - vào lúc Tổng bí thư Trọng còn như ở trên trời với “không biết đến cuối thế kỷ này có được chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay không?”.
Những hành vi theo dõi và sách nhiễu công khai của Công an TP.HCM đối với tôi đã hoặc gián tiếp hoặc trực tiếp cản trở quyền tự do đi lại và quyền tự do báo chí của nhà báo tại Việt Nam, không thể chối cãi trước yêu cầu “chính quyền Việt Nam phải có những bằng chứng chứng minh được về nhân quyền” của các chính phủ tiến bộ trên thế giới.
Những hành vi trên lại đang tái diễn ra trong bối cảnh chính quyền Việt Nam đang cố gắng “hội nhập quốc tế”, làm nhiều cách để vào được TPP, được nhận tín dụng kinh tế lẫn tín dụng quân sự của phương Tây. Lẽ dĩ nhiên vào chính lúc này, những hành vi đáng xấu hổ trên chẳng thể tôn tạo hơn, nếu không muốn nói là ngược lại, đối với uy tín chủ tịch nước của ngài Trần Đại Quang và khẩu hiệu “công an nhân dân” của ngài Tô Lâm.
Bằng thư khiếu nại lần 2 này, tôi yêu cầu Bộ Công an điều tra làm rõ những việc sau:
1. Công an TP.HCM phải chăng đã vượt quyền Bộ Công an trong việc tái diễn tổ chức theo dõi và sách nhiễu công khai đối với tôi?
2. Công an TP.HCM phải chăng đã đưa tôi vào danh sách “dự án” của họ - tức vẽ ra “kế hoạch nghiệp vụ đối tượng” để có cơ sở lấy tiền và giải ngân từ ngân sách - mà thực chất là lấy tiền đóng thuế của dân để trắng trợn vi phạm và đàn áp nhân quyền của nhân dân?
3. Những hành vi sách nhiễu của Công an TP.HCM đối với tôi phải chăng có ý muốn chống lại luật Lập hội mà Quốc hội đang xem xét, trong đó có nội dung liên quan đến Hội Nhà báo độc lập VN và quyền tự do báo chí của chúng tôi?
Tôi sẽ tiếp tục phản ánh và khiếu nại những hành vi của Công an TP.HCM xâm phạm quyền công dân đối với tôi trong thời gian tới, đồng thời sẽ thông tin cho mạng lưới truyền thông trong nước và quốc tế về những vụ việc quá đáng xấu hổ này.
Trân trọng.
Ngày 7 tháng 9 năm 2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét