Thứ Hai, 5 tháng 9, 2016

Nhà nước sẽ dùng thuế dân để xử lý nợ xấu


Nhà nước sẽ dùng thuế dân để xử lý nợ xấu

Đăng bởi Hai Hoang Van on Thứ Hai, ngày 05 tháng 9 năm 2016 | 5.9.16


Việt Nam đương đại. Công cuộc “xử lý nợ xấu” ngày càng không lối thoát trong một nền kinh tế suy thoái năm thứ tám liên tiếp cùng thảm trạng ngân sách chỉ còn chờ vỡ nợ.






Mùa Hè năm 2016, chỉ vài tháng sau khi một quan chức lãnh đạo của công ty quản lý các tài sản tín dụng (VAMC) gián tiếp thú nhận rằng từ khi được sinh ra đến nay, công ty chưa bao giờ mua nợ xấu bằng tiền mặt, và sau đó là “năm 2016 VAMC sẽ chỉ mua nợ xấu rất ít,” đã hiện ra một thông tin rất đáng để người dân xuống đường biểu tình: Một lần nữa giới tham mưu tài chính cho chính phủ lại âm thầm bày mưu tính kế “dùng ngân sách để xử lý nợ xấu” – mà về thực chất là rút rỉa tiền đóng thuế của nhân dân và của cả những người rất nghèo.


Móc túi dân trả nợ xấu


Vneonomy – một tờ báo nhà nước bắt đầu có chút hơi hướng phản biện sau sự sụp đổ của “triều đại Nguyễn Tấn Dũng” – vào Tháng Tám đưa tin: Dự thảo kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 do Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư chủ trì xây dựng đã dự kiến trong năm 2017, Ngân Hàng Nhà Nước và Bộ Tài Chính sẽ trình Quốc Hội dự thảo nghị quyết “Đề án nghiên cứu khả năng bố trí nguồn lực ngân sách nhà nước để xử lý một phần nợ xấu.”


Trong bản tin ngắn gọn của mình, Vneconomy cũng hàm ý một chi tiết đáng chú ý không kém: Trong các nội dung chính của dự thảo, vấn đề sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu không được đề cập cụ thể, mà lại được “giấu” trong phần phụ lục về danh mục chương trình liên quan.


Vào Tháng Mười, 2014, ba năm sau khi triển khai đề án xử lý nợ xấu, chính phủ của Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Văn Bình đưa kiến nghị “xem xét dành một phần chi ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu của các doanh nghiệp nhà nước” ra Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội. So với thái độ giấu diếm trong phụ lục hiện thời thì động tác tống ra văn bản kiến nghị vào năm 2014 là chủ động, chủ quan và mang tính thách thức hơn nhiều.


Nhưng cũng bởi vì quá chủ quan nên chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã vấp phải một làn sóng phản đối quyết liệt từ đủ mọi thành phần dân chúng và cả trong giới quan chức. Cho tới lúc đó, đa số người dân đều đã nhận ra nợ xấu có nguồn gốc cơ bản từ những chiến dịch kinh doanh cực kỳ phiêu lưu của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước vào các lĩnh vực chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm trong thời kỳ “đầu cơ vàng” những năm 2006-2007, để sau đó khi các thị trường đầu cơ lao dốc và gần như sụp đổ thì phần lớn các chủ thể đầu tư đều rước họa vào thân. Chỉ tính riêng những tập đoàn lớn của nhà nước có tham gia đầu cơ như thế đã mang về số lỗ kinh hoàng, như Tập Đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex) lỗ 10,000 tỷ đồng, Tập Đoàn Điện Lực Việt Nam (EVN) lỗ 30,000 tỷ đồng…


Trong lúc dư luận và công luận xã hội dồn dập phản ứng trước đề nghị dùng ngân sách để xử lý nợ xấu của chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, một đại biểu quốc hội khu vực Hải Phòng là ông Trần Ngọc Vinh đã thẳng thừng nói: “Hiện ngân sách rất eo hẹp, thu chi chưa cân đối được mà còn chi cho ngân hàng nữa thì ngân sách hụt rất lớn. Không bao giờ cho phép lấy tiền ngân sách đắp vào khoản lỗ của các ngân hàng.”


Ít ngày sau đó, Phó Thủ Tướng Vũ Văn Ninh buộc phải yêu cầu Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư không đưa vào báo cáo trình Quốc Hội nội dung dùng ngân sách để xử lý nợ xấu.


Nhưng đó là câu chuyện thất bại của nhóm quyền lực – tài phiệt vào năm 2014. Hai năm sau đó – 2016 – nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam càng lộ rõ như một thể dịch hỗn tương của căn bệnh ung thư giai đoạn cuối.


Khối ung thư sắp vỡ


Nợ xấu bất động sản lại chiếm đến ít nhất 70% tổng nợ xấu lên đến 500,000 tỷ đồng trong khối ngân hàng. Nhưng cú thử thực hiện bản thành tích của VAMC chỉ xử lý trên giấy được khoảng 10% số nợ xấu mua lại từ các ngân hàng thương mại sẽ thấy triển vọng để khoảng một phần ba khối tổ chức tín dụng “một đi không trở lại” là rất cao trong vài năm tới.


Những ngân hàng phải ra đi đầu tiên đã có tên trong bảng phong thần: Ngân Hàng Xây Dựng, Đại Dương, GPBank. Năm 2015, dù Ngân Hàng Nhà Nước đã cố gắng trám bít những lỗ rò bằng biện pháp mua lại các ngân hàng này với giá 0 đồng, nhưng chiến thuật thuần tính tình thế đó cũng có nghĩa là chính phủ phải “ôm” lại nợ xấu và căn bệnh khó cứu của những ngân hàng này, để lại hậu quả cho tới ngày nay.


Vào cuối năm 2015, trong khi Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thống Đốc Nguyễn Văn Bình cố ép nợ xấu về dưới 3% thì chính báo cáo của Ủy Ban Giám Sát và Tài Chính Quốc Gia – một cơ quan phân tích tài chính thuộc chính phủ mà trước đây mang tâm thế khá khép nép – lại cho thấy tỉ lệ nợ xấu thực lên đến 17%.


Sau đại hội 12, đã xuất hiện khá nhiều thông tin về tình trạng nợ xấu tăng đột biến tại nhiều ngân hàng thương mại. Nói cách khác, nếu như trước đây Ngân Hàng Nhà Nước tìm cách “phù phép” để đẩy các khoản nợ đặc biệt xấu và không thể thu hồi được lên những nhóm nợ cao hơn (có thể thu hồi), thì nay do chẳng có gì thu hồi được nên nợ xấu vẫn còn y nguyên và vẫn hàng ngày lãi mẹ đẻ lãi con. Toàn bộ “công tác xử lý nợ xấu” của VAMC từ trước đến nay chỉ còn ý nghĩa trên giấy.


Vậy lấy gì để “xử lý nợ xấu,” nếu thị trường bất động sản vẫn tiếp tục ì ạch, các ngân hàng không thể tống khứ được “của nợ” đang ôm, còn chính phủ cũng chẳng thể “đẩy” được các tỷ đô la trái phiếu ra quốc tế?


Tiền từ túi kẻ trộm có trở về tay người lương thiện?


Vào giữa năm 2016, Bộ Tài Chính phải gián tiếp thừa nhận kế hoạch phát hành $3 tỷ trái phiếu đặc biệt mà chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tung hỏa mù vào cuối năm 2015 đã phá sản.


Và chẳng có gì ngạc nhiên về sự phá sản tất yếu trên, nếu nhìn lại kết quả của toàn bộ 500 hồ sơ chào bán nợ xấu mà VAMC gửi cho các tổ chức tài chính nước ngoài từ năm 2014 vẫn vô vọng hồi âm chính thức. Nếu cả VAMC mà còn không thuyết mị nổi những doanh nghiệp cá mập trong nước “ôm” lại nợ xấu, sẽ chẳng một tập đoàn nước ngoài nào dại dột rước lấy “của nợ Việt Nam.”


Liệu họ có xử lý nợ xấu bằng “quyết tâm” in tiền và in tiền ồ ạt mà do đó sẽ giúp thị trường “thăng hoa” lạm phát?


Nếu vào những năm trước, hành động tùy tiện có thể xảy ra khi chính phủ và Ngân Hàng Nhà Nước muốn làm gì tùy ý, thì vào chính lúc này, khi tình thế ngân sách đã trở nên khốn quẫn và tương lai chính trị biến thành bịt bùng sau vụ quan chức thảm sát nhau ở Yên Bái, xu hướng thân ai người đó lo phổ biến đến mức chẳng một quan chức nào của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội và của chính phủ mới muốn mạo hiểm chịu trách nhiệm về nợ xấu theo cách “người ăn ốc, kẻ đổ vỏ.” Không có lý do gì để chính phủ đệ trình và quốc hội thông qua một cách quá dễ dàng cho thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước xuất quỹ dự trữ ngoại tệ, dù chỉ 10%, để trả nợ thay cho các ngân hàng sắp phá sản.


Nhưng nếu Ngân Hàng Nhà Nước và Bộ Tài Chính “nhìn trộm” vào quỹ bảo hiểm xã hội và quỹ bảo hiểm y tế, như đã lăm le 500 tấn vàng cất giấu trong dân, điều gì sẽ xảy ra?


Trong đạo làm người, ai có thể tin được tiền từ túi kẻ trộm sẽ trở về tay người lương thiện?


Không giống như con số 500 tấn vàng quá khó để cắp về, hai thứ quỹ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế lại luôn chực chờ dưới bàn tay sẵn sàng tung hứng trò ảo thuật của nhà nước.


Năm 2015, quỹ bảo hiểm xã hội chi tổng cộng 435,129 tỷ đồng để đầu tư, trong đó cho ngân sách nhà nước vay 324,000 tỷ đồng, mua trái phiếu chính phủ 45,500 tỷ đồng, tổng cộng phần dính dáng đến ngân sách nhà nước lên đến 370,000 tỷ đồng. Ai sẽ bảo đảm là con số này sẽ trở về tay những người đóng bảo hiểm xã hội nếu ngân sách nhà nước bị phá sản?


Bởi vì nếu hậu quả xấu xảy ra, sẽ có rất nhiều người đóng bảo hiểm xã hội không nhận được đồng nào sau khi về hưu. Thậm chí, nhiều cán bộ cách mạng lão thành một đời theo đảng cũng sẽ vô vọng khi bước chân vào văn phòng phát lương hưu trí.


Phạm Chí Dũng


(Người Việt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét