Thứ Bảy, 4 tháng 6, 2016

Một tiến trình không thể đảo ngược


Một tiến trình không thể đảo ngược

Đăng bởi Ha Tran on Thứ Bảy, ngày 04 tháng 6 năm 2016 | 4.6.16


“…Obama đã thành công cuộc thăm viếng này. Nguyện vọng thoát Trung và thoát cộng của nhân dân Việt Nam đã được thêm một dịp để bày tỏ, tiến trình dân chủ hóa đã được thêm một cơ hội để chứng minh là nó không thể đạo ngược…”






Cuộc thăm viếng Việt Nam của tổng thống Barack Obama đã được đánh dấu bởi hai sự kiện trái ngược: một bên là sự lạnh nhạt khiếm nhã của chính quyền cộng sản với các nghi thức tiếp đón tối thiểu, một bên là sự hân hoan nồng nhiệt của nhân dân Việt Nam được biểu lộ ở mức tối đa. Một lần nữa thực tế phơi bày một khoảng cách lớn giữa chế độ cộng sản và nhân dân Việt Nam.


Sự lạnh nhạt của của chính quyền cộng sản khá dễ hiểu. Họ không muốn sáp lại với thế giới dân chủ mà Hoa Kỳ là biểu tượng chính. Họ không muốn chuyển hóa về dân chủ. Họ thừa hiểu rằng dân chủ đồng nghĩa với sự đào thải dứt khoát và vĩnh viễn của Đảng và chế độ cộng sản, với sự sụp đổ của những thần tượng giả tạo mà họ dựng lên, với sự phơi bày những dối trá và tội ác được che giấu, thậm chí ngụy trang thành những công trạng, trong suốt lịch sử của chế độ. Cuộc thăm viếng của tổng thống Obama, hơn cả những cuộc thăm viếng trước đây của hai tổng thống Clinton và Bush, đã là một lúc khó khăn đối với họ. Nếu có thể từ chối chắc chắn họ đã từ chối. Họ đã chỉ chấp nhận cuộc thăm viếng này vì không thể làm khác. Họ cần, dù không muốn, tăng cường quan hệ với Mỹ. Một lý do khác là họ sợ làm phật lòng Bắc Kinh.


Sự hân hoan tưng bừng của dân chúng Việt Nam lại càng dễ hiểu hơn. Xã hội Việt Nam đã muốn sáp lại với Hoa Kỳ và chuyển hóa về dân chủ từ lâu rồi. Sở dĩ đất nước vẫn còn dưới chế độ cộng sản chỉ vì Việt Nam đã thiếu một lớp trí thức chính trị để lãnh đạo cuộc vận động dân chủ. Di sản tổng hợp của Khổng Giáo và chủ nghĩa cộng sản đã chỉ để lại một lớp người lao động trí óc làm công cụ cho chế độ chứ không có khả năng và ý chí để thay đổi chế độ. Sự sa đọa của trí thức trong một quốc gia không khác sự suy nhược của trí khôn trong một con người.


Nhưng thế giới đã thay đổi và Việt Nam cũng đã thay đổi. Các tiến bộ về truyền thông và giao thông đã đạp đổ mọi bức tường bưng bít, đưa các dân tộc đến gần nhau trong sự chia sẻ những giá trị và thông tin chung và lố bịch hóa mọi tuyên truyền bịp bợm của các chế độ toàn trị như Việt Nam và Trung Quốc. Lớp trí thức cũ loay hoay tìm cách cải tiến một chế độ không thể cải tiến qua những kiến nghị và thỉnh nguyện cũng đang qua đi và một lớp trí thức mới đã nhập cuộc. Trong khi đó thì một làn sóng dân chủ mới, làn sóng dân chủ thứ tư trong lịch sử nhân loại, đang nhanh chóng quét đi những chế độ độc tài còn lại. Việt Nam phải thay đổi, dân chủ phải đến vì đó là trật tự thế giới mới.


Tổng thống Obama đã bị phê phán khá nhiều về chính sách đối ngoại. Chiến lược toàn cầu không phải là sở trường của ông, dân chủ và nhân quyền cũng không phải là lý tưởng thâm tín của ông, và lần này cũng không phải là một ngoại lệ. Obama đã có những lời lẽ nhân nhượng không cần thiết, như coi cuộc chiến vừa qua là một cuộc chiến giữa hai nước Hoa Kỳ và Việt Nam trong khi nó chỉ là một cuộc nội chiến giữa lực lượng cộng sản và những người không chấp nhận chủ nghĩa cộng sản. Hoa Kỳ đã ủng hộ rồi bỏ rơi những người dân chủ trong khi Liên Xô đã kiên trì yểm trợ đàn em của họ.


Tuy vậy Obama đã thành công cuộc thăm viếng này. Nguyện vọng thoát Trung và thoát cộng của nhân dân Việt Nam đã được thêm một dịp để bày tỏ, tiến trình dân chủ hóa đã được thêm một cơ hội để chứng minh là nó không thể đạo ngược.


Ban biên tập Tổ Quốc


(Thông Luận)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét