Thứ Ba, 7 tháng 6, 2016

‘URC hối lộ phóng viên’: Những bài báo có “mùi tiền”


VNTB- ‘URC hối lộ phóng viên’: Những bài báo có “mùi tiền”
Reply
‘URC hối lộ phóng viên’: Những bài báo có “mùi tiền”, Nguyễn Đình Ấm, opposite, VNTB
8.6.16
Nguyễn Đình Ấm


(VNTB) - Trường hợp phổ biến nhất là khi nhận thông tin sai phạm của ai đó tòa báo, nhà báo “xử lý” bằng cách thông tin cho bên có “phốt” biết để buộc họ phải tự giác “nôn” tiền mua sự im lặng; hoặc đăng bài khơi khơi với lời chú: “kỳ sau đăng tiếp” đến khi nào bị hại chịu “nôn” tiền, lợi ích “thỏa đáng” ra mới thôi.



Đại gia nước giải khát URC và những bê bối


Những ngày gần đây dư luận xôn xao về thông tin tập đoàn nước giải khát URC lên một danh sách hối lộ nhiều phóng viên, tờ báo những khoản tiền lớn để bao che, “làm loãng” thông tin các chai nước C2, rồng đỏ nhiễm chì vượt ngưỡng cho phép, và một loạt báo, phóng viên yêu cầu bộ công an điều tra làm rõ để “giải oan” cho họ.


Rất có thể rồi đây sẽ diễn ra kịch bản: Công an xác minh, điều tra một thời gian và thông báo “không có bằng chứng các phóng viên, tờ báo nhận tiền từ URC” rồi sự vụ chìm đi trước bao sự kiện “cháy nhà, chết người” diễn ra dồn dập ở đất nước này.


“Triều đình con”


Tuy nhiên, với những người có chút am hiểu báo chí quốc doanh thì rất khó để gạt đi được những ưu tư về đời sống báo chí hiện hành: Việc bảo kê, “đâm thuê, chém mướn, cưỡng đoạt”… là một trong những nghề kiếm chác, làm giàu chủ yếu của không ít nhà báo, tờ báo quốc doanh. Vụ Năm Cam với nhà báo Trần Mai Hạnh và nhiều vụ bảo kê, đánh mướn, cưỡng đoạt… khác bị lộ chỉ là từ những sự tình cờ, ngẫu nhiên.


Năm 1984 tôi tốt nghiệp đại học báo chí đến làm ở tờ báo Hàng không VN (HKVN) bên kia cầu Long Biên (HN)-một tờ báo nhỏ bé mới ra đời. Thế nhưng, sau này tôi mới biết quyết định đó là một sự may vì chính nơi đây tôi đi được rất nhiều nơi, quen, cộng tác được với nhiều tờ báo, nhà báo, đặc biệt là có điều kiện lý tưởng để hiểu về những mánh làm ăn bất chính của nhiều đồng nghiệp.


Từ những năm 1984 đến mãi những năm gần đây, ngành HKVN là một ngành chứa trong mình nhiều lợi ích nhất: Ngành kinh tế kỹ thật đặc thù, độc quyền (vận tải HK) điều kiện làm việc, đi lại hiện đại, văn minh, thu nhập khá, ổn định có phạm vi hoạt động trên khắp thế giới… Vì vậy thời đó HKVN là một “triều đình con” hầu như không thiếu con cháu, người thân của lãnh đạo các ngành, quan chức địa phương, trung ương làm việc ở đây. Là một thế lực lớn, giàu có, không bị cấp trên, cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ nên HKVN cũng là một “vương quốc” lộng hành, tham nhũng và cũng là địa điểm hấp dẫn để các thế lực trong đó có báo chí chen chân bảo kê, khai thác lợi ích.


Những năm đó ở hành lang vào các phòng làm việc của lãnh đạo TCT HKVN không mấy khi vắng các nhà văn, nhà thơ, nhà báo xếp hàng chầu trực để được lãnh đạo HKVN tiếp (hiện nay vận tải ngành HKVN trở thành thị trường cạnh tranh khốc liệt sức hấp dẫn đã giảm). Họ chầu chực cả buổi, cả ngày, có khi theo hẹn trước cả tuần để làm gì?


Với tờ báo, nhà báo chưa được HK quen biết thì xin đăng bài ca ngợi thành tích làm thân để có tên trong “list” mời dự tổng kết, họp báo, giới thiệu này, nọ (bao giờ cũng có phong bì), đi dự các chuyến quảng bá, nhận tàu bay, mở đường bay ở trong, ngoài nước, xin con em, người thân vào làm việc, xin vé miễn cước… Khi đã được lãnh đạo, cơ quan đối ngoại của HKVN tin tưởng, ưu ái thì được ký các hợp đồng quảng cáo-nguồn “sữa” chủ yếu nuôi sống nhiều tờ báo. Mặc dù những năm HKVN còn độc quyền thì bất cần quảng cáo nhưng đó là một món quà hợp pháp nhất của DN tặng nhà báo, cơ quan truyền thông để thu phục nhân tâm.


Tại đây mánh moi tiền DN của nhiều nhà báo quả là phong phú.


Thủ thuật “làm loãng”


Năm 1995 tôi đăng bài: “Thấy gì qua các thương vụ mua máy bay của HKVN” trên tờ Lao động thủ đô số 73 ra từ ngày 18-25 tháng 8 với tên tác giả Đình Phương Quang nói lên những mờ ám, thất sách của các thương vụ này. Ngay sau đó một số tờ báo như Pháp luật đời sống, Tuổi trẻ thủ đô, An ninh thủ đô… đăng loạt bài thanh minh, phản bác, “làm loãng” nội dung bài báo của tôi. Riêng tờ Tuổi trẻ thủ đô đăng liền trên các số báo 30 ngày 1/9/1995,số 38 ra ngày 21-27/9 với cùng nội dung bao che cho chủ nhà HKVN. Rất may hồi đó tôi có cộng tác viên ngầm ở văn phòng TCTHKVN nên đã biết người của các tờ báo này đã được HKVN tặng những gì...


Năm 1995 tôi gửi đơn cầu cứu tạp chí mang cái tên cực kỳ dũng cảm “Người bảo về công lý”(Cơ quan của toàn án NDTC-nay đã đổi tên Dân chủ & pháp luật) tố cáo lãnh đạo HKVN trù dập, loại tôi khỏi phóng viên bắt làm tạp vụ do chống tiêu cực. Lãnh đạo tạp chí này nhận lời và tài liệu hứa sẽ đăng bài đấu tranh trong dịp 21/6. Thế nhưng dịp 21/6/1995 bỗng nhiên tôi thấy tạp chí NBVCL số 16 đăng nhiều bài “đinh”, chân dung lãnh đạo,ca ngợi ngành HKVN phát hành la liệt ở các cơ quan HKVN tại Hà Nội. Sau đó bạn tôi ở tạp chí NBVCL cho tôi biết tạp chí đã mang tài liệu tố cáo của tôi sang làm quen lãnh đạo HKVN rồi đăng bài ca ngợi, xin được quảng cáo, tài trợ, tặng vé máy bay miễn cước… Tôi viết thư cho ông chánh án tòa tối cao Trịnh Hồng Dương và được biết ông đã lệnh thu hồi các vé miễn cước được tặng không cho sử dụng…


Mùi gì?


Vừa qua nhiều tờ báo bị “tố” đăng bài cố tình bênh vực chất lượng các chai C2 và rồng đỏ của URC (Kiến thức.net, Đời sống pháp luật, Giáo dục.net…). Nếu đúng thế là thuộc dạng bảo kê. Một DN xẩy ra tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật, chất lượng sản phẩm tồi… bị lộ thường thuê các nhà báo, tờ báo đăng bài để định hướng dư luận có lợi cho cơ quan, DN mình. Trong việc “thuê mướn” này không có hợp đồng ký kết giữa hai bên mà chỉ dựa vào sự tin cậy lẫn nhau trao đổi trên bàn nhậu, giá cả tùy theo quy mô, sự nghiêm trọng của vấn đề và khả năng tài chính mà DN.


Việc FB Ngọc Nga Tran tiết lộ tập đoàn truyền thông GoldenAdGroup tham mưu thảo ra một list yêu cầu URC “nạp” tiền cho vài tờ báo, phóng viên hơn 3 tỷ đồng (nếu đúng thế) là phù hợp với mức nghiêm trọng của sự việc và khả năng tài chính của DN. Thế nhưng, những “hợp đồng” kiểu này gần như không ai có thể triều tra bắt được quả tang cũng như việc đưa, nhận hối lộ vậy.


Tuy nhiên, với những người có chút kinh nghiệm trong nghề báo thì chỉ cần xem xét thời điểm bài báo ra đời, cách trình bày, khẩu khí, lời lẽ, nội dung là có thể xác định được bài báo muốn định hướng độc giả vào cái gì. Cũng nhiều khi chỉ cần đọc cái “tít” và thời điểm ra đời bài báo đã thấy “mùi tiền” trong đó.


Những năm gần đây việc làm ăn của các tờ báo không được ngân sách đảng CS chu cấp ngày càng khó khăn do việc kiểm soát nội dung ngày càng chặt, những thông tin quan trọng, hấp dẫn nhất được liệt vào loại “nhạy cảm” không được đăng, càng nhục, mất uy tín khi lỡ đăng bài rồi phải gỡ bỏ. Hơn nữa ngày càng nhiều DN cổ phần, tư nhân hóa, sự quản lý ngày càng minh bạch… nên việc mang “tiền chùa” cho báo chí cũng không được như trước.


Tuy nhiên, trong lĩnh vực làm ăn bất chính như bảo kê, “đâm thuê, chém. mướn”… thì có vẻ lại nhiều “đất” hơn do tham nhũng ngày càng “nở rộ”, sự đấu đá trong các cơ quan, DN quốc doanh, cạnh tranh giữa các DN ngày càng khốc liệt… thì các tờ báo, nhà báo bất chính càng “đắt hàng”. Hiện tượng nhiều tờ báo nội dung nghèo nàn, lượng phát hành, quảng cáo èo uột, “ăn bữa nay lo bữa mai” nhưng lãnh đạo và vài phóng viên vẫn ung dung giàu có là từ những khoản làm ăn bất chính này. Trường hợp phổ biến nhất là khi nhận thông tin sai phạm của ai đó tòa báo, nhà báo “xử lý” bằng cách thông tin cho bên có “phốt” biết để buộc họ phải tự giác “nôn” tiền mua sự im lặng; hoặc đăng bài khơi khơi với lời chú: “kỳ sau đăng tiếp” đến khi nào bị hại chịu “nôn” tiền, lợi ích “thỏa đáng” ra mới thôi.


Tuy nhiên, những mánh làm ăn trên chỉ là nghề “phổ thông, hạ cấp”. Các nhà báo, tờ báo có duyên, có tài chuyên ve vãn, tâng bốc, thanh minh… cho đại gia, sếp lớn, chính khách (tất nhiên với nghệ thuật siêu đẳng) mới là hạng làm ăn cao sang, sạch sẽ. Họ là những “siêu nhà báo”, ít có DN, đại gia nào dám từ chối khi họ thể hiện ý muốn “hợp lý” về một nhu cầu vật chất, tinh thần nào đó. Số nhà báo này không quá nhiều nên trong làng báo đều biết uy danh. Cũng không khó để nhận ra “mùi” có khi cả những lô đất, căn nhà… trong bài báo của họ.



Thời nay độc già muốn khỏi bị lừa rất cần kỹ năng “ngửi” các bài báo lạ xem có “mùi” gì hay không.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét