Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2016

Chứng vô cảm từ nền tảng chính trị


Chứng vô cảm từ nền tảng chính trị

Đăng bởi Ha Tran on Thứ Bảy, ngày 11 tháng 6 năm 2016 | 11.6.16


Gần đây, trên các trang mạng xã hội xuất hiện nhiều video clip mà nội dung của nó nhằm tìm hiểu có bao nhiêu người trên đường bị rơi vào chứng vô cảm. Bối cảnh trong các video clip này là đường phố Việt Nam. Và rất tiếc là hầu hết những con người xuất hiện trong video clip đều bị chứng vô cảm. Liệu có phải đã đến lúc nói rằng người Việt Nam đã trở nên vô cảm nặng nề? Và đâu là nguyên nhân?


Trong giới hạn ngắn ngủi về mặt thời lượng cũng như đối tượng và hoàn cảnh tiếp xúc, các video này không thể phản ánh đầy đủ mọi khía cạnh. Nhưng chí ít, trục dẫn của video cũng chạy qua các thành phần xã hội từ chị lao công đến cậu sinh viên, cô học trò, khách du lịch, tài xế, ông xe ôm… Video mô tả một người đang đi giữa đường và đến đoạn có đông người thì ôm bụng đau, oằn người, nằm nhoài ra đất. Người quay phim đứng nấp ở một góc xa để ghi hình.


(Link video: https://www.youtube.com/watch?v=tjNbkmH391A


Một số video thực tế: https://www.youtube.com/watch?v=QpSmpJz2mgM, https://www.youtube.com/wa......).


Những người chứng kiến người đàn ông bị ngã giữa đường, hầu hết đều dửng dưng tiếp tục bước đi và có người hoảng loạn, la lên. Hiếm hoi lắm mới có một người đến hỏi han và giúp đỡ cho người bị nạn. Video kết luận những người đi qua mà không quan tâm là Vô Cảm. Đương nhiên, nếu nhìn bề ngoài thì đây là một sự vô cảm nhưng nhìn sâu vào hoàn cảnh xã hội Việt Nam, đây là vấn đề khác. Vậy vấn đề nằm ở đâu?


Có một vấn đề then chốt không thể chối bỏ tại Việt Nam dưới thời đại Cộng sản xã hội chủ nghĩa là mọi nhóm ngành nghề, lĩnh vực trong xã hội đều nằm dưới bàn tay điều khiển của đảng Cộng sản Việt Nam và được tô hồng với phương châm “học tập đạo đức Hồ Chí Minh”.


Không hiểu cái đạo đức Hồ Chí Minh đó to rộng lớn cỡ nào mà sau bốn mươi mốt năm người miền Nam luôn phải sống, làm việc và học tập noi gương đạo đức Hồ Chí Minh thì sự văn minh biến mất và ngày càng trở nên bầy hầy, thô thiển và lãnh cảm? Cũng không hiểu cái đạo đức ấy cao vời cỡ nào mà phần lớn người dân trở nên vô cảm, thờ ơ truớc số phận đồng loại và số phận của chính mình.


Những câu chuyện người biểu tình chống Trung Quốc bành trướng bị trấn áp, đánh đập, bắt bớ, nhốt tù suốt từ năm 2009 đến nay, mức độ đàn áp của nhà cầm quyền ngày càng tinh vi và gắt máu. Đặc biệt, gần đây, có hai câu chuyện nổi cộm về môi sinh và giáo dục. Đó là chuyện hàng triệu xác cá chết trôi nổi trên bờ biển từ Hà Tĩnh vào đến Đà Nẵng, chiếu theo dòng hải lưu mùa gió Nam chảy từ Bắc vào Nam thì rõ ràng độc tố làm cho cá chết hàng loạt phải nằm ở phía Bắc Hà Tĩnh, cụ thể là khu luyện gang thép Formosa – Hà Tĩnh.


Nhưng suốt hai tháng qua, nhà cầm quyền không những dấm dúi thông tin nguyên nhân cá chết mà còn có những động thái nhằm bịt miệng nhân dân, bắt nhân dân phải đui mù, thui chột trước mối nguy đến tính mạng và tương lai dân tộc. Nhân dân biểu tình yêu cầu nhà cầm quyền phải có thái độ minh bạch và phải bảo vệ nhân dân bằng cách thẳng tay làm rõ chuyện với Formosa thì nhà cầm quyền lại đánh đập, bắt bớ những người biểu tình thuộc thành phần có hiểu biết và có chủ định. Đáng sợ nhất là không ít người dân bị ảnh hưởng bởi cá chết vẫn xem đó là chuyện không phải của họ và tỏ ra nhạo báng những người biểu tình.


Trường hợp thứ hai liên quan đến giáo dục là việc ông Bob Kerrey được bầu làm Chủ tịch Hội đồng tín thác Fulbright Univercity Việt Nam (FUV) đã làm dấy lên một cơn sóng dư luận mà trong đó, người ta thi nhau phanh phui tội ác của ông Bob trong chiến tranh để tìm cách đánh rớt ông khỏi vị trí Chủ tịch. Đặc biệt, cay cú nhất vẫn là những lời phát biểu của bà Tôn Nữ Thị Ninh, bà này không những đưa ra những thông tin sai sự thật về ngân quĩ FUV mà còn thóa mạ ông Bob một cách trắng trợn.


Vấn đề dư luận về ông Bob cho thấy tính cố chấp và cơ hội của trí thức Việt Nam trong hệ thống đảng cầm quyền còn khá nặng nề, đặc biệt là những kẻ như bà Ninh, kẻ từng được học hành đến nơi đến chốn và từng đảm nhiệm những chức vụ quan trọng trong bộ máy nhà nước. Và sở dĩ có chuyện này là vì các ông bà này đã lún quá sâu trong ý thức hệ Cộng sản xã hội chủ nghĩa. Một thứ ý thức hệ độc đoán, chuyên quyền và hoang tưởng, luôn cho mình cái vị trí cha mẹ của thiên hạ, của nhân dân và luôn xem mình là đỉnh cao trí tuệ mặc dù đầu óc đặc sệt sự dốt nát và cố chấp.


Và chính bởi sự dốt nát, cố chấp, tự cho mình cái quyền làm cha làm mẹ của nhân dân mà đảng Cộng sản độc tài đã biến sự lãnh đạo của họ đi từ chỗ dựa vào nhân dân để tồn tại trong quá trình hình thành đến chỗ dần xa rời nhân dân để hưởng lạc khi đã có chỗ đứng ổn định và cuối cùng là quay lại bóc lột, cắn xé nhân dân bằng những cái vòi bạch tuộc quyền lực, lợi ích nhóm.


Một khi các vòi bạch tuộc lợi ích nhóm của đảng Cộng sản nhúng vào xã hội, thao túng và khuấy đục xã hội, thậm chí hút tủy xã hội thông qua những con đường tham nhũng, hối lộ, cướp cạn đất đai, trộm cắp tài nguyên, bán đứng quốc gia, dân tộc và mỗi khi nhân dân lên tiếng để bảo vệ lẽ phải thì gặp nạn bởi các nhóm lợi ích này… Bên cạnh đó, có một thực tế trong xã hội Việt Nam là công an chìm và dân xã hội đen quá nhiều, ngoài ra còn có các lực lượng xì ke ma túy, gái điếm, ma cô, du đãng, cán bộ về hưu, tai mắt của an ninh cài cắm khắp nơi. Và tất cả các lực lượng này có chung một điểm là luôn gây hoang mang, lo sợ cho người dân, người dân càng tránh xa họ càng cảm thấy an toàn.


Trong bối cảnh một xã hội nhiễu loạn như vậy, đa phần người dân thấp cổ bé miệng chỉ có một lựa chọn là chịu đựng cho đến khi nào không còn chịu đựng được nữa và tránh mọi chuyện thị phi bằng cách mắt không thấy, tai không nghe.


Chính vì phải sống trong một xã hội nhiễu loạn và lựa chọn cho mình một thái độ câm điếc nên hầu hết người dân sẽ trở nên vô cảm hoặc giống như là vô cảm. Bởi trên các đường phố Việt Nam, bắt gặp một ai đó ngã nhào giữa đường, nếu không kịp kiềm chế lòng lân mẫn để phán đoán sự việc mà lao ngay đến giúp đỡ. Không chừng đó là cái bẫy và tai họa ập đến. Chính vì phải sống trong một xã hội có quá nhiều cái bẫy luôn giăng ra chờ người vô tội nên đa phần người dân tự lựa chọn cho mình một thái độ an toàn.


Rất tiếc, chỉ có xã hội Việt Nam Cộng sản xã hội chủ nghĩa và một số xã hội man di mọi rợ khác mới có chuyện tính an toàn và tính vô cảm được người ta đồng nhất trong một hành vi Mặc Kệ Nó! Bởi suy cho cùng, hệ thống chính trị có tác động vô cùng lớn đến đạo đức nhân dân. Nếu không tin, đập bỏ chế độ Cộng sản cùng hàng triệu vòi bạch tuộc của nó và đặt nhân dân Việt Nam vào bối cảnh xã hội dân chủ tư bản, chắc chắn không đầy ba năm sau, tính vô cảm sẽ tự biến mất!


VietTuSaiGon


(Blog RFA)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét