Thứ Tư, 22 tháng 6, 2016

CSVN Bỏ Hộ Khẩu?


CSVN Bỏ Hộ Khẩu?

Đăng bởi Trung Lập on Thứ Năm, ngày 23 tháng 6 năm 2016 | 23.6.16


Tin mới đây, sáng ngày 15, tháng Sáu năm 2016 tại Hà Nội, tổ chức nghiên cứu "Hệ thống đăng ký hộ khẩu ở Việt Nam" do Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Việt Nam và Ngân Hàng Thế Giới công bố. Ít nhất 5 triệu 600 ngàn người dân Việt Nam ở 3 thành phố Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng, và hai tỉnh Bình Dương và Đắc Nông hiện không có hộ khẩu. Tỷ lệ không hộ khẩu cao nhứt là Sài Gòn 36%, cao gấp đôi Hà nội chỉ 18%. Chỉ có 3 thành phố và 2 tỉnh mà con số kiểm tra được là 5 triệu 600 ngàn người không hộ khẩu. Tỷ lệ quá cao so với tổng dân số VN gần 91 triệu và 63 tỉnh trong đó có 5 thành phố trực thuộc trung ương. Đó là con số kiểm tra được, chớ con số thực tế sẽ cao hơn nhiều vì người Việt nói chung và dân không hộ khẩu nói riêng không ai muốn Nhà Nước nhứt là công an chĩa lỗ mũi vào cá nhân và gia đình mình.


Theo tường trình của tổ chức Liên Hợp Quốc, đa số người được hỏi ý kiến cho rằng hệ thống hộ khẩu đã hạn chế quyền lợi của người dân, tạo cơ hội cho nạn quan liêu cửa quyền đầy nhũng lạm, bởi vì người dân đi đâu, làm gì cũng bị các viên chức nhà nước hạch hỏi "sổ hộ khẩu". Đài VOV của CSVN dẫn lời Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Nguyên Anh, Viện phó Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Việt Nam, cho rằng hệ thống kiểm soát hộ khẩu không còn phù hợp ở Việt Nam, một quốc gia đang nỗ lực hội nhập quốc tế. Theo Tiến sĩ Anh, hệ thống này cần được thay thế bằng những công cụ hiện đại và khoa học hơn để tạo điều kiện dễ dàng hơn cho cuộc sống người dân.


Nhờ thời chuyển sang kinh tế thị trường, cho đầu tư ngoại quốc vào, do nhu cầu lao động những người không có hộ khẩu có thể làm việc ở các doanh nghiệp ngoại quốc (chiếm 3/4 tổng số nhân sự làm việc cho các cơ sở chủ ngoại quốc), và trong các cơ sở của tư nhân người Việt. Tuyệt nhiên công sở và quốc doanh của Đảng Nhà Nước không thu dụng những người không có hộ khẩu. Nhưng người không hộ khẩu dù có việc làm hay thất nghiệp cũng rất khó nếu không muốn nói là không thể đến với các dịch vụ, đặc biệt về giáo dục, bảo hiểm y tế cho trẻ em, tiếp cận tín dụng và các thủ tục dân sự.


PGS.TS Đặng Nguyên Anh, Viện phó Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, hệ thống đăng ký hộ khẩu không còn phù hợp trong điều hành và quản lý xã hội ở Việt Nam vốn đang thay đổi lớn theo định hướng đổi mới và hội nhập quốc tế. Ông nói, “Trong nghiên cứu của chúng tôi thấy rằng, có những thủ tục không cần đến hộ khẩu nhưng nhà quản lý hay người xử lý thủ tục đó vẫn đòi hỏi hộ khẩu, hoặc giấy công chứng về hộ khẩu. Điều này làm cho quá thừa những thủ tục không cần xuất trình, người dân sẽ mất nhiều thời gian để xác nhận trước khi hồ sơ của họ được xử lý.


Đây là vấn đề của cải cách hành chính, chứ không phải đơn thuần là vấn đề một cuốn sổ hộ khẩu được trình ra hay tạm giữ để xem xét. Tôi cho rằng chúng ta đẩy mạnh cải cách hành chính thì đừng quên hệ thống hộ khẩu này,” - PGS.TS Đặng Nguyên Anh nói.


Theo Tiến sĩ Gabriel Demonbynes, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới, cần có các cải cách hơn nữa để bảo đảm sự bình đẳng cơ hội cho tất cả người dân, trước hết là khả năng tiếp cận các dịch vụ. Có 2 định hướng khả thi cho cải cách là: giảm các rào cản để có người dân có hộ khẩu thường trú, loại bỏ các khác biệt trong tiếp cận dịch vụ giữa người thường trú và tạm trú. Đặc biệt, giảm thời gian yêu cầu cư trú tối thiểu, hạn chế các quy định mà chính quyền thành phố có thể đặt ra cho người đăng ký hộ khẩu; bảo đảm việc miễn phí bảo hiểm y tế cho tất cả trẻ em dưới 6 tuổi; bãi bỏ các quy định cần có hộ khẩu thường trú cho việc làm ở khu vực công.


Qua tin này, một số người nghĩ có lẽ CSVN sắp bãi bỏ chế độ hộ khẩu. Một chế độ vi hiến, trái ngược quyền tự do đi lại của công dân VN ghi rõ ràng trong hiến pháp. Một chế độ xuất phát từ một văn bản hành chánh của công an, thế mà hơn nửa thế kỷ, cả 13 khoá quốc hội đảng cử dân bầu, chưa một đại biểu nhân dân nào đặt vấn đề vi hiến.


Tai hại chế độ hộ khẩu đã để lại cho Trung Cộng một vết thương khó chữa trong xã hội TQ thời chuyển sang kinh tế thị trường. TC có 60 triệu trẻ em đáng thương coi như trẻ mồ côi dù còn cha mẹ nhưng cha mẹ phải đi xa ra thành làm công do Đảng Nhà Nước phát triển kinh tế ở thành thị, tương đương với 22% tổng số trẻ em của cả nước TQ. Và 260 triệu nam nữ nông dân bỏ ruộng rẫy ra thành làm công nhân, không hộ khẩu, lương rẻ mạt, không nhà không cửa như chiếc lá bị rứt khỏi cành cũng vì Đảng Nhà Nước tổ chức sản xuất ở thành thị.


CSVN có giải quyết cho nhập hộ khẩu Hà nội và Saigon, nhưng cho cán bộ và đại gia thân nhân họ mà thôi. Hồi nam 2005, Công an CS ở Hà Nội và Saigon có cho nhập hộ khẩu cả hai triệu người vào thành phố này. Để CS hợp thức hóa thân nhân gia đình của những cán bộ A và cán bộ gốc Miền Nam tập kết ra Miền Bắc, có vợ con ngoài Bắc, mọc nhánh mọc rễ, được điều về Nam công tác gọi là đi B. Họ dựa thần, cậy thế nên làm giàu nhờ “móc ngoặc”, mua nhà cửa rẻ như bèo, “bán như cho, mua như giựt” từ những người vượt biên, đi đoàn tụ gia đình ODP, hay đi tỵ nạn chánh trị HO. Để CS Hà Nội thực hiện chính sách trộn dân để làm loãng chất “Nam kỳ cục” của Saigon, thủ đô của Miền Nam và căn cứ địa của các đảng bộ CS phía Nam.


Nhưng nhờ chính sách chuyển sang kinh tế thị trường, Nhà Nước cần cung ứng lao động lương thấp cho các cơ sở tư hay ngoại quốc làm cho hộ khẩu bớt hiệu lực. Người không hộ khẩu cũng có thể kiếm việc làm ở cơ sở tư nhân hay ngoại quốc. Quốc nạn tham nhũng do CS gây ra làm cho hộ khẩu không “duy ý chí” của Công an. Có tiền là “chạy hộ khẩu được”. Có tiền là không bị trành tròn giấy “tạm vắng, tạm trú”./.


Vi Anh


(Việt Báo)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét