Thứ Tư, 1 tháng 6, 2016
‘2% quy định tồi nhất’: Khác gì tiền mãi lộ
VNTB- ‘2% quy định tồi nhất’: Khác gì tiền mãi lộ
Reply
‘2% quy định tồi nhất’: Khác gì tiền mãi lộ, opposite, Thảo Vy, VNTB
2.6.16
Thảo Vy
(VNTB) - Để mua sự yên ổn trên con đường làm ăn, doanh nghiệp đành cắn răng trích 2% tổng quỹ lương để nộp cho một tổ chức có tên Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam.
Đây chính là một trong những lý do để các doanh nghiệp (DN) bình chọn quy định “DN phải đóng tài chính cho công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội” nằm trong danh mục quy định tồi nhất, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ghi nhận.
Dự kiến trong tháng 5 vừa qua, VCCI sẽ công bố kết quả “Cuộc bình chọn các quy định pháp luật tốt nhất và tồi nhất”. Tuy nhiên, sáng 16-5, Đảng đoàn Tổng LĐLĐ Việt Nam có văn bản số 50-CV/ĐĐTLĐ gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc đề nghị chỉ đạo Đảng đoàn VCCI ngừng tổ chức bình chọn đối với Luật Công đoàn 2012. Có lẽ do vấp phải sự phản ứng về mặt Đảng đoàn theo quy chế của Bộ Chính trị, nên khép lại ngày 31-5, VCCI vẫn chưa chính thức công bố kết quả của “bảng phong thần” này.
Trả lời về động thái nói trên của Tổng LĐLĐ Việt Nam, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế (VCCI) cho biết, quy định về phí công đoàn 2% cũng như nhiều quy định được đánh giá là tốt hay tồi là do DN, hiệp hội DN và chuyên gia đề cử. VCCI chỉ tổ chức hoạt động ghi nhận các đề cử này.
Theo ông Tuấn, đối với quy định về việc DN phải nộp 2% lệ phí, ý kiến của các DN gửi đến VCCI với lập luận rằng: Công đoàn là tổ chức tự nguyện của người lao động nhưng lại yêu cầu DN phải đóng công đoàn phí là không cần thiết, chưa xuất phát từ tính chất, vai trò của công đoàn. Việc yêu cầu DN đóng công đoàn phí sẽ làm giảm tính độc lập của công đoàn.
Hơn nữa, đối với cả những DN không có công đoàn, có nghĩa là người lao động đã thỏa mãn với lợi ích được hưởng mà không có nhu cầu đòi hỏi thêm, thì DN vẫn phải nộp công đoàn phí.
“Khoản tiền 2% quỹ lương của toàn bộ người lao động là chi phí xã hội rất lớn nhưng không mang lại hiệu quả rõ ràng. Nếu số tiền đó được chủ sử dụng lao động giữ lại thì có thể giúp tăng lương cho người lao động hoặc tăng đầu tư cho tư liệu sản xuất giúp tăng năng suất lao động”- ý kiến của cộng đồng DN gửi lên VCCI nêu quan điểm.
Với các lập luận nói trên, cộng đồng DN cho rằng, DN phải đóng 2% lệ phí công đoàn theo Luật Công đoàn như vậy là không cần thiết, không hợp lý. Theo ông Tuấn, tất cả các thông tin nói trên đều do các DN, những người đề cử phản ánh đánh giá từ thực tiễn. Và đây chính là lý do khiến quy định này của Luật Công đoàn được các DN đưa vào mục các quy định tồi theo chương trình bình chọn của VCCI.
Theo VCCI, tính đến hết giai đoạn đề cử, ban tổ chức đã nhận được 9.927 lượt đề cử của các DN, hiệp hội DN, các chuyên gia, cá nhân, tổ chức về tất cả các quy định được cho là tốt và tồi
Nhân danh Đảng đoàn, Tổng LĐLĐ Việt Nam dùng ngôn từ khá nặng nề: “Việc bình chọn này đã phủ nhận một quy định tốt cho người lao động mà gần 55 năm qua Đảng, Nhà nước, Quốc hội đã quan tâm chăm lo cho người lao động và tổ chức công đoàn”. Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết thêm là đang xây dựng Đề án trình Ban Chấp hành T.Ư về hoạt động của công đoàn Việt Nam khi Việt Nam phê chuẩn và thực thi Hiệp định TPP. Do đó, các thông tin phủ nhận vai trò của Tổng LĐLĐ Việt Nam mà VCCI nêu ra sẽ ảnh hưởng đến bản Đề án này.
Về lý thuyết, công đoàn là “một hiệp hội của những người làm công ăn lương có mục đích duy trì hay cải thiện các điều kiện thuê mướn họ”. Nghĩa là trên thực tế, họ đứng ở phía đối diện so với giới chủ, DN. Việc bắt DN trích quỹ lương để đóng tài chính cho một tổ chức đối đầu với mình là không hợp lý. Nguồn thu của công đoàn chỉ nên đến từ các thành viên.
Cũng có ý kiến cho rằng, trước đây công đoàn sử dụng phần kinh phí thu được để chăm lo mọi điều kiện cho người lao động, nhưng từ năm 1995 trở lại đây, cơ quan bảo hiểm xã hội cũng góp phần chăm lo cho người lao động. Không phải chỉ có công đoàn mới chăm lo cho người lao động. Người lao động, theo nghĩa rộng thì tất cả các tổ chức đều chăm lo.
Thực tế cho thấy, sau khi trích 2% từ quỹ lương, công đoàn cơ sở chỉ được giữ lại một phần, còn lại phải trích nộp cho công đoàn cấp trên. Trước năm 2011, tỷ lệ dành cho công đoàn cơ sở là 50%; năm 2012 là 60%; năm 2013 (sau khi Luật Công đoàn có hiệu lực) là 65%; năm 2016 là 66%.
Nhưng từ nhiều năm qua, số tiền nộp cho công đoàn cấp trên được chi như thế nào, vào mục đích gì,… thì công đoàn cơ sở và DN – là người nộp tiền, đều không được biết. Như vậy, cuộc bình chọn trên, giống như một khảo sát ý kiến của DN. Họ hoàn toàn có quyền bày tỏ suy nghĩ về những quy định mà họ cảm thấy còn bất hợp lý, thậm chí có quyền kiến nghị sửa đổi. Đó là việc làm bình thường.
Tổng LĐLĐ Việt Nam - một tổ chức chính trị, xã hội của giai cấp công nhân và những người lao động, không nên yêu cầu VCCI dừng bình chọn. Thay vào đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam nên công khai việc báo cáo kết quả quản lý, sử dụng tài chính của công đoàn, các khoản do đoàn viên đóng góp được sử dụng vào mục đích gì, hiệu quả ra sao. Đó là câu trả lời rõ nhất chứng tỏ quy định trên tốt như thế nào.
Không có lý gì, một quy định tốt như vậy, lại không được mọi người ủng hộ.
Với tư cách từng là một đồng nghiệp với ông Trần Thanh Hải (thời gian ông Hải là tổng biên tập báo Người Lao Động) – người ký văn bản số 50-CV/ĐĐTLĐ, cá nhân người viết bài này tạm chưa bàn tới quyền tự do ngôn luận, quyền tự do biểu đạt được Liên Hợp Quốc thừa nhận hay tu chính án Thứ Nhất từ một quốc gia xa xôi ở bên kia bán cầu, với tư duy pháp lý hằn học và vũ lực của văn bản số 50-CV/ĐĐTLĐ, có lẽ đây là một trong nhiều cơ sở để giải thích xu hướng chuyên chế của một bộ phận quan chức Việt Nam.
Vậy nên, trước khi giận dữ và yêu cầu Bộ Chính trị “vào cuộc” xử lý, Tổng LĐLĐ Việt Nam hãy bình tâm suy nghĩ rằng: có quá nhiều cách ứng xử khác nhau, tại sao chúng ta lại chọn quyền lực nhà nước? Chúng có thật sự bảo vệ một mối quan hệ xã hội nào đó quan trọng, hay chúng chỉ đơn thuần bảo vệ cái cảm xúc quyền lực của một hay nhiều nhóm lợi ích nào đó?
Cần chấm dứt việc nhân danh Đảng đoàn để áp đặt quyền lực nhà nước lên một tổ chức chỉ vì tổ chức này dám trái ý mình. Qua vụ việc này, công luận được quyền hoài nghi tính khoa học của cái gọi là “Đề án trình Ban Chấp hành T.Ư về hoạt động của công đoàn Việt Nam khi Việt Nam phê chuẩn và thực thi Hiệp định TPP” mà Tổng LĐLĐ Việt Nam đã chấp bút.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét