Chủ Nhật, 13 tháng 3, 2016
Đổi mới – Mệnh lệnh của cuộc sống!
Vũ Ngọc Hoàng: Đổi mới – Mệnh lệnh của cuộc sống!
Đăng bởi Trung Lập on Thứ Hai, ngày 14 tháng 3 năm 2016 | 14.3.16
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ là con đường không thể khác! Đó là mệnh lệnh của cuộc sống! Nếu muốn đất nước và dân tộc ta phát triển, Đảng xứng đáng trong vai trò lãnh đạo thì phải thật sự đổi mới.
Phó ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Ngọc Hoàng.
Sau Đại hội XII của Đảng, nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân đang mong đợi ở Đảng và Nhà nước ta một cuộc đổi mới mạnh mẽ. Nhiều người còn gọi là cuộc đổi mới lần hai. Đổi mới sự lãnh đạo, quản lý và đổi mới bản thân hệ thống chính trị của đất nước. Đó là yêu cầu và mong muốn rất chính đáng, là công việc quan trọng nhất của nước ta hiện nay.
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ là con đường không thể khác! Đó là mệnh lệnh của cuộc sống! Nếu muốn đất nước và dân tộc ta phát triển, Đảng xứng đáng trong vai trò lãnh đạo thì phải thật sự đổi mới. Nhiệm vụ lịch sử đang đặt ra cho cho Ban lãnh đạo nhiệm kỳ XII là đổi mới.
Công cuộc đổi mới ở nước ta tuy đã được tiến hành 30 năm, thời gian không ít, nhưng bên cạnh những kết quả, thành tích rất đáng ghi nhận vẫn còn nhiều mặt chưa làm được, có việc mới đi nửa đường, còn nửa vời và cũng có mặt chệch choạc; cuộc đổi mới chưa toàn diện, chưa đồng bộ và cũng chưa căn bản. Nước ta còn nhiều mặt tụt hậu, có mặt đáng báo động, đã tụt hậu xa hơn so với nhiều nước trong khu vực, đang rơi vào “bẫy” thu nhập trung bình thấp, nợ công (các loại) đã vượt quá giới hạn an toàn, nợ xấu của ngân hàng được tập trung lại vẫn còn đó, hiệu quả đầu tư kém, tham nhũng, hối lộ và “lợi ích nhóm” nhiều; đạo đức xã hội không ít mặt suy đồi. Nhiều chủ trương, cơ chế trước đây đã đổi mới đến nay không còn tác dụng nữa, trong khi cơ chế mới tiếp theo chưa có, đổi mới bị mất động lực.
Ai cũng biết giá trị hết sức quan trọng của ổn định chính trị (là điều kiện tiên quyết, là môi trường quan trọng nhất), không có nó thì không thể phát triển, mà đổi mới là nhằm mục tiêu phát triển. Ngay cả vấn đề dân chủ, nếu để mất ổn định chính trị thì có khi lại làm thụt lùi công cuộc dân chủ hóa, dân chủ bị buộc phải đi một bước lùi, vì khi ấy sẽ xã hội mất kỷ cương, “luật rừng” sẽ lên ngôi, phá vỡ môi trường dân chủ. Nhưng sự ổn định mà chúng ta cần là sự ổn định thực chất chứ không phải giả tạo, tạm thời, không cơ bản. Cho nên phải đổi mới căn bản thì mới giải quyết căn bản được tình hình.
Công cuộc phát triển đất nước đang bước vào giai đoạn mới, chuyển từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu; hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ, thị trường chung, hợp tác và cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu, nước ta đang đứng trước những thách thức lớn mà phải hết sức nỗ lực mới có thể vượt qua, đồng thời cũng đang có cơ hội tốt mà nếu không chớp lấy thì thời gian sẽ đi qua, không trở lại. Vấn đề Biển Đông đang nổi lên đe dọa trực tiếp đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Trong khi đó, hệ thống chính trị thì một bộ phận cán bộ thoái hóa, tham nhũng và “lợi ích nhóm”, sự tha hóa quyền lực diễn biến phức tạp; sự bảo thủ và trì trệ kéo dài; không muốn đổi mới vì có giữ lợi quyền riêng; làm lòng tin của nhân dân giảm sút nhiều.
Tình hình đó đỏi hòi phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn để khắc phục tụt hậu, giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, củng cố lòng tin trong nhân dân. Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định tiếp tục công cuộc đổi mới toàn diện và đồng bộ. Theo cách hiểu của tôi, toàn diện là nói về phạm vi. Đổi mới toàn diện là trên tất cả các lĩnh vực, từ kinh tế đến văn hóa – xã hội và chính trị, ngoại giao… chứ không phải chỉ tập trung kinh tế như thời kỳ đầu đổi mới (khi ấy xác định đổi mới thực hiện trước trên lĩnh vực kinh tế). Tất nhiên, trong tổ chức thực hiện, nói toàn diện không có nghĩa là tràn lan, mà tập trung vào một số vấn đề chính yếu để tự nó sẽ tiếp tục lan tỏa ra. Đổi mới đồng bộ là nói về sự đồng thời, nhịp nhàng, tác động hỗ trợ lẫn nhau, chứ không phải đổi mới lĩnh vực này, không đổi mới ở lĩnh vực khác, đổi mới nhiều ở mặt này, ít ở mặt kia, gây nên sự vênh nhau, khập khiễng, trở ngại và kìm hãm lẫn nhau.
Thời kỳ Liên Xô thực hiện cải tổ, lĩnh vực chính trị làm sớm, gần như đi trước, “đột phá” vào hệ thống tổ chức, lại bị sai lầm trong bước đi và cách làm, cộng với sự tha hóa đã tích tụ từ lâu trong hệ thống chính trị, làm mất lòng tin nghiêm trọng của dân chúng, dẫn đến đổ vỡ. Từ thực tế ấy, giai đoạn đầu Việt Nam thận trọng, đổi mới trước về kinh tế, hầu như lĩnh vực chính trị chưa động đậy, còn lĩnh vực giáo dục thì mãi gần đây mới có chủ trương đổi mới. Sự cẩn thận lúc đầu là cần thiết, nhưng kéo dài quá thì phát sinh mâu thuẫn, cản trở và trì kéo lẫn nhau.
Thực tế, cuộc đổi mới trên lĩnh vực kinh tế đã đi được một bước dài, tạo được nhiều kết quả đáng ghi nhận so với trước ngày đổi mới (mặc dù cũng chỉ mới đi được nửa đường), trong khi đó lĩnh vực chính trị và văn hóa - giáo dục đổi mới hầu như không đáng kể hoặc nói cách khác là chưa đổi mới. Nay yêu cầu phải đổi mới đồng bộ thì lĩnh vực chính trị và văn hóa - giáo dục phải đổi mới mạnh mẽ hơn để đuổi kịp và song hành cùng với việc đổi mới kinh tế đã đi được một bước dài và nay đang tiếp tục đổi mới nữa. Từ đó mà tạo ra sự đồng bộ, nhịp nhàng, thúc đẩy và hỗ trợ lẫn nhau.
Trước đây, khi Đảng phát động chiến tranh nhân dân giữ nước, có nơi, có lúc không có đảng viên và tổ chức Đảng, nhưng nhân dân đã tự động lập ra “chi bộ” để lãnh đạo kháng chiến. Khi Đảng có chủ trương về khoán hộ (chỉ thị 100) trong nông nghiệp thì cả nước rùng rùng chuyển động, tổ chức thực hiện đúng và rất nhanh… Thực tế đó cho thấy, khi đường lối đúng và rõ ràng, hợp lòng dân thì tự nó đã có sức mạnh rất lớn trong việc tổ chức thực hiện.
Trong và đồng thời với đổi mới toàn diện và đồng bộ, theo tôi, còn phải đổi mới một cách căn bản, tức là nói về mức độ sâu sắc, “triệt để” của vấn đề đổi mới. Không nửa vời, càng không để quay lại vết xe cũ. Có ý kiến lo ngại rằng, nếu nói đổi mới căn bản là nhiều quá, dễ gây mất ổn định. Tôi không nghĩ vậy, đổi mới căn bản không có nghĩa là làm mất ổn định. Ai cũng biết giá trị hết sức quan trọng của ổn định chính trị (là điều kiện tiên quyết, là môi trường quan trọng nhất), không có nó thì không thể phát triển, mà đổi mới là nhằm mục tiêu phát triển. Ngay cả vấn đề dân chủ, nếu để mất ổn định chính trị thì có khi lại làm thụt lùi công cuộc dân chủ hóa, dân chủ bị buộc phải đi một bước lùi, vì khi ấy sẽ xã hội mất kỷ cương, “luật rừng” sẽ lên ngôi, phá vỡ môi trường dân chủ. Nhưng sự ổn định mà chúng ta cần là sự ổn định thực chất chứ không phải giả tạo, tạm thời, không cơ bản. Cho nên phải đổi mới căn bản thì mới giải quyết căn bản được tình hình. Tất nhiên, cuộc đổi mới căn bản nào cũng phải có lộ trình và bước đi phù hợp, có chuẩn bị các điều kiện. Nhưng khẳng định đổi mới căn bản để thấy rõ quyết tâm, có tầm nhìn xa và tư duy hệ thống, không chắp vá.
Đổi mới căn bản còn xuất phát từ một lý do nữa, lý do cơ bản, đó là xét thấy trong tư duy của chúng ta còn nhiều vấn đề chưa đúng về cách tiếp cận và phương pháp luận (không khoa học, không biện chứng), kể cả cách hiểu không đúng về CNXH và con đường tiến lên của đất nước và dân tộc. Nói đến phương pháp luận là nói về lý luận. Chúng ta hay nói lý luận và đường lối thì đúng cả, không có gì sai, nhưng tổ chức thực hiện thì kém, nhiều việc không làm được. Tất nhiên, trong tổ chức thực hiện có nhiều khuyết điểm và yếu kém, nhưng cũng không đổ lỗi hết cho việc thực hiện, khi mà lĩnh vực nào cũng thấy có “vấn đề”. Trước đây, khi Đảng phát động chiến tranh nhân dân giữ nước, có nơi, có lúc không có đảng viên và tổ chức Đảng, nhưng nhân dân đã tự động lập ra “chi bộ” để lãnh đạo kháng chiến. Khi Đảng có chủ trương về khoán hộ (chỉ thị 100) trong nông nghiệp thì cả nước rùng rùng chuyển động, tổ chức thực hiện đúng và rất nhanh… Thực tế đó cho thấy, khi đường lối đúng và rõ ràng, hợp lòng dân thì tự nó đã có sức mạnh rất lớn trong việc tổ chức thực hiện. Và chúng ta cũng đã nhiều lần nói rằng lý luận còn lạc hậu, mà lý luận là căn cứ để xác định đường lối, chủ trương. Đổi mới tư duy lý luận thuộc về đổi mới căn bản.
Phải thật khách quan và cầu thị nhìn kỹ lại các chủ trương với cách suy nghĩ chưa đúng của chúng ta để bổ sung, điều chỉnh và để tính lối ra. Nếu không đổi mới một cách căn bản thì vẫn lẩn quẩn, không thoát ra được, không vượt qua được chính mình, không có cách nghĩ mới, không có lý luận mới, từ đó, không có kết quả căn bản và vững chắc. Vậy đổi mới trong cách tiếp cận và phương pháp luận (cũng như nội dung) gồm những gì? Đề nghị các nhà khoa học và hoạt động thực tiễn cùng thảo luận vấn đề này. Riêng tôi xin phép sẽ trở lại, lần lượt trình bày cụ thể hơn trong các chuyên đề sắp tới, liên quan đến đổi mới tư duy lý luận.
Vũ Ngọc Hoàng
* Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng là ủy viên T.Ư Đảng khoá XI, Phó trưởng ban Tuyên giáo TƯ Đảng.
(Thanh Niên)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét