Thứ Bảy, 12 tháng 3, 2016

“Cá lớn”….nuốt dân và phát ngôn tướng công an


“Cá lớn”….nuốt dân và phát ngôn tướng công an
Reply
news
12.3.16

Kỳ Duyên (Vietnamnet)


Từ vụ việc ở Sầm Sơn (Thanh Hóa) đến những phát ngôn ấn tượng của tướng CA, cho thấy bóng ma lợi ích nhóm luôn ngự trị và lởn vởn trong XH này. Đặc biệt, trong công cuộc chống tham nhũng, thì sự “vô hiệu hóa” cuộc chiến là … rất tinh vi.


Có hai vụ việc trong tuần rất khác nhau về bản chất vô tình lại gặp nhau ở một điểm tương đồng. Một vụ việc ở Thanh Hóa, một vụ việc ở t/p Hồ Chí Minh. Sự tương đồng đó là gì? Nói như khẩu ngữ dân miền nam- biết chết liền!
“Cơm áo không đùa với ngư dân”

Vụ việc thứ nhất, gây ồn ào dư luận trên báo chí, và trên các trang mạng XH. Đó là chuyện, từ ngày 26/2, ngư dân xã Quảng Cư và phường Trung Sơn (thị xã Sầm Sơn) tụ tập trước UBND tỉnh Thanh Hóa phản đối việc chính quyền giao cho Công ty cổ phần Tập đoàn FLC khai thác tuyến bờ biển sầm uất nhất Sầm Sơn.
Vụ việc trở nên nghiêm trọng khi người dân cho biết, sau khi UBND tỉnh giao đất cho Tập đoàn FLC, thì bỗng dưng họ bị xua đuổi và bị cấm không được khai thác thủy sản gần bờ, không được neo đậu tàu thuyền tại khu vực bến cũ, mà phải chuyển về tận xã Quảng Hùng (Quảng Xương) và ra cảng Hới (xã Quảng Tiến - Sầm Sơn), xa cả 10 km để neo đậu, vừa trái đường, vừa đi lại khó khăn. Người dân nhiều lần phản ánh lên chính quyền xã Quảng Cư và thị xã Sầm Sơn, nhưng không được giải quyết triệt để, khiến họ bức xúc.


Rõ ràng, cơm áo không đùa với…. ngư dân.
Việc tụ tập khiếu kiện đông người là trái với quy định pháp luật, vậy nhưng người dân cực chẳng đã. Đủ biết, một dự án mới của bất cứ địa phương nào, cho dù nhân danh phát triển kinh tế- XH, trong thực tế sẽ luôn đụng chạm, ảnh hưởng tới quyền lợi sống còn của người dân. Và một điều nữa, mà đây mới là điều đáng nói, trong thời buổi hiện nay, bất cứ dự án nào dường như cũng “quên” mất lợi ích của đa số người dân sở tại, khiến niềm tin của họ thêm bất an. Bởi họ chỉ có tay không làm nên cơm áo. Dù những bàn “tay không” đó đóng tiền thuế không ít cho địa phương.
Trả lời phỏng vấn của báo chí (Vtc. vn, ngày 02/3), ông Lê Ngọc Chiến, Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn phân trần, hoàn toàn không có chuyện tỉnh Thanh Hóa “giao đất” toàn quyền cho Tập đoàn FLC. Dự án cải tạo ven biển Sầm Sơn là chủ trương của tỉnh, nhằm thay đổi bộ mặt Sầm Sơn, cải tạo và thay đổi cách làm du lịch của địa phương, từ du lịch một mùa (mùa hè) sang du lịch bốn mùa (quanh năm).
Tập đoàn FLC chỉ là một nhà thầu triển khai dự án theo hình thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) theo quy hoạch đã được tỉnh phê duyệt, chỉnh trang cảnh quan đô thị cho toàn bộ tuyến đường dài 3,5 km. Mọi hạng mục khác ngoài những hạng mục này vẫn thuộc về sự quản lý của tỉnh và thị xã, như mặt biển, bãi cát...
Mặc dù những phân trần của ông Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn có vẻ rõ như ban ngày. Và trong thực tế, du lịch nói chung, nghỉ mát ở các bãi biển nói riêng cũng luôn đòi hỏi vệ sinh môi trường phải thật bảo đảm. Điều đó khó có thể có sự chung đụng giữa nơi nghỉ mát của khách tứ xứ có đời sống cao với mưu sinh lần hồi của người dân bản địa. Nhưng vì sao ngư dân chưa chịu? Đâu là nguyên nhân căn cốt của vụ việc này?
“Tôi có lỗi với bà con ngư dân”
Có lẽ vụ việc tụ tập đám đông, khiếu kiện này của ngư dân sẽ khó có hồi kết nếu như không có sự xuất hiện và đối thoại của ông Trịnh Văn chiến, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, trong cuộc chờ đợi dằng dặc của họ. Chỉ để đòi lại những quyền lợi cơm áo bình thường mà vì sự văn minh của dự án FLC rất có thể sẽ bị… chìm nghỉm, nếu họ cam phận.

Bí thư tỉnh Thanh Hóa - Trịnh Văn Chiến

Và cuộc đối thoại giữa hàng trăm người dân với quan chức đầu tỉnh cuối cùng, không thể thành…. có thể đã diễn ra trong sự hết sức quan tâm của dư luận XH, “nóng” không kém không khí của những ngư dân- người trong cuộc, với các câu hỏi chất vấn dồn dập ông quan chức đầu tỉnh.
Bất ngờ nhất, có thể nói là ngoài sự chờ đợi của người dân khi ông Bí thư Tỉnh ủy chính thức nhận lỗi. Khi ông cho rằng để sự việc người dân phản đối mấy ngày qua trên địa bàn là đáng tiếc, là người đứng đầu tỉnh, bản thân tôi thấy có khuyết điểm, có lỗi với bà con ngư dân Sầm Sơn, người dân thị xã Sầm Sơn”! (VietNamNet, ngày 07/3)
Nhận lỗi đúng lúc đúng chỗ bao giờ cũng là sự khôn ngoan, khôn khéo của người lãnh đạo. Bởi người dân Việt vốn hồn nhiên và bao dung.
Đại diện chính quyền tỉnh Thanh Hóa thừa nhận trong thực tế các hạng mục của công trình dự án đang thi công rất có thể khiến cho ngư dân bị ảnh hưởng, bởi những thống kê cụ thể cho thấy, trên địa bàn thị xã, có 705 bè, mủng của ngư dân chủ yếu chỉ có công suất nhỏ 8CV, 9CV, 20CV nên sẽ không phù hợp với những quy định chung của Bộ Nông nghiệp. Và cũng khẳng định, biển Sầm Sơn là biển chung cho cả khách du lịch và nhân dân, không phải do nhà đầu tư quản lý. Nhà đầu tư chỉ quản lý các công trình họ đầu tư.
Như vậy rõ ràng, sự phát triển kinh tế thị trường cũng khiến cho ngư dân Sầm Sơn, chủ nhân của những chiếc thuyền thúng, mủng bé nhỏ, công suất yếu, đời sống vốn mong manh, phải vươn lên thích ứng với những yêu cầu phát triển của quy hoạch và tiêu chí văn minh chung của thị xã. Điều này cần sự nỗ lực của cả hai phía. Nhưng trợ giúp trước mắt không thể thiếu bàn tay chính quyền, không chỉ tiền bạc mà cả những quy định cụ thể về bến bãi.
Chính vì thế, mà cuối cùng phương án hỗ trợ cụ thể của chính quyền tỉnh Thanh Hóa đưa ra với từng loại bè, mảng, thuyền thúng công suất nhỏ để người dân hoặc tìm cách đóng tàu thuyền mới với công suất lớn 30 CV- 400 CV, hoặc tìm nghề mới, hoặc vẫn ra khơi đánh bắt cá như bình thường, ổn định đời sống được người dân chia sẻ, đồng ý. Thậm chí họ cho rằng,giá Bí thư đối thoại sớm!
Chỉ một chữ Giá, nhưng đó thực ra là sự chê trách thẳng thắn phương pháp làm việc, ứng xử của c/q Thanh Hóa.
Vụ việc đã lắng xuống, nhưng sự yếm thế của ngư dân Sầm Sơn rất có thể là bài học thiết thực, cảnh báo các địa phương trên con đường phát triển, đang ấp ủ kéo các dự án lớn của các tập đoàn, các DN kinh tế về cho tỉnh mình- rằng lợi ích của người dân không thể bị coi rẻ.
Chính vì thế người viết bài chú ý đến ý kiến của một chuyên gia kinh tế sắc sảo khi ông cho rằng, việc “khuyến khích phát triển các DN lớn của tư nhân, các tập đoàn kinh tế tư nhân” là một chủ trương đúng. Nhưng khác với các công ty tư nhân ở nhiều quốc gia, họ xây dựng tiềm lực bằng sự vươn lên về công nghệ để hướng tới cạnh tranh quốc tế. Còn ở Việt Nam tuyệt đại đa số các tập đoàn tư nhân phất lên nhờ… bất động sản, chưa đầu tư gì mấy vào công nghệ.
Đặc biệt, sự bất thường của các tập đoàn kinh tế tư nhân VN chính là ở chỗ, họ đã và đang tận dụng các quy định “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” để làm giàu. Trong khi, chính quyền lại hầu như luôn đứng về phía các công ty tư nhân chiếm đất. Sự câu kết giữa các “đại gia tư nhân” với chính quyền là một hiện tượng nhức nhối ai cũng thấy, nhất là trong việc thu hồi đất của người dân cho các dự án tư nhân (Dân Việt, ngày 02/3).
Vẫn là chuyện ông rút chân giò bà thò chai rượu. Rút cục, nếu không có sự giám sát mạnh mẽ của các cơ quan báo chí, truyền thông, không có sự bất bình của người dân vì bị thua thiệt, và áp lực của dư luận XH, người dân nơi có các dự án kiểu này rất có thể mất cả chì lẫn chài.
Tham nhũng: Trông chết… cười ngạo nghễ
Vụ thứ hai, đó là những phát ngôn cực kỳ ấn tượng của Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc CA t/p HCM tại buổi tổng kết công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí được tổ chức tại t/p này ngày 08/3 mới đây. Khiến cho dư luận XH bàn tán với rất nhiều điều đáng suy ngẫm.




Thiếu tướng Phan Anh Minh.

Cũng tại cuộc họp, ông Lê Minh Trí- Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương thẳng thắn: Tham nhũng chỉ có cán bộ đảng viên thôi chứ còn dân thường không có tham nhũng!
Điều này xưa nay dường như ai chả biết rồi, khổ lắm, nói mãi! Tháng 12/2015, trước thông tin Thủ đô HN và t/p HCM không phát hiện được trường hợp nào tham nhũng, ĐBQH Dương Trung Quốc từng hóm hỉnh: Ai cũng mong điều đó là sự thực, nhưng chắc chắn không phải. Bởi Hà Nội và TP HCM là những nơi lớn nhất, các đánh giá quan trọng, chính thức của các lãnh đạo cao nhất đều nói có. Vậy thì tham nhũng nằm ở đâu, không lẽ ở nhà quê?
Còn tại Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng chống tham nhũng do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 4.3, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra CP cũng có một phát ngôn ấn tượng không kém: Tham nhũng là những người có chức vụ quyền hạn. Chúng tôi chống lại có khi “chết' trước” (VietNamNet, ngày 5/3).
Thì tại cuộc họp này, Thiếu tướng Phan Anh Minh đã lý giải vì sao chống tham nhũng rất khó và hiệu quả không cao ở t/p HCM. Những điều ông nói không phải báo chí không phản ánh hay cảnh báo. Nhưng vấn đề ở chỗ- ông là người của ngành công an, một trong những công cụ đấu tranh, và như ông tự nhận, “một trong những người va chạm với tham nhũng nhiều nhất”, đã phải nói về sự…. bất lực của công cuộc phòng chống tham nhũng. Và sự bất lực- quả thật rất bất ngờ.
Về hiện tượng, ông Phan Anh Minh xếp hạng thứ tự: Có tới 50% các vụ án buôn lậu có bóng dáng hải quan.
Nên nhớ rằng, từ mấy năm nay, ngành HQ đã thực hiện thông quan điện tử (sử dụng chứng từ điện tử có gắn chữ ký số để khai báo hải quan qua mạng Internet, theo đó, các quy trình thủ tục hải quan được tự động hóa ở mức độ cao). Và thêm nữa, ngành này còn tổ chức Lời thề không tham nhũng. Có điều, khi thông tin này đưa lên báo chí, không ít nụ cười ẩn ý: Thề cá trê chui ống.
Rồi tiếp đó, là ngân hàng, tài chính và cho thuê tài chính, rồi đền bù giải phóng mặt bằng, phê duyệt dự án… Rõ là chả mèo nào thua mỉu nào.
Vì sao bất lực? Tướng Phan Anh Minh cho rằng, về bản chất, các giải pháp được đưa vào Luật PCTN và nghị định của CP, thậm chí là chương trình quốc gia, có một số là… ảo, không mang lại tác dụng răn đe, ngăn ngừa. Ví dụ như kê khai tài sản, kê khai xong rồi cơ quan quản lý đút vào ngăn cất, còn kê khai có đúng hay không, có hợp lý hay không thì không ai biết. Thế thì bản kê khai để trong hộc bàn đó không có ý nghĩa gì cả.
Nhưng đáng chú ý nhất là phát ngôn này:
Ban Nội chính yêu cầu Công an TP giải trình, tại sao án tham nhũng được phát hiện do trinh sát là ít. Tôi đã nói thẳng không phải là ít mà là không có. Lý do vì CATP cũng phải chấp hành Chỉ thị 15. Hầu hết đối tượng thực hiện hành vi tham nhũng là đảng viên mà công an thì không được quyền tổ chức trinh sát đảng viên (Infonet, ngày 09/3)
Ôi chao! Đến cơ quan công an cũng không được quyền tiếp cận để điều tra, thì tham nhũngtrông chết cười… ngạo nghễ, là phải.

Pháo nổ thường xuyên được vận chuyển lậu qua biên giới trong những ngày giáp Tết (Ảnh: TTXVN)

Chỉ thị 15 và lợi ích nhóm?

Nhưng chỉ đến khi Tướng Phan Anh Minh đề cập đến Chỉ thị 15 thì dư luận XH mới ngớ người, vì không hiểu đầu cua tai nheo cái chỉ thị này ra … răng, mà đến tướng CA với tham nhũng cũng đành chịu kiểu gần nhau trong tấc gang, mà biển trời cách mặt?
Hóa ra, đó là Chỉ thị 15-CT/TW về sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án và công tác bảo vệ Đảng. Theo quy định của chỉ thị này: Các cơ quan bảo vệ pháp luật khi phát hiện có dấu hiệu đảng viên vi phạm đều phải báo cáo bằng văn bản với tổ chức đảng, cấp uỷ đảng quản lý trực tiếp đảng viên đó, khi được tổ chức đảng, cấp uỷ đảng xem xét đồng ý cho điều tra, khởi tố, bắt...thì cơ quan bảo vệ pháp luật mới được tiến hành các biện pháp tố tụng.(Lao động, ngày 10/3)
Về tinh thần, Chỉ thị 15 phản chiếu tư tưởng Đảng lãnh đạo toàn diện đối với cơ quan bảo vệ pháp luật, ngăn ngừa hiện tượng chạy án, tiêu cực.
Nhưng cũng chính vì thế trong thực tế, rất nhanh, có không ít kẻ ở cơ sở đã biến Chỉ thị này thành “bảo bối” để… bảo kê cho những hành vi tham nhũng tội lỗi.
Vì sao?
Vì tâm lý nể nang, và biết đâu, đằng sau đó lại ẩn chứa những tiêu cực khác? Tiêu cực nối tiếp tiêu cực? Dẫn đến có những tội lỗi có thể xử lý hình sự, bỗng thành xử lý hành chính. Đây chẳng phải hiện tượng hiếm và quý, mà rất phổ biến từ nhiều năm nay. Xin trích đăng ý kiến của một trang Kiểm toán Nhà nước:
Số vụ án tham nhũng được phát hiện và xử lý năm 2012 tăng nhưng chưa tương xứng với tình hình thực tế. Một số vụ án lớn, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng nhưng lại không phát hiện được hành vi tham nhũng hoặc ban đầu khởi tố, điều tra về hành vi tham nhũng nhưng sau đó lại chuyển sang các tội danh khác nhẹ hơn. Nhiều vụ án tham nhũng được xét xử dưới khung hình phạt, cho hưởng án treo.
Vì tâm lý bệnh thành tích. Người lãnh đạo các cơ sở rất ngại điều tiếng cơ sở mình, theo kiểutốt đẹp phô ra xấu xa đậy lại.
Tất cả những cái “Vì” trên đây, thực chất vẫn là biến tướng của lợi ích nhóm. Sự tha hóa và suy thoái tổ chức nội bộ chính là bắt nguồn từ những biến tướng kiểu này.
Và cuối cùng, đây cũng quan trọng không kém, vì luật pháp thực sự không được hành động độc lập, không được tôn trọng.
Cái biết chết liền đó, cuối cùng ai cũng có thể biết!
Từ vụ việc của tập đoàn FLC, của ngư dân Sầm Sơn Thanh Hóa đến những phát ngôn ấn tượng của tướng CA, cho thấy bóng ma lợi ích nhóm luôn ngự trị và lởn vởn trong XH này. Đặc biệt, trong công cuộc chống tham nhũng, thì sự “vô hiệu hóa” cuộc chiến là … rất tinh vi.
Nước Việt sẽ phát triển kiểu gì trong sự chằng chéo, chia sẻ, co kéo của các kiểu lợi ích nhóm?


Kỳ Duyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét