Thứ Năm, 31 tháng 3, 2016
NHIỀU ĐBQH PHẢN ĐỐI VIỆC CHỌN NHÀ THẦU TRUNG QUỐC
NHIỀU ĐBQH PHẢN ĐỐI VIỆC CHỌN NHÀ THẦU TRUNG QUỐC
Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến. Ảnh: VTC.
.
Trung Quốc trúng thầu đường nước sông Đà:
'Đừng để cưỡi lên lưng hổ rồi không xuống được'
VTC
Thứ Sáu, 25/03/2016 05:17PM
(VTC News) - Bày tỏ quan điểm về việc công ty Trung Quốc trúng thầu dự án đường ống nước sông Đà, Đại biểu Quốc hội cho rằng đừng vì ham rẻ để đến lúc dở dang, cưỡi lên lưng hổ rồi không xuống được.
Vừa qua, thông tin công ty Xinxing (Trung Quốc) vừa trúng thầu cung cấp đường ống nước sông Đà với giá rẻ hơn 11,8% so với giá phê duyệt đã khiến dư luận xôn xao.
Ngày 23/3, ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng Giám đốc Công ty CP nước sạch Vinaconex (Viwasupco) - chủ đầu tư dự án nước sạch sông Đà số 2 cho biết đã rút kinh nghiệm từ những sự cố vỡ đường ống số 1, lần này ngay từ khi lập dự án đã rất cẩn trọng.
Ông Tốn khẳng định quá trình lựa chọn nhà thầu được thực hiện đầy đủ các quy trình với nhiều đơn vị tư vấn thẩm định có uy tín từ khâu lập dự án, chọn vật liệu đến mời thầu.
;
Đường ống nước sạch sông Đà số 1 sẽ phải tiếp tục “gồng mình” nếu tuyến ống số 2 chậm tiến độ - Ảnh: Lê Quân/Thanh Niên
Liệu có lợi ích nhóm đằng sau việc ham rẻ?
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội cũng tỏ ra băn khoăn khi biết thông tin này.
Liệu có lợi ích nhóm đằng sau việc ham rẻ đó không. Cử tri và người dân đã đặt các câu hỏi như thế
ĐBQH Lê Như Tiến
Khi tiếp xúc cử tri, ông Tiến đã nhận được rất nhiều ý kiến băn khoăn đặt câu hỏi tại sao chúng ta lại chỉ chọn những nhà thầu của Trung Quốc như thế.
"Liệu có lợi ích nhóm đằng sau việc ham rẻ đó không. Cử tri và người dân đã đặt các câu hỏi như thế", ông Tiến nói.
Ông Tiến cũng cho rằng, rất nhiều dự án do các nhà thầu Trung Quốc thực hiện như dự án đường sắt trên cao ở Hà Nội tuyến Hà Đông - Cát Linh vừa kéo dài thời gian, vừa đội vốn, thậm chí đội vốn lên 100%, chính là bài học rất đắt giá.
"Chính vì vậy, những người quyết định phải rất quan tâm đến năng lực, chất lượng còn nếu để cho nhiều công trình như đường sắt trên cao ở Hà Nội thì chỉ có gây tốn kém, lãng phí của dân, của nước và thực chất đó là tiền thuế của dân.
Ông Tiến cũng nhắc lại việc đường ống nước Sông Đà thường xuyên bị vỡ trong thời gian qua đã khiến hàng chục, trăm nghìn người dân phải lao đao, bất ổn.
“Cho nên chúng ta quan tâm là chất lượng, không phải bỏ thầu thấp rồi trong quá trình làm chúng ra lại rơi vào thế đã cưỡi lên lưng hổ rồi không thể xuống được”, ông Tiến cho hay.
Khi công trình dang dở, đình trệ, chậm tiến độ chúng ta lại phải bỏ thêm vốn để làm.
“Vì thế, tôi đề nghị người có trách nhiệm trong việc quyết định thầu phải hết sức cẩn trọng, vì dân, vì nước nhiều hơn chứ đừng vì bỏ thầu thấp hay gì đó đằng sau", ông Tiến nói.
.
Đại biểu Lê Như Tiến
Vị đại biểu này cũng nhắc lại bài học của một số đơn vị khi mua nhiều trang, thiết bị của Trung Quốc về nhưng không sử dụng được và sau đó, phát hiện đằng sau đó là việc nhận lót tay.
"Dự án đường ống nước sông Đà không những là công trình xây dựng quan trọng mà còn là công trình đảm bảo dân sinh cho người dân. Nếu chẳng may vừa đưa vào dùng lại xảy ra vỡ liên tục, gây thiếu nước cho người dân thì điều gì sẽ xảy ra đây. Không chỉ là lãng phí, mất tiền của mà hơn thế lòng tin của người dân sẽ mất", ông Tiến nói.
Đồng thời, ông Tiến cũng đề nghị, đối với tất cả các công trình vì giá bỏ thầu thấp, nếu sau này để xảy ra sự cố nghiêm trọng thì phải đi ngược lại tìm trách nhiệm của các cá nhân có liên quan.
Nếu như anh có ban bệ đầy đủ, cả Hội đồng mà vẫn để lọt các nhà thầu chỉ vì giá bỏ thầu thấp nhưng kém chất lượng thì phải quy trách nhiệm của cá nhân và cả Hội đồng.
Và người dân, các nhà khoa học cũng có thể đặt dấu hỏi về việc tại sao đầy đủ như thế mà vẫn bỏ lọt. Đây có phải do trình độ yếu kém hay do nguyên nhân nào khác, vì lợi ích nhóm đằng sau", ông Tiến nói thêm.
Vị đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị cho rằng hiện nay có rất nhiều các nhà thầu ở các nước, các khu vực như Tây Âu có bề dày kinh nghiệm, khoa học phát triển nhưng không hiểu lý do vì sao chúng ta không lựa chọn.
"Không hẳn do kinh tế khó khăn nên chúng ta ham rẻ mà ở đây là do tầm nhìn hạn chế. Ở đây, chúng ta thấy rẻ trước mắt đấy nhưng liên tục phải bỏ vốn thêm ra 2, 3 lần như thế. Hoặc lẽ ra có thể sử dụng công trình cả trăm năm thì chỉ trong vòng vài năm đã hỏng, chúng ta lại tiếp tục đập đi làm lại thì tốn kém hơn rất nhiều”, ông Tiến nêu quan điểm.
Vì vậy, vị đại biểu này cho rằng không nên chỉ tập trung vào một nhà thầu mà đã đấu thầu cần lựa chọn nhiều nhà thầu có năng lực.
“Tôi chỉ nhắc lại rằng, đường sắt trên cao ở Hà Nội là một minh chứng cho việc kéo dài nhiều năm, đội vốn lên nhiều lần", ông Tiến nói.
Đấu thầu chỉ dựa vào giá sẽ lợi bất cập hại.
.
Đai biểu Trần Du Lịch
Cũng có cùng quan điểm này, đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) cho rằng, lâu nay, chúng ta bị "lệch lạc" khi chỉ xem xét đến vấn đề giá. Khi thảo luận về Luật Đấu thầu, ông Lịch cũng đã nêu ý kiến về việc "tiền nào của ấy, dự án giá rẻ nhưng cuối cùng lại đắt".
"Dự án giá rẻ nhưng cuối cùng chất lượng kém, kéo dài thời gian thành đắt và đây là bài học nhãn tiền. Nếu đấu thầu những công trình mà chỉ dựa vào giá sẽ là lợi bất cập hại. Còn trong đấu thầu, giá chỉ là một điểm tham khảo còn yếu tố quan trọng hơn là thời gian. Thời gian chính là tiền bạc”, ông Lịch nêu quan điểm.
Lý giải cho việc, vì sao cứ nhắc đến nhà thầu Trung Quốc thắng thầu lại có vẻ lo lắng, ông Lịch bày tỏ, đó chính là do lâu nay, chất lượng của nhiều công trình nhà thầu Trung Quốc thi công quá kém dẫn đến tâm lý của người dân cảm thấy sợ.
"Từ xi măng lò đứng, tới nhà máy điện, đường sắt trên cao rồi bao nhiêu công trình do nhà thầu Trung Quốc làm giá rẻ nhưng cuối cùng lại kéo dài thời gian thi công, đội giá lên... đã làm cho người ta mất cảm tình", ông Lịch cho hay.
Tuy nhiên, ông Lịch cũng nhìn nhận khách quan và cho rằng không nên ác cảm với nhà thầu Trung Quốc mà nên nhìn nhận vào từng vụ việc cụ thể.
"Quan điểm của tôi nên nhìn từng cái cụ thể và không nên ác cảm. Chúng ta phải nhìn xem công nghệ của đơn vị đó sử dụng như thế nào.
Nếu như chất lượng, công nghệ tốt, thời gian thi công tốt... thì chúng ta không nên ác cảm", ông Lịch chia sẻ.
Người chọn thầu phải công bố toàn bộ tiêu chí kỹ thuật
.
Đại biểu Bùi Thị An
Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) cũng cho hay, liên quan đến chuyện hợp đồng quốc tế thì họ có quyền tham gia đấu thầu và lao động trên đất nước Việt Nam và đây thuộc về thỏa thuận giữa hai nước nên không thể can thiệp.
Tuy nhiên, đối với đường ống nước sông Đà, đây là việc rất quan trọng vì ảnh hưởng đến cuộc sống của dân, an sinh xã hội.
Nếu như mai kia có sự cố gì xảy ra thì xin mời các vị chấm thầu và chọn thầu chịu trách nhiệm trước dân, trước Quốc hội, trước TP Hà Nội.
ĐBQH Bùi Thị AnNếu như mất nước thì Hà Nội sẽ có từ 15.000-20.000 người bị ảnh hưởng cho nên các công trình thì đều rất quan trọng. Công trình này đặc biệt quan trọng vì liên quan đến vấn đề an sinh xã hội, liên quan đến cuộc sống của dân.
Để đảm bảo sự giám sát của toàn xã hội, đại biểu Bùi Thị An đề nghị người chọn thầu phải công bố công khai toàn bộ tiêu chí về mặt kỹ thuật của đường ống nước sông Đà.
“Những tiêu chí đã nêu ra để các nhà thầu tham gia, về tiêu chuẩn kỹ thuật, tuổi thọ đường ống, vệ sinh an toàn thực phẩm, thậm chí giá cả cũng công bố được.
Phải công bố rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng, báo hình, báo viết để cộng đồng giám sát, nếu như mai kia có sự cố gì xảy ra thì xin mời các vị chấm thầu và chọn thầu chịu trách nhiệm trước dân, trước Quốc hội, trước TP Hà Nội", bà An nói.
Bà An cũng cho biết thêm, với dự án đường ống nước sông Đà giai đoạn 1, đường ống đã dùng công nghệ Trung Quốc, 3 năm 17 sự cố.
Vì thế, giai đoạn 2 chúng ta lại tiếp tục lựa chọn nhà thầu Trung Quốc, thì cũng nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia về ngành cấp thoát nước, vật liệu.
_________________
TỄu Blog: Quá nguy hiểm! Chúng tôi kêu gọi Chính phủ VN và lãnh đạo TP Hà Nội hủy bỏ dự án này với nhà thầu Trung Quốc. Vì những lý do sau đây:
1- Các nhà thầu TQ thường lừa chúng ta. Quả đẳng Đường trên cao Hà Đông - Cát Linh đã lãnh đủ.
2- Đường nước sông Đà có liên quan đến nước dân sinh của hàng triệu người dân Thủ Đô ở các quận nội thành. Đặc biệt các cơ quan đầu não của trung ương. Nếu đường nước này được thiết kế để 'xả độc' từ từ hoặc đột ngột ồ ạt thì cả thành phố bị bệnh tật, thương hàn, ỉa chảy v.v. Hoặc đơn giản chỉ cần gây sự cố để Hà Nội mất nước 3 ngày thì sẽ ra sao? Ai sẽ chịu trách nhiệm?
3- Đường nước sông Đà này đi qua địa bàn chiến lược về quân sự là khu vực Sơn Tây - Hòa Lạc, nơi có hàng chục trường sĩ quan và các đơn vị huấn luyện và hậu cần của Quân đội Việt Nam, sẽ ra sao nếu khi thi công có một ngách hầm đặt bom hoặc vũ khí, do những người thuộc quân đội Trung Quốc bí mật làm. Ai sẽ chịu trách nhiệm?
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét