Quan chức Việt ngồi nhiều: Ẩn ý của người Mỹ
Đăng bởi Trung Lập on Thứ Hai, ngày 28 tháng 3 năm 2016 | 28.3.16
Quan chức địa phương Việt Nam hãy mau rời khỏi bàn làm việc, đừng ngồi mãi ở văn phòng. Ảnh minh họa
Theo ông Trần Quốc Thuận, sự biến chất đáng lên án nhất là người ta vô tâm trước sự đau khổ, nghèo khổ của người dân.
Quan chức Việt uống rượu đắt hơn Nhật: Thế giới ngả mũ
'Bệnh' mới của quan chức Việt
Hãy đi, hãy nghe và hãy thấy
Tại cuộc tọa đàm hôm 23/3, Tham tán thương mại (Đại sứ quán Mỹ) có nhắc khéo đến một căn bệnh của quan chức Việt, đó là bệnh ngồi nhiều. Theo đó, ông này có đưa ra một lời khuyên rằng, quan chức, lãnh đạo địa phương Việt Nam hãy mau rời khỏi bàn làm việc, đừng ngồi mãi ở văn phòng mà phải chủ động tìm đến hội nghị quốc tế để gặp gỡ nhà đầu tư tiềm năng.
Lý giải về nhận định này, ông Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, bản chất của quan chức Việt xuất thân chủ yếu từ nông dân, chịu ảnh hưởng tư tưởng phong kiến nên hễ có chút quan là phải có người phục vụ. Họ cần người tham mưu để điều công việc. Và sâu xa nhất là bản chất quan liêu, tư tưởng hễ làm quan thì nghĩ tới chuyện hưởng thụ.
"Nhưng bên cạnh đó còn một câu chuyện khác. Việt Nam đang hòa nhập với thế giới, nhất là đầu tư nước ngoài vào Việt Nam rất nhiều nên có nhiều cái mới, không chỉ mới về khoa học kỹ thuật, phương tiện... mà còn mới về ứng xử, con người. Lớp trẻ bây giờ, ngay cả công nhân cũng rất giỏi, họ thành thạo máy móc, điện tử, khoa học... Thử hỏi quan chức Việt có hiểu đó là cái gì không? Họ có biết một xã hội công nghiệp đang phát triển trên đất nước mình, mỗi người , mỗi khâu làm việc phải như thế nào?
Cho nên nếu không tiếp cận thực tế thì làm sao đầu óc mở ra được. Ở ngoài đời cuộc sống đang sôi nổi, tiếp cận với văn minh, khoa học, thế giới mới. Có lẽ câu nói của vị đại diện thương mại Mỹ ẩn chứa ý rằng: đầu óc của giới quan chức các anh còn lạc hậu so với những gì đang diễn ra trên đất nước của các vị, với thế giới. Do đó hãy nghe, hãy đi và hãy thấy, tự nhiên đầu óc sẽ mở mang ra và khi ấy đất nước mới khá lên, dân mới đỡ khổ", ông Thuận phân tích.
Về việc một chuyên gia kinh tế Việt Nam lại đề cập đến việc trưởng JICA được quan chức địa phương Việt Nam mời uống những chai rượu hàng nghìn đô la mà ở Nhật người ta cũng không dám uống, theo ông Thuận, ấy là do cơ chế đã làm hư con người.
"Tôi nhớ Chủ tịch Quốc hội khi đề cập đến thủ tục hành chính ở Việt Nam đã nói rằng thủ tục hành chính của mình cay độc, độc ác lắm, quá nhiều thủ tục hành chính gây phiền hà cho người dân. Nhiều thủ tục để để có tiền thì mới xong.
Nếu một nền hành chính có hành lang pháp lý rõ ràng, nghiêm chỉnh để mọi người làm việc thì không đến nỗi buộc người dân phải hối lộ, đó là tiền mồ hôi, nước mắt cực khổ của họ. Trong khi đó, với người nhận hối lộ, bởi đó không phải là đồng tiền do mồ hôi, nước mắt họ làm ra nên họ xài rất phung phí, ăn uống, mua xe sang, xây biệt thự, cúng đình chùa tiền tỷ để đúc chuông, đúc tượng... Khi còn công tác, tôi cũng đi địa phương và nhiều lúc thấy quan chức địa phương mở ra những chai rượu 25-30 tuổi giá không hề rẻ, lên tới hàng chục triệu đồng.
Cứ nói trách nhiệm của người đứng đầu nhưng trách nhiệm đâu chưa thấy chỉ thấy quyền lực của người đứng đầu. Khi quyền lực có nhiều thì tự nhiên người ta phải cung phụng nhiều dẫn tới tham nhũng nhiều. Đến khi xảy ra việc gì thì đổ lỗi tập thể. Khi quyền lực của người đứng đầu to như thế thì ai dám cãi?", nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội thẳng thắn.
Chia sẻ thêm về thời gian còn công tác, ông Trần Quốc Thuận cho hay ông đã đi dự nhiều hội nghị quốc tế và họ nói nhiều đến việc cơ quan quyền lực chỉ nên kiểm soát một thứ mà thôi, đó là tài chính.
"Tại sao Quốc hội Mỹ ra một nghị quyết gì là chính phủ phải ngừng làm việc? Ở Việt Nam có quyền lực như vậy không? Ở nước khác, theo luật, họ chi tiết hóa các khoản chi, nhà thầu nọ, nhà thầu kia. Còn ở Việt Nam, liên quan đến nhà thầu Trung Quốc, người dân ai cũng biết, truyền hình cũng nói công khai, đó là thời gian thi công kéo dài, giá lúc đầu rẻ nhưng cuối cùng hóa đắt.
Có người đã thẳng thắn nói, văn hóa Trung Quốc là văn hóa đồng tiền đi trước. Điều này đã được xem xét nghiêm túc chưa?
Xã hội bây giờ đủ thứ tội phạm, từ kinh doanh đa cấp đến hàng lậu, hàng giả, làm ăn gian dối... chỉ khi báo chí lên tiếng thì cơ quan chức năng mới chạy theo kiểm tra. Thử hỏi bộ máy cồng kềnh này ăn lương để làm gì? Trong khi đó, những người buôn bán nhỏ ngoài chợ, ngoài phố ngày kiếm được vài chục ngàn đồng cũng bắt họ phải đóng thuế 2-3.000 đồng. Ai sẽ lắng nghe những chuyện đau lòng đó", ông Thuận đau lòng nói.
Ông chỉ rõ, hậu quả của việc nhiều quan chức "ăn trên ngồi trốc", thiếu thực tế đang diễn ra ngay trước mắt, đó là nợ công của Việt Nam tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn.
Nhưng ông trăn trở, những câu chuyện ở trên đều đã được giãi bày trước Quốc hội nhưng có lẽ nói cũng chỉ để nói mà thôi, cá nhân ông chưa thấy ai có giải pháp gì, có chăng là giải pháp "trên trời", trong khi nghị quyết thì rất nhiều.
Mong hồi tâm
Theo ông Trần Quốc Thuận, quan chức Việt phải đi thực tế mới thấy người dân chịu khổ nhiều, để từ đó hồi tâm, biết thương dân. Nhân chuyện một đại biểu trong kỳ họp Quốc hội này chỉ ra thực trạng "một ông nông dân cõng bốn ông công chức béo", ông Trần Quốc Thuận một lần nữa nhấn mạnh, sự hư hỏng của con người bắt đầu từ cơ chế, chính vì thế cần phải cải cách mạnh.
"Trước đây có lãnh đạo tỉnh từng đi "vi hành" bắt quả tang cán bộ, công chức la cà quán cà phê, quán bia trong giờ làm việc. Nhiều người khen vị lãnh đạo đó không quan liêu, thế nhưng theo tôi cần truy trách nhiệm của chính người đứng đầu ấy. Vì sao? Vì vị lãnh đạo đã không biết tổ chức bộ máy với cơ chế thích hợp để nhân viên phải đầu tắt mặt tối làm việc hết giờ. Công việc quá nhàn, bộ máy ngày càng phình to lên bởi người ta đua nhau vào một cách vô tội vạ, mà cũng phải có tiền mới vào được. Điều đáng lo ngại nhất, cái biến chất đáng lên án nhất chính là việc người ta vô tâm trước sự đau khổ, nghèo khó của người dân", ông Thuận lưu ý.
Bởi vậy, ông kiến nghị cần tổ chức lại bộ máy và có sự kiểm soát chặt chẽ để cán bộ, công chức làm được việc hay không làm được việc là biết ngay. Ông đánh giá cao tổ chức bộ máy của xã hội phương Tây, con số thất nghiệp của họ là thất nghiệp thật. Cái hay của họ là tổ chức xã hội mà ai cũng có việc làm và đội ngũ thất nghiệp thật chính là đội ngũ dự phòng để có thể sẵn sàng thay thế thành phần làm việc biến chất bị đào thải ra.
"Tổ chức bộ máy mà mọi người có việc làm, có thu nhập, đất nước phát triển, giàu lên là đương nhiên. Còn Việt Nam, tổ chức xã hội khiến nhiều người ăn bám, vào cơ quan nhà nước ăn lương rồi tìm cách thu nhập bất chính, lương công khai mười mấy triệu đồng nhưng vẫn xây nhà to, cho con đi học nước ngoài. Đó chính là sự suy thoái mà bản chất của nó là tâm đức của con người gần như không còn xúc động trước sự đau khổ của người dân", ông Trần Quốc Thuận bày tỏ.
Thành Luân
(Đất Việt)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét