Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2016
Vì sao phải gấp rút bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo Nhà nước?
Kami - Vì sao phải gấp rút bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo Nhà nước?
Đăng bởi Hai Hoang Van on Thứ Bảy, ngày 26 tháng 3 năm 2016 | 26.3.16
Hình minh họa
Theo truyền thông nhà nước cho biết, kỳ họp thứ 11 - kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa 13 sẽ diễn ra từ ngày 21/3 - ngày12/4/2016. Trong kỳ họp Quốc hội lần này sẽ có 10 ngày rưỡi để tiến hành công tác nhân sự, trong việc bầu chọn các chức danh lãnh đạo chủ chốt của nhà nước trong nhiệm kỳ 2016-2021. Đó là: Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Nước và Thủ tướng Chính phủ, mà theo các thông tin trước đó cho biết, Hội nghị BCHTW Đảng CSVN khóa 14 đã đề cử các ông bà: Nguyễn Thị Kim Ngân, Trần Đại Quang và Nguyễn Xuân Phúc.
Việc này diễn ra sớm bất thường đã tạo nên một dư luận phản đối mạnh mẽ, khi cho rằng đây là sự vi phạm trắng trợn các quy định của Hiến pháp và các văn bản pháp luật hiện hành. Vì theo Hiến Pháp năm 2013 thì:
Điều 2 Hiến pháp đã khẳng định nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Điều 6 quy định nhân dân sử dụng quyền lực Nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân là những cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân.
Ðiều 83 Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp. Quốc hội quyết định những chính sách cơ bản về đối nội và đối ngoại, nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước, những nguyên tắc chủ yếu về tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước, về quan hệ xã hội và hoạt động của công dân. Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước.
Ðiều 102 Chủ tịch nước do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội. Chủ tịch nước chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội. Nhiệm kỳ của Chủ tịch nước theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chủ tịch nước tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khoá mới bầu Chủ tịch nước mới.
Và theo Luật Tổ chức Quốc hội đã quy định rõ:
“Điều 8. Bầu các chức danh trong bộ máy nhà nước
1. Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội trong số các đại biểu Quốc hội theo danh sách đề cử chức vụ từng người của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa trước.
2. Quốc hội bầu Chủ tịch nước trong số các đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Quốc hội bầu Phó Chủ tịch nước trong số các đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Chủ tịch nước.
3. Quốc hội bầu Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội trong số các đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
4. Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ trong số các đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Chủ tịch nước.
5. Quốc hội bầu Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao theo đề nghị của Chủ tịch nước.
6. Quốc hội bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Tổng Kiểm toán nhà nước, Tổng thư ký Quốc hội theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
7. Ngoài những người do cơ quan hoặc người có thẩm quyền quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều này đề nghị, Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội quyết định danh sách những người ứng cử để bầu vào chức danh quy định tại Điều này trong trường hợp đại biểu Quốc hội ứng cử hoặc giới thiệu thêm người ứng cử.
8. Sau khi được bầu, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp”.V.v... và v.v...
Trước hết, cần phải khẳng định rằng, việc phiên họp cuối cùng của Quốc hội khóa 13 sẽ làm thay Quốc hội khóa 14 trong việc phê chuẩn 3 chức danh lãnh đạo chủ chốt của nhà nước trong nhiệm kỳ 2016-2021 là điều vi phạm hiến pháp và pháp luật hiện hành của Nước CHXHCN Việt nam.
Về lý do "Vì sao phải gấp rút bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo chủ chốt?", nhiều người cho đó là việc "thay ngựa giữa dòng" hoặc là "cuộc đảo chính ngoạn mục" v.v... . Song nếu hiểu, giai đoạn từ sau Đại hội đảng toàn quốc lần thứ 12 đến khi chính thứccó Quốc hội 14 là thời gian gọi là khoảng trống quyền lực. Đó là lúc bộ máy nhà nước như rắn không đầu, các lãnh đạo cũ đã chính thức mất hết quyền lực và đã chuẩn bị tinh thần về nghỉ hưu, còn các lãnh đạo mới thì chưa có thực quyền. Trong một tình trạng thoái trào cuối nhiệm kỳ như vậy, thì có lẽ khó có thể gọi đó là việc "thay ngựa giữa dòng" hoặc "cuộc đảo chính ngoạn mục trong cung đình" được?
Thậm chí, có người cho rằng: "Đây là một cuộc lấn quyền, một cuộc tiếm quyền, một cuộc ‘’tiền đảo chính‘’, cướp đoạt quyền hạn của khóa Quốc hội thứ XIV ngay trước khi nó được dân bầu ra. Đây là một chủ trương chính trị sai lầm, liều lĩnh, có thể nói là điên rồ, tùy tiện, có thể tạo nên hỗn loạn ngay trong cơ chế Nhà nước, trong bộ máy cầm quyền, trao nhiệm vụ chính thức cho những người chưa hề có chức!". Cách đặt vấn đề như thế vô tình đã thừa nhận rằng Quốc hội Việt nam từ xưa đến nay vẫn có cái gọi là quyền lực được nhân dân trao cho, đó là điều mà xưa nay chỉ tồn tại trên giấy, còn trên thực tế thì hoàn toàn chưa bao giờ có. Mà thực chất Quốc hội Việt nam chỉ là tấm bình phong hợp thức hóa các nghị quyết của Đảng CSVN, chứ không hề có thực quyền.
Cũng có ý kiến thấy rằng, đây là việc làm đã từng có tiền lệ, với dẫn chứng cách đây 10 năm Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được Quốc hội khóa 11 phê chuẩn thay thế Thủ tướng Phan Văn Khải trong một tình huống tương tự, thì cũng không đúng. Vì khi đó Thủ tướng Phan Văn Khải đã đề đơn từ chức ngày 16/6/2016 và được Quốc hội khóa 11 chuẩn thuận để chuyển giao quyền lực lại cho ông Nguyễn Tấn Dũng trước thời gian bầu cử Quốc hội khóa 12 khoảng 1 năm. Nếu so sánh việc này với việc Quốc hội khóa 13 trong kỳ họp cuối cùng, sẽ làm thay Quốc hội khóa 14 trong việc phê chuẩn 3 chức danh lãnh đạo chủ chốt của nhà nước trong nhiệm kỳ 2016-2021, với việc nêu trên là điều hoàn toàn khiên cưỡng. Điều đó chỉ đúng khi, nếu Quốc hội khóa 14 ra mắt vào khoảng giữa năm 2016, sẽ tiến hành bầu lại các chức danh Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Nước và Thủ tướng Chính phủ, một việc có thể làm một cách hết sức dễ dàng.
Nhiều ý kiến cho rằng, đây là sự khởi đầu cho một cuộc chỉnh lý để nhanh chóng triệt hạ quyền lực của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và thuộc hạ của ông Dũng. Điều này xem ra cũng không thuyết phục cho lắm. Bở vì Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, những người được dư luận cho rằng là những người vốn không ưa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và gần gũi với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại sao cũng bị hạ bệ? Và ngược lại, Phó Chủ tịch Quốc hội - bà Nguyễn Thị Kim Ngân một người được cho là thân cận với ông Dũng, được nhanh chóng đưa lên chức vụ Chủ tịch Quốc hội. Nếu chỉ nhằm "chặt chân chặt tay" Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mà làm như thế thì sẽ giải quyết được vấn đề gì?
Trong lúc chính bản thân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã không ít lần khẳng định rằng "Đảng ta là Đảng cầm quyền, Đảng đã phân công tôi tiếp tục làm Thủ tướng và Quốc hội đã bỏ phiếu tín nhiệm. Gần suốt cuộc đời tôi theo Đảng, tôi không chạy, xin hay thoái thác bất cứ nhiệm vụ gì Đảng giao". Điều đó có nghĩa rằng, trên danh nghĩa ông Nguyễn Tấn Dũng luôn tuân thủ mọi nhiệm vụ của Đảng giao cho mình. Theo VOV cho biết, kết thúc phiên họp Chính phủ sáng 26/3/2016, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có đôi lời phát biểu chia tay các thành viên Chính phủ. Theo đó, Thủ tướng nhấn mạnh rằng “Trước hết tôi có lời chân thành cảm ơn các đồng chí thành viên Chính phủ, các đồng chí thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, tạo mọi điều kiện để tôi thực hiện nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao. Chúng ta đã đoàn kết, chung sức đồng lòng trong suốt 10 năm qua, bên cạnh thuận lợi có khó khăn, thách thức. Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước cũng đã có đánh giá. Việc Trung ương bỏ phiếu tín nhiệm dành tỷ lệ phiếu tín nhiệm cao nhất đối với tôi, đó là nỗ lực của tập thể Chính phủ”. Đồng thời Thủ tướng có lời chúc được cho là rất hóm hỉnh: “Chúc các đồng chí và tôi cũng chúc tôi cùng 15 đồng chí Bộ trưởng, trưởng ngành nghỉ chế độ đợt này giữ gìn sức khỏe, làm công dân tốt, đảng viên tốt, làm người tử tế. Mỗi đồng chí tuỳ theo hoàn cảnh mà đóng góp sức mình cho Đảng, cho dân”. Điều đó trên danh nghĩa cho thấy, mọi chuyện đối với ông Nguyễn Tấn Dũng cũng đã an bài và có lẽ ông Dũng cũng đã chấp nhận chấm dứt sự nghiệp chính trị của ông ta đã kết thúc.
Cũng có ý kiến cho rằng, một trong những lý do ban lãnh đạo Đảng CSVN vội vã dùng Quốc hội khóa 13 sẽ làm thay Quốc hội khóa 14 trong việc phê chuẩn 3 chức danh lãnh đạo chủ chốt của nhà nước trong nhiệm kỳ 2016-2021. Với lý do vì họ lo lắng rằng, trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa 14 vào tháng 5/2016 sắp tới, khi mà Mặt Trận Tổ Quốc Việt nam cơ quan giữ vai trò quan trọng nhất trong việc tuyển chọn các ứng cử viên Đại biểu Quốc hội và tổ chức này đang nằm trong tay ông Nguyễn Thiện Nhân, một người thân cận của ông Nguyễn Tấn Dũng hiện đang giữ cương vị Chủ tịch. Nhất là trong bối cảnh cuộc bầu cử Quốc hội khóa 14 được đánh giá rằng, phía nhà nước có nhiều động thái cho thấy họ tỏ ra cởi mở hơn trong việc đối xử với các cá nhân tự ứng cử. Đây là một điều chưa từng có trong suốt thời gian nắm quyền của Đảng CSVN từ trước tới nay. Đây có lẽ chỉ là một sự phỏng đoán, khó thể nói là có cơ sở vì nếu nói như thế cũng có nghĩa là ông Dũng cũng đã bỏ của chạy lấy người(!?)
Ý kiến của LS. Trần Quốc Thuận khi cho rằng “Người ta cũng hy vọng rằng Tổng thống Obama sang thăm Việt Nam kỳ này, Tổng thống sẽ tuyên bố bỏ cấm vận vũ khí sát thương và nâng quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ lên quan hệ chiến lược toàn diện. Như vậy tình hình đòi hỏi cái đó và dĩ nhiên tình hình cũng đòi hỏi tính cách của những người lãnh đạo Việt Nam làm việc dài hạn về mặt Nhà nước và Đảng chứ không chỉ làm việc vài tháng rồi nghỉ.” là đáng quan tâm, trong việc giải thích lý do vì sao ban lãnh đạo Đảng CSVN thúc đẩy việc cần bàn giao nhân sự Nhà nước sớm. Vì Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama sẽ thăm chính thức Việt Nam trong tháng 5/2016. Nếu không thực hiện việc này thì về mặt nghi lễ chính thức, người tiếp đón ông Obama sẽ là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng người đứng đầu Chính phủ, hoặc ông Trương Tấn Sang Chủ tịch nước.
Trong một chế độ độc tài đảng trị như ở Việt nam, khi mà chính trị là quyền hợp pháp duy nhất của một đảng - Đảng CSVN. Ở đó một người giữ chức vụ cao nhất là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã công khai tuyên bố rằng : "Hiến pháp sửa đổi lần này là văn bản thể chế hóa cương lĩnh của Đảng", thì sẽ thấy đó là điều hết sức bình thường trong một nhà nước vô pháp luật. Nếu như hiểu rằng, hệ thống chính trị theo mô hình Xô viết của các quốc gia cộng sản nói chung và Việt nam nói riêng là hệ thống chính trị nằm dưới sự lãnh đạo duy nhất của đảng Cộng sản, vì thế việc lựa chọn các chức danh lãnh đạo quốc gia không phải là ý chí của dân chúng, mà sẽ do ban lãnh đạo đảng chỉ định. Ngoài ra, còn có các quy định bắt buộc các chức danh lãnh đạo chủ chốt: Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Nước và Thủ tướng Chính phủ phải là Ủy viên Bộ Chính trị đương nhiệm. Để giải quyết vấn đề khoảng trống quyền lực, đó là lúc bộ máy nhà nước như rắn không đầu, các lãnh đạo cũ chuẩn bị tinh thần về nghỉ, còn các lãnh đạo mới thì chưa có thực quyền. Thì việc nhanh chóng xóa bỏ khoảng trống quyền lực của các lãnh đạo hàng đầu quốc gia, là việc làm cần thiết và phù hợp.
Đây là những lý do hoàn toàn có cơ sở.
Song quan trọng hơn, qua đó càng cho thấy trong suốt thời gian mấy chục năm Đảng CSVN nắm quyền lãnh đạo quốc gia, thì họ luôn luôn lấy bạo lực thay cho luật pháp để làm phương tiện duy trì quyền lực và chuyên sử dụng phương cách nói một đằng nhưng làm một nẻo để lừa bịp dân chúng. Chứ làm gì có chuyện ""nhân dân sử dụng quyền lực Nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân là những cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân." như Hiến pháp quy định.
Ngày 26/03/2015
© Kami
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét