Thứ Bảy, 5 tháng 3, 2016
Lòng tham và thói lười lao động
Lòng tham và thói lười lao động
Reply
đa cấp, Liên kết Việt, lòng tham, lười lao động, society
5.3.16
Nói đến vụ lừa tiền được coi là siêu lừa tầm cỡ quốc gia thì một công ty đa cấp vừa rồi đã lừa đảo hơn 60.000 người với số tiền lên đến 1.900 tỉ đồng được đặt ở vị trí số một. Còn ở tầm cỡ địa phương nhỏ lẻ thì sao? Ở rất nhiều địa phương, chuyện cho vay nặng lãi, hụi hè... lừa gạt nhau số tiền vài chục đến vài trăm triệu đồng là chuyện “thường ngày ở huyện”. Trách ai đây?
Nạn nhân của chính mình
Những nạn nhân bị lừa lấy mất tiền nhưng đành ngậm ngùi trong chua xót bởi họ không là nạn nhân của ai khác ngoài... chính mình. Dư luận tập trung vào nguyền rủa, xỉ vả những kẻ “xù” ôm tiền chạy, gọi họ là vua lừa này kia nhưng tôi thấy trong chuyện này, kẻ đáng trách trước hết là những người tham gia. Những người này thấy lợi mà tối mắt, trong khi họ thừa sức để biết rằng, không có một cá nhân hay đơn vị làm ăn nào có thể kiếm ra từng đó lợi nhuận để trả cho lãi suất cao ngất ngưởng như vậy. Trong khi, biết bao nhiêu cá nhân, doanh nghiệp huy động vốn từ ngân hàng với lãi suất ưu đãi mà làm ăn vẫn khó khăn, thua lỗ, khủng hoảng và thậm chí nhiều trường hợp rơi vào phá sản.
Tóm lại, chuyện làm ra số lợi nhuận như số tiền lãi trả cho người cho vay là không tưởng. Có người còn kể mình bị mất 400 triệu đồng ngon ơ khi mảnh giấy ghi nợ bị chủ nợ giật lấy rồi xé nát ngay trước mặt. Thực ra, mảnh giấy đó có còn thì nó cũng không có chút giá trị gì về mặt pháp lí cả, thậm chí, nếu làm cho ra nhẽ biết đâu họ còn là người vi phạm pháp luật vì cho vay nặng lãi.
Nạn nhân hay là thủ phạm?
“Sống chết mặc bây, tiền thầy bỏ túi” là câu nói phù hợp nhất cho những vụ lừa kiểu đa cấp. Ông chủ lừa sẽ lừa người khác, người khác ấy sẽ lừa nhiều người tiếp theo và cứ như thế càng lừa được nhiều người thì số tiền vào túi họ càng nhiều. Chuỗi lừa ấy sẽ biến con người từ chỗ bị lừa sẽ thành kẻ lừa người khác. Cuộc lừa ấy cứ như thế kéo dài với số người tham gia ngày càng đông cho đến ngày... đổ bể. Vì vậy, 60.000 người bị lừa của Cty Liên Kết Việt với số tiền lên đến 1.900 tỉ đồng ấy ai được nhiều, ai mất nhiều... cũng tùy vào ở vị trí hoán đổi từ nạn nhân thành thủ phạm. Người tham gia được coi là bị hại trong vụ lừa kiểu này không chỉ hám lợi, muốn kiếm tiền nhanh chóng mà còn là những kẻ xấu muốn lừa tiếp người khác.
Cần giáo dục lòng say mê làm việc
Vì sao bao nhiêu bài học xương máu nhãn tiền vậy mà những chủ hụi, những công ty lừa đa cấp vẫn có đất sống? Không phải do nhận thức của người dân còn thấp bởi đối tượng tham gia không chỉ nông dân ít học mà phần lớn là những người có đủ nhận thức, những người có trình độ, có công việc ổn định và có cả người có chức vụ khá cao. Chính lòng tham và thói lười lao động đã thu hút nhiều người tham gia vào những chiêu trò này. Tâm lí muốn hưởng thụ và làm giàu nhanh chóng đã cuốn người ta vào những cuộc kiếm tiền dễ dàng bằng mọi giá.
Phải lao động mới hiểu được giá trị của đồng tiền chân chính. Phải lao động mới biết được vẻ đẹp của sự say mê làm việc. Chừng nào, chúng ta còn tham lam và muốn làm giàu bằng cách lừa gạt người khác, chừng nào chúng ta còn không giáo dục tình yêu lao động và thái độ say mê làm việc cho các thế hệ thì hiện tượng bể hụi hè, hiện tượng “xù” vì cho vay nặng lãi, hiện tượng siêu lừa đa cấp vẫn còn sinh sôi và phát triển.
Theo Lao Động
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét