Thứ Bảy, 5 tháng 3, 2016
- Không ai an toàn
VNTB- Không ai an toàn
1
Không ai an toàn, opposite, Phương Thảo, VNTB
6.3.16
Phương Thảo
(VNTB) - Vâng, cũng như Trung Quốc, ở Việt Nam chẳng có ai an toàn khi mà nhân quyền bị chà đạp thô bạo như thế.
Hai mươi năm trước Tổ chức Ân xá Quốc tế đã có bài báo cáo “Không ai an toàn ở Trung Quốc. ” Mới đây Benedict Rogers, một người đã sống và làm việc 20 năm ở Trung Quốc lại có cùng một nhận định và kêu gọi mọi người hãy cùng sát cánh lại để chống lại sự ức hiếp của chính quyền Trung Quốc đối với nhân quyền trong thời gian 3 năm Tập Cân Bình lên nắm quyền, dù rằng Benedict Rogers đã có lúc tin rằng Tập Cận Bình sẽ có các bước tiến nhằm thúc đẩy cải cách chính trị.
Không ai an toàn ở Trung Quốc
Benedict Rogers đã đề cập đến việc bắt bớ đàn áp hàng trăm luật sư ở Đại lục; việc đàn áp, đốt phá nhà thờ công giáo cũng như bắt giam các mục sư ở tỉnh Chiết Giang miền Nam Trung Quốc năm 2013. Trên tất cả là việc hình thành tôn thờ cá nhân có tính cách giáo phái mới nổi của Tập Cận Bình, cùng với việc ngày càng phổ biến tuyên truyền, kiểm duyệt và đàn áp tự do báo chí. Chưa nói đến sự tiếp tục đàn áp với người Tây Tạng, Tân Cương và học viên Pháp Luân Công. Trong một động thái bất thường, Tập Cận Bình cấm người Hồi giáo ở Tân Cương dự lễ Ramadan từ năm ngoái.
Cách cai trị Hồng Kông của Bắc Kinh cũng là điều được Rogers nhắc đến. Ông đề cập đến những chủ tiệm sách/nhà xuât bản ở Hồng Kông được cho là đã bị bắt cóc ở đại lục vì họ bán sách chỉ trích các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Điều này, kết hợp với sự đàn áp dần dần các hoạt động ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông, xét xử Joshua Wong và bạn bè anh, phản ứng giận dữ của chính phủ Hồng Kông khi cảnh báo Mỹ không 'can thiệp', và từ chối thẳng thừng những yêu cầu bầu cử phổ thông đầu phiếu qua phong trào Cách mạng Dù năm 2014, cho thấy rằng Bắc Kinh đã xé rách Tuyên bố chung Trung-Anh và Luật Cơ bản, hai tài liệu có ý nghĩa cung cấp một nền tảng ổn định cho Hồng Kông trong năm mươi năm đầu tiên dưới sự cai trị của Trung Quốc. Như cựu Toàn quyền Hồng Kông Anson Chan cho biết, tất cả điều này đã gióng lên "hồi chuông báo tử cho chính sách 'một quốc gia, hai hệ thống'".
Chưa hết, chính quyền Trung Quốc còn vươn tay ra đàn áp các nhà bất đồng chính kiến ở nước ngoài. Vào tháng Giêng, nhà hoạt động người Thụy Điển Peter Dahlin bị giam trong vài tuần, không được tiếp cận với đại sứ quán Thụy Điển, và chỉ được thả sau khi lên truyền hình "xưng tội", và thừa nhận vi phạm luật pháp Trung Quốc. Anastasia Lin, người đã được trao vương miện "Hoa hậu Thế giới Canada" năm ngoái, không chỉ là một nữ diễn viên Canada gốc Hoa xinh đẹp mà còn là một kẻ thù của nhà nước trong con mắt của Bắc Kinh. Cô đã bị từ chối nhập cảnh để tham dự vòng chung kết Hoa hậu Thế giới vì các bài phát biểu, bài viết và video về nhân quyền tại Trung Quốc.
Không ai an toàn ở Việt Nam
Chỉ vì những hành động đàn áp nhân quyền như thế mà Benedict Rogers đã cho rằng không ai an toàn ở Trung Quốc thì người dân Việt Nam cũng phải đang sống trong một bầu không khí không an toàn như thế.
Các luật sư nhân quyền Việt nam cũng đã bị đàn áp, luật sư Nguyễn Văn Đài và cộng sự- luật sư Lê Thị Công Nhân đã bị bắt và khởi tố vì “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” – một tội danh mà chính quyền Việt nam ưu ái dành cho bất kỳ nhà bất đồng chính kiến nào ở trong và ngoài nước. Ở Sài gòn, luật sư Lê Công Định cũng phải chịu tội danh tương tự với án tù năm 2009 cũng đã bị bắt khẩn cấp theo Điều 88, Bộ Luật hình sự, do "có các hành vi cấu kết với bọn cầm đầu phản động nước ngoài chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam". Song song với việc bắt giam này là chiến dịch bôi nhọ các luật sư, trong đó phải kể đến video nhận tội của luật sư Lê Công Định được truyền đi trên hệ thống truyền hình cả nước sau khi đã biên tập cắt xén nội dung các cuộc xét hỏi của cơ quan điều tra. Những việc làm này không khác gì với hành động đàn áp luật sư của người láng giềng Trung quốc cũng như Luật sư Zhang Kai, người đã bị giam giữ kể từ cuối tháng tám, đã bị diễu trên truyền hình quốc gia vào tuần trước với cảnh "thú tội" và thừa nhận "gây rối trật tự xã hội ", "gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia", hay bắt giam trên 300 luật sư nhân quyền. Một luật sư khác là Trịnh Hội cũng đã bị chính quyền Việt Nam không hoan nghênh và cấm nhập cảnh dù rằng luật sư là người có các đóng góp không mệt mỏi cho người Việt khắp nơi, đặc biệt là những người tỵ nạn Việt nam tại Philippines và Thái Lan.
Chính quyền Việt Nam cũng thẳng tay đàn áp tôn giáo. Các nhà thờ Tinh Lành của người dân tộc thiểu số ở Tây nguyên, Tây Bắc hay các Đạo hữu Cao Đài ở miền Nam bị cấm đoán hoạt động vì không có đăng ký, nhà thờ của họ bị đập phá hay bị chính quyền sách nhiễu. Cha xứ cũng bị giam giữ như cha Nguyễn Văn Lý hay bị quản thúc như Hòa thượng Thích Quảng Độ, chùa chiền cũng có nguy cơ bị “xúc” vì các hoạt động ủng hộ dân chủ, nhân quyền như chùa Liên Trì ở quận 2, Sài gòn.
Chính quyền Việt nam có ‘tiến bộ’ hơn người anh em Trung Quốc một chút khi chưa ra lệnh cấm Facebook, nhưng sự kiểm duyệt khắt khe với các ấn phẩm “nhạy cảm” và việc ngăn chặn các trang mạng thông tin nhằm đưa các tiếng nói trung thực đến với người dân Việt nam như các trang BCC, VOA, VNTB cho đến việc đàn áp các nhà bất đồng chính kiến lại hoàn toàn tương đồng với chính sách dập tắt các tiếng nói đối lập của Tập Cận Bình. Mới đây những người tự đứng ra ứng cử vào quốc hội đã đồng loạt bị sách nhiễu trên toàn quốc cũng đã cho thấy chính quyền Việt nam e sợ sự an toàn của Đảng Cộng Sản sẽ bị hoen màu vì những người ngoài Đảng.
Ngay cả trẻ em cũng không an toàn trên đất nước hình chữ S này. Không thể không kể đến các em nhỏ vùng cao thiếu ăn thiếu mặc phải du dây qua sông để đến trường, cho đến các em khi đến lớp phải chịu cảnh ức hiếp của chính những người bạn cùng lớp, bị đánh đập lại còn bị quay phim và phát tán lên Youtube không khác gì việc chính quyền Việt nam đã làm với luật sư Lê Công Định. Một đứa trẻ nổi tiếng đã làm tốn không biết bao nhiêu thời gian của cộng đồng mạng và những người có lương tâm trong nước là em Mai Trung Tuấn. Một đứa trẻ đáng được hưởng một cuộc sống an bình và được cắp sách đến trường như bao đứa trẻ khác, em Mai Trung Tuấn đã phải chịu một án tù hai năm rưỡi. Hai năm rưỡi một quãng thời gian ngắn ngủi trong một đời người nhưng với một đứa trẻ vị thành niên thì đây là một dấu chấm hết cho những ước mơ và niềm tin vào công lý cũng như tính nhân văn của người lớn. Nụ cười tươi của em trước tòa rạng rỡ như nụ cười của bà Võ Thị Thắng năm nào, nhưng nụ cười của em đã làm cho bao người phải nhức nhối vì một hệ thống cai trị ngồi xổm lên pháp luật.
Vâng, cũng như Trung Quốc, ở Việt Nam chẳng có ai an toàn khi mà nhân quyền bị chà đạp thô bạo như thế.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét