Thứ Năm, 3 tháng 3, 2016

ĐCS vẫn muốn duy trì chủ nghĩa Mác Lê Nin


ĐCS vẫn muốn duy trì chủ nghĩa Mác Lê Nin

Đăng bởi Ha Tran on Thứ Sáu, ngày 04 tháng 3 năm 2016 | 4.3.16



Một công an và một dân phòng đứng bảo vệ trước bức tượng Lenin tại công viên bên cạnh đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội vào ngày 18 tháng 5 năm 2014. AFP photo

Đại hội đảng cộng sản Việt Nam lần thứ 12 đã kết thúc với sự ở lại của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, và ra đi của những vị trí chủ chốt khác. Trong năm nay, Việt Nam sẽ có một dàn lãnh đạo mới bao gồm chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội, thủ tướng và các bộ trưởng trong chính phủ. Hiện đã có những thông tin đồn đoán về những người sẽ nắm giữ các chức vụ quan trọng này. Vậy ai là những người có nhiều khả năng nhất nắm giữ các chức vụ quan trọng sắp tới, và liệu những thay đổi này có ý nghĩa thế nào đối với đường lối đối nội, đối ngoại trong 5 năm tới của Việt Nam?

Việt Hà phỏng vấn giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên gia về quan hệ quốc tế thuộc trường đại học George Mason, Hoa Kỳ.

Việt Hà: Thưa ông, đại hội đảng cộng sản VN 12 đã kết thúc, nhìn vào danh sách những ủy viên trung ương đảng và bộ chính trị, ông có thấy điểm gì khác biệt so với đại hội lần trước? liệu điều này có mang đến thay đổi nào đáng kể trong chính sách đối nội và đối ngoại của VN?

Nguyễn Mạnh Hùng: Trong bộ chính trị và nhất là trong Ban Chấp hành TƯ mới số người ủng hộ ông Dũng không nhiều như trước. Tại Đại hội này giải quyết tranh chấp cá nhân và loại ông Dũng quan trọng hơn sự thảo luận về chính sách. Thành phần của bộ chính trị lần này gồm một số người có khuynh hướng giáo điều (TBT Nguyễn Phú Trọng, Thường Trực ban Bí thư kiêm Chủ tịch Hội đồng lý luận TƯ Đinh Thế Huynh, Trưởng ban Tổ chức TƯ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tuyên giáo TƯ Võ Văn Thưởng.). Tương đối nhiều người có gốc công an nắm các chức vụ trọng yếu (Đại tướng Trần Đại Quang, Trung tướng Tô Lâm, ông Phạm Minh Chính), và khá nhiều người có kiến thức hoặc kinh nghiệm quản lý kinh tế (bà Nguyễn Thị Kim Ngân, ông Nguyễn Xuân Phúc, Chủ nhiệm ban kinh tế trung ương Vương Đình Huệ, Thống đốc Ngân hang nhà nước Nguyễn Đức Bình, Bộ trưởng Giao Thông Vận Tải Đinh La Thăng, Phó Thủ Tướng Hoàng Trung Hải.).

Người phụ trách tuyên giáo, ông Võ Văn Thưởng sinh năm 1970 là người trẻ nhất và, nếu cần, có thể trụ trong Bộ chính tri nhiều nhiệm kỳ. Với việc đặt ông Đinh thế Huynh, nguyên trưởng ban tuyên giáo TƯ vào chức vụ Thường trực ban Bí thư với triển vọng kế nghiệp ông Trọng khi ông rút lui trước nhiệm kỳ và đặt một người trẻ tuổi nhất kế nhiệm ông Huynh ở chức vụ trưởng ban tuyên giáo, ông Trọng hay đảng của ông ấy sắp xếp nhân sự để kiên trì chủ nghĩa cộng sản, kiên định con đường Mác Lê nin, duy trì sự độc tôn của đảng, không đi chệch hướng, không bị tự diễn biến.

Việt Hà: Có thông tin cho rằng ông Trọng sẽ chỉ ở khoảng nửa nhiệm kỳ để đảng tìm người thay thế, theo ông, ai là những gương mặt sáng giá cho vị trí này, vì sao?

Nguyễn Mạnh Hùng: Trước đại hội 12 ông Trọng muốn ông Nghị làm tổng Bí thư nhưng ông Nghị không làm được thì người ta thấy là ông Trọng nghiêng về phía ông Đinh Thế Huynh. Ông này mới được đôn lên làm Thường Trực ban Bí Thư, nhân vật thứ hai sau TBT Trọng. Tuy nhiên, nếu muốn gộp hai chức vụ Chủ Tịch nước và TBT đảng thành một để có thể chỉ huy thống nhất và làm dễ dàng thủ tục ngoại giao đồng thời tăng uy thế cho TBT khi tiếp xúc với các nguyên thủ khác, đảng có thể bầu luôn ông Trần Đại Quang vào chức vụ TBT đảng.

Việt Hà: Đại hội đảng đã kết thúc nhưng danh sách của những người đứng đầu chính phủ, nhà nước về mặt chính thức vẫn phải chờ đến khi quốc hội 14 nhóm họp vào giữa năm nay để quyết định. Tuy nhiên đã có những thông tin đồn đoán về những người sẽ nắm các vị trí quan trọng là thủ tướng, phó thủ tướng, chủ tịch nước,… ông có những thông tin gì có thể chia sẻ về những lãnh đạo mới của VN sắp tới?

Nguyễn Mạnh Hùng: Tại hội nghị toàn quốc lần thứ 12 của ĐCSVN, đảng đã quyết định giới thiệu ông Trần Đại Quang làm Chủ tịch nước, bà Nguyễn Thi Kim Ngân làm Chủ tích Quốc Hội, và ông Nguyễn Xuân Phúc làm Thủ tướng chính phủ. QH chỉ làm công việc chính thức hóa quyết định của đảng mà thôi, vấn đề là làm lúc nào. Trên nguyên tắc thì tháng 5 bầu cử quốc hội, tháng 7 quốc hội mới họp thì lúc bấy giờ mới có mấy ông mới. Nhưng ông Obama sang thăm tháng 5, không có gì cấm quốc hội hiện tại họp tín nhiệm mấy ông này. Như vậy khi ông Obama sang thì có dàn lãnh đạo mới để tiếp. Đó là một giải pháp, nếu không thì đến tháng 7 mới làm. Còn đến tháng 7 thì mấy nhân vật này gần như là chắc chắn.



Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng. AFP photo

Việt Hà: Theo ông di sản mà ông Nguyễn Tấn Dũng để lại cho người kế nhiệm là gì, đâu là những thuận lợi và khó khăn cho thủ tướng VN tiếp theo?

Nguyễn Mạnh Hùng: Ông Nguyễn Tấn Dũng là một người quyết đoán và dám làm, nhưng với kỷ luật “cá nhân lãnh đạo, tập thể chỉ huy” ông không có toàn quyền làm những điều ông muốn. Dưới chính quyền của ông Dũng, người ta thấy có mấy điểm đặc biệt sau đây: Về ngoại giao thì khuynh hướng thân Mỹ tăng khuynh hương thân Tàu giảm.

Về kinh tế thì VN đẩy mạnh chính sách hội nhập khu vực và hội nhập quốc tế với một số các thương ước quan trọng, nhưng đồng thời nền kinh tế củng có một số khó khăn: tăng trưởng thấp, lệ thuộc nhập cảng vào TQ tăng nợ công lớn, ngân sách thiếu hụt, các công ty nhà nước không được cải tổ đến nơi đến chốn và hoạt động thiếu hiệu quả.

Về xã hội thì nạn tham nhũng lan tràn làm xói mòn tính chính thống và lòng tin vào chế độ đồng thời là một sức cản cho cải tổ kinh tế. Về chính trị thì người ta thấy sự hình thành và lớn mạnh của các nhóm lợi ích song song với hình thức vận động chính trị qua internet và sự lấp ló của các tổ chức dân sư. Đó là những vấn đề mà chính quyền kế nhiệm sẽ phải đối phó.

Việt Hà: Một số chuyên gia nước ngoài cho rằng một số ủy viên trung ương đảng là những nhà kỹ trị, trong đó có thủ tướng mới, ông có đồng ý với ý kiến này không? Nếu có theo ông điều này mang lại thuận lợi và bất lợi gì cho VN sắp tới?


Nguyễn Mạnh Hùng: Ứng cử viên thủ tướng duy nhất đảng đưa ra là ông Nguyễn Xuân Phúc. Ông này có thể coi là một nhà kỹ trị. Trong Bộ Chính Trị mới người ta thấy một số người hoặc có kiến thức chuyên môn về kinh tế hoặc đã từng có kinh nghiệm thi hành chính sách kinh tế, như bà Nguyễn Thị Kim Ngân, ông Nguyễn Xuân Phúc, Chủ nhiệm ban kinh tế trung ương Vương Đình Huệ, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Đức Bình, Bộ trưởng Giao Thông Vận Tải Đinh La Thăng, Phó Thủ Tướng Hoàng Trung Hải.

Sự hiện diện của các nhà kỹ trị rất cần thiết vì VN đã ký một số thương ước quan trọng với những cam kết cải tổ cụ thể; họ sẽ phải thực hiện các cải tổ kinh tế cần thiết để nền kinh tế VN có khả năng cạnh tranh và lợi dụng được cơ hội do các hiệp ước mở rộng thị trường này mang lại.

Việt Hà: Vai trò của chủ tịch nước từ trước đến nay vẫn rất mờ nhạt, có chuyên gia nước ngoài cho rằng trong cương vị chủ tịch nước, ông Trương Tấn Sang không làm được gì nhiều nhưng ông cũng cho thấy vai trò nhất định của mình trong việc ủng hộ đổi mới doanh nghiệp nhà nước, xích lại gần hơn với Mỹ qua TPP. Theo ông vị chủ tịch nước mới có thể làm được gì để khẳng định vai trò của mình?

Nguyễn Mạnh Hùng: Hiến Pháp VN cho Chủ tịch nước nhiều quyền hành, nhưng ông Sang chọn không thi hành hết các quyền ấy.

Hiến Pháp 2013 giao cho Chủ tịch nước tư cách “đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại,” và quyền đề cử để Quốc Hội bầu và mãn nhiệm các vị trí quan trọng của nhà nước, kể cả Phó chủ tịch nước và Thủ tương.

Chủ tịch nước “thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân,” giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh; quyết định thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tổng tham mưu trưởng; Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội hoặc của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, công bố, bãi bỏ quyết định tuyên bố tình trạng chiến tranh; Căn cứ vào nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, ra lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp; Trong trường hợp Uỷ ban thường vụ Quốc hội không thể họp được, công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương.

Với tư cách nguyên Bộ trưởng CA, ông Trần Đại Quang có căn cứ quyền lực lớn hơn ông Sang và, nếu ông ấy có bản lĩnh, ông có triển vọng đóng vai trò quan trọng hơn so với ông Sang trong chính quyền mới trong khi đó người ta không nghĩ rằng ông Phúc sẽ là một Thủ tướng có nhiều quyền uy như ông Dũng.

Việt Hà: Xin cảm ơn ông.


(RFA)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét