Thứ Năm, 3 tháng 3, 2016
Chạy cả đời
Bùi Đức - Chạy cả đời
Đăng bởi Trung Lập on Thứ Năm, ngày 03 tháng 3 năm 2016 | 3.3.16
Khoảng vài chục năm nay, động từ “chạy” ở nước ta có thêm một nghĩa mới. Khái niệm ấy ra đời rất tự nhiên từ thực tiễn cuộc sống và nghiễm nhiên tồn tại. Nó mô tả việc chạy chọt, lo lót để giải quyết một công việc gì đó cho một người hoặc một tập thể.
Cũng từ thực tiễn, người ta rút ra một điều: Cả cuộc đời người, ai cũng có lúc “chạy việt dã” và “chạy” từ khi còn nằm trong bụng mẹ. Đến lúc sắp chết còn phải lo chạy một vị trí đẹp trong nghĩa trang. Thật là cười ra nước mắt!
Người mẹ bắt đầu có thai đã phải chạy lo nơi thăm khám thai nhi định kỳ. Rồi lo tìm nơi sinh đẻ phù hợp, có độ tin cậy cao để được mẹ tròn con vuông. Thế là thai nhi cũng phải chạy cùng mẹ rồi. Khi con học mẫu giáo thì lo chạy vào trường lớp nào có chế độ chăm sóc tốt. Rồi tiếp đến là lo vào học lớp 1. Mà chuyện xin vào học lớp 1 lâu nay đã trở thành chủ đề sôi động đối với các phụ huynh. Người ta ví việc xin vào học lớp 1 còn khó hơn đi học đại học. Khó mà tìm thấy ở quốc gia nào lại có chuyện phụ huynh xếp hàng thâu đêm ở cổng trường PTCS để chầu trực xin cho con vào lớp 1. Khó đến thế nên lại phải “chạy”. Và cái giá cho công việc được vào trường điểm cũng không hề nhỏ, mọi người vẫn rỉ tai nhau chạy hết số tiền hàng chục triệu. Lên đến bậc PTTH tiếp tục chạy; vào đại học cũng chạy. Rồi tốt nghiệp đại học mới càng gian nan. Bởi mỗi năm, có hàng vạn cử nhân ra trường đều thất nghiệp. Vậy muốn có việc làm thì phải chạy.
Những năm gần đây, rất nhiều con em nhân dân lao động xin thi vào các trường quân đội và công an. Có hai lý do chính: một là vào những trường đó, gia đình đỡ phải lo nuôi con ăn học mấy năm trời, nghĩa là “cơm ăn ba bữa, quần áo mặc cả ngày” do nhà nước bao cấp, lại sống ở môi trường có kỷ luật hơn; hai là khi ra trường cũng đỡ vất vả xin việc bởi được phân công công tác ngay. Nhưng rồi cũng chính sự ưu việt đó mà chuyện thi cử vào các trường của lực lượng vũ trang ngày khó khăn hơn, điểm tuyển chọn cao hơn. Vậy là lại nảy sinh việc chạy.
Đấy là cái sự chạy đầu đời của mỗi con người. Còn khi đã trưởng thành rồi, bao nhiêu việc khác phải chạy. Thời bao cấp trở về trước cũng đã có chuyện chạy. Trả ơn thời ấy thường chỉ là món quà nhỏ, chẳng hạn chục cân gạo nếp, gạo tám, đôi gà. Nhưng đến thời mở cửa, hội nhập thì có nhiều việc phải chạy và cái giá chạy cũng tăng nhanh. Cơ chế “phong bì” bắt đầu xuất hiện. Giá của sự chạy được tính bằng “cây”, bằng “chỉ” (vàng) và dần dần được quy ra “đô” (USD). Nói chuyện với nhau hoặc ra giá với nhau, người ta dùng từ “vé” (100 USD). Rất tự nhiên, mọi người tự giác chấp nhận việc này, việc kia hết bao nhiêu “vé”. Khi làm việc gì khó khăn, người ta lại hỏi nhau: “Thế đã chạy chưa?”.
Đất nước đổi mới, phát triển nhanh, tạo ra nhiều cơ hội và việc làm thì cũng đồng thời phát sinh nhiều tiêu cực. Những quan chức nắm giữ quyền hành ở mọi lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực nhạy cảm, dễ kiếm tiền đã hình thành một tư duy cửa quyền khi giải quyết công việc. Có thể là người tài, có năng lực thật sự nhưng nếu không có tiền chạy chọt thì vẫn thất nghiệp như thường. Chính vì thế, khi phụ huynh cho con vào đại học thì đã bắt đầu phải lo tích lũy lấy một khoản tiền để khi con ra trường còn lo “chạy”.
Tuy nhiên, xung quanh việc chạy cũng có nhiều chuyện đau lòng. Nhiều người tiền mất tật mang bởi chạy không đúng “cửa” hoặc bị bọn cò mồi lừa đảo. Ở nhiều lĩnh vực, con ông cháu cha đã được sắp xếp ghế ngồi từ trước rồi nhưng cò mồi vẫn chỉ điểm cho người chạy lao vào. Ngay cả những nơi tổ chức thi tuyển, tưởng chừng như công minh chính đại nhưng danh sách được tuyển chọn cuối cùng vẫn là con cháu của quan chức. Thế là tiền mất, tật mang. Thế là phải đi kiện cáo. Năm nào cả nước cũng có hàng vạn vụ kiện về lừa đảo, chiếm đoạt tiền chạy chọt xin việc,chạy án và xin dự án. Có cầu ắt có cung. Bây giờ đi đến bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì đều dễ dàng bắt gặp đội ngũ “cò” môi giới và “cò chạy”. Đơn giản như đi đăng ký ô tô, xe máy hay đổi giấy phép lái xe, thông thường phải mất vài ngày thì dùng tiền thuê “cò” chỉ mất vài giờ là xong việc. Vì nhiều người muốn thế nên “cò” cũng tồn tại và phát triển nhờ thế.
Ngoài chạy việc còn phát sinh vô số việc chạy khác mà ở cấp lãnh đạo cao nhất của đảng, nhà nước ta đã từng chỉ ra. Đó là nạn chạy chức, chạy quyền, chạy án và dự án. Có việc làm ổn định rồi thì lại lo chạy chức. Bởi chức tước càng cao thì quyền càng lớn và bổng lộc càng nhiều. Vậy thì với tư tưởng vụ lợi, tham nhũng, muốn vơ vét cho đầy túi tham thì làm gì các quan tham không chạy để nhanh chóng lên chức tước cao hơn! Chạy đồng hành cùng hối lộ, tham nhũng.
Chạy dự án và chạy xin bổ sung ngân sách nhà nước cũng trở thành phổ biến. Từ mấy chục năm nay, nhiều cơ quan, đơn vị ở các tỉnh, thành phố đã cử hẳn một số cán bộ lên thủ đô nằm vùng. Họ như những cán bộ biệt phái, thường trực ở gần trung ương và các bộ ngành, chuyên lo quan hệ để xin dự án hoặc xin ngân sách. Mặc dù tiền dự án hoặc số tiền ngân sách bổ sung mang về đến địa phương chỉ còn một nửa do phải “lại quả”, “bôi trơn” thì quan niệm có còn hơn không vẫn là động lực để chạy.
Cơ chế xin - cho đã hình thành từ lâu, tư duy muốn rút tiền từ ngân sách đã phát sinh ra một kênh chạy chọt. Vậy mới có chuyện nực cười là trong khi cả nước phấn đấu xóa đói, giảm nghèo thì lại có địa phương cứ lo chạy để được công nhận là xã nghèo, huyện nghèo. Bởi nghèo thì sẽ được đầu tư dự án xây dựng hạ tầng, quan chức có ăn; dân được trợ giá, trợ cước những mặt hàng thiết yếu. Đấy là tư tưởng ỷ lại, trông chờ, rất bất lợi trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước!
Khi chạy trở thành căn bệnh nan y thì dư luận bức xúc, đảng, nhà nước và chính phủ đã nhiều lần cảnh báo nhưng do thủ đoạn chạy ngày càng tinh vi, kín đáo và kết thành đường dây nên càng khó phát hiện và xử lý. Chẳng lẽ bó tay, bất lực? Gần đây đã có những vụ án, đưa ra ánh sáng những đường dây chạy, thuộc nhiều lĩnh vực. Từ quan chức cấp cao đến dân thường đều dính vào vòng lao lý và phải thụ án. Có một số cơ quan, ban ngành tổ chức thi tuyển công chức ở cấp lãnh đạo nhưng kết quả thi tuyển bị tố cáo gian lận do quan hệ và chạy tiền nên đã bị cấp trên hủy kết quả và đưa ra kiểm điểm. Rồi một số vụ chạy chức, chạy quyền gây hậu quả nghiêm trọng đã bị pháp luật xử lý. Nhưng số những vụ án với số người vi phạm bị phát hiện ấy còn quá ít nên chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn.
Còn phải chạy chọt thì dân còn khổ và nhà nước phải chịu gánh nặng bởi những công chức bất tài, thiếu năng lực “ngồi nhầm ghế”. Những kẻ phạm tội nặng trở thành nhẹ hoặc vô can vì có tiền chạy án. Những dự án bất khả thi vẫn được phê duyệt để “đốt” tiền…Chính cán bộ, công chức nhà nước là những người “đầu têu”, trực tiếp tham gia vào những đường dây chạy nên cần phải xử lý trước. Chẳng lẽ cứ để dân ta mãi mãi phải chạy cả cuộc đời à? Chẳng lẽ để quan tham cũng chạy để vơ vét mãi sao?
Bùi Đức (Tác giả gửi BVB)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét