Thứ Hai, 15 tháng 2, 2016

Sau Giáo sư Nguyễn Đình Cống bỏ đảng, ‘Nhóm 61’ còn chờ đến bao giờ?


Sau Giáo sư Nguyễn Đình Cống bỏ đảng, ‘Nhóm 61’ còn chờ đến bao giờ?

Đăng bởi Ha Tran on Thứ Hai, ngày 15 tháng 2 năm 2016 | 15.2.16


Gần hai tuần sau khi Giáo sư Nguyễn Đình Cống – một người đã kiên nhẫn đến tận cùng trong phong trào đòi bỏ chủ nghĩa Mác - Lê và “không biết đến cuối thế kỷ này có được chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay không” – chính thức tuyên bố ra khỏi đảng Cộng sản vào ngày 3/2/2016, vẫn không một nhân sĩ trí thức nào trong nhóm “phản biện trung thành” bước tiếp ông.


Trong ảnh này có một số gương mặt đại diện cho “Nhóm 61”. Hình Internet.


Từ trước đại hội 12 của đảng cầm quyền ở Việt Nam, một số trí thức trong “Nhóm 61” (nhóm thường xuyên có thư kiến nghị với Bộ chính trị, Ban bí thư và Ban chấp hành trung ương về cải cách thể chế) đã từng thổ lộ ý định sẽ tuyên bố ra khỏi đảng nếu nhiệm kỳ khóa XII còn lưu giữ ông Nguyễn Phú Trọng và đảng Cộng sản Việtt Nam không thay đổi. Sự thể trần trụi là sau đại hội 12, không những ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục tái nhiệm tổng bí thư mà đường lối “đi lên chủ nghĩa xã hội” vẫn nguyên vẹn trong Báo cáo chính trị của đại hội này.


Vào năm 2015, sau khi có Kiến nghị 61, đã có vài cuộc họp quan trọng của các thành viên nhóm này với thái độ sẽ dứt khoát bỏ đảng. Tuy nhiên kết quả những cuộc họp này lại bị bỏ lửng vì “không đủ đa số”.


Thông tin mới nhất sau đại hội 12 cho biết sẽ có một làn sóng bỏ đảng trong “Nhóm 61” với điều kiện tập hợp đủ 25-30 người.


Tuy nhiên dư luận đang tỏ ra rất hoài nghi vào quyết tâm của “Nhóm 61”: nếu không có đủ cơ số vài chục người, chẳng lẽ không một cá nhân trí thức nào dám tuyên bố từ bỏ đảng Cộng sản như trường hợp Giáo sư Nguyễn Đình Cống? Chẳng lẽ việc từ bỏ đảng không xuất phát từ tâm nguyện và bản lĩnh cá nhân mà lại phụ thuộc vào tâm lý đám đông? Cuối cùng, những trí thức được tiếng giương cao ngọn cờ dân chủ nhưng lại đấu tranh theo một đường hướng có vẻ “cải lương” như vậy sẽ làm sao thuyết phục được các đảng viên khác và quần chúng đi theo, làm theo mình?


Cần nhắc lại, hiện tượng công khai bỏ đảng đã diễn ra từ một số năm trước. 2013 là năm có số bỏ đảng công khai nhiều nhất khi 3 đảng viên đồng loạt bỏ đảng và công khai ra tuyên bố là các ông Lê Hiếu Đằng, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Đắc Diên.


Cũng trong những năm qua, hiện tượng thoái đảng (âm thầm không sinh hoạt đảng, về hưu không nộp hồ sơ đảng viên cho chi bộ địa phương, không đóng đảng phí..) đã diễn ra khá rộng. Có con số thống kê cho biết có đến 40% đảng viên về hưu thoái đảng.


Tuy nhiên cho đến nay, làn sóng bỏ đảng vẫn chỉ là một đốm sáng nhỏ nhoi trong số 4.5 triệu đảng viên. Rất nhiều đảng viên, trong khi sẵn lòng “xả xúpáp” trong các cuộc nhậu hoặc gặp gỡ ngoài lề về hiện tình thổn thức của xã hội và về nạn tham nhũng “ăn của dân chẳng chừa thứ gì”, thì lại vẫn im như thóc trong các cuộc họp chi bộ và cấp ủy.


Thực trạng nín lặng trên cho thấy “dân trí đảng” vẫn chưa nâng tầm được bao nhiêu. Trên hết vẫn là tâm lý sợ hãi bị ảnh hưởng tiêu cực đến cá nhân mình (như sổ hưu, chức vụ), hay đến người thân của mình. Chính quyền lại khá giỏi giang trong những thủ đoạn chế tài như vậy.


Hãy chờ đợi xem “những người tiên phong” Nhóm 61 sẽ ứng xử với “trách nhiệm đảng viên” ra sao trong thời gian tới.


Hay họ sẽ quay sang ủng hộ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng theo tư biện “chọn cái đỡ tệ hơn trong những cái tệ”, như một số người trong nhóm này đã từng kỳ vọng và quan niệm tương tự vào Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng?
Lê Dung

(SBTN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét