Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2016
Thư đầu năm của Ðại Sứ Ted Osius gởi độc giả Người Việt
Thư đầu năm của Ðại Sứ Ted Osius gởi độc giả Người Việt
Đăng bởi Trung Lập on Chủ Nhật, ngày 21 tháng 2 năm 2016 | 21.2.16
LTS - Ðương kim Ðại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, Ted Osius, viết thư đầu năm dưới đây, chúc Tết độc giả Người Việt, đồng thời nhìn lại 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ. Ông Osius đảm nhiệm chức vụ đại sứ tại Việt Nam từ năm 2014 nhưng đã đến Việt Nam từ nhiều năm trước đó. Ông từng có dịp làm việc tại Hà Nội và Sài Gòn ngay sau năm 1995, khi hai quốc gia bình thường hóa quan hệ. Trong thư này, ông Osius điểm lại quan hệ giữa hai quốc gia trong 20 năm qua, đồng thời đề cập đến một vấn đề quan trọng, mang tính biểu tượng của Việt Nam Cộng Hòa, là Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa. Xin giới thiệu đến quý độc giả nguyên văn Việt ngữ của lá thư.
Ðại Sứ Ted Osius. (Hình: Trang Facebook của Ðại Sứ Osius)
Chúc Mừng Năm Mới! Tôi rất vinh dự được chúc tất cả độc giả nhật báo Người Việt và gia đình một năm mới tràn đầy sức khỏe, thịnh vượng và thành công.
Tết là dịp hoàn hảo để ta tạm dừng chân, suy ngẫm về quá khứ và hướng đến tương lai. Trên tinh thần đó, tôi nghĩ việc nhìn lại quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam là một điều có ích. Hai quốc gia đang xây dựng một quan hệ vững mạnh hơn mà tôi tin sẽ đem lại lợi ích cho tất cả chúng ta, người Việt cũng như người Mỹ. Trong nỗ lực này, cộng đồng người Mỹ gốc Việt có thể đóng một vai trò quan trọng.
Trước hết là một vài con số về quan hệ song phương từ trước tới nay cũng như hy vọng cho tương lai. Chính phủ hai nước chúng ta đã hòa giải vào năm 1995 sau nhiều năm đàm phán. Tôi có dịp làm việc tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh ngay sau đó. Tôi còn nhớ kim ngạch thương mại giữa hai nước ở thời điểm đó rất thấp, chưa đầy 500 triệu USD một năm. Số lượng bạn trẻ Việt Nam theo học tại các trường đại học Hoa Kỳ chỉ chiếm vài trăm. Quan hệ giữa nhân dân hai nước bị gián đoạn quá lâu nên hai chính phủ hầu như không hiểu gì về nhau. Các nỗ lực giải quyết vấn đề tù binh chiến tranh (POW) và người Mỹ mất tích trong chiến tranh (MIA) vẫn diễn ra và góp phần xây dựng lòng tin, nhưng hết sức khó khăn.
Kể từ khi trở lại đây hơn một năm về trước, tôi rất ngạc nhiên khi thấy Việt Nam đã thay đổi và phát triển như thế nào. Hoa Kỳ hiện nay đã trở thành thị trường xuất khẩu số một của Việt Nam. Thương mại song phương đã đạt gần 40 tỉ USD. Các nhà khoa học của chúng ta đang sát cánh cùng nhau để giải quyết các vấn đề y tế và biến đổi khí hậu toàn cầu. Quân đội hai nước đang hợp tác về gìn giữ hòa bình, an ninh biển cũng như đối phó với thiên tai. Năm 2015, gần 19,000 du học sinh Việt Nam theo học tại Hoa Kỳ, đứng đầu các nước Ðông Nam Á. Việt Nam ngày nay có rất nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, xem Hoa Kỳ như một hình mẫu về kinh tế và văn hóa. Họ mong muốn quan hệ hai nước trở nên gần gũi hơn nữa.
Chúng tôi đang tìm cách phát huy những thành tựu này. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những thách thức, trong đó có đòi hỏi nâng cao minh bạch và xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam, việc thực thi quyền con người cần được Hiến Pháp Việt Nam đảm bảo và nạn tham nhũng phải được giải quyết tận gốc. Chúng tôi làm việc mỗi ngày để các nhà lãnh đạo Việt Nam thấy rằng việc trực tiếp giải quyết những vấn đề này chính là vì lợi ích của đất nước. Và chúng tôi đề nghị được hỗ trợ Việt Nam thực hiện điều đó.
Một thách thức vô cùng quan trọng khác là giải quyết những vấn đề tồn tại của quá khứ. Ðiều này có thể hết sức khó khăn bởi với nhiều người đây là một vấn đề vừa mang tính cá nhân vừa mang tính quốc gia, một vấn đề đã ăn sâu bén rễ trong hàng thập kỷ của lịch sử. Với nhiều người Mỹ, giải quyết vấn đề này có nghĩa là tôn vinh sự hy sinh của người thân. Với những người khác, đó là sự hàn gắn những vết thương vẫn còn âm ỉ, cả về thể xác lẫn tinh thần. Nhiều người đang sẵn sàng đóng góp vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam nhưng lại cảm thấy không được chào đón vì những điều kiện khiến việc đầu tư, sinh sống và làm việc tại Việt Nam trở nên khó khăn, đặc biệt với người Mỹ gốc Việt.
Tôi chưa bao giờ cảm thấy gánh nặng này của lịch sử một cách sâu sắc như khi tôi đi thăm nghĩa trang Biên Hòa tháng 10 năm ngoái để tưởng nhớ những người lính Việt Nam Cộng Hòa đang nằm lại đó. Tôi thắp hương ở đài tưởng niệm và nhìn những nấm mồ trải dài trước mắt, một vài trong số đó bị hư hỏng nặng. Chúng tôi nhận thấy tầm quan trọng của việc nhiều người Mỹ muốn xin giấy phép được cải tạo nghĩa trang và quy tập về đây hài cốt của những người lính Việt Nam Cộng Hòa đã được chôn cất ở những nơi khác. Chúng tôi sẽ hỗ trợ các nỗ lực thảo luận với chính quyền Việt Nam về những vấn đề này.
Chính phủ Mỹ không thể giải quyết từng vấn đề của quá khứ và chữa lành từng vết thương. Tuy nhiên, chúng tôi có thể khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho đối thoại nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau. Với tư cách là đại sứ, tôi cam kết sẽ làm điều đó. Tôi tin rằng bằng cách đối thoại song song với các nỗ lực thuyết phục Việt Nam nâng cao minh bạch, hội nhập quốc tế và đảm bảo các quyền con người cơ bản, chúng tôi có thể chỉ ra lợi ích cho tất cả các bên. Khi đẩy mạnh giao lưu nhân dân, chúng ta xây dựng nên các cây cầu kết nối hai đất nước, tạo điều kiện thuận lợi để hai bên hợp tác trên mọi lĩnh vực, từ kinh doanh đến nghệ thuật, từ y tế đến hợp tác quân sự.
Mục tiêu của Mỹ trong quan hệ với Việt Nam rất rõ ràng và nhất quán: Chúng tôi ủng hộ một nước Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng và độc lập, tôn trọng pháp quyền và quyền con người. Quan hệ ngày càng bền chặt giữa nhân dân hai nước sẽ đẩy nhanh tiến trình đạt được mục tiêu trên và mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia. Tôi hy vọng rằng trong dịp Tết năm sau, chúng ta sẽ cùng nhìn lại để thấy rằng chúng ta đã cùng nhau đạt được nhiều tiến bộ, đã vượt qua những thách thức, đã tiến lại gần nhau hơn, và nhìn nhận quá khứ với ánh mắt hướng tới tương lai.
(Người Việt)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét