Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2016

Dự án gián đệp.


Người Buôn Gió - Dự án gián đệp.

Đăng bởi Ha Tran on Thứ Bảy, ngày 20 tháng 2 năm 2016 | 20.2.16


Đầu năm 2016 theo tin từ báo chí, Việt Nam khởi công hai dự án lớn. Dự án thứ nhất là khu du lịch tâm linh ở Hồ Núi Cốc tỉnh Thái Nguyên, với mức đầu tư khoảng 700 triệu usd.


Dự án thứ hai là xây tháp truyền hình cao nhất thế giới tại Hà Nội với mức đầu tư là 1,5 tỷ usd.


Điểm chung của hai dự án này đều là những dự án phục vụ mục đích văn hoá tinh thần.


Dự án Hồ Núi Cốc được chia làm hai giai đoạn, giai đoạn 1 sẽ hoàn thành vào năm 2019 đưa vào sử dụng năm 2020. Giai đoạn 2 của dự án này có thể triển khai tiếp tục từ năm 2020 đến năm 2035.



Dự án tháp truyền hình cao nhất thế giới được dự định hoàn thành vào năm 2021.



Điểm chung thứ hai nữa ở hai dự án này đều kết thúc phần quan trọng nhất trong vòng 5 đến 6 năm.


Hai dự án này còn có điểm chung là hai đại gia đầu tư dự án đều người miền Bắc và dự án được xây dựng tại miền Bắc.


Sau đại hội đảng 12 , những người miền Bắc chiếm đại đa số trong Bộ Chính Trị và trung ương ĐCSVN. Liệu hai dự án này liệu có liên quan gì đến tình hình thay đổi nhân sự của ĐCSVN vừa qua.?


Dự án Hồ Núi Cốc được đích thân uỷ viên bộ chính trị Trần Đại Quang, người dự kiến sẽ là chủ tịch nước tới đây đến làm lễ động thổ. Bí thư tỉnh uỷ Thái Nguyên là ông Trần Quốc Tỏ, em trai của tướng Trần Đại Quang, tập đoàn đầu tư xây dưng Xuân Trường ở Ninh Bình. Quê hương của hai anh em Trần Đại Quang.


Dự án tháp truyền hình thì những nhân sự liên quan phức tạp hơn, chủ đầu tư là bà Nguyễn Thị Nga, một người Hà Nội hiện đứng đầu tập đoàn BGR. Những quan chức liên quan đến dự án này là hai uỷ viên trung ương Trần Binh Minh, Nguyễn Văn Nên. Nhưng đằng sau giật dây hai vị uỷ viên trung ương này là Nguyễn Phú Trọng, Đinh Thế Huynh.


Cả hai dự án đều thể hiện tính cách của các uỷ viên Bộ Chính Trị trên. Nếu như Trần Đại Quang sùng bái mê tín, cúng tượng khắp các chùa lớn trong đất nước, đi sang tận Nepan để cầu cúng danh vọng nên xây khu du lịch tâm linh Hồ Núi Cốc. Thì Nguyễn Phú Trọng, Đinh Thế Huynh, Trần Bình Minh, Nguyễn Văn Nên chuyên nghề tuyên giáo tuyên truyền lại xây tháp truyền hình để thoả mãn bản tính của mình.


Các dự án không hề có tính thiết thực cho đất nước vào thời điểm hiện nay, đất nước đang còn lạc hậu về kỹ thuật công nghiệp sản xuất. Rất cần những đồng tiền để đầu tư phát triển kỹ thuật công nghệ sản xuất, tạo ra hàng hoá hữu ích phục vụ nhân dân. Trong lúc môi trường, giáo dục, y tế, giao thông là những vấn đề cấp bách gây thiệt hại đến đời sống người dân hàng ngày.


Những dự án siêu khủng về tâm linh, tuyên truyền như trên liệu có cần thiết.


Cho dù những đồng tiền đó là của tư nhân bỏ ra đầu tư, nhưng ở phương diện quản lý nhà nước, đồng tiền cần phải định hướng đầu tư vào những việc có ích thiết thực cho xã hội. Đó là chưa kể ông Trần Binh Minh tổng giám đốc đài truyền hình còn tuyên bố vay tiền của nước ngoài thêm để xây tháp. Ông Minh biện bạch rằng trên thế giới ở thành phố nào có tháp truyền hình nơi đó sẽ phát triển kinh tế làm đầu tàu. Thật ấu trĩ, ở Đức đầu tầu kinh tế không nằm ở Berlin nơi có tháp truyền hình cao ngất ngưởng, mà đầu tàu kinh tế Đức nằm ở Muenchen, Stugat, Frankfurt.


Tình trạng nợ công của đất nước rất cao, hàng năm phải trả nợ lãi rất lớn. Việc vay mượn bên ngoài đã đến giới hạn báo động. Mấy năm gần đây không còn nguồn vay nào, chính phủ phải bán trái phiếu ngắn hạn lãi suất cao để trang trải các món nợ trước đó. Cộng thêm tình hình sắp gia nhâp TPP rất cần đầu tư công xưởng, máy móc để gia công hàng hoá. Mỗi đồng vốn lúc này bất kể của ai đều quý hiếm như những viên đạn của những người thợ săn. Đã bắn ra phải trúng đích.


Hạn ngạch vay của một quốc gia không thể vô hạn mà có thể vay tuỳ tiện. Nếu đi vay xây tháp truyền hình chiếm mất phần vay của những dự án khác có mục đích phát triển kinh tế thì đó là sự phá hoại. Chẳng hạn nơi nào đó cần vay tiền để mở khu công nghiệp gia công hàng hoá phục vụ hiệp định kinh tế thương mại, nhưng việc vay mượn trở nên khó khăn hoặc phải chịu lãi suất cao vì hạn ngạch vay đã hết. Đã bị nhường chỗ cho những dự án vô bổ như tháp truyền hình cao nhất, khu du lịch tâm linh hoành tráng nhất. Như thế có phải là phá hoại không.?


Phải chăng những uỷ viên Bộ Chính Trị đứng đằng sau hai dự án trên chỉ có mục đích là thoả mãn cá tính của mình, thoả mãn lợi ích phe nhóm của mình. Hay họ còn mục đích sâu xa hơn là hướng những nguồn vốn quý báu, lẽ ra phải phục vụ vào chỗ có ích tăng tiềm lực đất nước,chảy vào những nơi vô ích. Khiến nội lực đất nước suy giảm đi theo yêu cầu của ngoai bang nào đó, một nước ngoại bang không muốn Việt Nam phát triển mạnh mẽ về kinh tế, khoa học, công nghệ.




Những năm gần đây Việt Nam đã có những dự án kinh tế bị phá sản như khu công nghiệp Dung Quất, Vinashin, Bô Xít Tây Nguyên. Hậu quả của nó rất nặng nề, những đồng tiền vốn đã bị mất đi một cách đau đớn, để lại hậu quả đến giờ không khắc phục được. Thiết tưởng cơ chế lãnh đạo mới của đảng CSVN khoá 12 phải tỉnh ngộ và chắt chiu đồng vốn, chắt chiu nguồn lực nội địa để dùng vào những dự án có ích để phục hồi sức mạnh quốc gia. Đó mới chính là cách bảo vệ chủ quyền như Đảng cộng sản VN tuyên bố. Còn việc triển khai những dự án này, chính là đang làm quốc gia suy yếu đi, tiếp tay cho bọn ngoai bang thôn tính chủ quyền đất nước.


Gọi một tên khác, thì việc thực hiện những dự án như thế, vào lúc này là việc làm gián điệp cho ngoại bang. Một dã tâm nham hiểm phối hợp với ngoại bang để khiến đất nước suy yếu, giúp cho ngoại bang dễ dàng khống chế đất nước. Một hành động tiếp tay cho giặc.


Bán nước, tiếp tay cho giặc có nhiều hình thức. Nhưng hình thức tinh vi hơn cả là hình thức sử dụng sức mạnh quốc gia, dân tộc vào những thứ vô bổ như hai dự án trên. Phải chăng ngoài mục đích thoả mãn cá nhân, kiếm chác phần trăm dự án, nuôi các thế lực sân sau ra. Các uỷ viên Bộ Chính Trị, uỷ viên trung ương như Trần Đại Quang, Nguyễn Phú Trọng, Đinh Thế Huynh, Trần Quốc Tỏ, Trần Bình Minh, Nguyễn Văn Nên....là những tên gián điệp của Trung Quốc đang thực hiện mục tiêu của đàn anh là phá hoại đất nước này.


Đã đến lúc phải nhìn nhận góc độ những dự án kiểu trên theo một góc nhìn như vậy. Nhưng điều hiển nhiên khi các dự án này khởi công, chúng ta có thể thấy tầm cỡ của những uỷ viên Bộ Chính Trị khoá 12 này đáng thất vọng. Trong bối cảnh đất nước như hiện nay, không một người có lương tri, hiểu biết nào lại tiếp tay cho những dự án như thế. Trừ khi là làm gián điệp phá hoại, trừ khi là tham lam vật chất mù quáng ra còn lại là ngu dốt, háo danh, độc đoán.


Nếu bộ sậu lãnh đạo đất nước như vậy, sẽ còn nhiều đau thương cho dân tộc Việt Nam.


(Người Buôn Gió Blog)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét