Thứ Hai, 29 tháng 2, 2016

Có thể hiểu “dân chủ thế nầy” như thế nào?


Hồ Văn Ngự - Có thể hiểu “dân chủ thế nầy” như thế nào?

Đăng bởi Trung Lập on Thứ Ba, ngày 01 tháng 3 năm 2016 | 1.3.16


Chúng ta đã chứng kiến những dự án, những công trình “nhà nước và nhân dân cùng làm” thành công tốt đẹp như thế nào, gìờ đây lại xuất hiện một hình thái chính trị xã hội tương tự “đảng và nhân dân cùng làm”, đó là phong trào ứng cử đại biểu quốc hội 2016, hy vọng nó cũng tốt đẹp không kém.



Ảnh minh họa

Sống ở Việt Nam, hầu hết mọi người ngoài những kiến thức phổ thông, cần thiết phải có thêm những cái “tự hiểu” rất mực nhạy cảm, chẳng hạn: “công dân có quyền làm những việc mà pháp luật không cấm”, cùng với đó là: “người ta được quyền làm những việc mà đảng không cấm”.


Hiện nay có nhiều tổ chức xã hội dân sự được thành lập ở Việt Nam, tồn tại trên danh nghĩa và hoạt động trên không gian mạng là chủ yếu. Chính quyền đang cầm trịch trong tình trạng: không cấm nhưng cũng chẳng công nhận, miễn sao nước sông không xâm phạm nước giếng. Thế nhưng bây giờ tình hình đã có chuyển biến, liệu rằng đây có phải là thời mở cửa chính trị sau tuyên bố của TBT Nguyễn Phú Trọng: “dân chủ thế nầy là cùng, không thể dân chủ hơn”.


Ngoài chuyện người dân có thể làm những việc mà đảng không cấm, bầu cử và ứng cử là quyền công dân đã được hiến định. Như vậy khi công dân tham dự vào các sinh hoạt của hệ thống chính trị, như ứng cử vào quốc hội, đã nghiễm nhiên trở thành chính trị gia, được pháp luật bảo vệ, bất luận kết quả như thế nào. Cũng vậy, khi các tổ chức đưa những người của mình ra ứng cử thì càng củng cố tư cách pháp nhân chính trị, tổ chức có thể đường đường chính chính mở trụ sở, văn phòng, và tiến hành các hoạt động bình thường trong khuôn khổ pháp luật. Đúng vậy, đây là vấn đề nhạy cảm đến độ phải nhạy bén nắm bắt thời cơ!


Tuy hệ thống chính trị hiện hành là sân chơi độc quyền dành cho những người có thẻ đảng, một phần rất nhỏ của 90 triệu người dân Việt Nam, chỉ được chia cho khoảng 10% số ghế trong Quốc hội. Nhưng đó cũng chỉ là trên lý thuyết, và do vậy, các nhà chính trị dân chủ đành phải bắt đầu từ xuất phát điểm nầy thôi. Ơn giời, ơn bác (cả), ơn đảng mới có cơ hội nầy đấy. Được thì làm Nghị, không được thì phản biện, đối lập, khối việc để làm. Bất cứ nhà nước nào cũng phải có đối trọng để tránh tình trạng độc đoán, mất quân bình, cực đoan. Như vậy ĐCS chẳng phải là nhóm lợi ích, mà còn là lợi ích nhóm hàng đầu, điển hình, mẹ đẻ ra mọi thứ lợi ích nhóm hiện hành hay sao?


Tóm lại, đảng cộng sản có thể sẽ lo ngại về sự lớn mạnh của trào lưu dân chủ, nhưng điều đó là thừa, bởi vì cái gì nếu được lòng dân thì nó sẽ tồn tại, bằng không sẽ tự tan rã. Nếu đảng chịu khó nhín một chút xíu thị phần, bù lại sẽ xóa được tiếng xấu “đảng cử dân bầu”, làm giảm đi bầu khí căng thẳng, lúc nào cũng đấu tranh, đấu đá, “cảnh giác không để bị động bất ngờ”… học cách hành xử văn minh và nhân bản trong các mối quan hệ xã hội giữa người với người. Chỉ cần đi đúng đường sẽ sớm đến đích, xã hội hài hòa càng tiến bộ nhanh.


Với tư cách là một cử tri, đọc qua cương lĩnh tranh cử của các ứng viên độc lập, thấy đó là chương trình hành động vừa cụ thể vừa thiết thực, vừa phát triển, bảo vệ lợi ich cá nhân, quốc gia, xã hội… Rất tốt đáng được quan tâm, ủng hộ. Vì sao trong bao nhiêu kỳ bầu cử QH chẳng thấy có ứng viên nào được “đảng cử, dân bầu”, có một cương lĩnh tốt như thế nầy? Đối với các đảng viên cộng sản mà nói thì cấp dưới tuyệt đối phục tùng cấp trên, họ được ví như những con robot được lập trình: hành động theo lãnh đạo, nói năng suy nghĩ như lãnh đạo, tư duy của họ là tư duy theo khuôn mẫu, tư duy khẩu hiệu, hỏi sao xứ ta lại lạm phát khẩu hiệu đến thế. Còn tư duy của lãnh đạo là tư duy lợi ích của nhóm (đảng), tư duy ích kỷ không chịu san sẻ cho ai, mặc dầu đó là lẽ công bằng. Thế thì làm sao ích nước lợi dân được?!


Thủ tướng Lý Quang Diệu có tốt không? Có thể có những nhà độc tài tốt, có thể có những đảng độc tài tốt. Có thể, nhưng xác suất vô cùng thấp. Chắc chắn không phải cách hay khi chọn lãnh đạo độc tài, rồi ngồi đó cầu mong họ tốt và không làm gì được. Ưu điểm chế độ dân chủ nằm ở tính đa năng của nó: đồng thời vừa chọn lựa, vừa loại bỏ. Nhờ đó đất nước luôn ở trong tình trạng tốt nhất có thể.


Hồ Văn Ngự

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét